Bà xã Bình Minh: ‘Cảm ơn những gì đã trải qua’
“Trong chuyện tình cảm đôi khi việc phân tích, đặt ra các tình huống cũng quan trọng. Song không phải bao giờ cũng đúng. Tôi cũng có “cơ số làm” rồi”, Lê Anh Thơ chia sẻ khi đang trải qua nhiều trắc trở trong hôn nhân.
Bây giờ là “thời điểm nhạy cảm” với việc phỏng vấn vợ diễn viên, người mẫu Bình Minh, người phụ nữ đã làm tắt lịm nhiều giấc mơ thiếu nữ sau đám cưới cùng “người đàn ông vàng của showbiz Việt”. Cuộc hẹn gặp chị cũng dời đi dời lại nhiều lần. Bởi chị vội ra Hà Nội cho một cuộc họp, đến con ốm phải vào bệnh viện… Và trong một chiều tưởng chừng rảnh rỗi nhất, chị nhắn tin mắc đi dạy lớp aerobic.
Cuối cùng, chị đã xuất hiện với vóc dáng xinh xắn, phong cách ăn mặc trẻ trung hơn rất nhiều dưới ánh đèn flash hay trong những bộ dạ hội, bên ông chồng nổi tiếng trong các sự kiện ồn ào của giới giải trí.
Phó Giám đốc Hội đồng Anh đi dạy aerobic!
- Chị đảm nhận vị trí Giám đốc Chiến lược khách sạn 5 sao Caravelle, Phó Giám đốc tại TP.HCM kiêm phụ trách các dự án nghệ thuật của Hội đồng Anh, chưa kể một công việc không tên nhưng vô cùng vất vả là làm vợ, mẹ và dạy cả aerobic. Vì sao chị chọn thêm một công việc thuộc về thể dục thể thao?
- Tôi dạy aerobic ở phòng gym của khách sạn Sofitel Sài Gòn khoảng 8 năm, một tuần 2 buổi. Công việc hoàn toàn tự nguyện và xem như là “cam kết thể dục”. Sofitel là nơi tôi làm việc đầu tiên trong ngành khách sạn. Còn aerobic là môn thể thao tôi ưa thích. Bây giờ, tôi bận rộn công việc nên lười, tôi bắt mình phải dạy để không được lười. Những lúc đi dạy thể dục là lúc tôi được giải tỏa stress nhiều.
Thật sự tôi thích đi dạy. Từ năm 2002 tôi đã làm cho những dự án tư vấn của Liên minh châu Âu về ngành khách sạn. Sau đó, tôi đi huấn luyện cho những dự án khách sạn mới mở, soạn giáo trình và dạy môn nghiệp vụ du lịch. Dạy học giúp tôi củng cố và cập nhật kiến thức thường xuyên.
- Chị từng tâm sự chị có đam mê lớn trong ngành kinh doanh khách sạn. Và từng đạt thành tích trong lĩnh vực này với vị trí quản lý khá cao ở những khách sạn 5 sao hàng đầu TP.HCM. Bỗng dưng một ngày chị bỏ khách sạn về Hội đồng Anh với vị trí quản lý những dự án nghệ thuật. Có phải chị lấy chồng làm nghệ thuật nên chuyển hướng sự nghiệp và niềm đam mê hay không?
