Bác sĩ siêu âm thai: ‘Khó nhất là đọc chính xác bất thường của em bé’
Siêu âm lần thứ hai trong thai kỳ của chị Thảo ở Quảng Ninh, bác sĩ Sơn phát hiện em bé mắc tứ chứng Fallot vắng van động mạch phổi.
Đây là hội chứng rất hiếm gặp ở thai nhi. Tại Việt Nam, bệnh này thường được phát hiện sớm nhất vào tuần thứ 19 của thai kỳ. Với chị Thảo, bác sĩ Sơn phát hiện khi siêu âm định kỳ khi thai khoảng 16 tuần tuổi.
Thai nhi của chị Thảo bị vắng van động mạch phổi thể nặng, tình trạng rất nguy hiểm. Nếu chăm sóc và theo dõi kỹ thai kỳ, em bé may mắn chào đời sẽ phải phẫu thuật thay van sinh học ngay.
“Ca chẩn đoán khó, tôi và kíp bác sĩ phải xem xét kỹ lưỡng mới đưa đến giải pháp cho hai mẹ con”, anh Sơn kể. Thay vì khuyên hủy thai, anh trấn an tâm lý chị Thảo, nhanh chóng tiến hành chọc ối, xét nghiệm tìm các bất thường về gen, nhiễm sắc thể để xác định mức độ nặng của thai nhi và theo dõi trường hợp này đến tuần thai thứ 35.
Sau đó bác sĩ Sơn liên lạc với Trung tâm tim mạch Bệnh viện Nhi Trung ương giúp bệnh nhân theo dõi tình trạng tim thai nhi. Em bé sinh ra phải nằm trong lồng kính nhưng sức khỏe tiến triển tốt, bác sĩ Sơn cho biết. Ca phẫu thuật thay van sinh học cho bé sau đó đã thành công. Hiện nay bé được hơn 3 tháng tuổi và phát triển khỏe mạnh.
“Tôi rất vui. Tuy không trực tiếp chữa trị cho hai mẹ con nhưng tôi cảm thấy đã làm được điều gì đó có ích từ việc đọc dị tật thai nhi qua siêu âm chẩn đoán hình ảnh”, bác sĩ Sơn chia sẻ.
Bác sĩ Võ Tá Sơn, công tác tại Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng.
Bác sĩ Võ Tá Sơn sinh năm 1989, tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội, đang công tác tại Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng. Công việc của anh là chẩn đoán trước sinh, tư vấn trường hợp thai nhi bất thường, siêu âm phát hiện thai dị tật và thực hiện một số thủ thuật chẩn đoán, can thiệp.
Mỗi buổi sáng bác sĩ Sơn tiếp nhận 10-15 ca siêu âm. Thông thường mất khoảng 5 phút cho một lần siêu âm thai kỳ. Có những thai phụ phải siêu âm đến 2-3 lần mới có được kết quả chính xác.
“Ví dụ đo độ mờ da gáy, tùy vào những tư thế của thai nhi, cử động thai, độ dày da bụng của mẹ mà thời gian siêu âm sẽ khác nhau”, bác sĩ cho biết. “Đo độ mờ da gáy rất quan trọng để biết bé có nguy cơ bị Down hay không nên cần phải đọc kết quả chính xác, chính xác đến từ milimet một”.
Video đang HOT
“Cái khó của việc này không chỉ là nhìn ra được cái bất thường ở thai nhi. Khó hơn cả, phải đọc ra chính xác những bất thường là gì để có hướng xử lý, tư vấn, can thiệp cho người nhà và thai phụ”. Những chẩn đoán của bác sĩ siêu âm chẩn đoán hình ảnh ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của bà mẹ và tính mạng của đứa con.
“Phần gian khó là khi phải thông báo cho người mẹ bắt buộc hủy thai kỳ”, bác sĩ Sơn chia sẻ.
