Bác sĩ nhờ phóng viên phẫu thuật não cho nạn nhân động đất
Các bác sĩ tại một bệnh viện ở thủ đô Kathmandu – Nepal buộc phải đề nghị phóng viên đài CNN (Mỹ) thực hiện ca phẫu thuật não cho nạn nhân động đất do thiếu nhân lực trầm trọng.
May là ông Sanjay Gupta, phóng viên mảng y tế của đài CNN, là một bác sĩ có đủ trình độ chuyên môn và đã tiến hành ca phẫu thuật thành công trong điều kiện không được lý tưởng cho lắm.
TS Sanjay Gupta thực hiện ca phẫu thuật
Ông Gupta đã sử dụng nước vô trùng và dung dịch iốt rửa vết thương. Sau đó, ông dùng một chiếc cưa để thực hiện ca phẫu thuật mở hộp sọ cho bé Selena Dohal, 8 tuổi, để lấy máu tụ trong não. Ông của bé gái cho biết cháu mình gặp nạn khi đi lấy nước và bị mái nhà rơi trúng đầu. Ông đã đưa Dohal đến bệnh viện Bir ở thủ đô Kathmandu trong khi cha mẹ bé gái đang chăm sóc cho đứa con trai, người cũng bị thương trong trận động đất. Tình trạng sức khỏe của bé Dohal đã ổn định.
Đây không phải là lần đầu tiên phóng viên Gupta thực hiện ca phẫu thuật trong lúc tác nghiệp. Trong cuộc chiến tranh Iraq năm 2003, ông này từng phẫu thuật não 5 lần cho bệnh nhân khi đang đi cùng với đơn vị hải quân Devil Docs.
Trong lúc này, hoạt động cứu hộ tiếp tục gặp khó khi nhiều người dân Nepal đã chặn các xe tải mang theo hàng viện trợ cho các nạn nhân trong thảm họa động đất vào khu vực trung tâm và yêu cầu chính phủ cần làm nhiều hơn để giúp đỡ họ.
Người dân chặn xe tải chở hàng cứu trợ
Video đang HOT
Vụ động đất mạnh 7,8 độ Richter hôm 25-4 đã khiến hơn 5.200 người thiệt mạng và hàng chục ngàn người vô gia cư sống trong cảnh thiếu thực phẩm và nguồn nước sạch. Những người dân ở các khu vực hẻo lánh còn khổ sở hơn nhiều.
Tại thủ đô Kathmandu, khoảng 200 người biểu tình bên ngoài quốc hội, yêu cầu chính phủ điều động thêm nhiều xe buýt đưa họ về nhà ở các vùng xa của Nepal và đẩy nhanh hoạt động cung cấp hàng viện trợ đến những người có nhu cầu ở khu vực này. Hôm 28-4, cảnh sát chống bạo động đã xô xát với những người biểu tình đòi thêm xe để rời Kathmandu.
Tuy nhiên, cũng tại Kathmandu, có nhiều dấu hiệu cho thấy nhịp sống bình thường đang dần trở lại, theo đài BBC. Nhiều người quyết định trở về nhà sau 4 ngày ngủ ngoài trời. Các máy rút tiền hoạt động lại và một số người buôn bán trên đường phố mở lại hàng quán.
Dòng xe buýt đông nghẹt rời khỏi Kathmandu. (Ảnh: AP)
Trong khi đó, ở làng Sangachowk, nhiều người dân giận dữ đã dùng lốp xe chặn đường. Họ đã ngăn 2 chiếc xe tải đang tiến về thủ đô cùng với gạo, mì và bánh. Sau đó, những người này tiếp tục chặn 3 chiếc xe tải quân đội chở hàng cứu trợ khác. Một người dân tên Udhav Giri, 34 tuổi, nói: “Chúng tôi không nhận được thực phẩn từ chính phủ. Các xe tải mang gạo đi qua đây và không dừng lại. Trong khi đó, các khu vực ảnh hưởng ở trung tâm đã nhận đủ thực phẩm”.
Trong bối cảnh đó, Liên Hiệp Quốc hôm 29-4 đã kêu gọi khoản viện trợ 415 triệu USD để giúp đỡ người sống sót sau thảm họa động đất ở Nepal. Theo tổ chức này, 8 triệu người đang bị ảnh hưởng và khoảng 70.000 ngôi nhà bị sập ở Nepal.
Theo Xuân Mai
Người Lao động
Thư Nepal: Từ những đau thương!
Jomson cách Kathmandu, thủ đô Nepal và vùng tâm chấn đến 360 km. Những ngôi nhà đơn sơ của người dân nghèo được xây trên những mảnh đất cằn, dưới thung lũng mà bên trên là những nọn núi đầy tuyết... ...
Xa thế, nhưng nhiều ngôi nhà ở Jomson vẫn nứt toác chờ sập, quân đội và cảnh sát đang giúp người dân di tản ra những chỗ mà hôm qua vẫn còn là tổ ấm của họ.