Video đang HOT
- Thú thật là đến giờ tôi vẫn còn yêu thích ngành khách sạn. Làm kinh doanh áp lực kinh khủng, còn ngành khách sạn lại căng thẳng nhiều hơn, nghĩa là tôi vừa phải lo kiếm nhiều lợi nhuận vừa lo làm dịch vụ tốt cho khách hàng. Khi ngủ tôi cũng thấy việc. Nhưng tôi đã có sự thay đổi sau khi lập gia đình. Khi có con, tôi bắt đầu thấy mình cần phải cân bằng lại cuộc sống. Công việc mới mang đến cho tôi nhiều hứng thú mới. Quản lý các dự án nghệ thuật của Hội đồng Anh thật ra chỉ là một phần nhiệm vụ. Ở TP.HCM lâu nay nói đến Hội đồng Anh, hầu hết mọi người chỉ nghĩ là trường học. Nhưng dạy và học tiếng Anh chỉ là một trong những hoạt động. Dự án chính của Hội đồng Anh tại TP.HCM hiện nay và trong những năm tới là công nghiệp sáng tạo, cụ thể hơn là những ngành nghệ thuật chưa có tố chất kinh doanh, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của thành phố.
Tôi nói mình quản lý dự án nghệ thuật, không có nghĩa chỉ biết tới nghệ thuật mà phải biết kinh doanh. Trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế hiện nay, Chính phủ Anh không thể chỉ sử dụng nguồn tiền thuế của dân Anh để đi lo các dự án nghệ thuật. Kinh tế khó khăn, dân Anh đóng thuế ít đi, vì vậy Hội đồng Anh tại các nước bắt buộc phải tự thân vận động, tìm thêm nguồn tài trợ để bù vào phần thiếu hụt. Trước, Hội đồng Anh ở Việt Nam cũng như ở các nước khác hoạt động hoàn toàn bằng nguồn kinh phí của Chính phủ Anh, nhưng bây giờ chúng tôi cũng phải đi kêu gọi tài trợ. Nếu để ý, các bạn sẽ thấy một số dự án gần đây gắn với tên một số nhà tài trợ như ngân hàng HSBC, Công ty P&G hay Intel. Nhiều người làm việc lâu năm ở đây, quen cách làm việc cũ cũng bị sốc.
- Điều này có lẽ cũng lý giải cho sự lựa chọn chị vào vị trí chiến lược của Hội đồng Anh tại TP.HCM. Nhưng trước đó có tin đồn rằng chị vào vị trí trên vì chị là bà xã của một nghệ sĩ nổi tiếng. Chị nghĩ sao?
- Không dám đâu. Có lẽ tôi chưa trải qua một cuộc thi tuyển gắt gao như thế để vào được Hội đồng Anh. Nhưng mỗi cái gạch đầu dòng câu hỏi của bài thi đòi hỏi câu trả lời là một bài viết, một câu chuyện. Họ đòi hỏi ứng viên phải chứng minh một cách thuyết phục bằng thực tế.
- Hiện tại chị đang làm những dự án nào?
- Tôi đang làm một dự án lớn của Hội đồng Anh tại TP.HCM và trong những năm tới, tôi sẽ tập trung cho ngành công nghiệp sáng tạo có cả khả năng mang lại lợi nhuận cao như quảng cáo, kiến trúc, âm nhạc, điện ảnh, nghệ thuật biễu diễn, thiết kế, mỹ thuật, truyền hình và phát thanh, xuất bản, phần mềm trò chơi vi tính, thủ công mỹ nghệ, thời trang, nghề thủ công… Trước mắt, chúng tôi và đối tác chọn 4 ngành liên tiên phong là quảng cáo, thiết kế, thời trang và phần mềm trò chơi vi tính. Với mục tiêu tạo cơ hội hợp tác cho những người làm việc trong các ngành này là hỗ trợ việc xây dựng những chính sách thích hợp, thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp sáng tạo. Hai năm nay, với một số thành viên nòng cốt, chúng tôi đã xây dựng được một mạng lưới các nhà thiết kế. Qua đó, các bạn cũng đã tìm kiếm được các hợp đồng làm việc, tiến tới sẽ thành lập câu lạc bộ thiết kế.
