Bác sĩ viết đơn thuốc cẩu thả khiến bệnh nhân ngộ độc do uống quá liều
Nhiều tai nạn y tế đã xảy ra tại quốc gia tỷ dân khi không ít bệnh nhân hiểu sai nét chữ của bác sĩ dẫn đến uống nhầm thuốc.
Ở Trung Quốc, các bác sĩ phải khám cho rất nhiều bệnh nhân mỗi ngày, có thể lên tới cả trăm người. Việc hoàn tất hồ sơ bệnh án tốn thời gian khiến họ viết nhanh, thậm chí sử dụng một số ký hiệu chuyên môn mà chỉ người trong ngành mới có thể hiểu được.
Tư tưởng phổ biến là bệnh nhân, người nhà không cần biết những ký hiệu này, miễn là người trong hiệu thuốc có thể hiểu để lấy thuốc.
Gần đây, một sự cố y khoa đã xảy ra ở thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Nguyên nhân do hướng dẫn của bác sĩ không rõ ràng khiến bệnh nhi uống quá liều thuốc dẫn đến ngộ độc.
Khi đó, cậu con trai 4 tuổi rưỡi của ông Trương bị phát ban nên ông đã cho con đi khám. Ngay sau khi uống thuốc, trẻ xuất hiện các triệu chứng như mẩn đỏ khắp cơ thể rồi bất tỉnh.
Ông Trương vô cùng hoảng sợ và nhanh chóng đưa con đi cấp cứu. Nguyên nhân là khi kê đơn thuốc, các bác sĩ viết quá xấu đến nỗi người cha luận rằng trẻ cần uống 7 viên 1 lần thay vì 1 viên một lần. Triệu chứng của bệnh nhi do dùng thuốc quá liều, cơ thể không chịu nổi.
Ông Trương hiểu nhầm con cần uống 7 viên thuốc/lần. Trên thực tế, trẻ chỉ cần uống 1 viên/lần. Ảnh: Sina
Sau khi được rửa dạ dày, trẻ cuối cùng đã qua cơn nguy kịch. Tuy nhiên, phụ huynh rất không hài lòng và đã đến bệnh viện để trao đổi ý kiến.
Ông Trương cho rằng bệnh viện phải chịu trách nhiệm về việc con mình ngộ độc thuốc do lỗi của bác sĩ. Ông đã khiếu nại lên cơ quan quản lý y tế, đòi bồi thường chi phí và thiệt hại cho gia đình là 50.000 NDT (hơn 171 triệu đồng).
“Ngoài ra, nếu loại thuốc này ảnh hưởng lâu dài đến con tôi, tôi sẽ bảo lưu quyền truy cứu trách nhiệm”, ông Trương nói, theo Sina.
Một số cư dân mạng cho rằng: “Phụ huynh có thể bất cẩn, không để ý đến liều lượng. Nhưng việc bệnh viện trốn tránh trách nhiệm có hợp lý không? Tại sao không viết rõ ràng. Thuốc theo đơn, bệnh viện phải chịu trách nhiệm về việc này”.
Cư dân mạng Trung Quốc nhiều lần chia sẻ những đơn thuốc cẩu thả của các bác sĩ. Ảnh: Sina
Đây chỉ là một trong muôn vàn sự cố liên quan đến y lệnh. Giới quan sát nhận định, phụ huynh thường không am hiểu y học và hoàn toàn tin tưởng vào sự chỉ định thuốc của bác sĩ. Vì vậy, nhân viên y tế phải nghiêm túc và có trách nhiệm hơn trong từng nét chữ của mình.
Năm 2017, một bác sĩ tại phòng khám ở Thâm Quyến đã bị phạt vì viết đơn thuốc không đúng quy định. Bác sĩ kê 2 đơn thuốc chỉ có chữ “răng” ở phần tên khoa và tên bệnh nhân, nội dung chính của đơn thuốc trống trơn.
Bác sĩ giải thích: “Họ muốn được làm sạch răng. Lúc đó, tôi yêu cầu họ điền tên và trả tiền. Sau đó, họ quá bận và quên điền”. Cuối cùng, khoa ngoại trú bị phạt 4.000 NDT (khoảng 13,7 triệu đồng) và bị trừ 2 điểm vì hành vi không đúng. Bác sĩ nha khoa bị cảnh cáo và trừ 4 điểm.
