Bác sĩ cấp cứu 115 với 16 năm không có Tết trọn vẹn và những cuộc rượt đuổi trong đêm cứu người gặp nạn, sốc ma tuý…
Suốt 16 năm công tác tại Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội, bác sĩ Trần Anh Thắng cùng nhiều bác sĩ tại đây chưa bao giờ có cái Tết trọn vẹn bên người thân. Các bác sĩ tại đây luôn phải chạy đua với thời gian cứu sống những người gặp nạn dù ngày thường hay Tết…
Tết cũng như ngày thường
Một ngày cận Tết Nguyên Đán Canh Tý 2020, nhận được tin báo có một vụ tai nạn, nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời. Vừa nghe dứt máy khi được thông báo địa điểm, tình hình sức khoẻ… các bác sĩ Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội vội vã lên đường. Tiếng còi hú tiến thẳng về đường nơi có người gặp nạn. Vừa tới nơi các bác sĩ tiến hành sơ cứu cho nạn nhân lên cáng rồi nhanh chóng đưa vào viện.
Công việc nghe qua là vậy nhưng với các bác sĩ Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội có lúc phải hoạt động, trực điện thoại 24/24h. Đặc biệt vào những ngày giáp Tết, ngày Tết số ca cấp cứu nhiều hơn ngày thường.
Các nhân viên Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội liên tục phải trực 24/24.
Cũng giống như nhiều cán bộ khác, kể từ khi nhận nhiệm vụ công tác đến nay đã 16 năm, bác sĩ Trần Anh Thắng – Phó giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội chưa có một cái Tết trọn vẹn bên gia đình. Với anh, ngày Tết hay ngày thường thì việc bảo vệ tính mạng cho người dân luôn được đặt lên hàng đầu, đó là xứ mệnh của những người hành nghề y, mang trên mình chiếc áo blu trắng.
Chia sẻ với chúng tôi, bác sĩ Thắng kể, nếu nhìn rộng ra những ngành nghề khác thì ai cũng nói là thiệt thòi, nhưng ngành y là vậy, đặc biệt với lực lượng cấp cứu 115 lại có những điểm rất đặc thù.
Xe cấp cứu liên tục dừng sẵn ngoài cửa trung tâm để sẵn sàng lên đường.
“ Ngày Tết với các bác sĩ, nhân viên cấp cứu 115 cũng giống như ngày thường, vẫn lịch trực 2/1. Tức là trực 2 ngày và được nghỉ 1 ngày. Đó là chưa kể có những lúc đồng nghiệp có việc gia đình bất khả kháng, hoặc không may ốm đau bất thường thì mọi người lại san sẻ nhau bằng cách trực hộ.
Về công việc trong những ngày Tết, với những ngành nghề khác có thể trực Tết chỉ là có mặt để đề phòng bất chắc, nhưng với các bác sĩ 115 thì công việc lại nhiều hơn cả ngày thường. Đó là những cuộc ca cấp cứu tai nạn giao thông, ngộ độc rượu hay những trường hợp vì không quản lý bệnh mãn tính tốt nên bị tai biến phải nhập viện gấp”, bác sĩ Thắng chia sẻ.
Bác sĩ Trần Anh Thắng có 16 năm chưa một cái Tết nào trọn vẹn bên gia đình.
Bác sĩ Thắng cho hay, đêm giao thừa, thậm chí rạng sáng ngày mùng 1 Tết, bất kể lúc nào khi nhận được cuộc gọi là các bác sĩ lên đường, chẳng có sự kiêng nể điều gì.
Xa gia đình, người thân trong đêm giao thừa hay những ngày đầu xuân năm mới với các bác sĩ 115 đã là một thói quen và họ chấp nhận khi chọn nghề bác sĩ. Nghề mà người bệnh đang cần họ nhất những lúc tính mạng cận kề nguy hiểm…
Chuyện dở khóc dở cười
Video đang HOT
Trong cuộc đời làm nghề y, bác sĩ Thắng cũng như nhiều nhân viên khác từng gặp không ít chuyện dở khóc, dở cười.
“Nói ra có khi nhiều người không tin nhưng chúng tôi là người đi cấp cứu người khác, nhưng rồi đến nơi lại phải nhờ người khác cứu mình. Câu chuyện tôi kể là hoàn toàn có thật“, bác sĩ Thắng tâm sự.
