Ba yếu tố giúp Biden đánh bại Trump
Chiến thắng của Biden trong cuộc bầu cử 2020 được cho là điều không thể tránh khỏi, bởi ông là người nổi tiếng, có kinh nghiệm và được yêu quý.
Joe Biden từng là phó tổng thống dưới thời chính quyền Barack Obama và vẫn là một người nổi tiếng hàng đầu trong chính trường Mỹ. Ông ra tranh cử để đấu với Tổng thống đương nhiệm Donald Trump, người chưa từng giành được quá 50% tỷ lệ ủng hộ trung bình của các cuộc khảo sát. Chiến dịch của ông cũng hướng tới mục tiêu đưa Mỹ thoát khỏi cuộc khủng hoảng y tế và kinh tế vì Covid-19, đại dịch đã khiến hơn 240.000 người chết và hàng triệu người thất nghiệp.
Để đi tới chiến thắng này, Biden đã phải vượt qua nhiều chỉ trích, nghi ngại về chiến lược tranh cử để thiết lập một liên minh trải dài từ những người Dân chủ tới các thành viên ôn hòa của đảng Cộng hòa. Cách tranh cử thận trọng của Biden giữa Covid-19 thậm chí còn khiến nhiều thành viên Dân chủ lo lắng, khi cho rằng ông không làm đủ nhiều để thu hút cử tri và tạo ra nền tảng ủng hộ vững chắc cho chiến dịch tranh cử.
Nhưng cuối cùng, Biden đã chiến thắng trong cuộc bầu cử có tỷ lệ cử tri đi bầu có lẽ cao nhất từ năm 1900 và giành được nhiều phiếu hơn bất kỳ ứng viên nào trong lịch sử, theo Ezra Klein, biên tập viên của Vox. Klein cho biết sẽ cần thêm thời gian để Mỹ hoàn tất quá trình kiểm phiếu ở từng bang và công bố kết quả cuối cùng, nhưng theo xu hướng hiện tại, Biden sẽ giành được số phiếu phổ thông lớn hơn, phá kỷ lục của Hillary Clinton năm 2016, Barack Obama năm 2012 hay George W. Bush năm 2004.
Tổng thống đắc cử Joe Biden (trái) và Tổng thống đương nhiệm Donald Trump. Ảnh: AFP.
Ezra Klein nhận định có ba yếu tố làm nên chiến thắng của Biden trong cuộc đua năm nay và đầu tiên là tư tưởng chính trị cốt lõi của ông. Biden là một chính trị gia theo nghĩa chân thực nhất và sâu sắc nhất của thuật ngữ này, theo Klein.
“Chính trị của Biden không phải là những điều mà ông ấy tin, mà đó là tìm ra điểm giao nhau giữa những gì ông ấy tin rằng đất nước này tin tưởng và điều mà những người ông ấy cần thuyết phục tin tưởng”, Klein cho biết.
Biên tập viên của Vox cho rằng tư tưởng chính trị cốt lõi của Biden có thể thấy rõ trong một đoạn trích từ cuốn sách Promise Me, Dad của ông. “Người bạn cũ Tip O’Neill của tôi, chủ tịch Hạ viện nổi tiếng của thế kỷ 20, từng có câu nói nổi tiếng ‘Tất cả chính trị đều mang tính địa phương’. Tôi đã mất rất nhiều thời gian để có thể mạo muội cải thiện tuyên bố đó. Tôi tin rằng tất cả chính trị đều mang tính cá nhân, bởi nhìn chung, chính trị phụ thuộc vào lòng tin. Nếu bạn không thể thiết lập được mối quan hệ cá nhân, thật khó để xây dựng niềm tin”, nội dung đoạn trích.
Việc tập trung vào các mối quan hệ cá nhân đã mang lại nhiều kết quả cho chiến dịch tranh cử của Biden. Để trở thành ứng viên của đảng Dân chủ chính là cuộc chiến giữa phe ôn hòa, trung lập hơn của đảng với phe cánh tả đang trỗi dậy. Cuối cùng Biden giành chiến thắng ấn tượng sau khi nhiều tên tuổi lớn bỏ cuộc hoặc quay sang ủng hộ ông.
“Tôi nghĩ điều khác biệt hiện giờ, giữa bạn và tôi, là tôi có mối quan hệ tốt với Joe Biden hơn với Hillary Clinton và Biden dễ dàng ngồi xuống nói chuyện với tôi và nhiều thành viên cấp tiến khác hơn chúng tôi từng thấy trong quá khứ”, Bernie Sanders, từng là đối thủ của ông Biden trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ, nói.
