Bác sĩ ơi: Ho nhiều vào ban đêm cảnh báo bệnh gì?
Gần đây tôi thường ho nhiều vào ban đêm, ảnh hưởng nhiều đến giấc ngủ, dù cả ngày không ho, sức khỏe bình thường, không có triệu chứng gì. Như vậy liệu tôi có bị bệnh gì không? (Ngô Thanh Nhàn, 54 tuổi, ngụ Vĩnh Long).
Uống nước gừng ấm giúp ngăn ngừa cơn ho – Ảnh minh họa: Đào Ngọc Thạch
Phó giáo sư – tiến sĩ – bác sĩ Nguyễn Thị Bay, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM:
Ho là một phản xạ có lợi nhằm bảo vệ cơ thể, giúp chúng ta tống thải các chất đàm, dịch tiết tụ xung quanh đường hô hấp ra ngoài. Tuy nhiên, nếu ho kéo dài, ho nhiều vào ban đêm làm ảnh hưởng giấc ngủ và sức khỏe thì chúng ta phải hết sức thận trọng.
Những bệnh lý đường hô hấp thường có thể gây ra triệu chứng ho vào ban ngày và cả ban đêm. Tuy nhiên, có những trường hợp người cao tuổi ban ngày không ho, nhưng ban đêm lại ho rất nhiều.
Có những nguyên nhân sau:
- Tư thế nằm ngủ: Những người lớn tuổi thường có những bệnh lý ở cột sống nên được khuyên nằm ngủ với tư thế đầu thấp hoặc nằm không gối để tránh tổn thương lâu dài cho cột sống cổ; đồng thời tạo điều kiện cho việc bơm máu lên não dễ dàng hơn. Tuy nhiên, tư thế nằm đầu thấp hoặc nằm không gối lại làm cho dịch trong đường hô hấp kích thích và dễ dàng gây ho khi ngủ, đặc biệt với những người lớn tuổi bị viêm xoang.
- Mắc bệnh hen phế quản: Người bệnh hen phế quản (hen suyễn) rất dễ bị ho vào ban đêm. Nguyên nhân là do ban đêm, khi thời tiết chuyển lạnh, người bệnh hen dễ lên cơn khó thở và sẽ kèm theo khò khè, sau đó là ho.
- Viêm phổi: Những người bị viêm phổi, khi nằm ngủ đầu thấp thì các chất dịch tiết sẽ kích thích vào phế quản, tạo ra phản xạ ho.
Video đang HOT
- Hội chứng trào ngược dạ dày: Mặc dù hội chứng trào ngược dạ dày không phải là bệnh đường hô hấp nhưng cũng gây ra chứng ho đêm. Khi nằm ngủ, với tư thế đầu thấp, dịch từ dạ dày, các a xít dịch vị có khuynh hướng trào ngược lên và là tác nhân kích thích, gây ho. Cơn ho này thường không kèm theo đàm.
- Hút thuốc lá lâu năm: Những người hút thuốc lá kéo dài thường bị ho cả ngày lẫn đêm, nhưng ban đêm cơn ho xuất hiện nhiều hơn.
Cách giảm những cơn ho đêm:
- Nếu không có bệnh lý của cột sống cổ thì hãy nằm ngủ ở tư thế cao đầu, chỉ hơi dốc một chút chứ đừng quá cao sẽ dẫn đến tình trạng gập cổ.
- Giữ ấm cơ thể, ưu tiên uống nước ấm thay cho nước lạnh.
- Nếu mắc các bệnh lý đường hô hấp thì nên tắm nước ấm. Còn sức khỏe ổn định, bình thường thì nên tắm nước lạnh vì tắm nước lạnh sẽ giúp hệ tĩnh mạch có cơ hội tăng các hoạt động, đồng thời hoạt động của hệ miễn dịch cũng được tốt hơn.
- Có thể sử dụng một số thực phẩm giúp giảm ho như tần dày lá, kinh giới, tía tô… Đây là những loại thực phẩm có tinh dầu và có tính kháng sinh, giúp giảm các kích thích của vùng hầu họng. Người bệnh có thể dùng cành và lá của các loại thực phẩm này để nấu nước uống trong ngày. Ban đêm có thể uống thêm nước gừng ấm để ngăn ngừa cơn ho xảy ra.