Đó là câu chuyện của hai nữ bác sĩ đang làm việc tại Trung tâm cấp cứu 115 khi nhận được cuộc gọi trong đêm đến hỗ trợ một bệnh nhân có vấn đề về thần kinh tại Hà Nội. Sau khi nhận tin đến nơi thì chính hai bác sĩ lại bị người người bệnh dùng hung khí truy đuổi, nguy hiểm đến tính mạng.
Xe cấp cứu vội vã lên đường cứu người.
Vừa chạy thoát thân, hai nữ bác sĩ vừa phải cầu cứu các nhà hàng xóm xung quanh ra cứu giúp mình. Vừa chạy, hai nữ bác sĩ vừa gọi về cầu cứu lãnh đạo trung tâm để xin chi viện từ phía lực lượng công an. May mắn hôm đó cả hai nhân viên của tôi không ảnh hưởng đến tính mạng. Đó chỉ là một trong hàng 1001 tình huống.
“Cách đây khoảng 1 năm về trước, vào đúng 2 giờ sáng ngày mùng 1 Tết, hôm đó trực tiếp tôi trực cấp cứu và đã gặp phải trường hợp dở khóc, dở cười. Một cụ ông khoảng 70 tuổi, mắc bệnh mãn tính đã lâu và bị biến chứng đúng thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới. Gia đình biết sự nguy hiểm của căn bệnh nhưng do kiêng cữ nên không gọi cấp cứu 115 ngay. Ban đầu họ gọi đủ các loại xe dịch vụ, cả người nhà đều không được, sau mới gọi 115 chúng tôi.
Đến nơi họ vẫn còn chần chừ chưa muốn cho xe cấp cứu vào, họ cho rằng ngày đầu năm gọi chúng tôi là đen đủi, sợ cả nhà mất lộc, hay ốm đau. Khi đó chúng tôi tủi thân, nhưng vẫn phải cố gắng. May mắn cụ ông qua được cơn nguy kịch, chỉ cần cứu được người bệnh là chúng tôi vui rồi“, bác sĩ Thắng Phó giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội trải lòng.
‘Những người dũng cảm nhất’
Tại Trung tâm cấp cứu 115, ai cũng cho rằng những người đang làm việc tại đây đều dũng cảm nhất. Ngoài những thứ hàng ngày chứng kiến đó là thân thể người bệnh không lành lặn, tiếp xúc với máu, những lời nói khó nghe… họ còn đánh đổi cả thời gian dành cho bản thân và gia đình. Đôi khi là nguy hiểm đến tính mạng.
Bác sĩ cấp cứu 115 cũng đối diện với không ít tình huống oái oăm.
Lấy ví dụ trực tiếp của bản thân mình, bác sĩ Thắng cho biết vợ anh trước cũng công tác cùng cơ quan, sau đó phải chuyển nơi làm việc không phải vì ngại khó, ngại khổ mà là muốn dành thời gian chăm sóc cho gia đình.
“Bây giờ hai vợ chồng cùng làm việc với nhau. Nếu cơ quan ưu ái xếp lịch trực 2 ngày cùng nhau, 1 ngày nghỉ, thì 2 ngày đi làm ai sẽ chăm con. Nếu tráo lịch trực thì cả tháng có lẽ vợ chồng chỉ gặp nhau có 4-5 lần“, bác sĩ Thắng bày tỏ.
Hiện trung tâm vẫn còn 4-5 cặp vợ chồng đang làm việc cùng nhau, bác sĩ Thắng cho rằng đó là những con người dũng cảm nhất, bởi không phải ai cũng có thể làm được điều đó. Bản thân gia đình anh là một ví dụ điển hình. Chẳng phải riêng chuyện gia đình, sự nguy hiểm trong công việc với người “lính” 115 cũng rình rập khắp nơi.
“Đó là nguy cơ phơi nhiễm các bệnh như HIV và bệnh lây truyền khác. Hay đơn giản như việc tiếp cận với những đối tượng sốc thuốc, ngáo đá …họ sẵn sàng làm bất cứ điều gì, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng nhân viên y tế. Cách đây 10 năm những đối tượng sốc thuốc còn nhiều, nhưng họ lại không gay nguy hiểm trực tiếp vì sốc thuốc là sẽ nằm yên. Còn giờ, ngáo đá, dùng ma túy tổng hợp nhất là vào dịp Tết tăng lên sẽ rất nguy hiểm, họ truy sát ngay cả những người đã cứu mình, điển hình như trường hợp hai bác sĩ mới kể ở trên”, bác sĩ Thắng cho hay.
