“Bà trùm” cá thát lát ở Hậu Giang có 8 sản phẩm OCOP, được các siêu thị lớn tìm đến tận nơi đặt hàng
Trong lúc dịch bệnh Covid-19 bùng phát, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân, nhưng ở tỉnh Hậu Giang có một HTX có 8 sản phẩm OCOP từ cá thát lát vẫn hoạt động kinh doanh ổn định, đặc biệt dù đang trong lúc dịch bệnh vẫn được siêu thị lớn tìm đến tận nơi đặt hàng.
“Bà trùm” cá thát lát có 8 sản phẩm OCOP đạt 4 sao
“Bà trùm” đó là chị Nguyễn Kim Thùy – Giám đốc HTX Kỳ Như, (có địa chỉ ấp tại Tầm Vu 1, xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang), được người dân trong vùng gọi là “bà trùm” cá thát lát vì HTX của chị có 8 sản phẩm OCOP đạt chuẩn 4 sao, thì trong đó có 7 sản phẩm từ cá thát lát.
Chị Nguyễn Kim Thùy – Giám đốc HTX Kỳ Như, xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. (Ảnh: Hồng Cẩm)
Chia sẻ với phóng viên Dân Việt, chị Thùy cho biết: Trong thời gian dịch bệnh Covid-19 bùng phát, các tỉnh phía Nam thực hiện giãn cách xã hội, lúc đầu HTX Kỳ Như có gặp một chút khó khăn về việc vận chuyển, nhưng khi quy định về vận chuyển hàng hóa theo luồng xanh thì hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX cũng dần ổn định trở lại.
Để việc kinh doanh ổn định trong mùa dịch, theo chị Thùy chia sẻ tất cả là nhờ HTX có 8 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao, nên được các đại lý, hệ thống siêu thị lớn nhỏ trong cả nước tín nhiệm hợp tác ổn định từ nhiều năm nay.
8 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao của HTX Kỳ Như, gồm: cá thát lát rút xương tẩm gia vị, cá thát lát rút xương tẩm gia vị sả ớt, chả cát thát lát tẩm gia vị, chả cá thát lát tươi, cá thát lát nạo, bánh phồng cá thát lát, khổ qua rừng dồn chả cá thát lát và khô cá sặc rằn một nắng (khô lạc).
Công nhân tại HTX Kỳ Như đang phân loại cá thát lát. (Ảnh: Hồng Cẩm)
Video đang HOT
Để có được 8 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao được thị trường đón nhận như ngày nay là cả một quá trình dài, trong đó có cả thành công và thất bại của chị Thuỳ.
Chị nhớ lại, chị gắng bó với nghề nuôi cá hơn 20 năm và cũng từng nhiều lần thất bại nhưng vì yêu thích nghề nuôi cá mà sau nhiều lần thất bại chị vẫn bám giữ. Khoảng năm 2000, sau khi thua lỗ đợt cá rô đầu vuông và cá thát lát chị gần như sạch vốn.
Nhờ sự giúp đỡ của người thân, chị Thùy đã chuyển sang mở quán ăn. Quán của chị chuyên phục vụ các món từ cá, trong đó món chả cá thát lát tẩm gia vị và cá thát lát rút xương tẩm gia vị được thực khách rất yêu thích. Từ phục vụ tại quán, chị làm thêm sản phẩm để khách mang về, nhận đặt hàng phục vụ đám tiệc…
Chả cá thát lát tươi đạt chuẩn OCOP 4 sao của HTX Kỳ Như. (Ảnh: HTX Kỳ Như)
Đến năm 2015, sau khi tìm hiểu các tiêu chuẩn, chị quyết tâm đăng ký thương hiệu độc quyền cá thát lát Kỳ Như với một số sản phẩm đặt thù: Chả cá thát lát, cá thát lát nạo, chả cá tẩm gia vị, cá thát lát rút xương tẩm gia vị…
Và từ đó chị bắt đầu hành trình tiếp thị, chào hàng sản phẩm của mình tại các cửa hàng đặc sản, siêu thị, hội chợ… Nhưng lúc này những đối tác còn e dè, chỉ đặt hàng số lượng ít, chủ yếu là cá thát lát nạo.
Cá thát lát rút xương tẩm gia vị của HTX Kỳ Như là một trong những sản phẩm được thực khách ưa chuộng. (Ảnh: HTX Kỳ Như)
Năm 2018, sau khi đi tham quan mô hình sản phẩm OCOP tại Bến Tre, chị Thùy đã học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm quý báu và năm 2019 chị thành lập HTX Kỳ Như với 11 thành viên ban đầu.
Đến năm 2020 khi tỉnh phát động tham gia sản phẩm OCOP, chị Thùy mạnh dạn đăng ký 5 sản phẩm trong đợt 1 và 3 sản phẩm trong đợt 2 và tất cả 8 sản phẩm (7 sản phẩm từ cá thát lát, 1 sản phẩm cá sặc rằn) của chị đều được công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao.
Được siêu thị lớn, nhỏ tìm đến đặt hàng cá thát lát
Chị Thùy cho biết, hiện nay HTX Kỳ Như đang hợp tác và cung ứng cho khoảng 20 đại lý, cửa hàng đặc sản trong cả nước và hệ thống các siêu thị Coopmart, Bách hóa xanh, Mega, Vinmart, Tứ Sơn… với sản lượng khoảng 400 tấn (sản phẩm các loại từ cá thát lát, cá sặc rằn)/năm.