Nếu cơn ho đêm kéo dài quá 4 – 5 ngày thì người bệnh cần đi khám để được bác sĩ chẩn đoán, tìm ra nguyên nhân và điều trị đúng. Tình trạng ho đêm kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến giấc ngủ mà còn làm tổn thương niêm mạc hầu họng, lâu dần sẽ dẫn đến viêm mạn tính đường hầu họng.
Theo thanhnien
Ngừa bệnh hô hấp trong mùa đông xuân
Mùa đông-xuân với hình thái thời tiết thất thường, khi thì lạnh khô, khi mưa ẩm khiến cơ thể không thích nghi kịp, sức đề kháng giảm nên rất dễ mắc bệnh ở cơ quan hô hấp.
Các bệnh hô hấp ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và sinh hoạt của người bệnh, vì vậy cần có cách phòng ngừa phù hợp.
Các bệnh đường hô hấp dễ "hỏi thăm" mùa đông-xuân
Môi trường sống đang bị ô nhiễm nặng nề, nhất là tại các thành phố lớn, tình trạng không khí luôn ở mức báo động. Trong không khí chứa nhiều phần tử khí như ozone, nitrogen oxyde..., các phần tử khí này có thể là căn nguyên gây các đợt cấp của bệnh hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Thay đổi thời tiết có thể làm thay đổi thành phần bụi, gia tăng các dị nguyên đường hô hấp, thay đổi nhiệt độ và độ ẩm cũng là những yếu tố nguy cơ làm xuất hiện các đợt nhiễm trùng hô hấp.
Viêm phế quản cấp: mầm bệnh gây viêm phế quản cấp thường là virus cúm influenza A và B, các virus parainfluenza, virus hợp bào hô hấp... Khi bị nhiễm virus, cơ thể giảm sức đề kháng nên dễ bị bội nhiễm bởi các loại vi khuẩn thường trú ở đường hô hấp và gây bệnh.
Tiêm vắc-xin phòng cúm hàng năm làm giảm đáng kể tần suất các đợt nhiễm khuẩn đường hô hấp.
Hen phế quản: người bị hen rất nhạy cảm với mọi kích thích gây bệnh như nhiệt độ lạnh, hóa chất, khói bụi, nấm, mốc, vi khuẩn; các yếu tố nội tại trong cơ thể như: nội tiết tố, dị ứng nguyên như thức ăn, thuốc chữa bệnh...Các thể hen cần chú ý để xử lý kịp thời gồm: hen phế quản thể khó thở kịch phát, thường gặp ở trẻ nhỏ; thể khó thở liên tục xuất hiện ngay từ đầu thường gặp ở bệnh nhân có tiền sử hen lâu ngày; thể hen có tràn khí màng phổi xảy ra ở người phế nang đã bị giãn; thể hen ác tính, hen do sử dụng aspirin; thể hen có cơn tăng huyết áp kèm theo...
Đợt cấp của tâm phế mạn: Khi thời tiết thay đổi thất thường, bệnh tim phổi mạn tính gây ra bởi các bệnh phổi mạn tính như viêm phế quản mạn tính, hen, giãn phế quản, giãn phế nang, lao phổi... rất dễ bị nhiễm khuẩn tạo nên những đợt bệnh cấp tính. Bệnh thường đột ngột diễn biến nặng, khó thở nhiều, có khi chỉ sau vài đợt bệnh cấp là dẫn đến tử vong. Vì vậy, bệnh nhân phải có biện pháp tự bảo vệ mình, phòng chống không để xảy ra đợt cấp của tâm phế mạn trong khi giao mùa là rất cần thiết.
Viêm phổi: trước đây, viêm phổi được xếp làm 2 loại: điển hình (do vi khuẩn) và không điển hình (thường do virus). Ngày nay, người ta hay phân loại viêm phổi thành viêm phổi mắc phải ở cộng đồng dễ gặp hơn và viêm phổi mắc phải ở bệnh viện.
