Bác sĩ đầu tiên tạo ra chiếc ống nghe huyền thoại nghề y
Đầu thế kỷ 19, bác sĩ Lannec bắt gặp hai đứa trẻ gửi tín hiệu cho nhau bằng cây gỗ rỗng, sau đó ông phát minh ống nghe khám bệnh làm từ gỗ.
Theo NCBI, một buổi sáng đẹp trời tháng 9/1816, bác sĩ người Pháp Rene Theophile Hyacinthe Lannec, khi ấy 35 tuổi, đang đi dạo trong sân của Cung điện Le Louvre, Paris, thì bắt gặp hai đứa trẻ gửi tín hiệu cho nhau bằng một cây gỗ rỗng. Một đứa gõ vào đầu này của cây gỗ và đứa trẻ còn lại ở đầu bên kia lắng nghe.
Cuối năm đó, bác sĩ Lannec tiếp nhận một phụ nữ trẻ đang gặp vấn đề về tim. Ban đầu, bác sĩ dùng ngón tay chạm vào ngực của bệnh nhân để chẩn đoán bệnh. Xấu hổ với cô gái, ông cuộn tờ giấy để tạo ra một chiếc ống, sau đó đặt lên ngực cô. Lannec rất ngạc nhiên khi cuộn giấy có thể khuếch đại âm thanh tim mà không cần tiếp xúc vật lý, giúp ông chẩn đoán chính xác và lắng nghe rõ nhịp tim cơ thể.
Bước đột phá này đã dẫn đến việc ông phát minh ra ống nghe đầu tiên được làm từ ống gỗ.
Lannec đã dành 3 năm tiếp theo để thử nghiệm chế tạo ống nghe bằng các loại vật liệu khác nhau. Cuối cùng, bác sĩ hoàn thiện thiết kế của mình với một chiếc ống gỗ, đường kính 3,5 cm và chiều dài 25 cm để kiểm tra sức khỏe vùng ngực bệnh nhân.
Sau nhiều thành công trong chẩn đoán âm thanh về tim, phổi, chiếc ống nghe được sử dụng hỗ trợ trong khám nghiệm tử thi.
Lannec xuất bản công trình nghiên cứu đầu tiên về âm thanh trong cơ thể người. Ông được coi là cha đẻ của chẩn đoán lâm sàng và đã viết những mô tả đầu tiên về bệnh giãn phế quản, xơ gan. Ông phân loại tình trạng phổi như: viêm phổi, giãn phế quản, viêm màng phổi, khí phế thũng, tràn khí màng phổi và các bệnh phổi khác bằng phát minh của mình.
Bác sĩ Lannec bắt đầu giới thiệu nhiều thuật ngữ lâm sàng khác liên quan đến chiếc ống nghe, được sử dụng đến ngày nay.
Rene Theophile Hyacinthe Lannec (1781-1826) là bác sĩ đầu tiên trên thế giới phát minh ra ống nghe.
Video đang HOT
Bác sĩ Rene Theophile Hyacinthe Lannec sinh ra tại Quimper ở Brittany, Pháp năm 1781. Mẹ mất vì bệnh lao khi lên 5 tuổi, Lannec sống cùng người chú của mình, khi ấy là trưởng khoa y của một trường đại học. Thời thơ ấu, sức khỏe Lannec không tốt, các vận động cơ thể chậm chạp, thường xuyên bị đau bụng và ho dữ dội. Ông tìm thấy niềm an ủi trong âm nhạc, dành thời gian rảnh để thổi sáo và viết thơ.
Lannec được truyền cảm hứng từ người chú của mình để theo đuổi sự nghiệp y khoa. Năm 1795, ở tuổi 14, Lannec giúp đỡ chăm sóc người bệnh và những người bị thương tại khách sạn Dieu ở Nantes. 18 tuổi, ông phục vụ trong Bệnh viện Quân y với vai trò bác sĩ phẫu thuật hạng ba. Sau đó, ông làm quen với công việc lâm sàng, phẫu thuật chính và điều trị bệnh nhân.
