Bạc mặt với sổ hồng!
Một loạt sự vụ gần đây khiến những người dân sống tại chung cư chưa cầm trên tay giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, còn gọi là sổ hồng, như đang ngồi trên đống lửa.
Ảnh chỉ mang tính minh họa (Nguồn: Internet)
Gây lùm xùm nhất là vụ việc tại Chung cư The Harmona do Tamexim làm chủ đầu tư khi hàng trăm hộ dân đã sinh sống ổn định tại đây hơn 3 năm qua có nguy cơ bị “đẩy ra đường”, bởi chủ đầu tư đã “cắm” sổ hồng vào ngân hàng. Dù ngày 16/6, chủ đầu tư đã hoàn tất khoản nợ cho ngân hàng, nhưng cư dân cũng được một phen hoảng hồn.
Tiếp theo đó là vụ Chung cư Bảy Hiền Tower bị cắt điện nước khi đã bàn giao căn hộ, mà lỗi cũng do chủ dự án và quan trọng hơn, khả năng được cấp sổ hồng của người dân cũng rất khó khi dự án làm sai thiết kế…
Những sự vụ này đã bị quy là thủ phạm gây ra sự trầm lắng của thị trường bất động sản TP. HCM trong quý II này.
Tại Hà Nội, dù không ồn ào, nhưng những vụ chủ đầu tư vi phạm quy hoạch, làm sai giấy phép xây dựng, chậm trễ hoàn thiện hồ sơ cấp sổ hồng cho dân cũng nhiều chẳng kém.
Tuần qua, thị trường địa ốc Hà Nội xôn xao với thông tin chủ đầu tư Dự án Golden West tại số 2 Lê Văn Thiêm bị phạt 90 triệu đồng vì xây dựng công trình sai thiết kế được phê duyệt… Quan trọng hơn, khoảng 600 khách hàng dự án này đứng trước nguy cơ bị “hoãn” cấp sổ hồng vô thời hạn vì những sai phạm không phải do mình gây ra.
Trước những “con sâu làm rầu nồi canh” này, một chuyên gia bất động sản như ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM cũng chỉ có thể khuyến cáo người mua nhà rằng, cần phải biết “chọn mặt gửi vàng”, tìm dự án tốt, pháp lý đầy đủ.
Video đang HOT
Nhưng điều quan trọng hơn, phải tìm ra những chế tài, giải pháp ngăn chặn từ gốc câu chuyện này, chứ không phải cứ mãi… xử lý chuyện đã rồi!
Mới đây, UBND TP. Hà Nội cũng vừa thành lập đoàn thanh tra để thanh tra 33 dự án nhà ở có sai phạm đang gây khó khăn trong việc cấp sổ hồng cho cư dân. Đây thực ra cũng là chuyện đến hẹn lại lên, năm nào Hà Nội cũng làm và quan trọng hơn, thường là phải chấp nhận “hợp thức hóa” những sai phạm của chủ đầu tư để đảm bảo quyền lợi cho khách mua nhà.
Một vị đại diện của Phòng Đăng ký thống kê đất đai thuộc Sở Tài Nguyên – Môi trường Hà Nội mới đây tiết lộ rằng, trên địa bàn Hà Nội, có khoảng 300 dự án có vướng mắc (sai phạm) đã cơ bản được tháo gỡ xong.
Con số 300 dự án sai phạm, tương đương hàng vạn căn hộ khách hàng mua nhà nghiêm túc thực hiện hợp đồng, nhưng lại không nhận được cái sổ hồng sau nhiều năm mua nhà khiến nhiều người kinh hãi. Ấy vậy mà theo vị đại diện này, trên địa bàn vẫn còn khoảng 33 dự án còn vướng mắc và còn khoảng 50.000 trường hợp chưa cấp được sổ hồng.
Một trong những nguyên nhân khiến sai phạm xảy ra nhiều là bởi mức phạt nhẹ hều.
Câu chuyện tại Dự án Hồ Gươm Plaza, quận Hà Đông là một ví dụ. Dự án này mới đây bị cơ quan chức năng xử phạt tới 3 tỷ đồng về việc xây thêm căn hộ sai phép. Thế nhưng, số tiền phạt này như cái móng tay, quá nhỏ nếu so với số tiền nhiều chục tỷ đồng doanh nghiệp thu được từ việc bán các căn hộ xây thêm.