Năm ngoái, Hội đồng Anh đã tổ chức thành công cuộc thi Doanh nghiệp điện ảnh trẻ quốc tế tại Việt Nam, chọn ra người đại diện Việt Nam tại vòng chung kết Doanh nghiệp điện ảnh trẻ quốc tế ở Anh. Năm nay, tiếp tục là cuộc thi Doanh nhân thiết kế trẻ quốc tế, người chiến thắng sẽ đại diện cho Việt Nam tại cuộc thi quốc tế Doanh nhân thiết kế trẻ tại Anh vào tháng 9. Họ sẽ có thêm cơ hội tham dự hai sự kiện London Fashion Week và London Design Festival danh tiếng.
Trước đó, năm 2009, Hội đồng Anh đã tổ chức cuộc thi tương tự cho Doanh nhân trẻ thời trang. Mục tiêu lớn nhất của các hoạt động là tạo cơ hội để kết nối các tài năng trẻ Việt Nam với thế giới.
Ở đây cũng phải nói thêm rằng, Hội đồng Anh toàn cầu có mặt ở 110 nước, nhưng mỗi giải thưởng như vậy sẽ chỉ có 12 quốc gia được lựa chọn và Việt Nam đã thuyết phục được ban tuyển chọn để có mặt liên tiếp trong những sự kiện lớn của Hội đồng Anh toàn cầu như vậy.
Ngoài ra, chúng tôi còn nhiều dự án nghệ thuật khác như phối hợp cùng Bộ Văn hóa Thông tin và Du lịch tổ chức các khóa đào tạo quản lý festival, tham gia Festival Huế 2012, liên hoan âm nhạc châu Âu. Hội đồng Anh cũng đang nhắm tới việc tổ chức một hội chợ sách tại Việt Nam năm 2012 hoặc 2013. Nhưng thay vì giới thiệu Shakespeare, chúng tôi sẽ mang tới những trào lưu văn học mới ở Anh. Một triển lãm Eco Design – Thiết kế thân thiện với môi trường cũng sẽ được tổ chức trong năm 2012, đi cùng với những khóa đào tạo về thiết kế theo khuynh hướng thiết kế thân thiện với môi trường. Năm 2012, chúng tôi sẽ đưa triển lãm Trong thành phố của các nghệ sĩ Việt Nam sang giới thiệu tại Anh và rất nhiều các hoạt động văn hóa khác nhằm tăng cường sự trao đổi, hợp tác của 2 quốc gia.
Tiền không phải mục đích sống
- Chị hài lòng với công việc hiện tại như thế nào?
- Hiện tại, tôi thật sự hài lòng về quyết định thay đổi và công việc. Tôi cảm thấy hứng thú khi học hỏi được rất nhiều trong quá trình đi thuyết phục người ta đồng ý với dự án và khi dự án “chạy”, mang được nhiều thứ hay đến đất nước mình. Khối lượng công việc cũng khá lớn, tôi phải đi công tác thường xuyên nhưng hứng thú nên tôi cũng không cảm thấy áp lực. Thật ra, tôi ít khi cảm thấy áp lực. Từ hồi còn làm Giám đốc tiền sảnh ở khách sạn, một ngày khách sạn vào ra tới 200 lượt người, người quản lý dưới quyền tới 70 nhân viên, từ việc to đến nhỏ, giấy tờ… cái gì cũng phải kiểm soát.
- Trước đây, c hị từng làm quản lý Công ty của Trương Ngọc Ánh, người bạn thân và “bà mối” của chị. Vì sao chị không tự mình làm chủ một công ty như xu hướng của nhiều người trẻ hiện nay, nhất là khi chị thừa điều kiện và khả năng?
