Bác sĩ trong “tâm dịch”: “Kỷ niệm đáng nhớ nhưng không bao giờ muốn gặp lại”
“Hãy nghĩ rằng đây là một kỷ niệm đáng nhớ trong đời, không phải ai cũng có được, nhưng không bao giờ muốn gặp lại”, bác sĩ Lê Quang Huy, khoa ngoại thần kinh, Bệnh viện Đà Nẵng tâm sự.
Ngày 1/8, Đà Nẵng ghi nhận thêm 7 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, nâng tổng số ca bệnh tại đây lên 87 trường hợp. Bên ngoài khu cách ly, những xe hàng vẫn miệt mài đến tiếp tế, những bếp lửa vẫn đỏ để kịp giờ đưa cơm… mọi người đều hướng về phía trong “điểm nóng”. Bên trong khu cách ly, họ – những con người ngày đêm “dập lửa” vẫn tiếp tục làm những công việc hằng ngày, vẫn làm bằng nguồn năng lượng tích cực nhất.
Trưa 31/7, bác sĩ Trịnh Minh Thế – Trưởng khoa gây mê hồi sức Bệnh viện C Đà Nẵng ghi lại video clip bác sĩ Nguyễn Quý Thiện – khoa nội tiêu hóa, đồng nghiệp của mình, đàn và hát ca khúc do chính vợ mình sáng tác.
Video bác sĩ Nguyễn Quý Thiện hát. (Video: BS cung cấp).
Bác sĩ Thế chia sẻ những ngày giữa tâm dịch, tranh thủ giờ nghỉ trưa là ông lại đăng những bài viết chia sẻ, khích lệ tinh thần mọi người.
“Clip về bài hát này vừa đăng trưa nay, sau giờ ăn. Tôi chỉ muốn tăng nhuệ khí cho anh em nên đã chia sẻ trên trang cá nhân của mình. Trong bối cảnh dịch bệnh chỉ mong mọi người cùng được khích lệ tinh thần”, bác sĩ Thế cho biết.
Hay bác sĩ Lê Quang Huy, khoa ngoại thần kinh, Bệnh viện Đà Nẵng vừa chia sẻ trên trang cá nhân sau khi tiến hành một ca mổ chấn thương sọ não bên trong bệnh viện đang cách ly ngày 31/7.
Bác sĩ Huy viết: “Vừa mổ cấp cứu ra bị bác sĩ Nguyễn Trọng Phước thách thức mặc đồ bảo hộ hít đất 50 cái. Ít có ác lắm nhưng, dù gì cũng chuẩn bị tắm, clip đủ 50 cái thật nha”.
Bác sĩ Lê Quang Huy mặc đồ bảo hộ cùng hít đất trong bệnh viện cách ly. (Video: BS Lê Huy)
Theo bác sĩ Huy, mổ cấp cứu trong mùa dịch thực sự gặp rất nhiều thử thách, từ khâu mặc đồ bảo hộ cho tới quy tắc vô trùng đều phải theo một quy chuẩn khắt khe hơn nhiều. “Đứng mổ thì vừa nặng nề, vừa nóng nảy, thêm việc nhìn qua tấm kính làm hạn chế tầm nhìn khiến cho việc phẫu thuật gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng cuối cùng cũng hoàn thành ca mổ một cách tốt đẹp, giúp thêm được 1 bệnh nhân trong mùa dịch bệnh”, bác sĩ Huy chia sẻ.
Bác sĩ Huy cùng ekip Bệnh viện Đà Nẵng mổ cho bệnh nhân trong bệnh viện cách ly. (Ảnh: Lê Huy)
Phong trào hít đất được bác sĩ Huy phát động trong khoa Ngoại thần kinh và được nhiều y bác sĩ các khoa khác hưởng ứng. Các bác sĩ đã cùng nhau thách thức động tác này và quay clip để chuyền tay nhau vào những giây phút rảnh rỗi hiếm hoi bên trong tâm dịch.
“Sau giờ làm việc, vừa tập thể dục nâng cao sức khỏe chống Covid-19, vừa vui vẻ cùng đồng nghiệp quay clip để thời gian cách ly đỡ nhàm chán. Hãy nghĩ rằng đây là một kỷ niệm đáng nhớ trong đời, không phải ai cũng có được, nhưng không bao giờ muốn gặp lại”, bác sĩ Huy tâm sự.
Có thể nói, cuộc chiến phía trước vẫn còn rất dài. Có lẽ, đối với các y, bác sĩ nơi tâm dịch, duy chỉ có hy vọng, nguồn năng lượng tích cực mới có thể giúp họ vượt qua tất cả khó khăn, lo lắng và nỗi sợ hãi để giữ tinh thần thép chờ ngày “giông tố” đi qua.
Nhật ký ứng phó COVID-19 giai đoạn 2: Thương lắm tóc dài ơi!
31/7 - Ngày thứ 6... Đã là ngày thứ 6 rồi. Gần 1/2 quãng thời gian nếu đúng hành trình 14 ngày cách ly thì chúng tôi sẽ trở lại cuộc sống ban đầu.
Nhưng dù là 14 ngày hay 24 ngày thì chúng tôi cũng sẽ cố gắng hết sức mình. Không phải riêng cho bản thân, mà còn vì những người bệnh đang ở bệnh viện cùng chúng tôi chiến đấu.
