Bác sĩ ‘gác cửa’ sàng lọc hàng nghìn người nghi nhiễm
Tiếp nhận đôi vợ chồng trở về từ tâm dịch có biểu hiện sốt, ho, bác sĩ Trọng yêu cầu khẩn trương xét nghiệm máu, test cúm… để sàng lọc.
Bác sĩ Trọng ở Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, trong bộ quần áo bảo hộ, đeo kính mặt nạ, trước mặt là quyển sổ ghi chép bắt đầu điều tra dịch tễ hai bệnh nhân. Giọng to, rõ ràng, anh đặt câu hỏi: “Từ ngày về Việt Nam, hai người đã tiếp xúc với ai và đi những nơi nào?”.
Người chồng cho biết anh từ Trung Quốc về được một tháng còn vợ từ Hàn Quốc về khoảng 20 ngày. Cả hai bị sốt, ho nên đến phòng khám sàng lọc, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông để khám.
Nhận thấy cả hai đều đến từ tâm dịch, bác sĩ Trọng vẫn kiên nhẫn tiếp tục công việc để khoanh vùng cách ly, sàng lọc người bệnh. Mỗi ngày anh đều tiếp xúc với những người có nguy cơ cao, mà chưa rõ họ có bệnh hay không.
“Tôi không nghĩ họ mắc Covid-19 vì thời gian về nước của hai vợ chồng khá lâu”, bác sĩ nói. “Song, tôi không cho phép mình chủ quan bởi cũng có nhiều người ủ bệnh trên 20 ngày”.
Anh cũng dặn dò nhân viên cẩn thận trong quá trình làm xét nghiệm cho cặp vợ chồng vừa có yếu tố dịch tễ vừa có biểu hiện lâm sàng, nguy cơ nhiễm cao hơn người bình thường. Hai bệnh nhân được chỉ định làm xét nghiệm công thức máu, test cúm, test sốt xuất huyết đều âm tính, xét nhiễm trùng thì bạch cầu tăng cao.
Bác sĩ kết luận họ “sốt nhiễm trùng do vi khuẩn”, hướng dẫn theo dõi cách ly tại nhà. Anh yêu cầu để lại số điện thoại để bác sĩ theo dõi sát sao tình trạng sức khỏe mỗi ngày. Một ngày sau, người vợ hết sốt. Sau đó, chồng cũng hồi phục hoàn toàn. “Tôi thở phào nhẹ nhõm”, bác sĩ Trọng chia sẻ.
“Những người nhiễm virus hoặc F1, F2 đã được khẳng định hoặc cách ly an toàn, còn tại phòng khám sàng lọc nhóm bệnh nhân ban đầu chưa rõ nên nguy cơ lây nhiễm rất lớn, bác sĩ phải luôn trong tư thế chủ động phòng ngừa”, bác sĩ nói.
Bác sĩ Vương Trương Trọng, 36 tuổi, Phó Trưởng khoa Các bệnh Nhiệt đới phụ trách phòng khám sàng lọc bệnh nhân nghi nhiễm tại Bệnh viện đa khoa Hà Đông từ ngày 3/2. Đây là nơi tiếp nhận bệnh nhân để sàng lọc, phát hiện sớm trường hợp nghi ngờ nhiễm Covid-19. Nếu bệnh nhân có biểu hiện nghi ngờ sẽ được chuyển vào trong khoa để cách ly và làm xét nghiệm cần thiết như xét nghiệm máu, nước tiểu, PCR…
Bác sĩ Vương Trương Trọng, Phó khoa Các bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông. Ảnh: Thùy An
Phòng khám sàng lọc bệnh nhân nghi nhiễm Covid-19, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông được bố trí ngay cổng viện. Bệnh nhân đến vào thẳng phòng khám, giảm nguy cơ lây nhiễm cho khoa phòng khác.
Tổng cộng 26 y bác sĩ, nhân viên y tế túc trực làm việc, trong đó bác sĩ Trọng là quản lý chính. Từ đầu mùa dịch, phòng khám đã tiếp nhận hơn hàng nghìn ca đến sàng lọc khi có biểu hiện sốt, ho hoặc đến từ vùng dịch.
