Bác sĩ nổi tiếng Italy qua đời vì nCoV
Roberto Stella – Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Varese – qua đời ở tuổi 67 sau khi nhập viện vì nCoV.
Hãng tin nhà nước ANSA đưa tin, Roberto Stella (67 tuổi), một bác sĩ đa khoa nổi tiếng tại Italy qua đời vào tối 10/3. Ông là một trong hai bác sĩ nhiễm nCoV đầu tiên trong cả nước và được đưa tới bệnh viện Como vì suy hô hấp.
Ông Stella là Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Varese, thuộc Lombard, miền bắc Italy. Stella là bác sĩ đa khoa được kính trọng cả ở cấp địa phương và quốc gia. Đây là tin đầu tiên về một bác sĩ Italy qua đời trên trận tuyến chống Covid-19.
Trong một tuyên bố, Liên đoàn bác sĩ quốc gia Italy tiếc thương sau cái chết của Stella, nhấn mạnh những đóng góp của ông ở cấp quốc gia. Họ hy vọng chính phủ sẽ chú ý đến những nguy hiểm mà các bác sĩ và y tá người Italy đang phải đối mặt. “Ông Stella là một bác sĩ rất tận tụy vì người bệnh trong đại dịch”, thư ký liên đoàn, Silvestro Scotti, cho biết.
Họ nói rằng cái chết của ông đại diện cho sự phản đối mạnh mẽ của tất cả y bác sĩ Italy hiện không được trang bị bảo vệ cá nhân cần thiết để chống lại virus khi làm việc.
“Vùng đỏ” Italy là quốc gia châu Âu chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất của Covid-19. Cơ quan Bảo vệ dân sự hôm nay cho biết, số người chết vì nCoV tăng vọt lên 827. Chưa đầy 24 giờ trước đó, số ca tử vong mới là 168. Đây là mức tăng lớn nhất kể từ khi dịch được phát hiện đầu tiên tại nước này vào ngày 21/2. Tổng số ca nhiễm tăng lên 12.462 so với 10.149 trước đó. Thủ tướng Giuseppe Conte đã bổ sung thắt chặt lệnh phong tỏa đất nước 60 triệu dân trong bối cảnh mức tử vong cao nhất hơn bất cứ quốc gia nào kể từ khi dịch bắt đầu.
Huyền Anh (Theo CNN)
Theo ione.net
Bên trong Italy những ngày đầu phong tỏa
Italy là nước đầu tiên ở châu Âu ban bố lệnh phong tỏa toàn quốc để hạn chế lây lan nCoV, khiến người dân cho rằng 'bối cảnh thật siêu thực'.
Video đang HOT
Vào những ngày đầu tiên của lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan nCoV, các đường phố, cửa hiệu, nhà thờ và sân bóng ở Italy vắng bóng người. Người dân tuân thủ nghị định "Tôi ở nhà" của chính phủ, được ban hành vào tối 9/3 bởi Thủ tướng Giuseppe Conte.
Nhưng khi người dân Italy ở nhà, chính quyền phía bắc nước này vẫn xin chính phủ áp dụng biện pháp mạnh tay hơn như dừng tất cả hoạt động giao thương và giao thông công cộng để ngăn chặn dịch bệnh.
Quảng trường Duomo ở Milan gần như bị 'bỏ hoang' hôm 10/3.
"Đây là thời gian kiên quyết" - Thống đốc Attilio Fontana của khu vực Lombardy - nơi có Milan và nhiều thành phố có người nhiễm bệnh khác - nói. Chính quyền cho biết quá trình phong tỏa có thể kéo dài 2 tuần. Người phát ngôn của ông Fontana hy vọng yêu cầu này sẽ được chính phủ Rome chấp thuận càng sớm càng tốt.
Người dân Italy đã đến trung tâm cách ly hoặc tự cô lập ở nhà để chiến đấu chống lại với sự lây lan của virus.
Tại Rome, nước vẫn chảy ở đài phun nước nổi tiếng Trevi Fountain vốn đông khách, nhưng hiện không còn ai tham quan. Gần như không có một bóng người ở Vương cung Thánh đường St. Peter. Chính phủ chỉ đạo du khách nên về nhà hoặc về khách sạn. Mọi người xếp hàng bên ngoài siêu thị, chỉ có một vài người được vào cùng một lúc, theo đúng giới hạn tiếp xúc trong nghị định.