Phóng viên Nguyễn Hà Cẩm Tú với gương mặt bị nám lạnh sau những ngày trekking trên những ngọn núi tuyết
Đất nước này chỗ rộng nhất có bề ngang chỉ 200 km nhưng có tới ba vùng khí hậu: nhiệt đới; cận nhiệt đới, ôn hòa và vùng lạnh tùy theo độ cao. Di chuyển từ bên này sang bên kia bề ngang đất nước, người ta cần tới ba loại trang phục. Đất nước nhỏ bé này đầy những biến động do những xung đột bên ngoài và bên trong nó. Đa số người dân theo Ấn giáo nhưng Nepal được coi là nơi Đức Phật ra đời. Năm 1997, UNESCO công nhận Lâm Tỳ Ni là thánh tích di sản của thế giới, công nhận việc Đức Phật được sinh ra ở Nepal. Nằm giáp Ấn Độ và Trung Quốc, Ấn Độ nghiễm nhiên coi Nepal nằm trong tầm ảnh hưởng của mình. Trong khi đó, do tiếp giáp với một Tây Tạng nhiều đối kháng, Trung quốc coi Nepal như một vùng phên dậu.
Đấy là chuyện bên ngoài, còn bên trong, những thập kỷ gần đây Nepal có nhiều biến động với sự suy tàn của nền quân chủ. Sự phản kháng của một số lực lượng vũ trang, sự xuất hiện của nhiều đảng phái đã dần dần làm giảm sút quyền hành của hoàng gia, và ngay Hoàng gia Nepal cũng có tình trạng chia rẽ. Ngày 1-6-2001, Hoàng thái tử Dipendra đã thực hiện một cuộc thảm sát trong hoàng cung để trả thù việc cha mẹ từ chối người phụ nữ ông muốn kết hôn. Vua và hoàng hậu bị giết và Dipendra cũng qua đời ba ngày sau đó. Ngôi báu được em của Birendra là Gyanendra thừa kế. Trước thực tế các chính phủ bất ổn và cuộc bao vây Thung lũng Kathmandu của những người Maoist tháng 8 năm 2004, sự ủng hộ của dân chúng dành cho hoàng gia đã giảm sút. Sáu năm sau, Nepal chấm dứt hoàn toàn chế độ quân chủ vào năm 2006.
Quân đội và cảnh sát đang giúp người dân di tản ra khỏi những ngôi nhà có thể sập. (Ảnh: Cẩm Tú)
Nepal nhiều biến động, Nepal nhiều thánh tích, Nepal nhọc nhằn nhưng kỳ vĩ. Nepal có tới tám trong số 10 ngọn núi cao nhất thế giới. Tự thân Nepal chứa nhiều bí mật với ngay cả con người nơi đây và luôn vẫy gọi những bàn chân khám phá. Đến Nepal với từng cung trek, bạn không chỉ khám phá đất nước nhiều bí mật này, mà những cung đường gian lao của Nepal còn là nơi để bạn khám phá và vượt qua sự hữu hạn của bản thân mình. Để rồi yêu cuộc đời hơn, thương Nepal hơn và lòng nghĩ đến những lần trở lại...
Thế nhưng hôm nay thì Nepal đang bị tàn phá, những thước đất Nepal đang vùi lấp trong nó không biết bao nhiêu người. Những đám lửa hỏa thiêu đang được thực hiện ở vùng ảnh hưởng động đất vì số người chết quá khủng khiếp. Những bàn chân khám phá đang ngừng lặng đau đớn và bối rối trước quyết định ở hay về.
Một ngôi nhà trống hoác vì chủ nhân đã di tản. (Ảnh : Cẩm Tú)
Những con đường ở Jomson bị xé nát do ảnh hưởng động đất, dù ở xa tâm chấn. (Ảnh : Cẩm Tú)
Khi tai ương ai cũng mong có một gia đình, về với gia đình đang mong ngóng, nhiều bạn bè tôi sẽ rời Nepal. Nhưng cũng không ít cảm xúc nấn níu muốn ở lại bên cạnh vùng đất này trong những ngày hoạn nạn. Đôi bàn tay nhỏ bé có thể không giúp được gì, nhưng vẫn muốn ôm tất cả vào lòng. Đôi khi, một ánh nhìn sẻ chia cũng khiến người bạn mình ám áp trong cơn bĩ cực, một cái nắm tay đủ cho ai đó biết rằng họ không đơn độc. Hơn nữa, đi về ngay sao đành khi Nepal đã là một phần ký ức và hôm nay ký ức đẹp đẽ đó đang chìm trong đau thương...
Cho dù tang thương mất mát hôm nay thì Nepal vẫn sẽ vượt qua, nụ cười hiền lành sẽ nở lại trên môi những con người lam lũ, dù rât lâu, dù khi ấy họ vẫn chưa quên thảm họa này. Và dù, những đền tháp hôm nay đổ sụp hay bị vùi lấp, thì cuộc sống vẫn tiếp diễn như một dòng chảy. Nepal rồi sẽ sáng tươi.
Tôi đã nghĩ về Nepal như thế, trên suốt con đường trở về Kathmandu.
Theo Cẩm Tú- Hoàng Minh
Pháp luật TPHCM
Tường thuật của PV Cẩm Tú: Khóc ở Nepal Mấy giờ sau khi mặt đất chao đảo, chú hướng dẫn viên bảo Kathmandu xảy ra chuyện lớn rồi. Động đất rất lớn, nhiều toà nhà sụp đổ, rất rất nhiều người chết. Lời Tòa soạn: Phóng viên Cẩm Tú, người đã mất liên lạc với cơ quan và gia đình những ngày qua đang trên đường trở về Kathmandu (Nepal) sau cung...