Quy trình làm việc bắt đầu từ việc tiếp đón bệnh nhân tại bàn tiếp đón. Sau đó, điều dưỡng sẽ phát khẩu trang, sát trùng tay khử khuẩn tại chỗ và sàng lọc ban đầu những câu hỏi đơn giản như bệnh nhân có triệu chứng gì, tiền sử đến, ở, đi về từ vùng dịch có hay không, sống cùng nhà với người nghi ngờ hay nhiễm bệnh, di chuyển phương tiện chung hay tiếp xúc nơi đông người…
Điều dưỡng Nguyễn Thị Thu Hằng, 43 tuổi, cho biết: “Sàng lọc, cách ly càng sớm ngày nào, nguy cơ lây nhiễm giảm đi ngày đó, việc điều trị cũng hiệu quả hơn nếu phát hiện kịp thời”. Điều dưỡng còn có trách nhiệm trấn an, động viên giúp người bệnh giảm bớt lo lắng, hoang mang, khai báo trung thực.
Công việc sàng lọc diễn ra nhanh gọn để có thể phân luồng bệnh nhân sớm, tránh ùn tắc bệnh nhân tại cửa ra vào khu vực khám bệnh.
Bác sĩ Trọng (ngồi trái) đang điều tra dịch tễ kết hợp với điều dưỡng (đứng) đang đo nhiệt độ cho người bệnh. Ảnh: Thùy An
Bác sĩ cho biết, từ lúc phát hiện “bệnh nhân 17″ Nguyễn Hồng Nhung hôm 6/3, lượt bệnh nhân đến khám đông hơn, có ngày lên đến 105 người. Từ ca trực 24/24h, bác sĩ chia nhỏ tua trực xuống 12 giờ một ngày để đảm bảo sức khỏe và phục vụ người bệnh tốt hơn.
Bác sĩ Trọng trở thành người “gác cửa” phòng khám, thời gian ở viện nhiều hơn ở nhà. Ngoài công việc tiếp đón, sàng lọc ban đầu, anh còn bao quát công việc khác như quản lý nhân viên, họp ban chỉ đạo hay xử lý các ca khó có dịch tễ phức tạp…
“Giai đoạn này dịch bệnh diễn biến phức tạp, bệnh nhân nhiều hơn. Tôi cảm giác thời gian một ngày trôi đi nhanh hơn bình thường”, anh nói.
Bác sĩ Trọng tâm niệm, công việc của bác sĩ dự phòng “thầm lặng mà then chốt”, nhất là với bệnh truyền nhiễm, lây lan nhanh như Covid-19. Đến nay, không chỉ nhân viên y tế mà sinh viên, bác sĩ về hưu đều sẵn sàng ra trận, đẩy lùi dịch bệnh. Anh may mắn khi được gia đình ủng hộ, động viên hoàn thành công việc. Họ hàng xung quanh cũng không ai kỳ thị khi biết anh là một bác sĩ truyền nhiễm đang ở tuyến đầu chống dịch.
“Vài ngày trước, hai điều dưỡng Bạch Mai nhiễm bệnh, tiếp đó là bác sĩ cấp cứu tại bệnh viện Nhiệt đới trung ương, tôi thấy rất buồn”, bác sĩ Trọng nói. “Nhưng là một bác sĩ, chúng tôi luôn xác định mục đích quan trọng nhất vẫn là chăm sóc và điều trị bệnh nhân khỏi bệnh, kể cả nguy cơ nhiễm bệnh có cận kề”.
Thùy An
Chốt chặn 24/24h ở vùng dịch Covid-19 tại Vĩnh Phúc
Dù là địa phương có nhiều người nhiễm virus corona nhất Việt Nam nhưng cuộc sống người dân xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) vẫn diễn ra bình thường, không nhiều xáo trộn.
