Bắc Ninh: Vì sao lúa gieo thẳng bị chết thưa, 1 xã có tới 60ha lúa chết đen cả rễ?
Theo ghi nhận của phóng viên Dân Việt, do ảnh hưởng của những đợt không khí lạnh tăng cường gây rét đậm, rét hại nên một số diện tích lúa gieo thẳng và mạ trên địa bàn Bắc Ninh có hiện tượng bị chết.
Một số ruộng gieo trước Tết Nguyên đán bị chết tới 50-100%.
Mặc dù chưa có số liệu thống kê cụ thể diện tích lúa gieo thẳng, mạ bị thiệt hại trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, nhưng theo nhận định ban đầu của ông Nguyễn Hiểu Sơn, Chi Cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, đợt r ét đậm, rét hại vừa qua có ảnh hưởng tới diện tích lúa gieo thẳng, mạ nhưng không nặng nề lắm.
Một xã có 60ha lúa gieo thẳng bị chết từ 50-100%
Ra thăm ruộng gieo mạ sau đợt rét đậm, rét hại tăng cường từ ngày 18/2, bà Ngô Thị Ngoan, thôn Tỳ Điện, xã Phú Hòa, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh mở nilon trùm trên ruộng gieo mạ ra thì thấy mạ bị vàng úa, đang chết dần chết mòn.
“Nhổ lên tôi thấy rễ mạ thâm đen hết rồi, còn sống đâu” – bà Ngoan buồn rầu cho biết.
Khu ruộng gieo mạ của gia đình bà Ngô Thị Ngoan, thôn Tỳ Điện, xã Phú Hòa, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh đang chết dần chết mòn sau những đợt rét đậm, rét hại kéo dài. Ảnh: Khương Lực
Phần lớn mạ đã chuyển sang màu vàng, rễ đen, không gieo cấy được. Ảnh: Khương Lực.
Video đang HOT
Không chỉ có diện tích mạ gieo bị chết do ảnh hưởng của các đợt rét đậm, rét hại, diện tích lúa gieo thẳng của gia đình bà cũng bị chết sạch. Để khắc phục bà về nhà tiếp tục đổ thóc giống vào ngâm để gieo mạ và gieo thẳng một phần diện tích cho kịp khung thời vụ vụ Xuân.
Cách khu ruộng nhà bà Ngoan không xa, bà Phạm Thị Chiên, thôn Hương Chi cũng đang lo lắng vì hai mẫu lúa của gia đình bà gieo sạ đang có hiện tượng chết thưa.
“Bây giờ người ta bảo chưa rõ là sống hay chết, nhưng nắng lên thì nó mới lụi đi. Chắc phải đợi 1 tuần nữa mới biết được” – bà Chiên nói và thông tin thêm: khu ruộng 6 sào của gia đình bà gieo thẳng từ ngày 9/2, đến nay bị chết khoảng 50%.
Với những mống mạ còn lại, rễ vẫn có màu trắng, nhưng trông không được tươi xanh. Sợ mống mạ bị chết thưa nhiều, 2 hôm trước bà Chiên đã lấy giống lúa vãi chồng lên.
Theo bà Chiên, nhiều diện tích gieo thẳng trên địa bàn thôn mua giống lúa 225 do HTX của thôn Hương Chi cung cấp có hiện tượng bị chết thưa do giống lúa này chịu rét kém.
“Người dân mua giống ở ngoài thì phải trả 30.000 – 35.000 đồng/kg, nhưng mua giống từ chỗ ông Nghệ, Chủ nhiệm HTX thì được tài trợ, chỉ phải trả 11.000 đồng/kg. Bà con bảo giống lúa này gạo rẻo, cơm ngon nên gần như 100% bà con cấy giống lúa này để ăn” – bà Chiên thông tin.
Trao đổi với Dân Việt, ông Phương Hữu Hào, Chủ tịch UBND xã Phú Hòa, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh cho biết, đến ngày 14/2 trên địa bàn xã đã gieo thẳng được 596,7ha.
