“Bắc Kinh leo thang trên Biển Đông nhằm đánh lạc hướng dân chúng”
Những động thái hiếu chiến trên Biển Đông của Trung Quốc là nhằm đẩy mạnh chủ nghĩa dân tộc trong nước, đồng thời, đánh lạc hướng người dân khỏi nền kinh tế đang phát triển chậm lại, tờ Business Insider của Mỹ cho rằng đó là một trong những trò chơi nguy hiểm nhất thế giới.
Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) trong một buổi lễ. (Ảnh: BI)
Trong một nỗ lực nhằm tránh bất mãn trong nước, chính phủ Trung Quốc sẽ tích cực hành động ở Biển Đông, gia tăng căng thẳng trong tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng gồm cả Nhật Bản, Business Insider đưa tin.
Trong hơn một năm qua, Bắc Kinh đã đẩy mạnh các hoạt động xây dựng và bồi đắp đảo nhân tạo bất hợp pháp trên diện tích lên tới 800 héc-ta trên Biển Đông. Hồi tháng 4 vừa qua, hình ảnh vệ tinh cho thấy quân đội Trung Quốc đã xây một đường băng đủ lớn cho máy bay quân sự ở Biển Đông.
Chính phủ và truyền thông Trung Quốc gần đây cũng lớn tiếng hơn về các yêu sách chủ quyền, tuyên bố nước này “có quyền” cải tạo các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, ngụy tạo các bằng chứng lịch sử về “chủ quyền tại các đảo, quần đảo trên Biển Đông”.
Mới đây, tờ Thời báo Hoàn cầu của chính quyền Trung Quốc còn tuyên bố rằng bất kỳ nỗ lực nào của Mỹ nhằm ngăn cản âm mưu bá chủ của Bắc Kinh ở Biển Đông chắc chắn sẽ đưa đến một cuộc chiến.
“Nếu Mỹ cứ khăng khăng rằng Trung Quốc phải ngừng các hoạt động cải tạo đảo trên Biển Đông, một cuộc chiến Mỹ-Trung là điều không thể tránh khỏi”, Thời báo Hoàn cầu viết. “Và cuộc chiến này sẽ dữ dội hơn nhiều so với “xích mích”, điều mà mọi người vẫn luôn nghĩ”.
Business Insider đánh giá rằng những tuyên bố mang tính dân tộc chủ nghĩa trên của Bắc Kinh rõ ràng là động thái được thiết kế để đánh lạc hướng người dân khỏi sự thật rằng nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại.
Video đang HOT
Tăng trưởng và sự trỗi dậy là những yếu tố gắn liền với đất nước Trung Quốc thời hiện đại. Nhiều nhà phân tích cho rằng việc không đảm bảo được mục tiêu kinh tế sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới tính chính danh của đảng Cộng sản Trung Quốc.
Chính phủ Bắc Kinh gần đây đã yêu cầu người dân chấp nhận một “sự bình thường mới” khi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, nợ công ở mức gần 300% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), xây dựng và bất động sản cùng tín dụng đang cạn kiệt.
Hải quân Trung Quốc trên tàu khu trục tên lửa dẫn đường Yuncheng (571). (Ảnh: BI)
Trong bối cảnh ấy, để duy trì nhiệt tình và sự ủng hộ trong nước, Bắc Kinh đã tạo “sóng gió” ở Biển Đông. Business Insider cho rằng để “giữ thể diện” với người dân khi đối mặt với suy thoái kinh tế, Bắc Kinh có thể sẽ có hành động hiếu chiến ở Biển Đông hoặc Hoa Đông.
Theo báo Mỹ, trong nhiều năm, tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ, các nhà lãnh đạo thế giới đều từng thừa nhận rằng mối đe dọa lớn nhất đối với sự ổn định toàn cầu không phải là Iraq hay khủng bố IS mà kết quả của một cuộc xung đột tiềm năng giữa Trung Quốc và Nhật Bản.
Nguy cơ này gia tăng khi Bắc Kinh và quân đội Trung Quốc dường như không tin rằng chính quyền Tổng thống Obama sẽ ngăn cản những tuyên bố và hành động của họ ở Biển Đông, tờ báo kết luận.
Tại Đối thoại Shangri-La vào tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ahston Carter tuyên bố rõ ràng rằng yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là “vô lý” và Mỹ không công nhận phạm vi lãnh hải 12 hải lý kể từ các đảo nhân tạo và bãi đá của Trung Quốc.
Bộ trưởng Quốc phòng Carter cho biết Mỹ sẽ tiếp tục bảo vệ quyền tự do hàng hải, tự do hàng không: “Mỹ sẽ đến, bằng máy bay, tàu và hoạt động ở bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép. Bởi sau cùng, việc biến mấy đá ngầm thành sân bay không tạo ra chủ quyền và cho phép Trung Quốc ngăn cản tự do hàng hải hay hàng không”, ông Ashton Carter nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Cũng tại Shangri-La vừa qua, Đô đốc Tôn Kiến Quốc – Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc- đã đáp lại rằng nước này sẽ không ngừng cải tạo đảo trên Biển Đông, ngụy biện rằng “đó là hành động thực thi chủ quyền chính đáng, đồng thời giúp các nước còn lại”.
