Bác sĩ kể cuộc điện thoại lúc nửa đêm của nữ bệnh nhân Covid-19
‘Cuộc trò chuyện kéo dài, người bệnh nói nhiều lắm…’, BS Phát bật cười nhớ lại.
Kể từ khi nhận lệnh xuống BV dã chiến Củ Chi, TP.HCM làm việc đến nay đã tròn tháng, bác sĩ (BS) Huỳnh Hồng Phát (30 tuổi, quê gốc TP.HCM) chưa được về nhà.
Sáng những ngày trung tuần tháng 4, khi những ca bệnh Covid-19 tại đây chỉ còn vài trường hợp, BS Phát cũng như những đồng nghiệp khác vẫn tất bật để hoàn tất công việc.
Kết thúc đợt thăm khám, BS Phát cởi bộ đồ bảo hộ màu xanh, rửa tay bằng nước sát khuẩn rồi ngồi vào bàn xem hồ sơ, phim chụp phổi của người bệnh.
Vui vẻ mở đầu câu chuyện, BS Phát cho biết: ‘Số bệnh nhân dương tính cũng xuất viện gần hết, công việc của tôi cũng nhẹ nhàng hơn’.
Bác sĩ Huỳnh Hồng Phát. Ảnh: Tú Anh.
Giữa tháng 3, BV dã chiến Củ Chi đã có 15 người dương tính được xuất viện, nhưng số người nhiễm bệnh tiếp tục chuyển đến ngày một tăng. Lúc đó, BS Phát – công tác tại BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM được hơn 6 năm nhận lệnh xuống đây làm việc một tuần.
Phải làm việc ở tuyến đầu, nhưng đã có hơn 6 năm tiếp xúc với các bệnh truyền nhiễm khác nhau, vì thế, khi trực tiếp tiếp xúc với người bệnh, BS Phát thấy đây là nhiệm vụ không đáng sợ.
‘Là người làm trong ngành truyền nhiễm nên từ đầu tôi xác định, bất cứ bệnh nào cũng có thể lây. Vì thế, bản thân mình là bác sĩ phải có biện pháp đề phòng tốt nhất’, BS Phát chia sẻ.
Theo BS Phát, có những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, người bệnh nhanh chết hơn như bệnh nhiễm trùng huyết… Bệnh Covid-19 có thể chữa được. Mọi người hãy biết cách phòng tránh, khi có biểu hiện thì đến cơ sở y tế ngay, và nhớ là đừng làm nó lây lan cho cộng đồng, gia đình, người thân.
Khu nhà dành cho bệnh nhân Covid-19 của Bệnh viện dã chiến Củ Chi. Ảnh: Tú Anh.
Ở đây, nhiệm vụ của BS Phát là trực tiếp khám, chữa bệnh cho những bệnh nhân dương với Covid-19. Ngày hai lần, sáng và chiều anh đi từng buồng bệnh kiểm tra sức khỏe, phết họng lấy mẫu xét nghiệm.
Anh cũng dành khoảng 5-10 phút nói chuyện với mỗi người bệnh, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của họ. Với những bệnh nhân có triệu chứng nặng, anh sẽ động viên, trấn an họ, theo dõi họ mỗi ngày. Đến nay, anh đã chữa khỏi cho 7 bệnh nhân.
‘Đa phần các bệnh nhân đều là du học sinh. Họ là dân trí thức, gia đình có điều kiện. Khi bị bệnh, họ lo lắng, hợp tác với bác sĩ để chữa trị. Các yêu cầu của họ chỉ gọi để xin đồ dùng: màn, gối, thau, xà bông để phục vụ cho nhu cầu cá nhân’, BS Phát kể.
Video đang HOT
Ở mỗi phòng bệnh sẽ có một chiếc điện thoại để người bệnh có thể gọi cho bác sĩ khi cần. Bác sĩ Phát cho biết, ngoài nói chuyện trực tiếp, anh còn nói chuyện với người bệnh qua điện thoại.
‘Có những em là du học sinh còn trẻ, nửa đêm buồn và khó ngủ nên gọi xin nói chuyện với bác sĩ. Yêu cầu này, chúng tôi chấp nhận, vì người bệnh đang buồn, hoặc có chuyện gì đó cần giúp đỡ. Cuộc trò chuyện kéo dài, người bệnh nói nhiều lắm. Đến khi tôi hỏi nguyên nhân tại sao nửa đêm không ngủ cho khỏe, em ấy nói là do ban ngày uống cà phê nên tối không ngủ được’, BS Phát bật cười nhớ lại.