“Hiện nay có khoảng 60ha gieo thẳng trước Tết của hai thôn Bà Khê, Tỳ Điện trên địa bàn xã bị chết do rét, tỷ lệ cây mạ chết khoảng 50%. Diện tích còn lại có bị chết do đợt rét đậm, rét hại từ ngày 18/1 đến nay thì chưa đánh giá được” – ông Hào nói.
Để khắc phục và giảm bớt thiệt hại do ảnh hưởng của rét đậm, rét hại, UBND xã Phú Hòa chỉ đạo bà con che phủ nilon diện tích mạ đang có. Đồng thời, tổ chức cho bà con đăng ký, chuẩn bị giống để làm mạ sân, mạ súc để cấy bù các diện tích do rét chết.
Nhiều giải pháp để ứng phó, khắc phục thiệt hại do mạ chết
Ông Phạm Xuân Sản, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lương Tài cho biết, do ảnh hưởng của đợt không khí lạnh có cường độ mạnh, gây rét đậm, rét hại từ ngày 18/2 đến nay nên tiến độ gieo trồng, sinh trưởng, phát triển của cây trồng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt một số diện tích lúa gieo thẳng bị chết thưa.
Sợ mống mạ bị chết thưa nhiều, hai hôm trước bà Phạm Thị Chiên, thôn Hương Chi, xã Phú Hòa, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh đã lấy giống lúa vãi chồng lên. Ảnh: Khương Lực
Với những mống mạ còn lại, rễ vẫn có màu trắng, nhưng trông cây nhợt nhạt, không tươi xanh. Ảnh: Khương Lực
Để đảm bảo sản xuất vụ Xuân năm 2022 đạt kế hoạch đề ra, lãnh đạo UBND huyện Lương Tài đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, thăm đồng, đánh giá diện tích gieo cấy của địa phương. Cụ thể, đối với diện tích mạ, tranh thủ trời ấm dần cần mở 2 đầu nilon vào ban ngày và tháo dỡ hoàn toàn trước khi cấy để luyện cho mạ quen với thời tiết.
Với diện tích lúa cấy, các hộ dân cần duy trì mực nước trên mặt ruộng nhằm tăng cường khả năng chống chịu rét, bón bổ sung tro bếp, phân lân. Khi thời tiết thuận lợi, các hộ dân cần khẩn trương đẩy nhanh tiến độ cấy để đảm bảo thời vụ.
Với diện tích gieo thẳng, cần giữ ẩm mặt ruộng, xác định những diện tích lúa đã gieo thẳng bị chết thưa do ảnh hưởng thời tiết, chủ động gieo mạ dự phòng (mạ sân, mạ trên nền đất cứng) bằng các giống lúa ngắn ngày (Khang dân, Bắc thơm 7, Bắc Thơm 8, Nếp 97…) để kịp thời dặm cho những diện tích lúa gieo thẳng bị chết thưa, mạ dược còn thiếu.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bắc Ninh, tính đến ngày 23/2, tỉnh Bắc Ninh đã gieo cấy được khoảng 13.000ha (trên tổng số 30.800 ha theo kế hoạch). Trong đó diện tích gieo thẳng khoảng 8.700ha. Những địa phương có diện tích gieo thẳng lớn như Lương Tài (3.844ha), Quế Võ (3.470ha), Gia Bình (997ha)…
Nói về ảnh hưởng của đợt rét đối với diện tích lúa gieo thẳng và cấy trên địa bàn, ông Nguyễn Hiểu Sơn, Chi Cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bắc Ninh nhận định, đợt rét đậm, rét hại vừa qua sẽ có ảnh hưởng nhưng không nặng nề lắm.
“Hiện lãnh đạo Sở NNPTNT tỉnh Bắc Ninh đang chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cùng các địa phương đánh giá thiệt hại do rét đậm, rét hại và đề xuất biện pháp khắc phục kịp thời” – ông Sơn nói.