Trong một năm, Lannec đã giành được giải thưởng đầu tiên về cả y học và phẫu thuật tại trường y. Năm 1802, ông xuất bản bài báo đầu tiên của mình về các chủ đề như: viêm phúc mạc, vô kinh và bệnh gan. Dần được mọi người biết đến nhiều hơn, Lannec bắt đầu tìm hiểu về giải phẫu cơ thể và có những công trình nghiên cứu về bệnh lý giải phẫu.
Trong những tháng cuối đời, ông yêu cầu cháu trai của mình, Mériadec, kích thích ngực của ông và mô tả những gì nghe được bằng ống nghe. Ông qua đời vì căn bệnh lao phổi, căn bệnh mà chính Lannec đã làm sáng tỏ bằng chiếc ống nghe của mình.
Trong di chúc, Lannec cho người cháu thừa kế tất cả các nghiên cứu y khoa của ông, cùng với chiếc ống nghe gỗ là di vật giá trị hơn cả.
Chiếc ống nghe bằng gỗ được sử dụng để chẩn đoán lâm sàng bệnh.
Ống nghe bằng gỗ sử dụng cho đến nửa sau thế kỷ 19, sau đó chiếc ống nghe đã trải qua nhiều lần cải tiến và ngày càng phổ biến hơn. Ngày nay, ống nghe cao su được sử dụng phổ biến, giúp bác sĩ có thể nghe âm thanh trong cơ thể bệnh nhân ở tần số thấp, tần số cao.
Theo y học, ống nghe tim mạch là sự kết hợp đơn thuần của một trong những định luật vật lý cơ bản nhất, dẫn truyền và khuếch đại âm thanh. Tuy nhiên, đó lại là một trong những tác động lớn và trở thành biểu tượng của nền y học hiện đại.
Mục đích ban đầu tạo ra khoảng cách giữa bác sĩ và bệnh nhân, giờ đây chiếc ống nghe đã trở thành công cụ đặc trưng cho bác sĩ và hữu ích trong phục vụ khám chữa bệnh nhân.
Thúy Quỳnh
Theo VNE
Cặp vợ chồng Hải Phòng nhiễm HIV, con sinh ra khỏe mạnh
Chị Đoàn Thị Khuyên 36 tuổi, không chỉ sống tốt, sinh con an toàn khỏe mạnh mà còn trở thành thủ lĩnh nhóm hỗ trợ người có HIV.
15 năm trước, người chồng đầu ấp tay kề của chị Khuyên ngày một ốm yếu, gầy gò. Kiểm tra sức khỏe, kết luận mắc HIV. Anh nghiện ma túy. Ít lâu sau, chồng chị qua đời. Lo hậu sự cho chồng xong, chị đi xét nghiệm thì phát hiện nhiễm HIV do lây nhiễm từ chồng. Đau xót là đứa con trai mới 5 tháng tuổi của chị cũng mang căn bệnh thế kỷ này.
"Ngày lần lượt nhận được tin mình và con đều mang HIV, tôi như chết đứng. Không biết bao nhiêu lần tôi nghĩ đến cái chết. Chết đi còn dễ dàng hơn tiếp tục sống", chị Khuyên chia sẻ.
Thế nhưng, trách nhiệm của một người mẹ không cho phép chị nghĩ đến cái chết. Chị Khuyên phải tiếp tục sống để làm chỗ dựa cho con trai bé nhỏ. Chị Khuyên nhớ lại những ngày tháng tăm tối nhất cuộc đời mình. Một mình chị vừa phải chăm con vừa chiến đấu với HIV, ngày ngày phải uống thuốc đều đặn.
Tháng 7/2009, tham dự hội thảo về tuân thủ điều trị ARV cho người có HIV tại Hải Phòng, chị Khuyên quen anh Đỗ Văn Hải, người đàn ông có cùng hoàn cảnh với chị. Đồng cảm, hai người đã kết duyên, về chung một mái nhà.
Chị Khuyên không có ý định sinh thêm con. Anh Hải muốn có đứa con làm sợi dây kết nối tình cảm vợ chồng. Cân nhắc về ước muốn của chồng, 3 năm sau ngày cưới chị quyết định mang bầu lần nữa.
Chị Khuyên sống khỏe mạnh nhờ tuân thủ dùng thuốc điều trị HIV mỗi ngày. Ảnh: Đ.K.
