Bắc Ninh: Công nhân tuyệt đối không ra khỏi phòng trọ khi không đi làm
Khi không đi làm, công nhân không được ra khỏi phòng trọ, kể cả ra ngoài mua hàng thiết yếu. Đây được xem là một trong những động thái quyết liệt của Bắc Ninh trong nỗ lực phong tỏa dịch Covid-19.
Bắc Ninh yêu cầu công nhân không được ra khỏi phòng trọ khi không đi làm.
Tỉnh Bắc Ninh vừa ra văn bản về việc quản lý chặt công nhân, người lao động ở tại các khu trọ trong thời gian không đi làm.
Công văn nêu rõ: Trước tình hình dịch bệnh covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, để chủ động và an toàn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo lực lượng công an quản lý, giám sát các hộ gia đình có công nhân ở trọ, yêu cầu đối tượng ở trọ không được ra khỏi phòng trọ kể cả để mua hàng thiết yếu. Khi cần mua nhu yếu phẩm phải thông qua chủ nhà trọ và tổ Covid-19 cộng đồng.
Công nhân ở trọ chỉ được ra ngoài trong trường hợp đặc biệt, khi có sự đồng ý của chính quyền cơ sở.
Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của các cấp trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Quản lý chặt chẽ, kiểm soát tất cả người, phương tiện ra vào khu dân cư trên quan điểm “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.
Tất cả chủ nhà trọ và người ở trọ phải ký cam kết thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Các chủ nhà trọ phải quản lý chặt chẽ, khai báo y tế cho số người lưu trú, tổng hợp nhu cầu mua thực phẩm và hàng hóa thiết yếu của công nhân trọ, hỗ trợ mua thực phẩm, suất ăn và các nhu yếu phẩm khác, tuyệt đối không để công nhân đi ra khỏi phòng trọ.
Tất cả các hộ kinh doanh dịch vụ không được bán hàng trực tiếp cho công nhân sống trong khu nhà trọ mà phải bán thông qua chủ nhà trọ.
Đây được xem là một trong những động thái quyết liệt của Bắc Ninh trong nỗ lực phong tỏa dịch Covid-19 đang nguy cơ lan rộng.
TP.HCM tính toán giãn cách xã hội nơi có nguy cơ cao, tạm dừng hoạt động hớt tóc, gội đầu
Sáng 27-5, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chỉ đạo tạm dừng hoạt động hớt tóc, gội đầu; tạm dừng các nghi lễ tôn giáo; các hàng quán vỉa hè không được bán tại chỗ và tính toán giãn cách xã hội nơi có nguy cơ cao.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chỉ đạo tại cuộc họp - Ảnh: Trung tâm báo chí TP.HCM
Video đang HOT
Sáng 27-5, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã chủ trì cuộc họp trực tuyến giữa Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 với các quận, huyện.
Cuộc họp có sự tham gia của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên và các thành viên Ban thường vụ Thành ủy TP.HCM.
F1 trải rộng 16 quận, huyện
Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Tấn Bỉnh - giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho biết đến thời điểm này, TP.HCM ghi nhận 25 trường hợp dương tính liên quan hội thánh truyền giáo Phục hưng ở Gò Vấp.
Qua đó đã truy vết được 67 trường hợp F1, xét nghiệm có 23 mẫu âm tính và 44 mẫu đang chờ kết quả. Có 336 trường hợp F2, 326 mẫu đã có kết quả âm tính, còn lại đang chờ kết quả.
Báo cáo tại cuộc họp, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng - giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) - cho biết sau khi nghe tin báo có ca nghi nhiễm từ Bệnh viện Nhân dân Gia Định, trong thời gian chờ xét nghiệm khẳng định đã phát hiện thêm hai trường hợp nữa cũng nghi nhiễm. Cả 3 trường hợp này đều sinh hoạt tại hội thánh truyền giáo Phục hưng.
Trong danh sách đăng ký sinh hoạt có 24 người, trong đó có 4 người ở cùng một gia đình tại Gò Vấp. Tuy nhiên theo bác sĩ Dũng, số lượng người tham gia sinh hoạt có thể nhiều hơn, bởi vì có thành viên đăng ký đưa thêm người trong gia đình đi sinh hoạt.
Lực lượng chức năng đã triển khai truy vết ngay trong đêm ở 8 quận, huyện có thành viên nhóm này. Trong đó lấy hơn 120 mẫu xét nghiệm và phát hiện 25 trường hợp nghi nhiễm ở 6 quận huyện.