Đây không phải là lệnh phong tỏa hoàn toàn. Mặc dù mọi người được yêu cầu không rời nhà, họ vẫn có thể di chuyển để đi làm, mua nhu yếu phẩm hoặc các lý do khác liên quan đến sức khoẻ, con cái hoặc người cao tuổi. Lực lượng quân đội và cảnh sát thiết lập ở các trạm kiểm soát khắp đất nước đã yêu cầu người dân dừng lại để điền vào tờ khai y tế, đồng thời giải thích lý do di chuyển là gì. Lời khai này sẽ được xác nhận bởi chính quyền. Nếu khai man sẽ được coi như một tội hình sự.
Đứng cạnh một trạm kiểm dịch của cảnh sát ở ga tàu Bologna, Valentina Scicolone (30 tuổi) nói tình huống này thật kỳ quái. Cô đến thăm bạn trai, hiện đợi tàu đến Milan - nơi cô làm việc tại một khách sạn. Tuy nhiên khách sạn này cũng đã đóng cửa vì hàng loạt khách hủy đặt phòng. Scicolone ý thức được rằng chính phủ nghĩ tình yêu không phải là lý do chính đáng để di chuyển và cô không chắc bản thân có thể quay lại Bologna hay không. "Tôi không biết khi nào mới được gặp lại bạn trai", cô nói.
Một số người cao tuổi ở Italy cho biết đường phố có cảm giác như trong thời chiến. 6 giờ tối hàng ngày, các quan chức y tế và bảo an đứng trước ống kính đài truyền hình quốc gia và cập nhật số ca nhiễm và tử vong - một thông lệ trong thời điểm dịch bệnh. Một bác sĩ ở bệnh viện thành phố Bergamo đăng tải một bức hình lên mạng xã hội - cho thấy sức ép lên hệ thống y tế khi số lượng bệnh nhân quá lớn. Bức hình được tờ báo lớn nhất Italy, Corriere della Sera đăng tải lại vào ngày 10/3. Bác sĩ này tên Daniele Macchini - viết: "Cuộc chiến đã nổ ra và trận chiến vẫn tiếp diễn bất kể ngày hay đêm".
Anh gọi tình hình hiện nay là một thảm hoạ dịch tễ vượt qua khả năng làm việc của bác sĩ. "Người này nối tiếp người kia - những con người xấu số này đến phòng cấp cứu. Bệnh của họ phức tạp hơn cúm thông thường. Giờ đây chúng ta nên đừng cho rằng đó là bệnh cúm nặng", anh cho biết.
Cựu thủ tướng Italy, Matteo Renzi, cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng virus cho trước chính phủ 10 ngày để hành động, và các biện pháp chính phủ đang thực hiện là cần thiết để cứu cả châu Âu. "Hôm nay vùng báo động đỏ là Italy, nhưng trong 10 ngày nữa sẽ là Madrid, Paris và Berlin. Italy cần cho thấy cách ngăn chặn dịch bệnh này, nếu không vùng đỏ sẽ là cả châu Âu", ông nói.
Khu khẩn cấp bên ngoài một bệnh viện ở Brescia, miền bắc Italy. Ảnh: AP.
Luca Zaia - Thống đốc khu vực Veneto, nơi có thành phố Venice - đồng ý với quan điểm của chính quyền Lombardy trong việc yêu cầu thực hiện các biện pháp mạnh tay hơn. Ông cho biết, để ngăn chặn virus và cứu hệ thống y tế, những biện pháp cứng rắn hơn, trong đó có cả đóng cửa hoàn toàn là cần thiết và nên được ưu tiên.
Thành phố Verona - nơi từng rất nhộn nhịp bên ngoài thành cổ - giờ đây cũng vắng tanh. Hai người bạn từ thuở nhỏ giờ đây mới gặp lại nhau sau hàng thập kỷ tìm kiếm nhưng họ không thể ôm nhau. Anna Burro (56 tuổi) đứng cạnh người bạn của mình, nhưng không quá gần. "Chúng tôi phải tuân thủ luật lệ", bà nói. Anna nghĩ rằng chính phủ nên đóng cửa mọi thứ và lo lắng những biện pháp nửa vời sẽ khiến vết thương của đất nước lan rộng hơn.