Cắt bỏ mái tóc dài để làm nhiệm vụ chống COVID-19 tại Bệnh viện Đà Nẵng. Ảnh: T.H
Có người nhà của bệnh nhân đang nằm trong Bệnh viện Đà Nẵng gọi liên tục cho tôi hỏi thăm tình hình của ba mình. "Ba em nằm ở Hồi sức chị ơi! Em là người nhà mà bị cách ly rồi, hiện không biết ba em thế nào, em lo quá chị ơi! Chị nói mọi người chăm ba giúp em với!". Tôi trả lời: "Em yên tâm, chúng tôi bây giờ không những cách ly chống dịch mà nhiệm vụ quan trọng là phải chăm sóc những người bệnh, nên em không phải lo gì cả. Và sẽ không để ba em thiếu thứ gì, em yên tâm nhé!".
Từ khi người nhà của bệnh nhân đi cách ly hết thì nhân viên y tế chúng tôi làm luôn cả phần người nhà, tất cả các khâu ăn uống, vệ sinh... Thử hình dung một người chăm một người bệnh đã vất vả ra sao. Còn bây giờ chúng tôi 1 nhân viên y tế chăm nhiều bệnh, lại còn phải khoác bộ đồ bảo hộ nóng bức và khó di chuyển như thế. Nhưng chúng tôi không nản, vẫn chăm sóc người bệnh cấp 1, cấp 2...
Lo cho người khác, nhưng làm sao chúng tôi nén được những nỗi niềm riêng. Có buổi sáng dậy, thấy mắt đồng nghiệp đỏ và sưng lên. Tôi hỏi, cô ấy nói: "Đêm qua ngủ dưới đất con gì cắn sưng mắt". Nhưng tôi biết đêm qua cô ấy đã khóc nhiều vì nhớ con, tôi từng trải qua nên tôi hiểu...
Chiến tuyến nhận bệnh COVID - Khoa Y học nhiệt đới - nơi những con người chỉ mặc đồ màu trắng (nặng gấp đôi đồ màu xanh, nóng gấp 5 lần đồ bình thường), nên việc di chuyển cũng rất khó khăn.
Như lời tâm sự của một nhân viên Khoa Y học nhiệt đới: "Chúng tôi không có khái niệm ngày đêm, chẳng buồn biết hôm nay là thứ mấy, ca trực nào... cứ thay phiên nhau lên chăm sóc bệnh nhân. Một ngày tắm không biết bao nhiêu lần, tóc chưa kịp khô đã mang đồ bảo hộ lại. Hôm đầu tiên, đứng 1h mọi người đã hoa mắt chóng mặt, nhưng hôm nay có thể đứng hơn 2h. Khi trút bỏ đồ bảo hộ, mồ hôi thấm ướt hết bộ đồ vải đang mặc".
Thực sự dịch đã làm thay đổi quá nhiều thứ. Bình thường, bác sĩ là người khám bệnh và điều trị, điều dưỡng làm nhiệm vụ thực hiện y lệnh và chăm sóc người bệnh, hộ lý làm công việc thay drap giường, phân bố giường bệnh.
Nhưng khi dịch đến, chúng tôi không còn ở vị trí của chính mình nữa. Dù là bác sĩ, điều dưỡng hay hộ lý đều làm chung nhiệm vụ được giao, có thể là nhận hàng, vận chuyển, giao hàng... Cởi chiếc áo blouse trắng, khoác trên mình bộ áo "phi hành gia" màu xanh, màu trắng trùm kín từ đầu tới chân, tất cả đều là những "chiến binh áo trắng"...
Chúng tôi giống như những người lính thời chiến vậy. Đoạn đường từ bên kia cầu Đa khoa qua Trung tâm Tim mạch bên này, hoặc từ khoa này qua khoa khác luôn có "rất nhiều địch và bẫy" của kẻ thù.
Nên chúng tôi ai nấy phải trang bị bảo hộ từ đầu tới chân. Bình thường chỉ cần nhìn thấy lưng của đồng nghiệp là đã la lên: "Ê, đi mô đó?". "Ừ, tui đi lãnh thuốc, tui đi ký giấy tờ...". Giờ thì bộ đồ màu xanh khiến chúng tôi không còn nhận ra nhau nữa rồi. Bây giờ thấy nhau vẫn phải lầm lũi bước đi như những cái bóng...
Những dòng này tôi viết cho người chị của tôi, người chị 50 tuổi, bằng tuổi mẹ tôi. Quen chị đã 10 năm nay, hình ảnh mái tóc đen dài và mượt ít người có của chị luôn cố định trong tôi suy nghĩ là chị chỉ hợp với tóc dài và đen vậy thôi.
Thế mà vì dịch COVID, chị hy sinh luôn mái tóc "huyền thoại". Chỉ vì tóc dài không búi lên cao được, trong khi bộ đồ bảo hộ nóng nực khiến mồ hôi liên tục đổ ra. Nên chị đã cắt nó đi.
Khi nhìn thấy mái tóc ngắn của chị, tôi nghẹn nơi cổ họng. Dù lớn tuổi ở Khoa Chăm sóc đặc biệt, nhưng chị không nề hà bất bất cứ việc gì.
Tôi thấy chị vẫn như ở tuổi 20 tràn đầy nhựa sống, lạc quan yêu đời, vẫn như 10 năm về trước tôi cùng làm việc với chị. Và cũng không riêng gì chị, còn nhiều khoa khác, các chị em tự tay cầm kéo cắt tóc cho nhau để tác phong gọn gàng chống dịch...
Bác sĩ Đà Nẵng hít đất, tập thể dục trong bệnh viện cách ly Tháo đồ bảo hộ, đeo chiếc khẩu trang mới, bác sĩ Huy cùng đồng nghiệp đi bộ ra hành lang Bệnh viện Đà Nẵng tập thể dục. "Tập luyện sau giờ làm việc vừa nâng cao sức khỏe chống 'covid', vừa vui vẻ cùng đồng nghiệp để thời gian cách ly đỡ nhàm chán. Chúng tôi gọi đây là một kỷ niệm đáng...