Như Biden đã viết, mối quan hệ cá nhân giúp xây dựng lòng tin, thông qua đàm phán và thỏa hiệp. Đây chính là cốt lõi chính trị của Biden và việc thành lập liên minh Biden – Sanders là minh chứng cho tính hiệu quả của nó.
Ezra Klein thêm rằng thay vì xem chiến thắng trước Sanders là cơ hội để xác định đảng Dân chủ, Biden xem đây là cơ hội để thống nhất đảng. Với cách tiếp cận này, thậm chí ông đã “lấy lòng” được những người từng chỉ trích, gièm pha mình và Varshini Prakash, giám đốc nhóm hoạt động vì môi trường Sunrise Movement, là một trong số đó.
Khi Sander đề xuất thêm Prakash vào liên minh của họ, nhóm của Biden lập tức đồng ý. “Họ có thể nói ‘Tôi không muốn Varshini trở thành một phần của liên minh, vì tổ chức của bà ấy từng không ưa tôi’. Nhưng họ không làm vậy và điều đó khiến tôi tín nhiệm họ”, Prakash nói.
Cách tiếp cận dựa trên đàm phán xây dựng lòng tin cũng được Biden sử dụng khi tìm cách thu hút các thành viên đảng Cộng hòa. “Tôi nghĩ rằng mình có thành tích tốt trong việc tập hợp các thành viên Dân chủ và Cộng hòa”, Biden từng nói hồi tháng 7.
Ông cho rằng một số thành viên Cộng hòa “sẽ cảm thấy được giải phóng một chút” nếu Trump bị đánh bại và sẵn sàng bắt tay với Dân chủ về nhiều vấn đề như cơ sở hạ tầng và bất bình đẳng chủng tộc.
Biden cũng luôn tự hào về vai trò của mình trong chính quyền Obama, khi là đảng viên Dân chủ duy nhất có thể đạt thỏa thuận với Mitch McConnell, hiện là Lãnh đạo phe đa số của đảng Cộng hòa ở Thương viện. Đồng thời, Biden tin rằng mối quan hệ với đảng Cộng hòa sẽ “đơm hoa kết trái” trong nhiệm kỳ tổng thống của ông.
Joe Biden phát biểu tại Wilmington, Delaware, ngày 6/11. Ảnh: Reuters.
Yếu tố thứ hai giúp làm nên chiến thắng của Biden là ông đã thay đổi cùng sự thay đổi của nước Mỹ. Chương trình nghị sự của Biden năm nay đã khiến ông có vị thế tốt hơn Hillary Clinton năm 2016, cựu tổng thống Obama năm 2012 và của chính ông năm 2008.
Đối với Biden, công việc của một chính trị gia là tiếp nhận những bất đồng và nhu cầu của một quốc gia bị rạn nứt, chia rẽ, đồng thời sử dụng các kênh và thể chế chính trị để tạo nên một liên minh vững chắc.
Khi còn trẻ, Biden từng được xem là một chính trị gia “kiêu ngạo”, không được lòng phe cánh tả, nhưng khi đã nhiều tuổi hơn, đặc biệt sau khi là phó tổng thống và mất đi con trai cả Beau, ông đã trở thành một người thân thiện và cởi mở hơn.
Ngoài ra, khi nước Mỹ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng y tế và kinh tế nghiêm trọng do Covid-19, chiến lược của Biden đã đạt hiệu quả “lấy lòng” cử tri. Những cam kết đẩy lùi đại dịch, tìm kiếm một lựa chọn bảo hiểm y tế tốt hơn cho người dân Mỹ, các chính sách giảm nghèo đói có thể trở thành cuộc cải tổ sâu sắc nhất từ thời Lyndon Johnson về chính sách đối nội nếu được thông qua, Klein nhận định.
Chiến dịch của Tổng thống Trump từng mô tả Biden là “con rối” của phe cực tả với những chính sách không tưởng. “Điều kỳ diệu của Joe Biden là ông đã biến mọi thứ trở thành điều hợp lý mới”, Andrew Yang phát biểu tại Hội nghị Quốc gia đảng Dân chủ 2020. “Nếu ông ấy đưa ra một kế hoạch đầy tham vọng để giải quyết biến đổi khí hậu, mọi người đột nhiên sẽ đi theo sự dẫn dắt của ông ấy”.
