Ba tù nhân vượt ngục giữa đảo hoang bằng… thìa
Alcatraz từng được xem là nhà ngục không thể bỏ trốn vì nó nằm trên một hòn đảo biệt lập giữa trùng khơi nước Mỹ.
LTS: Nhà tù có chức năng giam giữ phạm nhân nhưng với nhiều tên tội phạm, đây được xem là cái đích cần vượt qua để tìm lại tự do. Bài viết về những phi vụ vượt ngục khó tin sau đây, hé lộ chiêu thức những kẻ đào tẩu thực hiện để chạy trốn khỏi các nhà tù kiên cố bậc nhất.
Đảo Alcatraz nhìn từ trên cao
Vụ vượt ngục Alcatraz hồi tháng 6.1962 được xem là lần duy nhất có người bỏ trốn thành công khỏi nhà tù bảo mật khủng khiếp nhất thời bấy giờ. Nhà tù Alcatraz nằm ở đảo Alcatraz trên vịnh San Francisco, hoàn toàn biệt lập với bên ngoài. Không có bất kì cây cầu nào nối hòn đảo này với đất liền.
Đêm 11.6, rạng sáng ngày 12.6, ba tù nhân gồm Clarence Anglin, John Anglin và Frank Morris để lại một tấm mặt nạ giấy bồi ở giường ngủ rồi bỏ trốn khỏi nhà ngục chính. Sau đó, chúng rời đảo Alcatraz trên một chiếc bè tự tạo và sau nửa thế kỷ không rõ số phận ra sao.
Giai đoạn chuẩn bị
Chân dung 3 tù nhân vượt ngục
Sau khi được xếp phòng cạnh nhau, tháng 12.1961, bốn tù nhân lên kế hoạch vượt ngục dưới sự chỉ huy của Morris, một kẻ rất thông minh. Những kẻ này quen biết nhau do có thời gian bị giam giữ ở nhà tù Atlanta. Chúng gồm Clarence Anglin, John Anglin, Frank Morris và West.
Đến tháng 6.1962, chúng đục tường dày 20cm bằng những lưỡi dao cùn ở sân nhà tù, thìa ăn cắp từ giám thị trại giam và một cái khoan chế từ động cơ máy hút bụi cũ. Chúng ngụy trang “công trình” của mình bằng bìa carton và những vật dụng khác.
Hệ thống nhà tù với song sắt và tường dày 20cm
Hố khoét trên tường dẫn vào một khu hành lang không được canh gác. Từ vị trí này, 3 tù nhân trèo qua mái nhà và lập một xưởng chế tạo thu nhỏ ngay trong tù. Chúng lắp ghép những đồ ăn trộm hoặc nhặt nhạnh được, trong đó có 50 chiếc áo mưa được biến thành áo phao và một chiếc bè cao su dài 4,3m, rộng 1,8m. Các đường chỉ may được gia cố cẩn thận bằng sức nóng từ các ống dẫn hơi nước trong tù.
Nhóm tù nhân chế cả mái chèo bằng gỗ và trộm một cái kèn ống làm dụng cụ thổi gió để bơm phồng chiếc bè cao su. Chúng trèo lên hệ thống ống dẫn trên mái nhà, cắt tất cả đinh tán và đóng vào bè.
Video đang HOT
Để tránh bị giám thị phát hiện, những tù nhân này đã chế mặt nạ làm từ giấy bồi và xà phòng. Chúng tô màu và gắn thêm tóc giả để tạo cảm giác như thật. Mặt nạ được để trên gối còn bên dưới chăn chúng nhồi quần áo nhằm ngụy trang có người đang nằm ngủ.
Mặt nạ giấy bồi để lại trên gối để ngụy trang
Vượt ngục
Đêm 11.6.1962, khi mọi sự chuẩn bị hoàn tất, 3 tù nhân thực hiện kế hoạch táo tợn của mình. Tù nhân West đã cắt một tấm lưới sắt đủ lớn đặt vào khoảng tường bị đục và trát xi măng ngụy trang bên ngoài. Trong đêm bỏ trốn, khi West vừa tháo tấm lưới sắt ra thì không thấy 3 người còn lại đâu.
Chẳng còn cách nào khác, West quay trở lại giường ngủ ngon lành. Ngày hôm sau, West rất hợp tác với cơ quan điều tra và miêu tả chi tiết kế hoạch bỏ trốn của 3 bạn tù và được tha tội.
Một phòng giam điển hình ở ngục Alcatraz
Từ hành lang không được canh phòng, Morris và Anglins trèo qua hệ thống thông gió lên mái nhà. Giám thị nghe thấy tiếng động lớn khi 3 tên trộm tháo chiếc bè tự chế nhưng sau đó không còn âm thanh gì khác nên họ bỏ qua.
Với dụng cụ lỉnh kỉnh gắn trên người, chúng trèo xuống một bức tường cao 15m bằng cách bám vào hệ thống ống thông hơi và vọt qua tường thép gai cao 3,7m. Tại góc phía đông bắc của trại giam, nơi giám thị và nhân viên an ninh không thể nhìn thấy do đây là điểm mù, nhóm tù nhân bơm bè bằng chiếc kèn ống trộm được. Khoảng 10 giờ, chúng rời đảo. Từ đó đến nay đã 50 năm trôi qua nhưng không ai biết số phận 3 tù nhân này ra sao.