Vào ngày 8/3, Italy ban bố lệnh hạn chế di chuyển ở miền bắc. Khi tuyên bố lệnh này, Thủ tướng Conte cảnh báo người dân không nên cố gắng lách luật.
Các chính trị gia và các nhà virus học khác thúc giục ông Conte mở rộng lệnh cấm lên toàn khu vực. Khi đưa ra lệnh này, ông lên sóng vào giờ vàng, thay vì 2 giờ chiều như mọi khi. Chính phủ cũng giải thích những gì mà người dân được và không được phép làm bằng một bảng câu hỏi và giải đáp. Ngày 10/3, quốc gia này dường như đã biết sợ. Ở Milan, nơi chỉ còn là chiếc vỏ rỗng của lòng thành phố sôi động trước đây, các hoạt động giảm thiểu một cách mạnh mẽ.
Ở Rome, người dân đeo khẩu trang và găng tay cao su, ngay cả khi đi dạo ở khu vực Monteverde. Họ không còn bất cẩn như trước mà cảnh giác hơn nhiều. Toàn bộ trường học sẽ đóng cửa đến ngày 3/4. Một số phụ huynh tự dạy học cho con ở nhà.
Ở cửa hàng Salsamenteria Ruggeri, một người đàn ông đeo tạp dề và khẩu trang trắng đã giới hạn số lượng khách vào cửa hàng cùng một lúc. Nadia Bucciarelli - một nhân viên thu ngân ở cửa hàng socola lâu đời Moriondo & Gariglio - chia sẻ: "Mọi người đang hoảng sợ. Chắc chắn là vậy rồi".
Những người đi bộ quanh đây đều là du khách. Và chính phủ rõ ràng là không muốn họ như vậy. Chính phủ cảnh báo người dân tránh các hoạt động du lịch và du khách nên trở về nhà hoặc nơi tạm trú.
Bên cạnh đền thờ Pantheon ở trung tâm thành phố Rome, một biển báo bên cạnh cửa ra vào cho biết du khách có thể tải một ứng dụng về di tích này. Các thầy tu ở Nhà thờ thánh St. Ignatius rút cạn nước trong bồn nước thánh cạnh cửa ra vào. Ở phố Via dei Condotti cạnh bậc thang Tây Ban Nha, các cửa hàng thời trang cao cấp vẫn mở cửa, nhưng không có khách. Chỉ có một nhà mốt duy nhất ở Milan là Armani đã đóng cửa để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân.
Orgest Doja đang chào mời khách vào nhà hàng của mình ở Piazza Navonna. Anh cho biết: "Mọi việc đang rất tệ".
Tại một nhà hàng ở Trastevere, Michelle Dejour (49 tuổi) du khách người Đan Mạch đang uống cà phê, trong khi chồng cô đang uống rượu vang trắng ở đầu bàn bên kia. Cô nói: "Phục vụ yêu cầu chúng tôi làm thế này".
Một số nhân viên buộc phải tiếp xúc với khách cũng không hề vui vẻ. Họ thấy được sự cách biệt về giai cấp trong lời kêu gọi người dân ở nhà của người nổi tiếng nơi đây. Andrea Arcangeli, một tài xế taxi 41 tuổi nói Rome trở nên hoang vắng. "Bạn ở nhà vì bạn đủ tiền để làm vậy". Ông phàn nàn rằng các cửa hiệu bị đóng cửa không phải vì được yêu cầu làm vậy mà vì không có ai ra ngoài. Và như vậy là đúng ý chính phủ.
Huyền Anh (Theo New York Times)
Theo ione.net
Chuyên gia: Covid-19 tạo bất ổn lớn trên toàn thế giới Các nhà phân tích cho rằng dịch viêm phổi do nCoV đang gây thiệt hại lớn đến đời sống và phát triển kinh tế trên phạm vi quốc tế. "Dịch viêm phổi do nCoV đang gây nên bất ổn trên quy mô lớn với các hộ gia đình, với các doanh nghiệp và nhà đầu tư", Giáo sư Michael Walden, Đại học bang...