Nhiều nhà phân tích cho rằng Biden nhiều khả năng gặp trở ngại với các chính sách đối nội khi phải đàm phán với các thành viên Cộng hòa ở Thượng viện. Nhưng về đối ngoại, tân tổng thống Mỹ có thể nắm được nhiều quyền hành hơn. Trong lĩnh vực này, quan điểm của ông đã có nhiều thay đổi.
Trong những năm 1990, Biden từng thúc đẩy can thiệp nhân đạo và từng ủng hộ đề xuất cựu tổng thống George W. Bush về cuộc chiến tranh Iraq. Nhưng sự thất bại của cuộc chiến đó đã cho Biden bài học và đã giúp ông trở thành một trong những tiếng nói thận trọng nhất về can thiệp quân sự của chính quyền Obama.
“Bạn nói rằng Joe từng ủng hộ chiến tranh Iraq. Ông ấy đã có được bài học từ đó. Và như bạn biết đây, ông ấy có lẽ là người muốn hạn chế sử dụng sức mạnh quân sự nhất trong số cố vấn cấp cao trong nhiệm kỳ của tôi”, Obam từng nói trong cuộc phỏng vấn với Pod Save America.
Yếu tố cuối cùng giúp Biden thành công nằm ở việc ông là “một ứng cử viên không ầm ĩ”.
Nhiều nhà quan sát cho rằng trong kỷ nguyên chính trị bị chi phối bởi mạng xã hội như hiện nay, đối thủ của Tổng thống Trump phải đủ mạnh để đấu với ông trên các nền tảng như Facebook hay Twitter. Tuy nhiên, đây không phải lựa chọn của Biden.
“Ông Biden chỉ có 32.000 người theo dõi trên nền tảng video có tầm ảnh hưởng này (YouTube), một mức thấp so với các đối thủ của ông ấy trong đảng Dân chủ và ít hơn khoảng 300.000 so với Tổng thống Trump”, bài viết trên NYTimes hồi tháng 4 với tiêu đề ‘Biden đang đánh mất mặt trận Internet. Liệu điều này có vấn đề gì không?’ cảnh báo.
Biden đã thực hiện chiến dịch tranh cử khá khiêm tốn, thậm chí còn trở nên thận trọng hơn sau khi Covid-19 tấn công Mỹ. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ tổ chức họp báo hàng ngày, xuất hiện tại nhiều sự kiện vận động tranh cử và thu hút sự chú ý của cả nước Mỹ. Điều này khiến nhiều thành viên trong nhóm Biden lo lắng.
Song Biden đã nói rõ về chiến lược của mình. “Ông ấy càng nói nhiều, tôi càng thấy tốt”, ứng viên Dân chủ nói về Trump hồi tháng 5.
Biden cược rằng người Mỹ sẽ mệt mỏi với những tiếng nói ồn ào, với những tranh chấp và bất bình của Trump tràn ngập trên mạng và các phương tiện truyền thông. Và thực tế chiến lược từng giúp Trump giành chiến thắng năm 2016 đã không thể đưa ông tới thành công lần này.
“Có nhiều người hồi tháng 3, tháng 4 nói rằng Biden dường như vô hình và ông ấy cần phải có các cuộc họp báo hàng ngày”, một cố vấn cấp cao của Biden nói hồi tháng 6. “Nhưng người dân không tìm kiếm một tổng thống Trump phiên bản 2.0. Họ không muốn có thêm Trump của đảng Dân chủ. Họ muốn một tổng thống. Và cách tốt nhất để đấu lại Trump chính là trở thành một tổng thống mà người dân đang thiếu vào lúc này”.
32 năm Biden hiện thực hoá giấc mơ tổng thống. Video: Vox.
Bầu cử tổng thống phơi bày nước Mỹ chia rẽ
Bầu cử tổng thống năm nay thể hiện sự chia rẽ sâu sắc giữa phe Cộng hòa và Dân chủ, yếu tố giúp định hình quốc gia, bất kể ai là người đắc cử.
Các cuộc bầu cử tổng thống là dịp để người dân Mỹ bộc lộ mong muốn tới thế hệ lãnh đạo tiếp theo mà họ tin tưởng trao gửi lá phiếu. Cuộc đua năm nay cho thấy con số kỷ lục cử tri của cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đi bỏ phiếu, nhưng dù đã làm vậy, họ vẫn không thể đồng thuận về những việc tổng thống đó nên làm.