Theo chị Nguyễn Kim Thùy các sản phẩm của HTX Kỳ Như được đối tác tin tưởng đặt hàng là nhờ được công nhận đạt chuẩn OCOP. (Ảnh: Hồng Cẩm)
“Phải thừa nhận một điều từ ngày 8 sản phẩm của HTX được công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao thì sản lượng tăng rõ rệt. Đặc biệt, các hệ thống cửa hàng đặc sản và siêu thị lớn nhỏ cả nước tự tìm đến mình đặt hàng với số lượng lớn và ổn định, chứ mình không còn phải vất vả chạy đi chào hàng như trước kia”- chị Thùy chia sẻ.
Về nguồn nguyên liệu, Giám đốc HTX Kỳ Như, cũng cho biết: HTX Kỳ Như hiện có 31 thành viên, với diện tích nuôi cá thát lát nguyên liệu phục vụ sản xuất là 5,7ha. Trung bình mỗi tháng cung ứng từ 30-35 tấn cá thát lát nguyên liệu để phục vụ chế biến thành 11 dòng sản phẩm các loại.
Thêm sản phẩm khô cá lóc một nắng của HTX Kỳ Như sắp đăng ký sản phẩm OCOP. (Ảnh: Hồng Cẩm)
Cá thát lát nguyên liệu được các thành viên HTX chủ yếu nuôi bằng thức ăn tự nhiên như cá tạp, ốc. Trong phòng trị bệnh chỉ sử dụng những loại thuốc trong danh mục cho phép và có cách ly thức ăn, thuốc một thời gian trước khi bắt để chế biến các món ăn. Vì vậy, sản phẩm làm ra từ cá thát lát đều tự nhiên, không sử dụng chất bảo quản, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Chị Thùy cũng cho biết thêm, trong tháng 7 vừa qua, mặc dù đang trong tình hình dịch bệnh khó khăn, nhưng đại diện siêu thị Mega Cần Thơ đã đến HTX, trực tiếp gặp chị đặt hàng một số dòng sản phẩm mới, như: Ếch, cá điêu hồng, cá lóc…
Để đáp ứng nguồn hàng theo kế hoạch, chị đã quy hoạch thêm vùng nuôi tại huyện Phong Điền (TP.Cần Thơ). Kế hoạch của HTX Kỳ Như là từ nay đến cuối năm 2021 sẽ đăng ký VietGAP cho các dòng sản phẩm mới này để đáp ứng điều kiện ký kết hợp tác với đối tác.
Hậu Giang nỗ lực tiêu thụ nông sản qua giao dịch điện tử
Ngày 6/9, tại buổi làm việc với các ngành về sàn giao dịch điện tử nông sản của địa phương, ông Trương Cảnh Tuyên - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, địa phương đặt mục tiêu tăng lượng sản phẩm chủ lực được bán qua sàn giao dịch điện tử trong thời gian tới.
Nông sản của người dân được tập kết trước khi được vận chuyển đi TP Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa: Duy Khương/TTXVN
Các ngành liên quan sẽ tham mưu để UBND tỉnh sớm ban hành kế hoạch triển khai thực hiện giao dịch điện tử đối với nông sản đến các hợp tác xã, người dân; hỗ trợ, hướng dẫn nông dân về sàn giao dịch điện tử nông sản, giúp họ hiểu về ưu điểm khi đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử. Trước mắt, tỉnh sẽ thực hiện giao dịch điện tử đối với 66 sản phẩm OCOP của địa phương.
Theo ông Huỳnh Thanh Phong - Giám đốc Sở Công Thương Hậu Giang, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên hoạt động kinh doanh truyền thống thuần túy bị chậm lại. Do đó, việc giao dịch điện tử tạo điều kiện thuận lợi cho bên bán và cung cấp dịch vụ, hàng hóa phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường, nâng cao giá trị hàng hóa; đồng thời, tạo điều kiện cho bên mua dễ tìm kiếm, sử dụng và mua được sản phẩm, dịch vụ.
Thời gian tới, cơ quan chức năng của tỉnh tiếp tục hỗ trợ các cơ sở chọn lựa hình ảnh, cập nhật thông tin và quản lý bán hàng trên sàn giao dịch thương mại điện tử; hỗ trợ nông hộ đăng ký tham gia sàn thương mại điện tử lớn để kết nối, quảng bá mở rộng thị trường trong điều kiện hoạt động xúc tiến thương mại truyền thống không thể thực hiện được.
Hậu Giang đặt mục tiêu thông qua các sàn thương mại điện tử và nền tảng số để cung cấp thông tin hữu ích cho các hộ sản xuất nông nghiệp như: thông tin thị trường nông sản, dự báo nhu cầu và năng lực sản xuất, thông tin thời tiết, mùa vụ, giống, phân... Tỉnh sẽ lựa chọn đưa lên sàn thương mại điện tử các sản phẩm, nguyên liệu, vật tư đầu vào, công cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp có thương hiệu uy tín, chất lượng tốt, giá cả phù hợp để giới thiệu, cung cấp cho hộ sản xuất nông nghiệp.
Đến nay, tại Hậu Giang đã có nhiều cơ sở, hợp tác xã đăng ký bán sản phẩm lên các trang thương mại điện tử như voso.vn, postmart.vn, Shopee, Lazada, Tiki... Thời gian gần đây, Hậu Giang có hơn 20 sản phẩm được đưa lên giao dịch trên các sản thương mại điện tử với sản lượng hàng chục tấn.
Hậu Giang: Trồng thứ cây lạ trong vườn sầu riêng, hái 1 tấn trái bán, ông nông dân lời 150 triệu ngon ơ Thời gian gần đây nông dân ở xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang) đã thực hiện chuyển đổi diện tích trồng cam kém hiệu quả sang trồng cây sầu riêng và cây vú sữa, trong đó có vú sữa Hoàng Kim. Đặc biệt với những mô hình trồng xen canh bước đầu đã mang lại hiệu quả. Điển hình là...