Nhờ tham gia các lớp tập huấn hỗ trợ người có "H", chị Khuyên được trang bị khá nhiều kiến thức khi mang thai, nhất là việc tuân thủ mọi quy định chặt chẽ khi dùng thuốc ARV. Năm 2013, vợ chồng chị vui mừng chào đón cậu con trai chào đời. Càng hạnh phúc hơn khi kết quả xét nghiệm cho thấy bé không bị nhiễm HIV.
"Cuộc sống của mình giờ tạm ổn nhờ điều trị bằng thuốc ARV. Hiện, gia đình 4 người thì có 3 nhiễm H, sức khỏe vẫn duy trì ổn định, mọi vất vả đã tạm gác lại phía sau", chị Khuyên chia sẻ.
Chia sẻ câu chuyện của mình tại một hội thảo về HIV ở Hà Nội, chị Khuyên nói bệnh tật không phải là điều đáng sợ mà nỗi đáng sợ nhất là bị xã hội kỳ thị. Với người lớn, đối mặt với sự kỳ thị ấy vô cùng khó khăn, thì những đứa trẻ như cậu con trai 15 tuổi của chị, việc ấy thật sự đáng sợ.
"Ngày đem đứa con thơ đến bệnh viện làm xét nghiệm và biết có H, ngay khi trở về nhà tôi đã suy nghĩ rất nhiều, từ việc nuôi dạy chăm sóc đến nhận thức của con. Để con hiểu và chấp nhận sự thật này, tôi đã mất rất nhiều thời gian", chị Khuyên nhớ lại.
Chị Khuyên cho biết ngay từ khi con còn nhỏ chị đã cho con đi giao lưu tiếp cận với cộng đồng, vào những nhóm đồng đẳng để chia sẻ. Chị dành nhiều thời gian đưa con ra ngoài để tránh bị trầm cảm, nghĩ quẩn. Chị tập trung nói với con nhiều hơn về thuốc ARV.
"Ngay từ những ngày đầu tiên con uống thuốc ARV, lúc đó con mới 5 tuổi nhưng tôi đã nói chuyện về căn bệnh HIV. Tôi muốn cho con hiểu dần về căn bệnh này ngay từ lúc bé, tránh việc con bị sốc, không thừa nhận bệnh sau này", chị Khuyên nói.
Chị Khuyên cho biết thêm, đến nay con chị đã chấp nhận sống chung với HIV và uống thuốc đều đặn hằng ngày.
15 năm qua, mẹ con chị Khuyên sống chung với thuốc và gạt bỏ sự kỳ thị của mọi người xung quanh để tiếp tục sống khỏe, sống tốt. Chị Khuyên còn tích cực tham gia vào các câu lạc bộ đồng đẳng. Giờ đây chị trở thành thủ lĩnh trong nhóm điều hành hỗ trợ tuân thủ điều trị cho người có HIV.
Phó Cục trưởng Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, Hoàng Đình Cảnh cho biết ngành y tế đang quản lý được 175.000 người nhiễm bệnh, trong đó 130.000 người điều trị bằng thuốc ARV. Còn 45.000 người nhiễm HIV đang được quản lý mà chưa tiếp cận được với thuốc điều trị ARV. Những người này có thể không kiểm soát được tải lượng virus sẽ làm lây lan ra cộng đồng qua các hành vi tình dục hoặc tiêm chích không an toàn.
Người nhiễm HIV cần phải điều trị ARV để ngăn ngừa lây truyền. Khi điều trị ARV đạt đến mức ức chế virus, nghĩa là tải lượng virus dưới 200 bản sao/ml, còn gọi là dưới ngưỡng phát hiện, sẽ ngăn ngừa được lây truyền HIV qua đường tình dục.
Lê Nga
Theo VNE
Khan hiếm nhóm máu phổ biến nhất Việt Nam Nhóm máu O chiếm đến 45% dân số Việt Nam. Trung bình cứ hai bệnh nhân cần truyền máu thì có một bệnh nhân nhóm máu O. Những điều cần biết về hiến máu Hiến máu không chỉ tốt cho những người nhận máu, mà còn mang lại nhiều lợi ích sức khỏe cho chính người hiến máu. Theo TS Bạch Quốc Khánh,...