Theo bác sĩ Sơn, bà mẹ cần phải siêu âm ít nhất 3 lần trong thai kỳ, đặc biệt vào lúc thai được 12, 22, 32 tuần tuổi. Ở Việt Nam, dị tật hình thái thai nhi thường được phát hiện ở quý 2 (tuần thai thứ 20-22). Hiện nay xu hướng của y học bào thai quan tâm đến những dấu hiệu bất thường của thai nhi như cấu trúc não, tim, tứ chi… ngay từ thời điểm sàng lọc quý 1 (thai 11-13 tuần 6 ngày). Siêu âm sàng lọc giúp phát hiện sớm những ca thai dị tật để có phương án tối ưu cho bà bầu và em bé.
Hình ảnh siêu âm một bào thai 13 tuần tuổi bị nghi ngờ có vấn đề ở tim.
Bác sĩ Sơn từng tiếp nhận một ca khó là thai phụ mang song thai một bánh nhau. Thông thường nếu mang thai đôi, mỗi thai nhi sẽ được nuôi dưỡng bởi mỗi bánh nhau riêng biệt. Trường hợp bà bầu mang song thai một bánh nhau, hai thai nhi cùng được nuôi dưỡng chung một bánh nhau nên tiềm ẩn rất nhiều biến chứng nguy hiểm: hội chứng truyền máu cho nhận, thai chậm tăng trưởng chọn lọc…
Kết quả chẩn đoán cho thấy thai phụ này có biến chứng thai nhi chậm tăng trưởng chọn lọc type 3. “Đây là một trường hợp có biến chứng nặng”, bác sĩ cho biết. Hai đứa trẻ trong bụng mẹ chênh lệch cân nặng tới 40%. Ở Việt Nam chưa có phương án điều trị tối ưu cho tình huống này, bác sĩ chỉ có thể theo dõi tình hình của mẹ và con.
“Tôi đã nghĩ rất nhiều, rất căng thẳng, đã nghĩ đến việc phải can thiệp bào thai nhưng để thực hiện kỹ thuật này thai phụ phải sang Thái Lan rất tốn kém”, bác sĩ Sơn tâm sự. Do cùng chung một bánh nhau nên mạch máu của hai thai nhi có sự thông nối với nhau. Nếu em bé nhỏ hơn tử vong thì tỷ lệ chết của thai nhi còn lại lên tới 10%, và 26% khả năng em bé còn lại nếu được sinh ra sẽ mắc các biến chứng về thần kinh như bại não.
Sau khi hội chẩn với đồng nghiệp trong khoa, liên lạc để trao đổi với các bác sĩ ở Thái Lan, cân nhắc điều kiện kinh tế của thai phụ, gia đình đồng ý ra nước ngoài để can thiệp bào thai. Tình trạng thai phụ, thai nhi khá ổn định sau khi tiến hành can thiệp. Bác sĩ Sơn tiếp tục theo dõi cho đến lúc bà bầu sinh nở. Em bé chào đời ở tuần thai thứ 37, nặng 2,9 kg, trong cái thở phào nhẹ nhõm của bác sĩ lẫn người nhà sản phụ.
“Khi đặt em bé da kề da với người mẹ, tôi cảm nhận được niềm hạnh phúc đang vỡ òa trong chị. Bản thân tôi cũng thấy thật sự xúc động”, bác sĩ nói.
Chẩn đoán trước sinh hiện vẫn là một chuyên ngành mới, khó, tài liệu tiếng Việt không nhiều, gần như bác sĩ phải tự học và nghiên cứu bằng tài liệu nước ngoài. “Tôi luôn bị cuốn hút vào từng ca bệnh. Càng làm, càng học, tôi càng thấy kiến thức về y học bào thai thật sự mênh mông”, bác sĩ Sơn chia sẻ.
Thanh Nhàn
Theo VNE
Câu chuyện vợ mang thai con bị giãn não thất của ông bố trẻ khiến hàng nghìn người xúc động
Chỉ số giãn não thất thai nhi do bác sĩ siêu âm thông báo không ngừng dày vò, ám ảnh vợ chồng trẻ, khiến họ tốn không biết bao nhiêu thời gian, công sức, tiền bạc để ngược xuôi thăm khám.