Đảng viên Dân chủ và Cộng hòa ưu tiên các vấn đề khác nhau, sống trong những cộng đồng khác nhau và thậm chí bỏ phiếu bằng những hình thức khác nhau. Bất kể ai là người đắc cử, sự chia rẽ đó cũng cho thấy tổng thống tiếp theo sẽ đối mặt với bế tắc rất lớn trong quốc hội, cũng như sự hoài nghi về tính toàn vẹn của lá phiếu và khối cử tri kích động đang bị chia rẽ ngày càng sâu sắc bởi chủng tộc, giáo dục và địa lý.
Người ủng hộ Biden cãi cọ với người ủng hộ Trump trong cuộc biểu tình ngoài Trung tâm TCF ở Detroit, Michigan hôm 6/11. Ảnh: AFP.
Ngay cả việc kiểm phiếu cũng có nguy cơ chia rẽ người Mỹ. Bốn ngày sau khi cuộc bỏ phiếu kết thúc, cả Trump và Biden đều không giành được 270 phiếu đại cử tri cần thiết để đắc cử.
Tổng thống Trump khuyến khích người ủng hộ tụ tập biểu tình tại các điểm kiểm phiếu, nơi vẫn đang kiểm đếm phiếu bầu qua thư - phương pháp bầu cử mà nhiều đảng viên Dân chủ ưa thích, trong khi theo đuổi chiến lược kiện tụng để trì hoãn thời gian công bố kết quả.
"Trừ thời Nội chiến, tôi không nghĩ là chúng tôi đã trải qua thời kỳ nào sự chia rẽ tiềm ẩn nhiều hiểm họa như lần này", nhà sử học Barbara Perry, giám đốc trung tâm Miller chuyên nghiên cứu lịch sử tổng thống thuộc đại học Virginia, nói.
Thậm chí trong cuộc bầu cử năm 2000, khi Tòa án Tối cao ra phán quyết có lợi cho ứng viên George W. Bush của đảng Cộng hòa, ứng viên Al Gore của đảng Dân chủ đã nhanh chóng nhượng bộ và các lãnh đạo Mỹ đã tìm thấy tiếng nói chung ở Đồi Capitol, tòa nhà quốc hội Mỹ.
"Để có được những điều này, cần phải có một người lãnh đạo có năng lực dẫn dắt, cũng như cần những người nguyện ý làm theo", Perry nói. "Tôi không nhìn thấy người nào nguyện ý làm theo cả hai phe".
Sự chia rẽ đe dọa cả năng lực đối phó khủng hoảng của tổng thống kế tiếp, trong bối cảnh số ca nhiễm mới Covid-19 lập kỷ lục trong tuần này, nền kinh tế đang vật lộn để hồi phục sau đại dịch và nhiều người Mỹ đang bức xúc đòi giải quyết bất công chủng tộc.
Cử tri của Trump và Biden đều bày tỏ quan điểm khác biệt rõ rệt về những thách thức đó, theo khảo sát VoteCast của AP. Cử tri của Biden đa phần muốn chính phủ liên bang ưu tiên hạn chế nCoV lây lan, dù chịu thiệt hại kinh tế. Nhưng đa phần cử tri của Trump muốn tập trung hồi phục kinh tế, xem nhẹ vấn đề đại dịch.
Khoảng một nửa cử tri của Trump cũng nhận định kinh tế và việc làm là những vấn đề hàng đầu mà đất nước cần giải quyết bây giờ, trong khi chỉ 1/10 cử tri của Biden coi đó là vấn đề quan trọng nhất.
Trong chính sách chủng tộc và công lý, cử tri của Biden đa phần cho rằng phân biệt chủng tộc là vấn đề nghiêm trọng trong xã hội Mỹ, nhưng chỉ một phần cử tri của Trump, đa phần là người da trắng, có chung nhận định.
Biden đã cố thu hẹp khoảng cách này, thường kêu gọi đoàn kết dân tộc và hướng tới "linh hồn" của nước Mỹ. Trump thì tự cho mình là người bảo vệ cử tri. Ông đe dọa giữ lại các khoản viện trợ đại dịch của các bang do thống đốc Dân chủ lãnh đạo và chê bai những thành phố do đảng Dân chủ điều hành.
