Bác sĩ nước ngoài sẽ mổ cho người đàn ông có khối u 1 mét
Một tháng sau khi đưa anh Nguyễn Duy Hải, người có khối u nặng hơn 80 kg từ Đà Lạt về TP HCM, hôm nay các bác sĩ Bệnh viện Ung Bướu cho biết dự kiến sẽ tách khối u cho bệnh nhân vào cuối tháng 11.
Bác sĩ Lê Hoàng Minh, giám đốc Bệnh viện Ung bướu cho hay, quyết định được ra sau khi hội đồng chuyên môn gồm các bác sĩ chuyên khoa ung bướu, tim mạch, gây mê hồi sức, phẫu thuật trong nước và các chuyên gia nước ngoài tiến hành xét nghiệm và hai lần hội chẩn.
Anh Hải chuẩn bị rời bệnh viện Ung Bướu TP HCM về quê tịnh dưỡng chờ ngày mổ. Ảnh: Thiên Chương
“Việc phẫu thuật dự kiến tiến hành vào ngày 20/11, ngoài các bác sĩ đầu ngành tại TP HCM, ca mổ còn cần đến sự tham gia của Phó giáo sư bác sĩ McKay McKinnon, một chuyên gia phẫu thuật người Mỹ”, ông Minh nói.
Theo các bác sĩ chuyên khoa mạch máu, điều khó khăn nhất khi tiến hành phẫu thuật là tình trạng mất máu do khối u quá to. “Lượng máu cho ca mổ dự kiến kéo dài từ 8 đến 10 tiếng là 7 lít. Tuy nhiên cần phải chuẩn bị trước mọi biện pháp để tránh tình trạng máu chảy không bù kịp”, một bác sĩ nói.
Video đang HOT
Về phương án mổ, bác sĩ Phó Đức Mẫn, nguyên phó giám đốc chuyên môn Bệnh viện Ung bướu TP HCM lo ngại về cách xử lý cắt khối u luôn một lần hay từng phần; chuẩn bị các khả năng nhiễm trùng nếu mổ từng phần ra sao…
Bác sĩ Bùi Chí Viết, Trưởng khoa Ngoại 2, Bệnh viện Ung Bướu cho biết, dự kiến các bác sĩ sẽ mổ từng phần của khối u, mỗi lần khoảng 20-30 cm. “Tuy nhiên điều quan trọng nhất vẫn phải là định dạng đường đi của mạch máu nuôi khối u để tránh khả năng máu chảy ồ ạt”, bác sĩ Viết nói.
Chiều nay, sau khi được chuyển đến Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn làm thêm một số xét nghiệm, bệnh nhân được chuyển thẳng về Đà Lạt chờ ngày trở lại TP HCM phẫu thuật.
“Biết việc mổ sẽ không đơn giản nhưng tôi vẫn mong được phẫu thuật để thoát khỏi “gánh nặng” này. Hiện tôi rất khỏe, hy vọng với thể trạng này, 3 tháng sau tôi có thể cùng các sĩ thực hiện thành công việc tách khối u”, anh Hải nói.
Sinh ra bình thường như bao đứa trẻ khác, đến năm 4 tuổi khối u xuất hiện khiến người đàn ông sinh năm 1980 sống tại Đà Lạt phải ngồi yên một chỗ. Năm 17 tuổi, anh Hải được Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng tháo chân phải, nơi khối u phình to. Ổn định được 4 năm thì tại phần chóp chân đã được tháo khớp, khối u lại phình to và lớn nhanh, hiện đường kính hơn 1 mét. Hoàn cảnh gia đình khó khăn khiến bệnh nhân không thể điều trị bệnh. Hiện khối u quá lớn nên anh Hải phải ngồi một chỗ, mọi sinh hoạt cá nhân phải nhờ vào người mẹ già.
Giữa tháng 7, anh Hải được các bác sĩ Bệnh viện Hoàn Mỹ và Ung bướu đưa về TP HCM để chẩn đoán để bàn phương án điều trị.
Theo VNE
Rất khó phẫu thuật cho người có khối u rộng hơn 1 mét
Khối u quá to có thể gây mất máu lúc mổ khiến bệnh nhân tử vong là điều mà các bác sĩ quan ngại trước khi quyết định có phẫu thuật tách khối u rộng gần 1 mét cho anh Nguyễn Duy Hải hay không.
Chiều 20/7, bác sĩ các chuyên khoa gây mê, ung bướu, tim mạch, huyết học và tiết niệu từ bệnh viện Ung bướu, Truyền máu huyết học, Viện Tim, Bệnh viện Hoàn Mỹ và Bệnh viện Nhân dân Gia Định, đã cùng nhau hội chẩn về bệnh tình của anh Hải. Nhận định "rất khó phẫu thuật" vì nhiều rủi ro được các bác sĩ đưa ra sau cuộc hội chẩn.
Anh Hải vẫn mang hy vọng có thể được phẫu thuật. Ảnh: Thiên Chương.
Bác sĩ Lê Hoàng Minh, Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu cho biết, kết quả hội chẩn khẳng định, bệnh nhân bị bướu đa sợi thần kinh ngoại biên. Kích thước u quá to, để phẫu thuật, dự kiến phải mất từ 8 đến 14 giờ đồng hồ. Tuy nhiên bướu quá lớn đã lan đến nhiều bộ phận trong cơ thể và chứa nhiều mạch máu, nên khả năng mất nhiều máu dẫn đến rối loạn đông máu trong phẫu thuật là rất cao.
Cũng theo các bác sĩ trong nhóm hội chẩn, việc phẫu thuật là rất khó khăn bởi bệnh nhân có thể nguy kịch, trong khi quá trình bù máu không thể kịp với lượng máu mất đi.
Bác sĩ Phó Đức Mẫn, người từng có hơn 30 năm phẫu thuật ung bướu cũng cho rằng, trong suốt quãng thời gian cầm dao mổ, ông chưa từng thấy khối u nào lớn đến thế. Ông cũng khẳng định việc phẫu thuật là rất phức tạp.
"Trước khả năng bệnh nhân có thể không qua khỏi lúc mổ, nên phải cần đến nhiều lần hội chẩn nữa và các chuyên gia nước ngoài từng mổ bướu khổng lồ cho ý kiến, chúng tôi mới dám đưa ra quyết định có tiến hành phẫu thuật hay không", Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu nói.
Trong lúc các bác sĩ đang đưa ra nhiều lý do để quan ngại việc phẫu thuật, anh Hải vẫn lạc quan hy vọng anh sẽ được bóc tách khối u quá nặng nề đã theo mình suốt 27 năm.
Mang khối u to rộng hơn 1 mét, nặng khoảng 80 kg lấn hết chân phải, bệnh nhân Hải được chuyển từ quê nhà ở Đà Lạt (Lâm Đồng) về Bệnh viện Ung Bướu TP HCM để chẩn đoán và điều trị hôm 18/7.
Theo VNE
Ước mơ của bệnh nhân mang khối u 80 kg Sáng 26/7, lãnh đạo Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đã có cuộc họp hội chẩn về trường hợp của bệnh nhân Nguyễn Duy Hải (31 tuổi) - người mang khối u khổng lồ nhất từ trước tới nay với trọng lượng lên đến 80 kg. Đắn đo trước khối u quá lớn Anh Nguyễn Duy Hải là một bệnh nhân đặc biệt. Và...