Cấp 20 mã số vùng trồng rau đủ tiêu chuẩn xuất khẩu
Ngày 1/1, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương cho biết, Cục Bảo vệ thực vật vừa cấp mã số vùng trồng đủ điều kiện xuất khẩu cho 20 vùng trồng rau của tỉnh Hải Dương với tổng diện tích 163 ha; trong đó, có 13 mã số cho vùng trồng cà rốt với tổng diện tích 128 ha và 7 mã số vùng trồng cải bắp với diện tích 35 ha.
Nông dân xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng thu hoạch cà rốt.
Với 20 mã số vừa được cấp mới này và sản phẩm rau gia vị đã được cấp mã số xuất khẩu châu Âu, Hải Dương là tỉnh đầu tiên được cấp mã số vùng trồng cho sản phẩm rau, củ đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.
Ông Nguyễn Tiến Tráng, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hải Dương cho biết, thời gian qua, Hải Dương đã tích cực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để các vùng trồng rau nói trên đủ điều kiện, đáp ứng các tiêu chí xuất khẩu.
Tháng 12/2020, UBND tỉnh Hải Dương đã ban hành Kế hoạch 4436/KH-UBND "Xây dựng và mở rộng vùng sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế và quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm rau, trái cây năm 2021"; trong đó, có 34 vùng trồng rau đủ điều kiện tham gia Kế hoạch. Ngành nông nghiệp Hải Dương đã chọn những vùng bắp cải ở huyện Gia Lộc và Thanh Miện có diện tích tối thiểu 5 ha/vùng và cà rốt ở các huyện Cẩm Giàng, Nam Sách và thành phố Chí Linh có diện tích tối thiểu 10 ha/vùng. Các chủ thể sản xuất cũng đã ký cam kết chấp hành quy định của cơ quan chuyên môn để đảm bảỏ đủ tiêu chuẩn.
Song song với việc lựa chọn vùng trồng, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hải Dương đã xây dựng quy trình phòng trừ sâu bệnh cho các nhóm cây; hướng dẫn làm hồ sơ đề nghị cấp mã số vùng trồng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu; tiến hành tập huấn cho nông dân và tổ sản xuất về kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh, cách ghi chép nhật ký sản xuất và làm hồ sơ đề nghị cấp mã số vùng trồng. Đội ngũ cán bộ kỹ thuật ở Chi Cục và cán bộ chuyên môn Phòng Nông nghiệp và Trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố, thị xã cũng được tập huấn về tăng cường năng lực của địa phương trong việc triển khai, quản lý cơ sở dữ liệu vùng trồng và cơ sở đóng gói nhằm đáp ứng yêu cầu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm.
Để quản lý, giám sát các vùng trồng đề nghị cấp mã số, Chi cục đã ban hành văn bản tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn phòng trừ dịch hại trên rau tuân thủ quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn xuất khẩu. Cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát hệ thống các cửa hàng kinh doanh, buôn bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để đảm bảo nông dân không sử dụng các loại ngoài danh mục khuyến cáo, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Trước đó, năm 2020 và năm 2021, tỉnh Hải Dương đã được cấp 142 mã số vùng trồng trái cây gồm: vải, nhãn, chuối, dưa hấu và thanh long đủ tiêu chuẩn xuất khẩu và 76 mã số cho cơ sở đóng gói xuất khẩu.
Nghệ An: Trồng khoai tây bới lên toàn củ là củ, tỉnh chi hẳn 2,5 tỷ đồng hỗ trợ nhân rộng Vài năm lại đây, khoai tây đã trở thành một trong những cây trồng vụ đông đầy triển vọng ở Nghệ An. Chính vì thế, trên cơ sở đề xuất của Sở Nông nghiệp &PTNT, vụ đông năm 2021 UBND tỉnh đã trích ngân sách 2,5 tỷ đồng hỗ trợ các địa phương. Hiệu ứng tích cực từ trồng khoai tây tại Diễn...