Nhiều đảng viên Dân chủ hy vọng Trump sẽ phải chịu một thất bại đáng xấu hổ, coi đó là sự phủ nhận rõ ràng với Trump và sự nghiệp chính trị của ông. Họ muốn có một kết quả không thể chối cãi, cho phép Biden theo đuổi những chính sách đầy tham vọng về y tế, giáo dục và kinh tế.
Trump có thể thua, nhưng việc đảng Cộng hòa vẫn giữ được vị thế tại Thượng viện và Hạ viện cho thấy "làn sóng xanh" mà phe Dân chủ kỳ vọng để kiểm soát cả quốc hội lẫn Nhà Trắng đã không xảy ra.
"Không có thắng lợi rõ ràng nào cho phe này hay phe kia. Cuộc bầu cử năm nay đầy rối rắm và lộn xộn", Martin Luther King III, nhà lãnh đạo dân quyền ủng hộ Biden, nói.
Cuộc bầu cử cũng củng cố liên minh cạnh tranh của hai đảng. Biden dựa vào cử tri thành thị và ngoại ô, đặc biệt là phụ nữ, cử tri có trình độ đại học và da màu. Trump vượt qua số phiếu bầu nhận được năm 2016 dựa vào lượng lớn cử tri mới đến từ nông thôn, đa phần là cử tri da trắng ủng hộ đảng Cộng hòa.
Kết quả tại các hạt có tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu cao nhấn mạnh xu hướng đó: những nơi nghiêng về đảng Cộng hòa trở nên "đỏ" hơn, còn những nơi vốn nghiêng về đảng Dân chủ lại càng "xanh" hơn.
Tỷ lệ ủng hộ đảng Dân chủ tăng lên 70% ở những hạt đã ủng hộ Hillary Clinton năm 2016, còn tỷ lệ ủng hộ đảng Cộng hòa mở rộng tại 56% số hạt mà Trump từng giành được năm đó, theo phân tích của AP về tất cả các hạt có số lượng phiếu bầu tính đến tối 5/11 nhiều hơn so với kỳ bầu cử lần trước.
Xu thế này đã khiến một số "tân binh" Dân chủ từng giành được ghế trong Hạ viện tại những khu vực có quan điểm chính trị không rõ ràng lần này thất bại. Tại Iowa, nghị sĩ đảng Dân chủ Abby Finkenauer đã thua trong chiến dịch tái tranh cử ở khu vực phía đông của bang, khi Trump tăng tỷ lệ cử tri ủng hộ tại những vùng nông thôn như hạt Buchanan ngay phía tây Dubuque. Trump đã giành được ủng hộ của hạt nông thôn này, với 96% cử tri da trắng, với cách biệt 15% năm 2016. Con số này tăng lên 21% trong năm nay.
Sự phân cực về địa lý cũng là một trong những điều gây lo lắng cho những người nhận thấy văn hóa hợp tác ở Washington đang xói mòn nhanh chóng.
Nhận định về cuộc bầu cử năm nay, cựu thượng nghị sĩ New Hampshire Judd Gregg, một trong những tiếng nói hàng đầu của đảng Cộng hòa trong những ngày sau khi Tòa án tối cao ra quyết định về cuộc bầu cử năm 2000, cho rằng không rõ liệu những lãnh đạo trong quốc hội hiện nay có cảm hứng để làm việc với đảng bên kia hay không.
"Từng có những người trong thượng viện như Ted Kennedy và Ted Stevens, những người giữ quan điểm cứng rắn nhưng luôn có mặt đầu tiên để hoàn thành công việc và điều hành chính phủ, vì vậy họ không e ngại và sẵn sàng thỏa hiệp", Gregg nói. Ông là một trong số những người Cộng hòa chỉ trích Trump.
"Tôi không chắc kiểu lãnh đạo đó ngày nay còn không bởi những giọng điệu chát chúa đang thống trị cả hai đảng. Nhưng Biden, nếu đắc cử tổng thống, đã biết hệ thống hoạt động thế nào, vì vậy chúng ta có thể hy vọng".
Người hùng mang hy vọng cho cuộc đấu pháp lý của Trump Khi lợi thế phiếu bầu dần tuột khỏi tay Trump, con rể đồng thời là trợ lý cấp cao của ông, Jared Kushner, vội vã tìm kiếm một người hùng. Kushner muốn một ai đó như James Baker, cựu ngoại trưởng, bộ trưởng tài chính và chánh văn phòng Nhà Trắng, người từng dẫn dắt đội pháp lý của George W Bush trong...