Ba trẻ sơ sinh tử vong sau tiêm vắc xin: Khi niềm tin có cơ hội hồi sinh…
Sau gần 2 năm, vụ án 3 trẻ sơ sinh tử vong sau khi tiêm vắc xin viêm gan B tại Bệnh viện đa khoa huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) ngày 20.7.2013 đã kết thúc bước đầu bằng bản án sơ thẩm mà Hội đồng xét xử dành cho những cán bộ y tế trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra cái chết cho 3 đứa trẻ tội nghiệp.
Những giọt nước mắt tức tưởi của anh Nguyễn Đình Đạo (cha của 1 trong 3 đứa trẻ tử vong sau khi tiêm vắc xin ) tại BV đa khoa H.Hướng Hóa (Quảng Trị) ngày 20.7.2013
Hai năm, thời gian không hề ngắn cũng không phải là dài trong đời sống của một con người. Nhưng ngần ấy thời gian, đã có rất rất nhiều tình tiết, dư luận liên quan đến vụ án diễn ra mà bây giờ người ta vẫn phải nhắc tới một cách đầy ám ảnh…
Những giọt nước mắt ân hận của bị cáo Thuận khi được nói lời sau cùng
1. Có thể nói, đây là một vụ án lấy rất nhiều nước mắt của nhiều người. Cá nhân người viết sẽ không bao giờ quên những giọt nước mắt của thân nhân 3 đứa trẻ trong cái ngày đau thương ấy. Họ đứng giữa sân bệnh viện, tay xách nách mang những làn nhựa đựng đồ dùng dành cho trẻ sơ sinh, khóc một cách tức tưởi. Họ khóc vì không hiểu chuyện gì đã xảy ra với bản thân và đứa con đỏ hỏn của mình… Cùng với nỗi đau mất con, những giọt nước mắt đã theo họ suốt mấy trăm ngày sau đó.
Buổi sáng hôm xét xử (27.3), khi chiếc xe chở phạm nhân vừa dừng bánh trước sân tòa thì một đôi cụ ông cụ bà vội nhào đến, khóc òa gọi tên bà Thuận (y sĩ đã tiêm những mũi tiêm oan nghiệt). Họ cố len qua sự ngăn cản của nhân viên công lực, vươn mình về phía trước để chạm vào người bà Thuận. Họ, không ai khác chính là cha mẹ già của vị y sĩ tuổi 51 này.
Cũng là những giọt nước mắt, nhưng chúng đã rơi ngay trên vành móng ngựa. Những lời nói sau cùng của bà Thuận trước khi tòa tuyên án như bị lạc đi cùng những tiếng nấc nghẹn ngào. Ai có mặt trong phiên tòa cũng cảm nhận được sự ăn năn, hối lỗi trong tận sâu người phụ nữ ấy.
Video đang HOT
Sự hối lỗi thể hiện trên khuôn mặt của bị cáo Thiện
2. Khác với sự căng thẳng thường thấy đối với nhiều phiên tòa liên quan đến mạng người, khi được chủ tọa phiên tòa hỏi, cả 3 thân nhân bị hại đều “xin” cho các bị cáo được giảm án. Điều này không phải ám chỉ thân nhân 3 gia đình kia không xót con. Họ xót chứ, nhưng lòng vị tha đã chạm đến được trái tim họ.
Giờ nghị án, anh Nguyễn Đình Đạo (một trong 3 người cha mất con trong vụ án) bất ngờ bước đến gần nơi bà Thuận ngồi. Bà Thuận vội níu chặt tay anh, òa khóc. Trong hoàn cảnh đó, nhiều người không khỏi lạ lùng khi anh Đạo an ủi bà Thuận rồi nói: “Chị cứ bình tâm lại, gia đình tôi đã tha thứ cho chị lâu rồi…”.
Sau khi tòa kết thúc, anh Đạo còn chia sẻ với người viết rằng thâm tâm anh không hề mong những bị cáo này lãnh án nặng. “Con tôi cũng đã mất và tôi hiểu họ cũng là con người, chẳng ai ác độc để cố ý gây ra việc này. Khi viện kiểm sát đề nghị mức án thấp, mức án treo cho họ tôi cũng thấy vui trong lòng. Nhưng khi tòa tuyên án, mức án cao hơn, bỗng tôi cũng thấy xót xa…”, anh Đạo hạ giọng.
Cha mẹ già của bị cáo Thuận động viên con
3. Mức án 5 năm tù giam dành cho bị cáo Thuận, 4 năm tù giam cho Lê Huỳnh Sơn (40 tuổi, phụ trách Phòng mổ, Phó phòng kế hoạch tổng hợp), 3 năm tù giam cho Nguyễn Văn Thiện (55 tuổi, Phó giám đốc bệnh viện) và 3 năm tù treo cho Trần Thị Hải Vân (35 tuổi, y tá trưởng của khoa Khám bệnh) đã mang đến nhiều ý kiến nặng, nhẹ. Nhưng cá nhân người viết thấy rằng, đó là mức án khá hợp lý.
Bởi nói gì thì nói, khi vụ án xảy ra đã gây nên một hiệu ứng hết sức khủng khiếp trong xã hội. Ngay đối với lực lượng điều tra cũng gặp áp lực không nhỏ trong quá trình làm rõ vụ án. Giữa lúc nước sôi lửa bỏng, cũng có không ít ý kiến “đổ tội” cho vắc xin gây ra cái chết của 3 đứa trẻ… Hoặc khi bắt bà Thuận thì có người chặc lưỡi rằng bà đã phải chịu tội thay cho cả ngành y tế.