Ông Dũng đánh giá mức độ lây nhiễm của chuỗi lây nhiễm này rất cao, có khả năng mầm bệnh đã xuất hiện trước đây, có khả năng lây lan trong cộng đồng. Hiện các F1 đã trải rộng 16 quận, huyện. HCDC cùng các cơ quan khác đang tiếp tục truy vết các ca F1, F2.
Giám đốc Sở Y tế TP.HCM báo cáo tại cuộc họp - Ảnh: THẢO LÊ
Chưa xác định được nguồn lây
Ông Nguyễn Duy Tân - trưởng Ban tôn giáo, trực thuộc Sở Nội vụ TP.HCM - cho biết việc sinh hoạt của hội thánh truyền giáo Phục hưng được cấp phép theo quy định pháp luật. Ở TP.HCM có 145 điểm, nhóm sinh hoạt giống như hội thánh truyền giáo Phục hưng.
Theo đó, hội thánh truyền giáo Phục hưng được UBND phường 3, quận Gò Vấp cấp phép sinh hoạt từ năm 2006. Số thành viên đăng ký trước đây là 60 người (hiện nay điểm nhóm đăng ký thành viên nhiều nhất là 200 người). Tuy nhiên, sau thời gian sinh hoạt, số thành viên giảm dần, hiện chỉ có 28 người đăng ký sinh hoạt.
Theo ông Tân, hội thánh truyền giáo Phục hưng sinh hoạt chủ nhật hằng tuần. Như vậy trong tháng 5 đến nay, nhóm này đã sinh hoạt 4 đợt vào các ngày 2-5, 9-5, 16-5 và 23-5. Tổng cộng 4 đợt sinh hoạt có 20 người tham gia, đúng quy định giãn cách của TP. Tuy nhiên có thể địa điểm sinh hoạt chật chội.
Ông Tân cho biết qua trao đổi với mục sư đại diện hội thánh truyền giáo Phục hưng, người này cho biết từ khi có công văn về phòng, chống dịch của UBND TP.HCM, mục sư không đi truyền giáo bên ngoài, không tiếp cận người nước ngoài cũng như tín đồ nước ngoài. Do vậy đến nay chưa xác định được nguồn lây nhiễm ban đầu.
Đề xuất ngưng các nghi lễ, hoạt động tôn giáo tập trung trên 10 người; người dân hạn chế ra khỏi nhà
Hẻm 25/49 Nguyễn Minh Châu, quận Tân Phú đang được khoanh vùng để lấy mẫu - Ảnh: DUYÊN PHAN
Khi được Chủ tịch UBND TP.HCM hỏi có nên ngưng các hoạt động tôn giáo, ông Nguyễn Duy Tân đề xuất ngưng các nghi lễ tôn giáo, các hoạt động tôn giáo tại các cơ sở tín ngưỡng, thờ tự có tập trung từ 10 người trở lên.
Các chùa, nhà thờ không được phép mở cửa đón khách. Đối với Phật giáo, đề nghị tổ chức cầu nguyện trực tuyến, hạn chế tập trung đông người, ngưng tổ chức cầu nguyện tại các cơ sở.
Những hoạt động mang tính nội bộ, đặc biệt là các hoạt động an cư kiết hạ, Ban tôn giáo sẽ phối hợp với cơ quan y tế để xét nghiệm ngẫu nhiên, nếu không có trường hợp dương tính thì các hoạt động này vẫn được phép tiến hành.
Theo giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh, trước diễn biến dịch bệnh đang phức tạp như hiện nay, ngành y tế đang nỗ lực truy vết các trường hợp liên quan đến ca nhiễm. Ông Bỉnh khuyến cáo người dân cần hạn chế ra khỏi nhà nếu không cần thiết.
Ông cũng kiến nghị không cho tụ tập quá 10 người, giữ khoảng cách tối thiểu 2m. Dừng triệt để các nghi lễ, hoạt động tôn giáo, các cơ sở tôn giáo tín ngưỡng.
Theo ông Bỉnh, trước đây cho hoạt động 20 người nhưng phải thực hiện giãn cách, nhưng với những không gian nhỏ, việc tập trung 20 người này không đảm bảo an toàn.
Bên cạnh đó, theo ông Bỉnh, ngoài các dịch vụ không thiết yếu đã được UBND cho dừng hoạt động trước đây, cần bổ sung dừng thêm các cơ sở làm đẹp, thẩm mỹ. Cấm tập trung quá 10 người nơi công cộng.
"Đối với các hàng quán nhỏ, nơi nào không thực hiện theo yêu cầu của UBND thành phố thì đề nghị phạt và ngưng hoạt động luôn", ông Bỉnh nói.
Ông Dương Anh Đức - phó chủ tịch UBND TP.HCM - đề nghị tạm dừng các cuộc họp không cần thiết để hạn chế thấp nhất việc giao lưu.