Trên hành trình làm bố mẹ, hẳn ai cũng phải trải qua những giây phút căng thẳng khi nghe kết quả siêu âm. Nếu kết quả bình thường, bố mẹ có thể thở phào nhẹ nhõm. Ngược lại, nếu bất thường, những ngày tháng sau đó sẽ ăn không ngon ngủ không yên, thậm chí là kiệt quệ. Giống như trường hợp của vợ chồng anh Lê Hải Nguyên (27 tuổi, hiện đang sống ở Thanh Hóa) khi phải chịu sự ám ảnh bởi bác sĩ thông báo chỉ số giãn não thất thai nhi trong mức báo động.
Hình ảnh siêu âm ở tuần 29 của em bé.
Sau thông báo của bác sĩ trong lần đi siêu âm đó, dù hai vợ chồng đã lặn lội ngược xuôi từ phòng khám này đến bệnh viện khác để siêu âm lại, thậm chí làm xét nghiệm chọc dò ối. Câu chuyện của vợ chồng anh Nguyên được kể lại trong một hội nhóm đã thu hút sự quan tâm rất lớn từ cộng đồng mạng. Chỉ sau ít ngày đăng tải, chia sẻ này của ông bố trẻ đã thu hút hơn 17.000 lượt like và hơn 1.700 comment, nhất loạt đều cầu mong cho em bé của anh chào đời trọn vẹn, khỏe mạnh.
Anh Nguyên bắt đầu tâm sự bằng dấu mốc xuất hiện của "thằng cu con" trong cuộc đời: "Vợ chồng mình bằng tuổi, kết hôn vào đầu năm 2018. Mọi thứ đều ổn, vui mừng khi sau 1 tháng, vợ mình dùng que thử thai và kết quả là 2 vạch. 3 tháng sau siêu âm biết được là thằng cu. Tưởng như sẽ suôn sẻ, cho đến tuần 26, bác sỹ siêu âm nói thai nhi bị giãn não thất, chỉ số là 12mm. Theo giải thích của bác sỹ và tìm hiểu thêm, mình biết là em bé vẫn nằm trong mức 10-15mm, là mức nhẹ có phần trăm sinh ra các dị tật".
Vợ chồng anh Nguyên và chị Hiền.
Đó cũng là thời điểm vợ chồng anh Nguyên bắt đầu bước vào trận chiến thực sự với chỉ số giãn não thất. "Nếu ở mức nặng, chỉ số giãn não thất lớn hơn 15mm - gây ra dị tật não úng thủy, các bác sỹ sẽ khuyên dừng thai. Nên khi phát hiện ra em bé có chỉ số 12mm, vợ chồng mình được bác sỹ hướng dẫn ra Hà Nội, đến Trung tâm chẩn đoán trước sinh - Bệnh viện Phụ sản Trung ương để siêu âm hội chẩn. Thế nhưng kết quả vẫn vậy và bác sỹ nói nên chọc ối để xét nghiệm kiểm tra nhiễm sắc thể, để xem các cặp nhiễm sắc thể có phải là nguyên nhân gây nên giãn não thất không".
Hai vợ chồng trẻ đồng ý, nhận giấy xét nghiệm máu và nước tiểu trước khi chọc ối. Thế nhưng trớ trêu thay, mẹ bé lại còn bị thêm bệnh viêm đường tiết niệu và phải sang bệnh viện Bạch Mai để kiểm tra lại tiết niệu. Mục đích là để xin ý kiến của bác sỹ xem việc viêm đường tiết niệu có ảnh hưởng, chống chỉ định tới việc chọc ối hay không. Kết quả không sao, tức là việc chọc ối vẫn có thể tiến hành bình thường. Khi ấy, vợ chồng anh Nguyên lại cầm kết quả quay về bệnh viện Phụ sản để làm tiếp xét nghiệm chọc ối.
Kết quả chụp cộng hưởng từ cũng không có bất thường.
Một tháng chờ đợi dài đằng đẵng sau ngày chọc ối, vợ chồng anh Nguyên quay lại bệnh viện lấy kết quả. Chưa kịp mừng bao lâu vì kết quả nhiễm sắc thể không có vấn đề gì, không phát hiện gì, thì đến khi siêu âm lại đau đớn vì chỉ số giãn não thất lúc này đã lên đến tận 18mm (tức là mức nặng - gọi là Não úng thủy). Thế nhưng có điều đặc biệt là em bé phát triển hoàn toàn bình thường, siêu âm không phát hiện dị tật, mọi thứ đều ổn, ngay cả việc đạp mẹ cũng thường xuyên. Vậy mà cái chỉ số giãn não thất vẫn không ngừng dày vò, ám ảnh hai vợ chồng anh.
