Bà Rịa-Vũng Tàu: Khoanh vùng để khống chế lây lan virus Zika
Ngay sau khi ghi nhận trường hợp nhiễm virus Zika đầu tiên trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, ngành Y tế tỉnh đã tiến hành bắt muỗi để lấy mẫu xét nghiệm, diệt loăng quăng, phun hóa chất khử trùng…
Phun xịt hóa chất khử trùng, diệt nơi ở người bệnh chẩn đoán nhiễm virus Zika tại Bà Rịa-Vũng Tàu. (Ảnh: Hoàng Thị Nhị/TTXVN)
Chiều 14/11, ngành Y tế Bà Rịa-Vũng Tàu phối hợp với Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành bắt muỗi và phun hóa chất diệt muỗi trong bán kính 200m xung quanh khu vực nhà của trường hợp nhiễm virus Zika tại khu phố Tân Phú, khu phố Ngọc Hà, thị trấn Phú Mỹ (huyện Tân Thành).
Bác sỹ Phan Chánh Phú, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tân Thành, cho biết sau khi nhận được thông báo trường hợp nhiễm virus Zika đầu tiên là bệnh nhân cư trú tại huyện, ngành Y tế Tân Thành đã phối hợp với địa phương tiến hành khoanh vùng bán kính 200m, với 350 hộ để xử lý dịch và áp dụng các biện pháp khống chế bệnh lây lan.
Cơ quan chức năng khảo sát, chọn lọc các trường hợp có một trong số dấu hiệu của bệnh do virus Zika để theo dõi, khuyến cáo bệnh nhân; diệt muỗi và lăng quăng xung quanh khu vực này.
Video đang HOT
Trung tâm Y tế huyện Tân Thành tăng cường công tác truyền thông đến các đối tượng nguy cơ, tư vấn theo dõi tình trạng thai phụ tại các cơ sở y tế và vận động thai phụ đi khám thai định kỳ.
Khảo sát của Sở Y tế tỉnh và Viện Pasteur cho thấy khu vực bệnh nhân sinh sống có rất nhiều muỗi vằn (loại muỗi có thể truyền bệnh Zika).
Bác sỹ Hà Văn Thanh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết khống chế tốt dịch bệnh tại các khu vực trọng điểm sẽ giúp ngăn chặn virus Zika lây lan nhanh sang các địa phương khác. Do đó, ngành Y tế tỉnh sẽ tập trung phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh lây lan ở huyện Tân Thành, hỗ trợ khoa sản của Trung tâm Y tế huyện Tân Thành trong công tác tư vấn, khám theo dõi phát hiện những bất thường của thai nhi có liên quan đến chứng đầu nhỏ.
Bên cạnh đó, ngành Y tế sẽ tiến hành các biện pháp phòng chống dịch tại thành phố Vũng Tàu, bởi đây là khu vực có mật độ dân cư cao, số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất toàn tỉnh. Những khu vực có số ca mắc sốt xuất huyết cao cũng sẽ có nguy cơ cao lây lan virus Zika nếu có ca mắc, bởi cơ chế truyền bệnh của hai dịch bệnh này đều thông qua muỗi vằn.
Ngay trong sáng 14/11, toàn huyện Tân Thành tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng phòng chống bệnh sốt xuất huyết và bệnh do virus Zika.
Huyện đã khảo sát, nắm tình hình các đối tượng nguy cơ có thể nhiễm virus Zika ở nơi khác tới, nhất là du khách nước ngoài. Hiện huyện đã khảo sát và thực hiện truyền thông, tư vấn về Zika cho 33 trường du khách nước ngoài, đa số là người Nhật Bản và Hàn Quốc.
Trước đó, Sở Y tế tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã ghi nhận 1 trường hợp nhiễm virus Zika đầu tiên trên địa bàn tỉnh. Đó là bệnh nhân nam 19 tuổi, ngụ tại khu phố Tân Phú, thị trấn Phú Mỹ, huyện Tân Thành. Bệnh nhân vào khám ngoại trú tại Bệnh viện Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh ngày 30/10, với triệu chứng sốt, đau mỏi, nhức cơ.
Đến ngày 2/11, bệnh nhân tái khám và có xét nghiệm máu, mẫu máu xét nghiệm đã gửi sang Viện Parter.
Ngày 10/11, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh đã xác định bệnh nhân này dương tính với virus Zika đồng thời thông báo cho ngành Y tế tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
(Theo Vietnam )
Thêm 2 trẻ bị dị tật đầu nhỏ nghi nhiễm Zika
Ngày 19.10, bác sĩ Phạm Văn Lào, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đắk Lắk, cho biết trung tâm vừa gửi mẫu máu, nước tiểu của 2 chị em ruột đi xét nghiệm, nhằm xác định nguyên nhân gây ra chứng đầu nhỏ.
Anh Nụ và 2 con bị mắc chứng đầu nhỏ
Đó là cháu T. (7 tuổi) và em ruột là cháu D. (4 tuổi), con của anh Nụ (ngụ thôn Giang Đông, xã Ea Đáh, huyện Krông Năng).
Hiện cháu T. có vòng đo đầu là 35 cm, cháu D. là 39 cm, nhỏ hơn nhiều so với các trẻ cùng lứa tuổi. Theo anh Nụ, vợ chồng anh có 4 người con, cháu đầu và cháu út phát triển bình thường, riêng 2 cháu giữa thì từ lúc sinh ra đầu đã nhỏ và giống nhau như đúc. Đặc biệt, cháu T. lên 6 tuổi mới bắt đầu học nói nhưng đến nay vẫn chưa phát âm rõ ràng, còn cháu D. thì có nhiều biểu hiện chậm phát triển hơn.
Trước đó, Sở Y tế Đắk Lắk cũng phát hiện bé H'Lẹ M'lô (4 tháng tuổi, ngụ huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk) mắc chứng đầu nhỏ.
"Ngay sau khi phát hiện, các trường hợp nghi nhiễm virus Zika đều được lấy mẫu máu, nước tiểu gửi đến Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên và Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương xét nghiệm, nhưng để xác định chính xác nguyên nhân bệnh thì cần phải qua nhiều xét nghiệm khác nữa", bác sĩ Phạm Văn Lào nói.
Theo Thanh Niên
Thêm 2 người Việt Nam nhiễm Zika tại TP. Hồ Chí Minh Chỉ tính riêng trong tuần này, Viện Pasteur TP.HCM đã phát hiện thêm 2 trường hợp mới nhiễm virus Zika. Đến nay, cả nước đã ghi nhận 7 trường hợp nhiễm virus Zika Trường hợp thứ nhất là bệnh nhân nữ 22 tuổi sống tại Quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh, khởi phát với triệu chứng phát ban, kèm theo sốt, đau...