Ông Đức cho biết TP đã tạm ngừng các quán ăn lề đường, tuy nhiên hiện nay việc tụ tập tại các quán vỉa hè còn diễn ra khá nhiều, nhiều người không đeo khẩu trang. Ông đề nghị xử lý nghiêm các hàng quán này, đặc biệt ở phố đi bộ, nếu ai không đeo khẩu trang thì phạt ngay.
Tại các cơ sở kinh doanh ăn uống, vừa qua các lực lượng đã ra quân kiểm tra, nhắc nhở, ông Đức đề nghị tạm dừng luôn hoạt động của các cơ sở nào vi phạm, không nhắc nhở nữa.
Chủ tịch UBND TP.HCM: tính toán giãn cách xã hội nơi có nguy cơ cao
Chỉ đạo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu tạm dừng hoạt động các cơ sở làm đẹp như hớt tóc, gội đầu.
Ông Phong chỉ đạo triệt để các quán hàng, trà đá... vỉa hè không được bán tại chỗ, chỉ bán mang về. Đồng thời, dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo. Các hoạt động nghi lễ trong nội bộ cơ sở tôn giáo thì thực hiện không quá 10 người.
Ông yêu cầu Sở Y tế xác định mức độ dịch bệnh để tiến hành giãn cách xã hội những nơi có nguy cơ cao.
Phát biểu tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đánh giá đây là chuỗi lây bệnh lớn, bùng phát nhanh, lây lan rộng ra cộng đồng. Vì thế cần có giải pháp tương xứng để dập dịch.
Theo ông Nên, khi chưa xác định được vị trí, chưa nắm chắc được nguồn lây thì có thể khoanh vùng truy vết rộng hơn, sau đó có thể thu dần quy mô. Không thể xuất hiện ở đâu khoanh vùng đến đó.
Ông cũng đề nghị, trước mắt kêu gọi người dân TP bình tĩnh, cảnh gác cao độ, không hoảng hốt, sẵn sàng hỗ trợ, tham gia cùng lực lượng chống dịch trên tinh thần cảnh giác cao; thực hiện nghiêm giãn cách nơi có dịch và vùng lân cận.
9 ca dương tính trên tàu chở gạo từ Ấn Độ
Báo cáo tại cuộc họp, đại diện Cảng vụ Hàng hải TP.HCM cho biết đối với các tàu biển từ nước ngoài về, cảng vụ đã xây dựng biểu mẫu về phòng dịch để tất cả các tàu khi cập cảng đều phải ký cam kết; kiểm tra đột xuất về chấp hành quy định phòng dịch của các tàu thuyền...
Liên quan đến việc TP.HCM phát hiện 9 ca dương tính COVID-19 trên tàu chở gạo từ Ấn Độ về, đại diện này cho biết tàu mang tên Ashico VictoriaVictoria, quốc tịch Panama nhưng chủ tàu là người Việt Nam. Trên tàu có 17 thuyền viên, tàu xuất phát từ Ấn Độ ngày 16-5, dự kiến cập cảng TP.HCM vào ngày 25-5.
Ngày 24-5, Cảng vụ nhận được văn bản của chủ tàu thông báo tình hình sức khỏe của các thuyền viên. Sáng 25-5, Cảng vụ đã phối hợp Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) và nhiều đơn vị liên quan để tìm biện pháp xử lý.
Theo ý kiến của HCDC, các thuyền viên nặng được đưa đi xét nghiệm ngay, trong đó có 9 thuyền viên dương tính và được đưa đi cách ly ở huyện Cần giờ. Hiện còn 8 thuyền viên trên tàu đang đợi lực lượng đến thay để đi cách ly tập trung.
Cảng vụ Hàng hải TP.HCM kiến nghị đối với các tàu từ các quốc gia có nguy cơ lây dịch COVID-19 cao thì phải xét nghiệm ngay tại tàu trước khi tàu cập bến. Trong trường hợp cần đưa đi cách ly thì đưa luôn phương tiện từ vị trí neo đậu đến Cần Giờ.
Liên quan đến vụ việc này, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh đề nghị trong tình hình hiện nay, những tàu nào từ Ấn Độ về hạn chế cho cập cảng ở TP.
Long An có ca dương tính COVID-19 đầu tiên trong cộng đồng Một đầu bếp nhà ở xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc, Long An làm việc tại khách sạn Sheraton (Q.1, TP.HCM) tiếp xúc với đầu bếp liên quan đến hội thánh truyền giáo Phục hưng được xác định dương tính COVID-19. Tối 27-5, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Long An đã tổ chức họp khẩn sau khi xác định được...