Bác sĩ bỏ ngang ca khám bệnh, lao vào phòng mổ cứu bé sơ sinh
Nếu bác sĩ mổ chậm một vài phút, bé trai tại TP HCM có thể chết lưu trong bụng mẹ hoặc chào đời với các di chứng do ngạt.
Thai phụ 30 tuổi quê Đăk Nông, mang thai 36 tuần nhờ thụ tinh trong ống nghiệm. Thăm khám suốt thai kỳ, thai nhi đều phát triển bình thường. Ngày 20/12, chị khám thai định kỳ tại Bệnh viện Mỹ Đức (TP HCM). Bác sĩ chỉ định siêu âm và đo CTG – biểu đồ tim thai cơn gò tử cung.
Trưa cùng ngày, sau khi đo CTG được 15 phút, nữ hộ sinh phát hiện tim thai đập bất thường và báo bác sĩ Vương Tú Như. Nhận định đây là tình huống suy thai nặng nên bác sĩ Như nhanh chóng hội chẩn cùng bác sĩ Hoàng Thị Mỹ Ý, Phó giám đốc chuyên môn bệnh viện. Thai phụ được quyết định mổ lấy thai cấp cứu.
Quy trình cấp cứu tối khẩn được khởi động. Bác sĩ Hồ Cao Cường đang ngồi khám bệnh, nhận được tin báo liền tức tốc gác lại mọi chuyện chạy nhanh lên phòng mổ, cùng bác sĩ Hoàng Mi bắt tay nhanh vào thực hiện phẫu thuật.
Băng ca chuyển bệnh vào đến nơi, cả kíp gây mê và bác sĩ mổ đều đã sẵn sàng. Trong tích tắc các bác sĩ mổ đưa ra một bé trai cân nặng 2,5 kg hồng hào, khóc to, khỏe mạnh. Khi kẹp rốn, bác sĩ phát hiện dây rốn của cháu bé có một vòng nút thắt chặt. Đây chính là nguyên nhân gây suy thai.
“Lúc này toàn bộ kíp mổ mới thở phào nhẹ nhõm vì nếu chỉ mổ chậm một vài phút có thể đã không cứu được bé hoặc bé sẽ bị các di chứng nặng do ngạt”, bác sĩ Cường chia sẻ.
Bé trai chào đời với vòng dây rốn thắt nút. Ảnh bác sĩ cung cấp.
Theo bác sĩ Cường, tình trạng dây rốn thắt nút xảy ra ước tính tỷ lệ khoảng 1% ca sinh. Một số yếu tố gây tình trạng này là song thai một buồng ối, dây rốn dài, đa thai, sinh nhiều con, thai phụ lớn tuổi… Dây rốn thắt nút làm tăng nguy cơ thai chết lưu gấp 4 lần.
Video đang HOT
Chẩn đoán dây rốn thắt nút là thách thức cho các bác sĩ vì thường không có triệu chứng, đa số vẫn phát hiện tình cờ khi sinh. Một số trường hợp thai nhi đột ngột chết lưu, khi chấm dứt thai kỳ mới biết nguyên nhân là do dây rốn thắt nút. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến bệnh nhân kiện bác sĩ tắc trách vì trước khi thai chết lưu thì mọi thứ đều bình thường.
Đến nay siêu âm vẫn là phương tiện để chẩn đoán dây rốn thắt nút, tuy nhiên khả năng phát hiện rất thấp. Nếu phát hiện được thường nhờ may mắn. Trên thế giới chưa có phương tiện chẩn đoán nào tốt hơn để giúp không bỏ sót ca tai biến.
Thai phụ cần khám thai định kỳ đầy đủ, theo dõi sức khỏe thai nhi tại nhà bằng cách đếm cử động thai theo hướng dẫn của bác sĩ.
Lê Phương
Theo VNE
Trẻ bỏng nặng do sự vô ý của cha mẹ
Vì sự bất cẩn của người lớn, nhiều đứa trẻ bị bỏng nặng, nguy hiểm tính mạng. Trong đó, việc sưởi ấm cho trẻ trong những ngày giá rét là hay gây tai nạn nhất.
Bỏng là một trong những tai nạn rất nguy hiểm với trẻ nhỏ. Bỏng nặng sẽ phải chữa trị lâu dài, tốn kém, thậm chí có thể gây tử vong, để lại nhiều di chứng như sẹo, co kéo cơ hoặc da.
Theo Đại tá, PGS.TS Hồ Thị Xuân Hương, Phó chủ nhiệm Khoa Bỏng trẻ em, Viện Bỏng Quốc gia, có nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị bỏng nhưng phần lớn đều do sự bất cẩn của người lớn .
Bác sĩ Xuân Hương cho biết da trẻ em dưới 6 tuổi mỏng bằng 2,5 lần so với người lớn. Da trẻ em mỏng, trọng lượng cơ thể 80- 90% là nước nên hầu hết vết bỏng bị hoại tử ướt, dễ nhiễm trùng. Với nhiệt độ 60 độ C và thời gian tác động trên da 30 giây có thể gây bỏng sâu.