Nên, người viết rất tâm đắc với phân tích của thẩm phán, chủ tọa phiên tòa Võ Ngọc Mậu: “Bất cứ nghề nào cũng cần tính cẩn trọng nhưng ngành y thì đức tính này là tối thượng vì các anh chị không có cơ hội sửa sai. Chưa nói, sai lầm của các anh chị ngoài mang đến cái chết cho 3 đứa trẻ còn gây tổn hại nghiêm trọng đến uy tín của ngành y tế, làm hoang mang dư luận, làm hàng trăm ngàn bà mẹ không dám cho con tiêm vắc xin viêm gan B, làm nhiều cán bộ y tế chùn tay không dám tiêm vắc xin cho trẻ nhỏ… Có thể nói thiệt hại phi vật chất của vụ án là rất khủng khiếp”.
Giờ đây, ở trong trại giam nhưng bà Thuận đã nguôi ngoai phần nào khi nhận được sự tha thứ của thân nhân các bị hại. (trong ảnh là anh Nguyễn Đình Đạo đang an ủi bà Thuận)
4. Một ngày sau khi phiên tòa sơ thẩm kết thúc, ông Văn Thanh, Giám đốc bệnh viện đa khoa huyện Hướng Hóa nói với PVThanh Niên Online rằng: “Họ (thân nhân bị hại) tha thứ cho chừng nào thì chúng tôi cảm thấy nhẹ lòng cho chừng đó… Còn trách nhiệm đối với vụ án, trách nhiệm bồi thường chắc chắn bệnh viện sẽ thực hiện đầy đủ. Chỉ sợ vật chất không “đền bù” được tất cả cho họ”.
Bên lề phiên tòa, người viết được biết, sau vụ việc kinh hoàng, cả 3 gia đình đều đã có con trở lại. Trong đó, có 2 gia đình đã dám vượt qua nỗi ám ảnh khủng khiếp để đến thăm khám, sinh con tại chính Bệnh viện đa khoa huyện Hướng Hóa.
Chị Trần Thị Hà, một trong ba người mẹ mất con, sáng 28.3 đã nói với người viết rằng: “Người dân tất nhiên phải đặt niềm tin vào bệnh viện. Giờ ngẫm lại tôi cho rằng vụ án cũng bắt đầu từ tai nạn nghề nghiệp. Pháp luật cần phải có biện pháp răn đe nhưng cũng cần cho họ cơ hội để làm lại”.
Với lỗi lầm của mình, các bị cáo đã phải nhận những bản án thích đáng
Bài, ảnh: Nguyễn Phúc
Theo Thanhnien
Y sỹ tiêm nhầm thuốc làm 3 trẻ sơ sinh tử vong lĩnh án 5 năm tù
Nhận định hậu quả từ hành vi của y sĩ Nguyễn Thị Thuận là hết sức nghiêm trọng, HĐXX đã tuyên bị cáo Thuận 5 năm tù giam.
Chiều 27/3, Hội đồng xét xử (HĐXX) TAND tỉnh Quảng Trị tiếp tục với phần tranh luận, xét hỏi, bào chữa của các luật sư trong vụ án "Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp", "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Bệnh viện đa khoa huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) ngày 20/7/2013.
Bị cáo Thuận bật khóc khi được nói lời sau cùng
Đến phần luận tội, đại diện Viện KSND tỉnh Quảng Trị đã đề nghị mức án từ 3 - 4 năm tù giam về tội "Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp" đối với y sĩ Nguyễn Thị Thuận (51 tuổi) khi đã lấy nhầm thuốc gây mê Esmeron thay vì vaccine viêm gan B để tiêm cho 3 trẻ sơ sinh và dẫn đến cái chết của cả 3 cháu bé ngay sau đó.
Đồng thời, vị đại diện phía cơ quan công tố đề nghị mức án từ 24- 30 tháng tù (treo) cho 3 bị cáo Nguyễn Văn Thiện (55 tuổi, Phó Giám đốc Bệnh viện), Trần Thị Hải Vân (35 tuổi, y tá, Trưởng khoa Khám bệnh) và Lê Huỳnh Sơn (40 tuổi, phụ trách Phòng mổ, Phó phòng Kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện); cùng về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Từ đầu đến cuối, bị cáo Vân không thừa nhận tội do Viện KSND truy tố
Các bị cáo sau đó đã được nói lời sau cùng, được đại diện các gia đình bị hại xin giảm nhẹ tội và được HĐXX lưu ý về các tình tiết giảm nhẹ.
Anh Lê Đạo (một trong 3 người cha có con tử vong sau khi tiêm vaccine) động viên bị cáo Thuận trong giờ nghị án
Tuy vậy, sau khi nghị án, nhận định hậu quả từ hành vi của các bị cáo là hết sức nghiêm trọng đối với các gia đình bị hại, đối với xã hội nên HĐXX đã tuyên bị cáo Thuận 5 năm tù giam, bị cáo Thiện 3 năm tù giam, bị cáo Sơn 4 năm tù giam và bị cáo Vân 3 năm tù treo./.
Nguyễn Phúc
Theo_VOV
Xét xử vụ tiêm vắc xin khiến 3 trẻ sơ sinh tử vong: Lấy nhầm thuốc do... mất điện Tại phiên tòa, bị cáo Thuận khai nhận rằng do mất điện nên bà đã dùng ánh sáng từ đèn của ĐTDĐ rọi lấy vắc xin trong tủ lạnh của khoa khám bệnh, nhưng lấy nhầm 3 lọ Esmeron (thuốc gây mê) tiêm cho 3 trẻ dẫn tới tử vong. Ngày 27/3, TAND tỉnh Quảng Trị đã mở phiên tòa xét xử sơ...