Sau giờ thăm khám, các y bác sĩ kiểm tra hồ sơ, phim chụp phổi của người bệnh. Ảnh: Tú Anh.
Chuyện chưa kể về bệnh viện dã chiến thời Covid-19
BS Trần Chánh Xuân, Phó giám đốc BV cho biết, nơi này gồm 2 khu, chữa bệnh và cách ly người có dấu hiệu bệnh. Tính đến nay, BV tiếp nhận 34 bệnh nhân dương tính với Covid-19 và đã xuất viện gần hết.
Theo BS Xuân, các y bác sĩ thường nhận lệnh xuống làm việc một tuần, nhưng có người tình nguyện ở lại, vì yêu thích môi trường làm việc, không gian sống, cũng như muốn cống hiến sức mình cho cuộc chiến chống dịch Covid-19.
Các y bác sĩ đo thân nhiệt ngày hai lần cho người cách ly. Ảnh: Tú Anh.
Nói về lý do xin ở lại làm việc suốt tháng qua, BS Phát chia sẻ: ‘Buổi trưa ở đây nắng một chút, nhưng sáng và chiều rất mát. Xong việc với bệnh nhân, tôi mang khẩu trang ra sân đá bóng, đá cầu, chạy bộ cùng đồng nghiệp, bộ đội. Đời sống ở đây vô cùng trong lành, thoải mái.
Nếu ở thành phố, tôi cũng phải cách ly với gia đình, hoặc ở chỗ làm, hoặc ở khách sạn. Việc thể dục thể thao, hít thở không khí trong lành cũng rất khó. Tôi cảm thấy cuộc sống ở đây thoải mái nên chọn ở lại’.
Các bệnh nhân xuất viện chụp hình kỷ niệm với bác sĩ, bộ đội. Ảnh: Vũ Tiến
BS Phát cũng bày tỏ, niềm vui nhận được trong cuộc chiến chống con virus corona này là được đọc các kết quả âm tính hoặc đọc thông báo được xuất viện cho bệnh nhân.
‘Nghe đọc thông báo, người bệnh vui lắm. Ai cũng muốn đến ôm hôn, xin bắt tay bác sĩ để cảm ơn. Nhưng phải giữ khoảng cách, vì họ đã được xuất viện, còn tôi thì đang phải tiếp xúc với người bệnh khác. Tôi chỉ biết vẫy tay chào, gật đầu khi họ ra cổng, lên xe về nhà’, giọng hồ hởi, BS Phát kể.
BS Phát cũng nói thêm, có nhiều bệnh nhân, người cách ly, khi được về nhà đã viết thư, gửi những tấm ảnh đã chụp tặng cho bác sĩ và quân nhân để cảm ơn. Đó chính là niềm vui, nguồn động viên to lớn giúp những người ở tuyến đầu chống dịch thêm nhiệt huyết.
Tú Anh – Thanh Phương
Nữ bác sĩ tình nguyện tới bệnh viện dã chiến, 'ba mẹ à, hết dịch con sẽ về'
Nữ bác sĩ làm đơn tình nguyện đi chữa trị cho bệnh nhân Covid-19 ở BV dã chiến. Sau gần 1 tháng, nữ bác sĩ gửi lời nhắn đến ba mẹ, khi hết dịch sẽ trở về.
Vừa xong việc phết họng, lấy mẫu của các bệnh nhân để xét nghiệm Covid-19, bác sĩ (BS) Nguyễn Thị Cẩm Vân (28 tuổi, quê ở Đồng Nai) lại vội kiểm tra hồ sơ, phim chụp phổi của bệnh nhân.
Gần 1 tháng nay, như các đồng nghiệp tại BV dã chiến Củ Chi, TP.HCM bác sĩ Vân không về nhà.
Đang công tác tại BV huyện Củ Chi, khi dịch Covid-19 bùng phát, BV dã chiến Củ Chi nhanh chóng được xây dựng và đi vào hoạt động, BS Vân đã làm đơn tình nguyện tới đây làm việc.
Bác sĩ Nguyễn Thị Cẩm Vân
BS Vân chia sẻ: "Nghe tôi báo tin đã làm đơn tình nguyện vào làm việc tại nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro, cha mẹ tôi rất lo lắng. Nhưng với sự động viên, phân tích, dần dần họ hiểu ra và ủng hộ, tôn trọng quyết định của tôi".
Khi vào làm việc tại BV dã chiến, đối mặt với căn bệnh nguy hiểm, nhưng với nữ bác sĩ trẻ tuổi, những lúc dịch bệnh như này, bác sĩ phải luôn là những người ở tuyến đầu.