Dùng than sưởi ấm cho con
Đợt lạnh năm nào Viện bỏng Quốc gia cũng tiếp nhận nhiều bệnh nhi bị bỏng vì sự bất cẩn của người lớn trong lúc sưởi ấm, đặc biệt là trường hợp trẻ em ở các vùng nông thôn bị bỏng vì cha mẹ dùng củi, than sưởi ấm cho con.
Trường hợp gia đình có 6 cô con gái, "đẻ cố" thêm một cậu con trai bác sĩ Xuân Hương kể là một ví dụ điển hình. Để giữ ấm, bố ôm con ngủ trên võng, đặt chậu than hoa ở dưới để sưởi ấm.
Bố ngủ say, buông tay con lúc nào không hay khiến cậu bé 4 tháng tuổi bị rơi xuống chậu than đỏ rực. Cậu bé bị bỏng nặng và phải điều trị trong một thời gian dài.
Trường hợp cháu bé bị bỏng nặng phần đầu và toàn thân. Ảnh: Bác sĩ cung cấp.
Bác sĩ Xuân Hương cho biết đốt than củi sưởi ấm rất nguy hiểm. Vì trẻ có thể ngã vào đống lửa, hoặc gây tình trạng than nóng lâu, bén vào giường gỗ, đệm, chăn (đều là những vật dụng dễ cháy) gây bỏng cho người nằm trên giường (chủ yếu là trẻ con, không chủ động được để chạy khỏi đám cháy).
Người lớn quên tắt xe máy
Đây là tai nạn cũng thường hay xảy ra đối với trẻ nhỏ mà nguyên nhân từ chính sự vô ý của cha mẹ. Với những ai hay đi xe ga, thường có thói quen dựng xe quên tắt máy là mối nguy hiểm thường trực đe dọa đến tính mạng của trẻ.
Bác sĩ Xuân Hương kể tới trường hợp cháu bé vặn tay ga khiến xe lao bất ngờ về phía chảo dầu mỡ đang sôi. Cả chảo mỡ đổ ra, bén lửa khiến cháu bé vừa bị bỏng lửa vừa bị bỏng dầu. Bệnh nhi bị bỏng độ 4,5 ở diện rộng và sâu. Thậm chí, vài ngón chân của cháu bé đã bị rụng. Sau khi tích cực điều trị, cháu được ra viện nhưng bị co kéo, biến dạng toàn bộ chân.
Đây cũng là bài học cảnh tỉnh cho các ông bố bà mẹ khi cho trẻ con ngồi ở phía trước khi đi xe máy. Bởi nếu quên không tắt máy và rút chìa khoá, tính hiếu động của trẻ có thể sẽ gây ra những hậu quả khó lường.
Con ngồi xe tập đi lao vào bếp lửa
Bác sĩ Xuân Hương nói về trường hợp cháu vé 9 tháng tuổi ở Lạng Sơn nhập viện trong tình trạng bỏng nặng, khuôn mặt sạm, biến dạng.
Bác sĩ Xuân Hương cho biết có những cháu bị bỏng nặng tới mức lộ xương sọ não, co kéo hai bên mắt,...Ảnh: Xuehua.
Cháu bé bị bỏng 15%, trong đó 12% độ sâu 3-4 ở đầu, mặt, cổ, thân chi. Phần mặt của bé bị ngã vào bếp nên tình trạng vô cùng nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến mắt và đường hô hấp. Do vết bỏng sâu, thời gian tới bé sẽ trải qua nhiều đợt phẫu thuật, điều trị lâu dài.
Theo lời kể của cha bệnh nhân, bà nội đặt nồi cơm lên bếp củi nấu rồi chạy ra ngoài đóng cửa chuồng gà. Mất điện bất ngờ, cháu bé đang ngồi ở chiếc xe tập đi thấy chỗ bếp sáng liền lao xe vào. Ông nội thấy cháu bị ngã vào bếp lửa nhưng không thể ra cứu vì bị gẫy hai tay và chân không đi lại được, chỉ nằm hô người cứu. Bà nội ở bên ngoài vì nặng tai nên không nghe thấy. Khi con gái lớn 4 tuổi của anh chạy ra gọi, bà nội chạy vào mới đưa được bé ra khỏi bếp thì cháu đã bỏng nặng.
Bác sĩ Xuân Hương cho biết đây là tình huống thường gặp. Có những cháu bị bỏng nặng tới mức lộ xương sọ não, co kéo hai bên mắt, mũi bị tổn khuyết, tai bỏng sâu mất sụn, dẫn tới bị viêm...
Việc sưởi ấm cho trẻ trong những ngày giá rét là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, cha mẹ cần lưu ý phải sưởi ấm cho trẻ đúng cách, bởi nếu không rất dễ khiến trẻ gặp nạn, thậm chí tử vong vì bỏng.
Theo Zing
Bệnh viện tỉnh đón em bé thứ 100 chào đời nhờ thụ tinh ống nghiệm Sau 8 năm hiếm muộn, cặp vợ chồng ở Quảng Ninh đã được trở thành cha mẹ nhờ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Sáng 17/12, Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh tổ chức lễ chào đón trẻ thứ 100 chào đời bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm. Đó là con của vợ chồng anh Lê Quang Yên và chị Hà...