Business Insider cho rằng tình trạng leo thang trên Biển Đông sẽ còn tiếp diễn, nhất là trong bối cảnh hồi tháng trước, Trung Quốc công bố Sách trắng Quốc phòng 2015, nêu tên Mỹ và Nhật như những mối uy hiếp quân sự, đồng thời nhấn mạnh hải quân nước này phải đáp ứng nhiệm vụ phòng vệ cận hải và hộ vệ viễn dương.
Thoa Phạm
Theo Dantri/B usiness Insider
Mỹ sẽ tiếp tục tuần tra ngăn "đụng độ bất ngờ" trên Biển Đông
Tư lệnh Hạm đội 7 Hải quân Mỹ ngày 1/6 tuyên bố quân đội nước này sẽ nỗ lực để ngăn chặn các vụ đụng độ bất ngờ ở Biển Đông, đồng thời sẽ tiếp tục tuần tra tại khu vực Trung Quốc đang tiến hành các hoạt động bồi đắp đảo trái phép và quân sự hóa.
Tư lệnh Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ, Phó đô đốc Robert Thomas. (Ảnh: RT)
Phó đô đốc Robert Thomas, Tư lệnh Hạm đội 7 Hải quân Mỹ tuyên bố rằng nhiệm vụ của Hạm đội 7, đóng căn cứ ở thành phố Yokosuka (Nhật Bản), là nhằm đảm bảo "sự tự do đi lại" ở các vùng biển quốc tế và vùng trời trên đó.
Vị Tư lệnh Hạm đội 7 nêu rõ: "Nếu Trung Quốc đưa ra những tuyên bố phản đối điều này, chúng tôi sẽ không công nhận". Mặc dù vậy, ông Thomas cũng nhấn mạnh Hải quân Mỹ đang tìm cách trao đổi thông tin với phía Trung Quốc nhằm ngăn chặn các vụ đụng độ bất ngờ trên biển.
Hạm đội 7 của hải quân Mỹ hoạt động tại Thái Bình Dương suốt gần 70 năm qua. Là lực lượng hải quân lớn nhất của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương, cơ cấu Hạm đội 7 được tổ chức thành các lực lượng đặc nhiệm có chức năng chuyên biệt.
Con tàu tác chiến cận bờ USS Fort Worth chạm trán tàu khu trục Trung Quốc khi tuần tra gần quần đảo Trường Sa hồi trung tuần tháng 5 cũng thuộc biên chế hạm đội này.
Trong cuộc phỏng vấn trên tàu chỉ huy Blue Ridge, ông Thomas khẳng định Hải quân Mỹ không có ý định ngừng các chuyến bay tuần tra trên Biển Đông, theo Kyodo News.
Bên cạnh đó, Phó đô đốc Thomas cho biết Lực lượng phòng vệ Nhật Bản hiện đã có thể hoạt động tại bất kỳ nơi đâu trên thế giới. Do đó, ông hy vọng rằng đồng minh thân thiết của Mỹ sẽ có thể hợp tác với các đồng minh còn lại như Philippines và Úc, tăng cường sự hiện diện trên Biển Đông.
Tuyên bố của Tư lệnh Hạm đội 7 được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và Mỹ xoay quanh việc Bắc Kinh tiến hành hoạt động bồi đắp phi pháp và quân sự hóa các đảo nhân tạo do nước này xây dựng ở Biển Đông.
Trong bài diễn văn phát biểu ở Đối thoại Shangri-La lần thứ 14 hôm 30/5, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đổ lỗi Trung Quốc là "nguồn cơn của các căng thẳng" trong khu vực. Ông Carter cũng nói rõ rằng yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là "vô lý" và Mỹ không công nhận phạm vi lãnh hải 12 hải lý kể từ các đảo nhân tạo và bãi đá của Trung Quốc.
Bộ trưởng Carter ngày 30/5 tuyên bố sáng kiến "An ninh biển Đông Nam Á" trị giá 425 triệu USD nhằm hỗ trợ hải quân các nước trong khu vực nâng cao năng lực. Lầu Năm Góc cho biết sẽ sát cánh cùng đồng minh trước những biến động tại Biển Đông.
Thoa Phạm
Theo Dantri/ Kyodo News
Sau khẩu chiến là chủ động làm lành? Người Trung Quốc xưa thường nói "không đánh không biết nhau" và câu này đang được Bắc Kinh áp dụng một cách nhuần nhuyễn tới mức tinh xảo. Bắc Kinh đã phản ứng thận trọng sau khi nhà lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu công bố sáng kiến hòa bình nhằm giải quyết tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông. Bởi Đài...