- Tôi thuộc tuýp người thích đi làm chứ không thích làm bà chủ (cười). Sau 5 năm, người ta có thể thay đổi song hiện tại, tôi hoàn toàn hài lòng với công việc. Đi làm có áp lực của đi làm, nhưng trong công việc mình sẽ khách quan hơn. Nếu làm chủ, sống chết mình phải giữ doanh nghiệp, nên không thể khách quan được. Với lại, mục tiêu của làm chủ là kiếm được nhiều tiền, nhưng kiếm nhiều tiền không phải là mục tiêu sống của tôi. Cái tôi quan tâm hơn là sống cho mình và người xung quanh thế nào. Lúc làm cho Ánh, tuy tôi có cổ phần trong Công ty nhưng tôi đã tự đặt mình vào vị trí của người làm chủ công ty. Một năm làm ở đó, tôi cũng nhiều lần tự so sánh để biết mình hợp với cái gì hơn.
- Trương Ngọc Ánh cũng là một người có thể cân bằng cả sự nghiệp nghệ thuật, kinh doanh lẫn gia đình. Vì sao chị lại nghĩ mình không làm được?
- Chúng tôi là bạn thân nhưng môi trường cũng có tiêu chí riêng trong cuộc sống. Có thể Ánh khéo léo kết hợp được giữa công việc và cuộc sống hơn tôi. Nếu làm chủ công ty chắc suốt ngày tôi chỉ “ôm” công việc thôi.
Kiểm soát rủi ro với cái đầu lạnh
- Hồi làm việc ở khách sạn, tôi chắc là chị gặp nhiều người thú vị. Chị nhớ nhất những ai?
- Tôi thích theo ngành khách sạn cũng vì thích gặp nhiều người hay đấy. Thực tế, tôi đã gặp được nhiều người cực kỳ hay. Nhớ lần gặp Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, lúc rảnh rỗi được tiếp chuyện, tôi đã học hỏi được nhiều kiến thức về ngành ngân hàng. Phó thủ tướng Thụy Sĩ khi tới khách sạn có hàng rào lính canh nghiêm cấm, vậy nhưng khi nói chuyện với mình lại rất gần gũi, thân thiện. Hay khi tiếp khách là các đoàn hoàng gia, tôi học được rất nhiều từ ứng xử, văn hóa của họ. Chỉ cần bạn muốn học hỏi, người ta sẵn sàng chia sẻ. Tôi còn học được từ các nhân viên nam từ rất nhiều mảnh đời khác nhau như cách họ vượt qua những chuyện khó khăn tưởng như không thể. Họ đã dạy tôi cách ứng xử và vượt qua những khó khăn của chính mình.
Trong công việc, tôi là người nguyên tắc. Nguyên tắc nhưng người làm trong ngành dịch vụ, khách sạn đối với khách hàng là thân thiện nhưng vẫn giữ khoảng cách. Đó chính là sự chuyên nghiệp. Nếu đầu không lạnh, chắc tôi yêu cả trăm người rồi! (Cười).
- Chị luôn mạnh mẽ và tỉnh táo với tất cả những gì đã và đang xảy ra xung quanh?.
- Tôi nghĩ nên cảm ơn những gì đã trải qua. Tôi chưa bao giờ thấy những gì trải qua là khủng khiếp. Công việc trước đây ở khách sạn buộc tôi phải tiếp xúc với nhiều loại người, từ thương gia, học giả, người đàng hoàng, có tiền… Họ đã giúp tôi rèn luyện nhiều kỹ năng sống như kỹ năng giao tiếp, nhìn người, phân tích tình hình và kiểm soát rủi ro. Tôi hay tự đặt mình trước những tình huống có thể xảy ra, khi đó mình sẽ nên làm gì, không nên làm gì để không bị sốc.
- Chị tỉnh táo cả trong tình yêu và gia đình?
- (Cười). Trong chuyện tình cảm đôi khi việc phân tích, đặt ra các tình huống cũng quan trọng. Song không phải bao giờ cũng đúng. Tôi cũng có “cơ số làm” rồi. Có điều, ít ra mình cũng có kinh nghiệm, có lầm, nếu có lầm nữa cũng không sao, không bị sốc.Nhưng tình yêu đúng là chuyện duyên số, tính phân tích cũng không được.
Theo Thể thao & Văn hóa