Bác sĩ người Việt cứu người ở New York: Đừng xem thường con virus này
“Mình đã viết những chia sẻ đó trong một đêm mất ngủ vì lo lắng trong khi chồng đang làm việc ở phòng hồi sức tích cực của bệnh viện”, nữ bác sĩ gốc Việt Trang Phương Trinh trải lòng với Tuổi Trẻ Online.
Chị Phương Trinh (phải) và một đồng nghiệp tại nơi làm việc – Ảnh: NVCC
Đó là những chia sẻ của chị Trang Phương Trinh (tên tài khoản Facebook là Trinh Trang Yarett) với Tuổi Trẻ Online khi được hỏi về những dòng trạng thái (status) có tiêu đề Tháng 3, trong tâm bão viết về tình hình dịch bệnh tại New York (Mỹ) những ngày này.
Status này vẫn đang được cư dân mạng chia sẻ chóng mặt. Tới chiều 1-4 đã có hơn 11.000 lượt like, 6.900 lượt chia sẻ và hơn 115 bình luận.
Nhiều người đã khóc
Chị Phương Trinh cho biết chị viết status ban đầu chỉ để chia sẻ với bạn bè. Nhưng rồi một số bạn muốn chia sẻ về “tường” (wall) nhà mình nên đã nhắn chị chuyển sang chế độ cộng đồng (public). Và sau đó chị bất ngờ khi nhận được sự đồng cảm của quá nhiều người đọc. Nhiều người nhắn với chị là họ đã khóc.
Viết ra chỉ với mục đích ban đầu là chia sẻ nỗi lòng nặng trĩu với bạn bè, nhưng những chi tiết chân thực được “ghi” lại qua đôi mắt quan sát thật nhân hậu của nữ bác sĩ nhi khoa người Việt tại bệnh viện lớn nhất ở New York đã thực sự thuyết phục người đọc.
Sẽ nhiều người không quên được những dòng này: “Thực tế đau lòng là hầu hết bệnh nhân COVID-19 khi mất đều ra đi một mình. Để ngăn lây lan, bệnh viện quy định người nhà bệnh nhân không còn được vào thăm nữa.
Rất nhiều gia đình đã phải nhìn người thân của mình ra đi qua facetime, và rất nhiều gia đình còn không hay biết người thân của mình đã mất vì bệnh viện không liên lạc với họ được.
Và mất vì bệnh này, nếu không được tiêm morphine, là cảm giác như đang chết ngạt khi phổi không còn cung cấp oxy cho cơ thể được nữa. Đó là cái chết đau đớn và cô độc nhất”. (trích chia sẻ trên Facebook của chị Trang Phương Trinh)
Chỉ mới được huy động tham gia công tác chống dịch COVID-19 của bệnh viện khoảng 1-2 tuần nay, nhưng “những điều trông thấy” trực tiếp đã khiến chị Phương Trinh hiểu rõ mức độ nghiêm trọng của tình hình dịch bệnh.
Video đang HOT
Để phù hợp với chuyên môn bác sĩ nhi, bệnh viện giao cho chị điều trị các bệnh nhân nhỏ tuổi và những người trẻ bị nhiễm virus SARS-CoV-2. Vì nhóm người bệnh này ít bị nặng, công việc phần nào bớt áp lực.
Nhưng chồng chị, anh Ian Yarett, thì khác. Là bác sĩ nội trú đa khoa đang phải làm việc rất nhiều tại phòng hồi sức tích cực (ICU) ở một bệnh viện khác cũng ở New York, anh Ian Yarett gần như không được nghỉ ngơi trong những ngày “bão táp” này.
Cùng là bác sĩ nội trú, chị Trinh và anh Ian hiểu rõ mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh. Chị rất lo lắng, thậm chí bức xúc khi thấy trên mạng xã hội có quá nhiều tin giả. Mà không chỉ tin giả, nhiều người vẫn xem nhẹ dịch bệnh còn cho rằng chính phủ đang làm quá khi đóng cửa hoạt động kinh doanh, sản xuất.
“Khi chứng kiến sự lây lan rất nhanh và khi thấy có nhiều người chết cùng một lúc, bạn sẽ hiểu chính phủ không làm quá, không nhà nước nào muốn đóng cửa nền kinh tế cả. Đó là lý do vì sao những người trong ngành y rất khẩn thiết kêu gọi mọi người hãy ở nhà”, chị Trinh chia sẻ.
Vợ chồng bác sĩ Ian Yarett và bác sĩ Phương Trinh trong lễ tốt nghiệp trường y khoa Johns Hopkins – Ảnh: NVCC
Mong mọi người cẩn trọng hơn
Khi viết những dòng status chia sẻ tâm tư trên Facebook, chị Trinh muốn gửi tới mọi người thông điệp hãy cẩn trọng hơn, đừng chủ quan coi thường căn bệnh COVID-19.
Một thực tế chị nhận thấy tại bệnh viện của mình, số người trẻ phải nhập viện không ít và cũng không hiếm những người trẻ đã qua đời vì bệnh này, dù đúng là người già, người có bệnh nền vẫn là nhóm rủi ro cao hơn với COVID-19.