Tại Dự án Sakura trên đường Vũ Trọng Phụng, quận Thanh Xuân, chủ đầu tư còn biến cả tầng kỹ thuật thành nhiều căn hộ để bán, khiến toàn bộ khách hàng sau gần chục năm nhận bàn giao nhà không làm được sổ hồng.
Một trường hợp khác thuộc dự án căn hộ cao cấp của một chủ đầu tư ở quận Đống Đa (Hà Nội) mới đây cũng tương tự. Dự án khi sắp hoàn thiện thì bị phanh phui xây thêm gần chục căn hộ bán cho khách hàng và bị thanh tra xây dựng tiến hành thanh tra.
Có thể doanh nghiệp này sẽ bị phạt hành chính hàng trăm triệu đồng, nhưng số tiền thu được từ việc bán căn hộ còn lớn hơn hàng trăm lần số tiền bị cơ quan chức năng xử phạt.
Dĩ nhiên, chỉ người mua nhà tại các dự án này là phải chịu thiệt. Bởi muốn có sổ hồng, họ sẽ lại phải chờ nhiều năm sau, sau khi các sai phạm của chủ đầu tư được cho phép hợp thức hóa.
Để hạn chế rủi ro khi chủ đầu tư “cắm” sổ ở ngân hàng, TP. HCM có sáng kiến sẽ thông tin công khai những dự án thuộc diện này tại Văn phòng Đăng ký đất đai Thành phố, nhưng còn những rủi ro khi chủ đầu tư cố tình xây sai phép, vượt phép thì vẫn chưa có cách nào hạn chế và hàng vạn khách hàng vẫn tiếp tục “bạc mặt” ngóng cái sổ hồng…
Theo NGUYÊN MINH (Báo Đầu Tư)
Lỗ bạc tỷ vì đầu tư nhà đất không chính chủ
Ham rẻ, anh Dũng (ngụ quận 10, TP HCM) cùng người bạn chồng 2 tỷ đồng mua lô đất thổ cư gần 300 m2 tại huyện Bình Chánh, song đến phút cuối mới vỡ lẽ đã có một gia đình khác mua miếng đất này từ nhiều năm trước.
Vướng vào giao dịch kém may mắn hồi quý IV/2015, ê kíp đầu tư của anh Dũng phải chạy ngược chạy xuôi áp dụng đủ bài từ ngọt nhạt nhờ vả đến đâm đơn kiện tụng, nhưng đến nay vẫn chưa lấy lại được tiền. Anh Dũng kể, sau khi kiểm tra thông tin quy hoạch kỹ càng, anh mới quyết định mua đất. Lúc hợp đồng công chứng xong, anh trao hết tiền cho người mua. Đến khi đi nhận đất mới phát hiện ra trên khuôn viên có một gia đình đã mua miếng đất này từ năm 1997.
Tiếp xúc với người khách trước đó, anh Dũng mới hay lúc ký hợp đồng công chứng xong thì gia đình này cho chủ nhà mượn lại sổ đỏ để tách thửa. Song, chủ nhà không tách thửa mà bán luôn cho người khác, sau đó rời khỏi địa phương. Với thực trạng mua nhà đất không chính chủ, anh Dũng cũng không thể bán, xây dựng hay sửa chữa đối với bất động sản này. Anh nhẩm tính, trong điều kiện bình thường, suất đầu tư có thể mang lại lợi nhuận bạc tỷ trong vòng 6-12 tháng tới. Song vì lâm cảnh này, anh phải ngậm bồ hòn làm ngọt, kiên nhẫn chờ đợi.
"Tôi đã đầu tư nhiều nơi và kỹ lưỡng trong khâu pháp lý nhưng với trường hợp không chính chủ như thế này thì mới gặp lần đầu. Khổ tâm nhất là quả lừa này lên đến bạc tỷ", anh Dũng than thở.