"Bác sỹ Trần Danh Cường - người có kinh nghiệm siêu âm rất giỏi về dị tật, cũng nói rằng bé nhà mình không hề có dị tật, chỉ là tiên lượng giãn não thất không tốt chút nào. Bác sỹ khuyên vợ chồng mình qua bệnh viện Đại học Y để được chụp MRI (Cộng hưởng từ). Vợ chồng mình lại tiếp tục qua đó để chụp. Lúc chụp là cuối ngày thứ 5, đợi sáng thứ 6 lấy kết quả, mừng là cấu trúc não cũng không có vấn đề gì. Bọn mình lại quay về bệnh viện Phụ sản để nghe bác sỹ chỉ bảo về phương hướng, phương pháp điều trị cũng như cách giải quyết tiếp theo".
Kết quả siêu âm, mọi thứ bình thường ngoại trừ chỉ số giãn não thất cao đột biến.
Từ thứ 6 hôm đó, hai vợ chồng anh Nguyên lại phải đợi đến thứ 2 tuần sau để gặp được bác sỹ, vì không đúng lịch trực của bác sỹ đã hẹn. Điều đáng nói là hai vợ chồng anh cất công từ Thanh Hóa ra Hà Nội, đã gác lại mọi công việc riêng và tiền bạc, công sức cũng tiêu tốn rất nhiều, mỗi lần phải chờ đợi lại như dài đến vô cùng. Anh Nguyên và vợ quyết định về nhà, đầu tuần mới quay lại gặp bác sỹ. Kết quả mới nhất từ bác sỹ cũng vẫn tiếp tục là gánh nặng đeo đẳng cặp vợ chồng trẻ: "Nghe kết quả mà mình không biết nên buồn hay nên vui. Vì mọi thứ vẫn ổn, ngoại trừ chỉ số giãn não thất vẫn 18mm luôn đeo đẳng vợ chồng mình như vậy. Bác sỹ chỉ nói cố gắng theo dõi thêm".
Vậy là sau những ngày xuôi ngược ngược xuôi từ quê nhà ra Hà Nội làm mọi cách để mong em bé khỏe mạnh, vợ chồng anh Nguyên cuối cùng vẫn phải tiếp tục chờ đợi, cầu mong phép màu xảy đến: "Có con rồi mới hiểu cái cảm giác này, gắng từng tí vì con, vì tương lai sau này của con. Nên dù tâm trạng rất thê thảm, hai vợ chồng cũng phải động viên gắng ăn uống để chạy chỗ này chỗ kia lo cho con. Nay chẳng biết làm gì hơn là cầu mong phép màu xảy ra, chờ đợi đến ngày bọn mình được đón con yêu khỏe mạnh".
Giãn não thất của thai nhi là tình trạng bệnh lý khi não thất bên (một cấu trúc chứa dịch trong não) của thai nhi 10mm. Giãn não thất chiếm 1% trong các trường hợp siêu âm trước sinh. Khi kích thước não thất bên từ 10-15mm được gọi là giãn não thất nhẹ; khi 15mm, được gọi là giãn não thất nặng, hay còn gọi là úng thủy não. Ở thai nhi, nếu não thất bị giãn với đường kính là 10mm thì không đáng lo ngại vì sẽ không làm tổn thương các mô não. Tuy nhiên nếu như bệnh tiếp tục phát triển, sẽ khiến não bị tổn thương và không thể phục hồi được.
Theo Helino
Mổ cắt tuyến giáp qua đường miệng Bệnh nhân 50 tuổi được bác sĩ Bệnh viện Ung bướu TP HCM phẫu thuật nội soi cắt tuyến giáp qua đường miệng. Nữ bệnh nhân có bướu giáp nhân, phình giáp hạt ở eo giáp bên phải. Ca phẫu thuật kéo dài 3 giờ ngày 21/11, bệnh nhân có thể cử động vùng miệng bình thường. Một ngày sau bà ăn uống...