Viêm phổi mắc phải ở cộng đồng với yếu tố gây bệnh thường gặp nhất là S. pneumoniae, Mycoplasma pneumoniae, H. influenzae... Bệnh viêm phổi dễ gặp ở người cao tuổi, do khả năng thích nghi với thời tiết và sức chống đỡ bệnh tật ở người già kém, vốn có sẵn nhiều bệnh mạn tính (đái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch, he phế quản...) nên mức độ nguy hiểm của bệnh sẽ cao hơn.
Suy hô hấp: Chứng suy hô hấp mùa lạnh thường do nhiễm khuẩn, ở người có bệnh phổi - phế quản mạn tính, ở người nhiễm virus (cúm...). Suy hô hấp do nhiễm khuẩn điều trị hiệu quả hơn suy hô hấp ở người bị bệnh phổi mạn tính. Suy hô hấp sau cúm thường rất nặng, dẫn đến tử vong cao.
Các biện pháp phòng ngừa bệnh
Làm sạch khí thở: Nhiều bụi, dị nguyên trong môi trường sống trong nhà, nơi làm việc là nguy cơ gây các đợt cấp bệnh hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Cần giữ môi trường không khí trong nhà sạch, được luân chuyển để hạn chế nguy cơ lan truyền các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp qua không khí. Khi đi ra ngoài trời, cần đeo khẩu trang để tránh các tác nhân gây bệnh.
Giảm tới mức thấp nhất ô nhiễm khói, bụi, các sản phẩm hóa chất ở nơi làm việc như bụi gỗ, thực vật, các chất xúc tác như chất tẩy giặt, các chất tiết của thú vật, các muối kim loại như chrom, niken, các hóa chất nhựa...
Không hút thuốc lá, tránh khói thuốc: Hút thuốc lá, thuốc lào, xì gà làm giảm rất rõ sức đề kháng của niêm mạc đường hô hấp. Khi hút thuốc, các lông di chuyển trên bề mặt các tế bào biểu mô phế quản bị giảm hoạt động làm giảm thải chất nhầy khỏi đường hô hấp. Các tế bào bảo vệ khác như các tế bào bạch cầu, đại thực bào cũng hoạt động không hiệu quả, do vậy dễ xuất hiện nhiễm trùng hô hấp. Hút thuốc thụ động cũng có tác động tương tự.
Chế độ dinh dưỡng và tập luyện: Cần nâng cao sức đề kháng bằng việc tập thể dục đều đặn, phù hợp sức khỏe. Trong mùa đông, không nên đi tập quá sớm (trước 5 giờ sáng) và quá muộn (sau 21 giờ).
Cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng đủ năng lượng, cân đối để có sức chống lạnh. Thường xuyên vệ sinh răng miệng để tránh nhiễm trùng răng miệng, vi khuẩn trôi xuống cơ quan hô hấp và gây bệnh. Tránh các thức ăn đã từng gây dị ứng hoặc có thành phần sulfite thường thấy trong các chất bảo quản thực phẩm như khoai tây, tôm, hoa quả khô, bia, rượu đã qua chế biến vì thường gây các cơn hen.
Các lưu ý khác
Những bệnh nhân hen phế quản nên tránh dùng các thuốc aspirin, một số thuốc khác viêm không steroids khác khi đã từng xuất hiện cơn hen khi sử dụng các thuốc này. Những bệnh nhân có bệnh phổi mạn tính có rối loạn thông khí tắc nghẽn không dùng các thuốc chẹn beta giao cảm. Việc tiêm vắc-xin phòng cúm hàng năm làm giảm đáng kể tần suất các đợt nhiễm trùng hô hấp.
Khi có dấu hiệu mắc bệnh hô hấp, người bệnh cần đi khám chuyên khoa hô hấp để có chỉ định điều trị cụ thể.
BS. Hạnh Nguyên
Theo suckhoedoisong
Ung thư gan - Mối nguy tiềm ẩn Ung thư gan (UTG) được đánh giá là bệnh phổ biến nhất tại Việt Nam hiện nay cũng như nhiều nước trên thế giới, là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 3 sau ung thư phổi và ung thư dạ dày. Bệnh thường xuất hiện trên nền gan xơ có nguyên nhân do virus viêm gan B, virus viêm gan C,...