Bước sang năm mới, bác sĩ Thắng mong muốn người dân hạn chế bia rượu, chất k.ích thích, quản lý bệnh tốt… để tránh những hiểm hoạ đáng tiếc. Có như vậy thì tai nạn giao thông mới được đẩy lùi, tình trạng người “ngáo” đá… sẽ giảm. Đó là cách san sẻ tốt nhất đối với lực lượng cấp cứu 115 trong dịp đầu năm mới.
Theo saostar
Hơn 6.500 cán bộ kiểm lâm "nhịn ăn Tết" bám rừng xanh, núi đá
Trên 6.500 kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách ứng trực tại các chốt bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng trong những ngày Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.
Vào dịp tết đến, xuân về khi mọi người xum vầy bên gia đình, người thân thì có tới 50-70% quân số trong lực lượng kiểm lâm luôn thường trực 24/24 giờ, bám địa bàn rừng xanh, núi đá để sẵn sàng các phương án bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng và ngăn chặn tình trạng phá rừng trái pháp luật.
Vì màu xanh của rừng, luôn sẵn sàng ứng trực
Ông Đỗ Quang Tùng, Quyền Cục trưởng Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp) cho hay, giống như một số nghề nghiệp đặc thù vào dịp nghỉ Tết Nguyên đán hàng năm lực lượng kiểm lâm vẫn phải đảm bảo đủ quân số trực ở những điểm nóng về phá rừng, cháy rừng.
Thời gian nghỉ Tết là thời điểm các đối tượng thường hay lợi dụng để vào rừng khai thác lâm sản trái phép cũng như có các hoạt động trái phép ở trong rừng. Cùng với đó, có nhiều khu rừng vào dịp Tết, khách du lịch đến thăm nhiều thì phải đảm bảo quân số để phục vụ và đảm bảo an toàn cho mọi người" - ông Đỗ Quang Tùng nhấn mạnh.
Chi cục Kiểm lâm vùng II (Cục Kiểm lâm) họp bàn, sẵn sàng cơ động thực hiện nhiệm vụ ngày Tết
Đã từng trực Tết ở rừng sâu, nơi thậm chí không có điện, sóng điện thoại nên ông Tùng thấu hiểu những đóng góp thầm lặng của hàng nghìn kiểm lâm trên địa bàn cả nước đang sẵn sàng trực Tết, đảm bảo an toàn cho những khu rừng xanh không bị xâm hại.
"Làm nhiệm vụ ở vùng sâu, vùng xa nên lực lượng kiểm lâm gần như không có không khí Tết. Ngày Tết anh em vẫn phải đi tuần rừng, kiểm soát công việc như bình thường, chỉ hơn ngày thường là có chiếc bánh chưng, thức uống. Đặc biệt, đối với những vùng không có sóng điện thoại, anh em trực Tết bị cách biệt hoàn toàn, không có ai đến thăm, chào hỏi và chúc tụng ngày Tết cả" - ông Đỗ Quang Tùng nhấn mạnh.
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, năm 2020 tình hình thời tiết tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp và bất thường ảnh hưởng lớn đến công tác bảo vệ rừng và nguy cơ gây cháy rừng rất cao.
Thời gian nghỉ Tết, cũng là thời điểm bắt đầu vào mùa hanh khô. Dự báo trong dịp tết Canh Tý, nguy cơ cháy rừng tiềm ẩn ở hầu hết các địa phương trong tỉnh và đang ở cấp rất cao (cấp V - cấp cực kỳ nguy hiểm).
Chính vì thế, Tổng cục Lâm nghiệp đã ban hành Công điện số 51/CĐ-TCLN-KL ngày 14/1 về tăng cường xử lý các điểm nóng về phá rừng, cháy rừng trước và sau Tết Nguyên Đán Canh Tý.
Hiện nay, khu vực miền núi phía Tây Bắc nói chung và tỉnh Sơn La nói riêng đang bước vào những tháng cao điểm mùa khô năm 2020. Chính vì thế, trong dịp đón tết cổ truyền dân tộc, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sơn La đã chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm các huyện, thành phố đặc biệt là địa bàn các huyện có nguy cơ cháy rừng cao như Thuận Châu, Mai Sơn, Mường La và Thành phố Sơn La luôn duy trì trên 50% quân số trực phòng cháy, chữa cháy rừng 24/24 giờ từ tỉnh đến cấp huyện, cấp xã.