Trường hợp của vợ chồng chị Duyên may mắn hơn, vì kiểm tra được tình trạng lô đất tại khu Nam Sài Gòn có dấu hiệu không chính chủ ngay từ đầu nên chưa xuống tiền tỷ mua tài sản. Câu chuyện bắt đầu từ giữa tháng 2/2016 chị Duyên được môi giới chào bán lô đất hơn 1.000 m2 với giá 2,7 tỷ đồng, có thể xây nhà mật độ 15-20% trên khuôn viên.
Rủi ro pháp lý được xem là rủi ro khó nhận biết nhất đối với kênh đầu tư bất động sản. Ảnh: Vũ Lê
Theo quy trình, sau khi khách chồng đủ tiền ký hợp đồng (50% giá trị tài sản), chủ đất sẽ bắt đầu tiến hành các thủ tục xin tách thửa. Tuy nhiên, sau khi tiếp cận với chủ đất và tham khảo hợp đồng, nhận thấy pháp nhân là 2 người hoàn toàn khác nhau nên gia đình chị Duyên băn khoăn, chần chừ xuống tiền.
Thích đất rộng để xây nhà nhỏ, khuôn viên còn lại làm vườn nên nữ khách hàng này cho hay chị mê miếng đất ngay từ khi đi xem, lại được giá rẻ. "Song vì chủ đất và bên đứng ra làm hợp đồng bán là hai người khác nhau nên phải thận trọng. Vì lo ngại nguy cơ bị kẹt tiền tỷ trong suất đầu tư này nên đành bỏ cuộc", chị chia sẻ.
Có thâm niên 7 năm làm môi giới và tư vấn nhà đất tại TP HCM, ông Nguyễn Tấn Phong cho biết: "Rủi ro pháp lý là dạng rủi ro vô hình, tiềm ẩn, khó phát hiện nhất đối với nhà đầu tư bất động sản. Đối với trường hợp mua phải nhà đất không chính chủ, thiệt hại rất khó lường".
Ông Phong cho hay, đa phần những vụ đầu tư bị hớ vì nhà đất không chính chủ thường chỉ được bên mua phát hiện khi giao dịch đã hoàn tất, tiền đã đóng đủ, tức là đã muộn màng. Chính vì vậy, giới đi buôn vẫn thường khuyến cáo, nhắc nhở nhau bài học: "Chỉ có người mua lầm chứ người bán không lầm".
Kinh nghiệm đầu tư an toàn, tránh mất vốn trong thị trường này, theo ông Phong, cần tuân thủ quy trình kiểm tra thông tin từ chính bên bán và từ Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất hoặc Phòng Quản lý đô thị phường, quận.
Thứ nhất, kiểm tra giấy tờ nhà đất. Bên bán phải xuất trình giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà hay quyền sử dụng đất (sổ đỏ hoặc sổ hồng bản chính) cho bên mua. Trong các giấy tờ này, bản vẽ khu đất, căn nhà được thể hiện cụ thể, là cơ sở để bên mua so sánh với hiện trạng thực tế.
Thứ hai, kiểm tra thân nhân xem bên bán có đủ điều kiện bán hay không (có chính chủ hay không). Ví dụ: miếng đất đứng tên một người hay nhiều người, đã từng thay đổi chủ ra sao, người ủy quyền có hợp pháp không...
Thứ ba, kiểm tra tranh chấp tại phòng tư pháp, cán bộ địa chính phường hoặc kiểm tra đơn thư liên quan đến nhà đất tại văn phòng đăng ký quận. Quy trình này nhằm xem xét tài sản có vướng tranh chấp, bị đơn thư tố cáo, khiếu nại trước đó hay không.
Thứ tư, kiểm tra quy hoạch xem nhà đất có nằm trong diện bị giải tỏa, phóng hẻm, mở rộng lộ giới hay thuộc nhóm đất dự phòng hay không... tại UBND phường, quận.
Theo VnExpress
Không phải thanh toán hết tiền mua bất động sản nếu chưa có 'sổ đỏ' Theo Nghị định 76/2015/CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS) vừa được ban hành, trường hợp mua nhà, công trình hình thành trong tương lai thanh toán nhiều lần được thực hiện theo quy định tại Điều 57 của Luật. Cụ thể, hợp đồng cần ghi rõ, việc thanh toán thực hiện nhiều lần,...