“Bệnh này khác với các bệnh cúm thông thường. Nếu không may rơi vào nhóm bị nặng, sau khi nhiễm virus, tình trạng người bệnh từ lúc có biểu hiện ho, sốt tới chuyển sang khó thở diễn biến rất nhanh”, chị nói.
“Khi đó nếu nhập viện, người nhẹ sẽ phải dùng máy thở oxy, người nặng phải dùng máy thở. Người nhẹ sẽ khỏi sau 1-2 ngày, còn theo chồng chị, phần lớn những người bệnh này khi đã phải đặt ống thở đều không qua khỏi”, chị giải thích thêm.
Cho tới ngày 31-3, tình trạng khan hiếm trang thiết bị y tế tại bệnh viện của chị Trinh không còn nghiêm trọng như trước đó vài ngày, lúc chị viết status trên Facebook.
Nhưng với tốc độ tăng số ca bệnh như hiện tại, chị vẫn rất lo, không biết trang thiết bị sẽ còn đủ dùng bao lâu nữa. Một người bạn chị ở bệnh viện khác đã phải dùng bao đựng rác làm đồ bảo hộ.
Vừa rồi cả hai bệnh viện nơi chị Trinh và anh Ian làm việc (thuộc hai hệ thống bệnh viện lớn nhất tại thành phố New York) đều đã thử nghiệm thành công kỹ thuật phân chia một máy thở cho hai người bệnh. Tất cả đều đã phải tính tới những phương án nỗ lực tối đa để cứu sống nhiều người bệnh nhất có thể lúc này.
D. KIM THOA
Xin vào phòng sinh để động viên vợ lúc vượt cạn, ai ngờ ông bố lại trở thành bệnh nhân khiến 3 bác sĩ phải chăm sóc
Trong khi các bác sĩ lo lắng về tình trạng bệnh nhân bất đắc dĩ này, thì cô vợ lại cười thật rạng rỡ ghi lại khoảnh khắc đặc biệt.
Giây phút đón con chào đời luôn là thời khắc thiêng liêng đối với những người làm cha làm mẹ. Song, không phải bất kỳ ông chồng nào vào phòng sinh vượt cạn cùng vợ cũng đủ sức chịu đựng khi phải chứng kiến cảnh vợ mình đau đớn, vật vã, lăn lê bò lết, hoặc bị rạch bụng khi mổ lấy thai.
Hôm 14/1 vừa qua, một tài khoản Instagram có tên là Worthfeed đã đăng tải bức ảnh đặc biệt trong phòng sinh.
Ông bố đã ngất xỉu khi chứng kiến cảnh vợ mình sinh con.
Một bà mẹ (xin được giấu tên) đã chụp bức ảnh selfie vui nhộn khi cô ấy vừa mới sinh con xong, vẫn đang nằm trên bàn sinh, tóc vẫn gọn gàng trong túi vô trùng, người vẫn đắp một cái chăn, nhưng cô ấy lại không phải là tâm điểm của bức hình.
Người khiến cư dân mạng cười nghiêng ngả là ông bố đang nằm ngất xỉu ở sàn nhà, được vây quanh bởi 3 bác sĩ, trong đó có 1 người đang bế em bé mới sinh. Rõ ràng là người đàn ông này đã không đủ sức chịu đựng khi chứng kiến cảnh vợ sinh con.
Trong khi các bác sĩ lo lắng về tình trạng bệnh nhân bất đắc dĩ này, thì cô vợ lại cười thật rạng rỡ ghi lại khoảnh khắc đặc biệt bằng tấm hình ấn tượng.
Chú thích cho bức ảnh, Worthfeed hài hước viết rằng: "Anh ấy ở đây để động viên vợ sinh con đầu lòng", nhưng cuối cùng không biết là ai phải động viên ai.
Bức ảnh đã thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng khi có đến 16.496 lượt thích.
Mặc dù đây là bức ảnh cũ nhưng ngay khi được tài khoản trên đăng tải lại, nó đã thu hút được 16.486 lượt thích. Ngoài những lời chúc mừng gia đình trong bức ảnh có thêm thành viên mới, hầu như không ai có thể nhịn được cười trước ông bố này. Nhiều người còn hài hước bình luận:
- Con đã ở bên cạnh động viên bố.
- Anh chồng nằm trên sàn sợ hãi, và người vợ nằm trên bàn thư thái.
- Cô vợ nhận được một sự khích lệ thật to lớn, và một kỷ niệm đẹp tuyệt vời.
- Anh chồng sẽ không bao giờ dám bước vào phòng sinh một lần nữa.
- Khi vợ sinh con đầu lòng, tôi đã ở bên và cũng như thế này.
Nguồn: Mirror
Theo Trí Thức Trẻ
Đón sinh nhật trong bệnh viện vì nhiễm virus corona, cô gái khóc nghẹn trước hành động của bác sĩ Biết hôm đó là sinh nhật của cô gái trẻ nhưng lại không thể cùng ở bên gia đình, bạn bè vì đang điều trị viêm phổi, các bác sĩ trong bệnh viện đã quyết định làm một điều bất ngờ. Dịch viêm phổi cấp gây ra bởi virus corona chủng mới đang diễn biến ngày một phức tạp, tính đến 9h ngày...