Ba quả bóng bàn, ba người phụ nữ trong đời tôi
Trong cuộc sống, điều gì tối quan trọng được ví như những quả bóng bàn, tương đối quan trọng được ví như những viên bi mắt mèo, điều hết sức bình thường được xem như nắm cát. Nếu ta bỏ đúng thứ tự sẽ có đủ chỗ cho tất cả.
Ảnh minh họa
Một câu chuyện ví von rằng, cuộc đời mỗi con người như chiếc cốc thủy tinh, nó chỉ chứa được một lượng nhất định trong đó. Trong cuộc sống mỗi người, điều gì tối quan trọng được ví như những quả bóng bàn, tương đối quan trọng được ví như những viên bi mắt mèo, điều hết sức bình thường được xem như nắm cát. Nếu ta bỏ đúng thứ tự quả bóng bàn vào trước, rồi đến những viên bi, sau đó là cát, sẽ có đủ chỗ cho tất cả và quan trọng hơn ta dành được chỗ cho những điều quan trọng nhất. Ngược lại, nhất là khi ta còn quá quan tâm đến những thứ bình thường của cuộc sống, rất có thể sẽ không còn khoảng trống nào cho những cái tối quan trọng và tương đối quan trọng nữa. Tôi, một mảnh đời bé nhỏ, gắn liền với ba người phụ nữ, cũng là ba quả bóng bàn trong tôi.
Người thứ nhất là mẹ. Tuổi thơ tôi đầy dữ dội, sinh ra và lớn lên trong một gia đình rất nghèo của miền quê thuần nông, bố mất sớm, chính xác là năm tôi học lớp sáu. Tôi nhớ như in ngày định mệnh ấy, bố đã ra đi bỏ lại gia đình nhỏ với bao nợ nần chồng chất của căn nhà đang xây dang dở. Ít hôm sau ngày mất của bố là những sự xáo trộn nhất trong cuộc đời tôi, mọi người ùa đến đòi nợ, xiết đồ bất cần biết nợ đó chưa đến hạn trả. Bên ngoại nghèo đã đành, bên nội không có chỗ cho chúng tôi trú náu. Tôi không thể nhớ bằng cách nào mẹ đã dìu dắt tôi vượt qua được. Chỉ nhớ rằng, mẹ dậy ra đồng từ khi gà chưa gáy, về nhà khi tắt nắng rất lâu, bất kể đó là những ngày nắng cháy, mưa dầm hay rét cắt da cắt thịt.
Thực sự mẹ hồi đó đẹp lắm, vài người đến hỏi cưới nhưng tôi biết trong sâu thẳm ánh mắt mẹ đó chỉ là ý nghĩ về ba đứa con thơ dại. Mẹ chấp nhận ở vậy, gánh trên đôi vai gầy bao khó khăn cuộc sống nuôi chúng tôi. Lưng mẹ đã còng, dáng đi nhẹ nhàng, thanh mảnh được thay bằng bước đi “vòng kiềng” nặng nhọc vì những tháng ngày dài nặng nề quang gánh. Tô lên thêm gương mặt trái xoan đẹp đẽ ấy là những vết nhăn dài, đôi mắt thâm quầng, khóe mi ướt đầm nước mắt của cơ cực tủi hờn. Cứ thế, ngày lại ngày, mẹ làm tất cả những gì có thể để cho chúng tôi tiếp tục cắp sách tới trường.
Chị, người mẹ thứ hai của tôi, hơn tôi hai tuổi, giống mẹ rất nhiều và cũng đầy vất vả trong đời như thế. Mẹ kể “Ngày đẻ nó ra, là con gái nên chẳng ai đoái hoài. Đúng lúc giáp hạt của hai năm mất mùa, mẹ đói lắm, chả có sữa nên nó cũng phải đói theo, lại còn vào độ rét đậm nữa, khổ lắm”. Từ hồi bố mất đi, chị trở thành cánh tay phải của mẹ, làm quần quật suốt ngày cùng mẹ ngoài giờ đi học. Rồi mẹ bảo lên Hà Nội làm phụ quán cho người ta, kiếm tiền về cho hai chị em ăn học, chị phải ở nhà lo ruộng nương, chăm em ăn học. Chị gạt đi nước mắt gật đầu, năm ấy chị mới 15 tuổi.