"Chúng tôi không lo lắng, dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng đã vào đây thì đều trải qua nhiều thử thách, được tập huấn và trang bị đầy đủ thiết bị bảo hộ nên ai cũng yên tâm", BS Vân bày tỏ.
BV dã chiến Củ Chi là nơi tiếp nhận 34 bệnh nhân dương tính với Covid-19 để điều trị và đã có 29 người khỏi bệnh, xuất viện.
Dòng tin nhắn cảm ơn ấm lòng từ người bệnh
Ngày 2 lần, các y, bác sĩ phải kiểm tra sức khỏe, phết họng lấy mẫu xét nghiệm cho các bệnh nhân. Đa số những trường hợp khi mới vào điều trị đều rất khó tính do tâm lý lo lắng, sợ hãi nên ngoài việc điều trị, các y, bác sĩ còn phải động viên tinh thần cho họ.
Bệnh viện dã chiến Củ Chi đã điều trị cho 29/34 người khỏi bệnh
Cá biệt, có một cặp vợ chồng người Anh cùng bị nhiễm bệnh, sau 3 lần xét nghiệm âm tính, dự kiến ngày 14/4 vừa qua họ sẽ được xuất viện, nhưng bất ngờ ở lần xét nghiệm thứ 4, kết quả dương tính trở lại.
Trước kết quả này, họ tiếp tục phải ở lại theo dõi nên cả 2 rất tức giận, liên tục đặt ra các câu hỏi đối với bác sĩ "Tại sao tôi ở một mình, không tiếp xúc với ai, tại sao lại như vậy?" và họ tỏ ra không tin tưởng vào kết quả xét nghiệm.
Lúc này, BS Vân và các đồng nghiệp phải dành nhiều thời gian trấn an tinh thần, động viên họ. Hiện tại, sức khỏe của vợ chồng bệnh nhân này đều ổn định, có thái độ hợp tác tốt với các bác sĩ trong quá trình điều trị.
Những dòng tin nhắn cảm ơn của những bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh
BS Vân tâm sự: "Bản thân tôi thấy rất vui khi được đóng góp một phần nhỏ công sức của mình vào công cuộc chống dịch của cả nước. Vui hơn cả là nhận được tình cảm yêu thương từ hậu phương gửi tới".
Theo BS Vân, từ đầu tháng 4 đến nay, bệnh viện liên tục được các Mạnh Thường Quân hỗ trợ từ đồ phòng hộ, khẩu trang tới đồ ăn thức uống; có doanh nghiệp còn gửi tặng các y, bác sĩ và bộ đội 100 đòn bánh tét.
Còn các bệnh nhân khỏi bệnh, được ra viện thì tỏ ra quyến luyến, luôn miệng cám ơn các bác sĩ đã giữ lại mạng sống cho mình. BS Vân bật mí, các bệnh nhân khi ra viện đều để lại những tin nhắn, những dòng lưu bút gửi tới các y, bác sĩ rất cảm động. Đó chính là nguồn động viên quý giá của những người nơi tuyến đầu trong cuộc chiến âm thầm đầy khốc liệt này.
Hình ảnh bệnh nhân lưu lại như lời cảm ơn đến các y, bác sĩ, quân nhân
Không giấu được niềm vui, chị Vân hào hứng khoe những dòng tin nhắn mà bệnh nhân để lại, "You are heroes" (Bạn là người hùng), "Cám ơn những đóng góp hy sinh thầm lặng của các anh quân nhân và bác sĩ tại nơi đây. Chúng tôi xem đây như 1 mái nhà và hy vọng cho dịch bệnh sẽ sớm đi qua cho đất nước được bình an và tất cả mọi người luôn có thật nhiều sức khỏe".
Trước khi tiếp tục công việc, BS Vân gửi lời nhắn nhủ tới ba mẹ "Ba mẹ à, con ở đây rất ổn, ba mẹ đừng lo lắng cho con, khi dịch bệnh ổn định con sẽ trở về".
Thanh Phương- Tú Anh
Việt Nam trải qua hơn một tuần không có ca mắc Covid-19 mới Sáng 24/4, Bộ Y tế thông báo Việt Nam tiếp tục chưa có thêm bệnh nhân Covid-19. Từ 17-24/4, Việt Nam chưa có thêm bệnh nhân mới nhiễm SARS-CoV-2, tổng số người mắc vẫn là 268 trường hợp. Trong đó, 160 người từ nước ngoài, chiếm 59,7% và 108 người lây nhiễm trong cộng đồng chiếm 40,3%. Hiện, nước ta có 224 bệnh...