Điều tra viên khám một căn phòng bị tù nhân khoét vách
Những năm sau đó, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã truy tìm hàng ngàn manh mối để xác định số mệnh 3 tù nhân này nhưng bất thành. Nhiều giả thuyết được đưa ra bởi các chuyên gia, học giả và nhà báo. Gia đình của 3 tù nhân mới đây nhất năm 2015, cũng khẳng định người thân của mình vẫn còn sống và thậm chí từng chụp ảnh cùng năm 1970.
Năm 1979, FBI đưa ra kết luận rằng 3 người trốn trại Alcatraz đã chết đuối ở vịnh San Francisco do không vượt qua được những con sóng cao hàng mét. Dù vậy, Morris và anh em nhà Anglin vẫn nằm trong danh sách truy nã.
————————————-
Hai tù nhân người Mỹ lừa tình giám thị, xin cưa sắt khoét vách để đào tẩu. Nhiều người so sánh cuộc vượt ngục không tưởng này với bộ phim rất nổi tiếng của điện ảnh Mỹ, khi vai chính khoét vách trong 20 năm và trốn ra ngoài.
Hành trình đào tẩu của hai tù nhân này diễn ra như thế nào? Mời quý vị đón đọc phần tiếp theo của Những phi vụ vượt ngục khó tin: Lừa tình giám thị, xin cưa sắt khoét vách vượt ngụcvào 4h ngày 3/12/2016.
Theo Quang Minh – Tổng hợp (Dân Việt)
Phạm nhân xếp lớp như cá hộp trong nhà tù Philippines
Các phạm nhân ở nhà tù Quezon City phải giành giật chỗ nằm từng ngày trong nhà tù được thiết kế cho 800 người nhưng đang chứa đến 3.600 tù nhân.
Nhà tù Quezon City ở thủ đô Manila, Philippines đang giam giữ 3.600 tù nhân trong không gian được thiết kế cho 800 người.
Với số lượng từ 160 đến 200 người trong một phòng dành cho 20 người, cuộc chiến giành giật chỗ nằm diễn ra hàng ngày.
Nhà tù được xây từ 60 năm trước và dành cho những người đang chờ xét xử, theo Inquirer.
Các tù nhân tìm mọi nơi để có thể ngủ trong thời tiết oi bức. Họ nằm xếp lớp như cá hộp trên các bậc cầu thang chật hẹp.
Họ chỉ được tận hưởng không gian rộng rãi hơn khi tham gia hoạt động thể dục bên ngoài buồng giam.
Trong khi một số nấu ăn thì những người khác tắm giặt ngay bên cạnh.
Tình trạng cạnh tranh đồ ăn và nước sinh hoạt trong nhà tù diễn ra rất khốc liệt trong điều kiện mất vệ sinh.
Các tù nhân tập luyện trong không gian chật hẹp.
Raymund Narag, một người từng phải ngồi tù ở đây 7 năm vì bị kết án oan tội giết người, theo GMA Network. Anh đã viết cuốn sách kể về những ngày tháng kinh khủng mang tên "Tự do và cái chết bên trong nhà tù".
Narag khi đó mới 20 tuổi, ở với 30 phạm nhân khác trong buồng giam dành cho 5 người, sống qua ngày với cá khô. "Trong gần 7 năm, tôi dường như trải qua cái chết hàng ngày trong nhà tù đó", Narag viết.
Mỗi tháng có khoảng hai đến 5 phạm nhân trong nhà tù chết vì bệnh tật. Trong ảnh là một quản giáo khóa cánh cửa sắt ở cầu thang nhà tù Quezon City.
Một chuyến xe chở các phạm nhân đến phiên tòa xét xử.
Theo Narag, khẩu phần ăn dành cho tù nhân rất ít, thường lẫn cả đinh gỉ và xác gián, khiến người thường xuyên bị đói và phải trộm đồ ăn của người khác. Điều kiện sống trong nhà tù bẩn thỉu, thiếu đói, thiếu không khí khiến nhiều tù nhân bị bệnh hoặc hoặc phát ban, nổi mụn nhọt. Sau khi ra tù năm 2002, Narag theo học ngành tư pháp ở Mỹ.
Khánh Lynh
Ảnh: AFP
Theo VNE
Quan chức trại giam Trung Quốc dẫn gái mại dâm phục vụ phạm nhân Phó giám đốc một trại giam ở tỉnh Giang Tây, Trung Quốc, bị cáo buộc nhận hối lộ để đưa gái mại dâm vào tận nơi phục vụ một phạm nhân. Bên trong trại giam huyện Đông Hương, thành phố Phúc Châu, tỉnh Giang Tây. Ảnh: Eastbuzz Theo Sina, vụ việc xảy ra từ tháng 5/2015. Hôm 19/7, công an tỉnh Giang Tây...