Trước đó, năm 2007, Bộ Y tế Trung Quốc ban hành Lệnh số 53 về “Các biện pháp quản lý đơn thuốc”, trong đó Điều 6 quy định rằng đơn thuốc phải được viết gọn gàng, nếu có dấu hiệu đặc biệt cần ghi rõ ràng để người khác nhìn qua cũng có thể hiểu được.
Trong vài năm qua, Trung Quốc đã thực hiện một cuộc cải cách quan trọng trong các bệnh viện, đó là chuyển văn bản viết tay của bác sĩ thành tài liệu điện tử. Người bệnh cũng có thể truy cập website của bệnh viện để tìm kiếm bệnh án trước đây.
Khủng hoảng ngành y Hàn Quốc tăng nhiệt
Nhiều giáo sư y khoa tại Hàn Quốc sắp nộp đơn nghỉ việc giữa cuộc đình công của các bác sĩ thực tập, trong khi giới chức nước này phê phán hành động tập thể của họ.
Tờ The Korea Herald ngày 17.3 đưa tin một nhóm bác sĩ cấp cao tại Hàn Quốc tuyên bố sẽ nghỉ việc từ ngày 25.3 nhằm ủng hộ các bác sĩ thực tập, vốn đã đình công gần một tháng qua nhằm phản đối kế hoạch tăng chỉ tiêu tuyển sinh của các trường y. Tuyên bố mới gây gia tăng áp lực lên ngành y tế Hàn Quốc trong bối cảnh mâu thuẫn vẫn chưa tìm ra hướng giải quyết đáng kể nào.
Sức ép mới
Đại diện của các giáo sư y khoa tại 20 trường đại học, đồng thời cũng là bác sĩ cấp cao tại các bệnh viện đa khoa, đã tổ chức họp vào tối 15.3. Tại cuộc họp, giáo sư từ 16 trường "hoàn toàn ủng hộ" đồng nghiệp cấp dưới, còn 4 trường đang lấy ý kiến về việc có tham gia nghỉ việc hay không, theo giáo sư Bang Jae-seung, đứng đầu một ủy ban của các giáo sư trường y. Theo ông, lý do các giáo sư sắp nộp đơn nghỉ việc dù bị dư luận chỉ trích nặng nề là vì họ muốn tình hình được giải quyết nhanh chóng.
Một bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện St. Mary ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh Reuters
"Quyết định rời trường, rời bệnh viện được đưa ra với trái tim nặng trĩu. Tuy nhiên, đây là lựa chọn cuối cùng của các chuyên gia nhằm cải thiện và đưa việc chăm sóc sức khỏe cơ bản trực tiếp tiến triển theo chiều hướng tốt hơn", ông phát biểu, nhưng chưa thông tin về số giáo sư dự kiến sẽ nghỉ việc từ ngày 25.3. Trước mắt, ông Bang cho biết các giáo sư y khoa sẽ tiếp tục công việc cho đến khi hoàn tất quy trình nghỉ việc. "Quyết định này không có nghĩa là chúng tôi đang bỏ rơi bệnh nhân. Nhưng nếu tình trạng này tiếp diễn sẽ gây ra thiệt hại không thể khắc phục được đối với sức khỏe cộng đồng", theo ông Bang. Giáo sư này cho rằng chỉ có thể đạt được thỏa thuận nếu chính phủ trước hết rút lại kế hoạch tăng chỉ tiêu tuyển sinh. Bên cạnh việc giáo sư y khoa dọa nghỉ việc, nhiều sinh viên ở các trường y cũng không đến lớp để phản đối việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh.