Lực lượng kiểm lâm đi kiểm tra rừng tại Bản Lay, phường Chiềng Sinh, thành phố Sơn La. Ảnh: T.L
Hàng ngày kiểm lâm địa bàn bám bản nắm tình tình, phối hợp và tham gia với các tổ, đội tuần tra bảo vệ rừng của các tổ, bản, tiểu khu để thực hiện tuần tra, theo dõi và kịp thời cập nhật diễn biến tình hình thời tiết và sẵn sàng các phương án ứng phó khi có cháy rừng xảy ra. Lực lượng kiểm lâm cũng tham gia hướng dẫn người dân bản địa trong việc trong việc sử dụng củi lửa tại các khu vực gần rừng.
Tại Hà Tĩnh, để chủ động thường trực công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, lực lượng kiểm lâm, các đơn vị chủ rừng phân công, bố trí 50 đến 70% con số duy trì thường trực 24/24 giờ trong những ngày nghỉ Tết cùng với phương tiện, trang thiết bị, dụng cụ sẵn sàng xử lý kịp thời các tình huống, đồng thời chuẩn bị triển khai tốt kế hoạch tết trồng cây.
Ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cùng lãnh đạo Sở NN&PTNT đi kiểm tra công tác bảo vệ rừng dịp Tết tại huyện Hương Sơn.
Thêm màu xanh sẽ vơi bớt lũ lụt, thiên tai
Từng được ví là "cây cổ thụ" trong giới nghiên cứu về đa dạng sinh học, môi trường, GS. TSKH. Đặng Huy Huỳnh - nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đã đi qua không biết bao nhiêu khu rừng.
Mới đây, khi tham dự hội nghị toàn quốc về công tác quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ GS. TSKH. Đặng Huy Huỳnh đã kiến nghị Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường quan tâm hơn nữa tới cuộc sống của người bảo vệ, quản lý và giữ màu xanh của núi rừng.
Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh đi tuần tra bảo vệ rừng tại Vườn quốc gia Vũ Quang trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý - 2020. Ảnh: T.L
"Tôi biết Nhà nước có nhiều chủ trương chính sách, nhưng đời sống của lực lượng kiểm lâm làm công tác quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ còn cực lắm. Nếu tăng chú ý hơn đến anh em thì màu xanh sẽ tăng và bớt lũ lụt, bớt thiên tai. Chính vì thế, chúng ta tăng cái này lại được lợi cái khác cho dân tộc", ông Huỳnh cho biết.
GS.TSKH. Đặng Huy Huỳnh chia sẻ: "Nhiều lần tôi đi vào những trạm rất xa của các Vườn quốc gia như Yok Đôn (Đắk Lắk) , Chư Mom Ray (Kon Tum), rồi ngay cả Cát Bà (Hải Phòng), nơi cách Hà Nội chừng 100km, nhưng đi vào các trạm kiểm lâm của Vườn Quốc gia Cát Bà cực lắm, có 2-3 người sống với núi đá, sống với rừng và đàn voọc Cát Bà".
Thực tế, trong những năm qua, chúng ta đã chứng kiến nhiều tác động bất thuận của thiên tai, thời tiết đối với sản xuất nông nghiệp cũng như đời sống người dân.
"Chúng ta nhìn thấy những tác động đó, nhưng chưa có hành động tương xứng nên rất cần có sự quan tâm của toàn xã hội trong công tác bảo vệ và trồng rừng" - ông Đỗ Quang Tùng nhấn mạnh.
Kiểm lâm là một trong những lực lượng phải trực Tết cao độ, nhưng ít được ghi nhận. Nếu được dư luận xã hội ghi nhận về nỗ lực trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng cũng như bảo vệ rừng thì sẽ có hiệu quả tốt hơn.
Ông Đỗ Quang Tùng, Quyền Cục trưởng Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp)
Theo danviet.vn
Người dân miền Tây ùn ùn rời Sài Gòn về quê ăn Tết Sáng 21/1 (27 tháng Chạp), người dân ở TPHCM bắt đầu về quê ăn Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Ghi nhận ở bến xe Miền Tây trong sáng cùng ngày, các bãi đón khách chật kín người...chen chúc nhau chờ lên xe về quê ăn Tết. Sáng 21/1 (27 Tháng Chạp), người dân ở TPHCM bắt đầu về quê ăn Tết Nguyên...