Con đường dẫn vào xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc những ngày này luôn có lực lượng an ninh chốt chặn 24/24h làm công tác đo thân nhiệt người ra vào, hướng dẫn người dân đeo khẩu trang đúng cách.
Anh Tuấn (cán bộ y tế xã Sơn Lôi) cho biết những người đi qua chốt kiểm tra dịch bệnh đều phải kiểm tra thân nhiệt. Thời gian hoạt động vất vả nhất của chốt thường vào lúc 6h30 sáng khi bà con ra đồng làm ruộng, công nhân bắt đầu đi làm tại khu công nghiệp Bình Xuyên gần đó.
Phiên chợ chiều đìu hiu vắng vẻ ở thôn Ngọc Bảo (xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên) khi lượng người bán còn đông hơn cả người ghé chợ mua đồ.
"Rau củ quả đều của nhà trồng, đồ sạch lắm nhưng mấy hôm nay người ta nghe trong xã có dịch nên ít người qua lại lối này, chợ cũng ế ẩm hơn ngày thường", bà Nhu (người dân xã Sơn Lôi) trầm ngâm nói.
Con đường dẫn vào thôn Ái Văn (xã Sơn Lôi) vắng bóng người qua lại. Được biết tỉnh Vĩnh Phúc có số ca nhiễm virus corona cao nhất cả nước với tổng số 10 trường hợp.
Các khẩu hiệu tuyên truyền cho người dân về virus corona được treo ở khắp đường làng ngõ xóm trong xã Sơn Lôi.
Trong ngày 12/2, UBND huyện Bình Xuyên đã tổ chức phun thuốc khử trùng trên toàn bộ địa bàn xã Sơn Lôi, tuy nhiên do địa bàn rộng lớn với diện tích 959,08 ha và gần 2.500 hộ dân, tỉnh Vĩnh Phúc đã tăng cường thêm cán bộ và máy phun thuốc của huyện Vĩnh Tường sang hỗ trợ.
Anh Nguyễn Văn Thu (công nhân phun thuốc khử trùng) cho biết hóa chất để khử trùng là loại Cloramin B. Vị trí được khuyến cáo phun thuốc là trong nhà và sân vườn xung quanh.
Bà Thung (người dân xã Sơn Lôi) ngày thường vốn chẳng bao giờ đeo khẩu trang. Nhưng từ khi có dịch về đến địa phương, mỗi khi ra đường bà cũng tự trang bị để bảo vệ sức khỏe cho mình và người xung quanh. Mọi nhu yếu phẩm hàng ngày như thịt gà, rau đều được bà tận dụng đồ có sẵn trong nhà để không phải đi chợ, hạn chế tiếp xúc trực tiếp.
Anh Nguyễn Quốc Khanh (người dân xã Sơn Lôi) phải ở nhà cách ly do yêu cầu của công ty. Thời gian không phải đi làm anh dành để chăm sóc cậu con trai 5 tuổi phải nghỉ học vì virus corona.
6 thôn khác của xã Sơn Lôi như Ái Văn, An Lão, Bá Cầu, Lương Câu, Ngọc Bảo, Nhân Nghĩa cũng được lực lượng chức năng lâp chốt nhằm kiểm soát lượng người và xe ra vào.
Những điều dưỡng, lao công thầm lặng nơi cách ly virus corona
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương vắng hoe vì nỗi sợ lây nhiễm. Ở đây chỉ còn bóng dáng thầm lặng của những y bác sĩ, điều dưỡng chiến đấu cùng bệnh nhân.
Theo news.zing.vn
Bệnh viện ở TP.HCM trả lời trước tin đồn cần 1.000 hộp khẩu trang y tế "giải cứu" bác sĩ Lãnh đạo Bệnh viện Quận 2 (TP.HCM) khẳng định không thiếu khẩu trang y tế dùng cho các y, bác sĩ như tin đồn gây xôn xao dư luận trên mạng xã hội. Ít giờ qua, mạng xã hội xôn xao trước tin đồn về việc Bệnh viện (BV) Quận 2 (TP.HCM) - đơn vị y tế công lập trực thuộc Sở Y...