Bác sĩ đình công, các bệnh viện lớn của Hàn Quốc thiệt hại nặng
Từ cách đây gần 1 tháng, hơn 90% trong số 13.000 bác sĩ thực tập tại Hàn Quốc đã đình công nhằm phản đối quyết định bổ sung 2.000 chỉ tiêu tuyển sinh tại các trường y. Chỉ tiêu hằng năm trước đó là 3.058. Chính phủ Hàn Quốc dự báo hơn 1/5 trong dân số 51 triệu người ở nước này sẽ ở độ tuổi trên 64 vào năm 2025 và cả nước thiếu 15.000 bác sĩ vào năm 2035. Tuy nhiên, các bác sĩ lập luận rằng việc tăng chỉ tiêu sẽ làm giảm chất lượng đào tạo và dịch vụ y tế, đồng thời tạo ra tình trạng dư thừa bác sĩ. Họ cho rằng chính phủ phải nghĩ ra cách bảo vệ họ tốt hơn khỏi các vụ kiện về sơ suất trong hành nghề và tăng mức bồi thường để khuyến khích nhiều bác sĩ hành nghề.
Các bác sĩ biểu tình tại Hàn Quốc hôm 25.2
Chưa có tiếng nói chung
Hiện chính phủ Hàn Quốc đã ra lệnh cho các bác sĩ đình công quay trở lại làm việc, đồng thời đình chỉ giấy phép của những người không tuân thủ. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng đưa ra các biện pháp khuyến khích và thiết lập đường dây nóng để hỗ trợ các bác sĩ phản đối đình công. Tuy nhiên, đến nay chỉ có một phần nhỏ bác sĩ đình công quyết định quay lại làm việc.
Trong động thái mới nhất, Thứ trưởng thứ 2 Park Min-soo của Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc phát biểu trên Đài YTN trưa 17.3 rằng cần "phá vỡ văn hóa hành động tập thể" của cộng đồng y khoa. "Nó không thể tiếp tục lâu dài vì gây tổn hại cho công chúng", ông phát biểu và cho biết đã có những cuộc đàm phán được lên kế hoạch với cộng đồng y tế. Theo ông Park, chính phủ đang tích cực tham gia đối thoại, nhưng ông không thể tiết lộ đã gặp ai nhằm tránh nguy cơ họ bị tẩy chay trong cộng đồng y tế.
Về việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh các trường y, ông Park giải thích quyết định này dựa trên chứng cứ khoa học và thông qua đối thoại với cộng đồng y khoa, các tổ chức xã hội trong hơn một năm. Tuy nhiên, đối thoại gặp trở ngại vì Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc khăng khăng cho rằng không xảy ra tình trạng thiếu bác sĩ. Trước đó, hôm 14.3, theo tờ The Chosun Daily, chính phủ Hàn Quốc vẫn cương quyết phân bổ 2.000 chỉ tiêu tuyển sinh trường y từ năm nay, với 20% cho các vùng đô thị và 80% cho các vùng còn lại.
Bệnh viện, bệnh nhân bị ảnh hưởng
Theo AFP, cuộc đình công của các bác sĩ tại Hàn Quốc khiến những ca phẫu thuật và điều trị quan trọng bị hủy, nhưng chính phủ đến nay khẳng định đã tránh được một cuộc khủng hoảng toàn diện một phần nhờ các điều dưỡng, bác sĩ cấp cao và bác sĩ quân y. Bệnh viện Đại học quốc gia Seoul và Trung tâm Y khoa Asan ghi nhận số bệnh nhân nhập viện và phẫu thuật giảm 50% do cuộc đình công, gây thất thu hơn 1 tỉ won (18,59 tỉ đồng)/ngày. Theo tờ The Chosun Daily, các bệnh viện lớn hiện đối diện khó khăn tài chính trầm trọng. Trong khi các bệnh viện đại học quốc gia được chính phủ hỗ trợ để bù thâm hụt, các bệnh viện đại học tư nhân và bệnh viện tư lớn phải phát hành trái phiếu để có kinh phí hoạt động.
Cuộc khủng hoảng y tế ở Hàn Quốc: Niềm tin bị sụp đổ? "Bác sĩ, ông cũng đình công à? Vậy từ nay tôi sẽ điều trị như thế nào? Tôi luôn tôn trọng các bác sĩ nhưng tôi rất ngạc nhiên và thất vọng khi họ bỏ mặc bệnh nhân để đình công", bệnh nhân điều trị chứng rối loạn hoảng sợ hỏi bác sĩ Chung Chan-seung. Hơn 9.000 bác sĩ nội trú, thực tập...