Video đang HOT
Có lẽ khoảng thời gian đó cho tôi nhiều kỷ niệm nhất. Ngày ba bữa chị nấu ăn, giặt quần áo, đi chợ, tới trường, rồi còn chăm lo cả mấy sào ruộng mẹ để lại. Công việc nhiều, lại còn nặng nhọc nữa. Ngày xưa có mẹ đã vất vả rồi, giờ mình chị gánh nặng ấy lại nặng hơn. Tôi chẳng làm được gì ngoài việc đi theo sau để làm chân sai vặt. Nhớ nhất những lúc chị năn nỉ, dỗ dành tôi phụ đi tát nước, giăng dây để chị cấy, hay giúp chị đi hái chút rau về tối ăn.
Hết năm lớp 12, chị phải từ bỏ ước mơ trở thành cô giáo, vào Nam làm công nhân kiếm tiền với hy vọng phụ mẹ giúp hoàn thành giấc mơ đại học. Quãng thời gian mịt mù ấy bỗng dưng lóe cho chúng tôi một tia sáng, tôi vô tình trúng xổ số đặc biệt. Nói là số đặc biệt nhưng đó là chương trình các học sinh mua để ủng hộ người nghèo, vì thế giải thưởng cũng không quá lớn nhưng là số tiền trong mơ của gia đình tôi, 20 triệu đồng. Tôi vui mừng, gọi báo tin cho chị và nói chị hãy quay về tiếp tục ôn thi đại học.
Chị quay về và hai chị em tiếp tục ngày ôn luyện cùng nhau. Tôi lỡ dở ước mơ trường đại học quân sự, chị cũng không đạt được ước mơ trở thành cô giáo. Hai chị em chấp nhận nguyện vọng hai, tôi nhập học vào một trường đại học phía Nam, chị học một trường cao đẳng không xa nhà. Hàng tuần, chị vẫn đạp xe mấy chục cây số về nhà để “gùi” của mẹ đi ít rau, ít gạo. Mọi thứ còn lại trong suốt những năm học đó của chị được đảm bảo bằng công việc bưng bê, bán nước mía hay bán hàng. Số tiền ít ỏi từ đó cũng được dè xẻn một phần để gửi cho tôi.
Cho đến giờ hình như suy nghĩ của chị về tôi không thay đổi. Mặc dù tôi đã gần 30, lấy vợ, cả hai vợ chồng đều có chỗ đứng khá ổn trong xã hội, chúng tôi đang đi du học sau đại học ở hai nước khác nhau với học bổng toàn phần được chi trả bằng nguồn từ chính phủ các nước thì chị vẫn hàng ngày nhắn tin, gọi điện và luôn nhắc nhớ tôi: “Nếu thiếu tiền, nhớ cho chị hay”. Cũng thầm cảm ơn ông trời đã cho chị gia đình êm ấm, kinh tế rất ổn định với người chồng chịu khó, giỏi giang, thương vợ; một bé gái dễ thương kháu khỉnh.
Người thứ 3 là vợ. Tôi quen em trong một buổi họp cơ quan, làn da trắng mịn, giọng nói nhẹ nhàng, mái tóc dày óng ả mang đậm nét truyền thống người Việt đầy ấn tượng đã đẩy tôi đến tìm gặp em. Lần đầu gặp gỡ trong một quán cà phê giản dị, ấm cúng cũng là ngày phụ nữ Việt Nam trong năm 2010. Lần đầu hò hẹn với sự vụng về vốn có của mình, đến tay không và vẫn thích nói những câu chuyện vu vơ, tôi vẫn ngờ nghệch nói chào tạm biệt mà chẳng biết chút ga lăng “Đêm nay anh đưa em về” nào cả.
Về em, một cô gái thông minh, học giỏi, đạt Á khoa Đại học Bách khoa TP HCM. Em sinh ra và lớn lên với một tuổi thơ êm ấm, được sự cưng chiều bao bọc hết mực của ba mẹ và anh trai. Mường tượng ra, em là cô nàng tiểu thư gia giáo ở một thành phố biển thật đẹp, lãng mạn; đi bên tôi, một mảnh đời bụi bặm, chắc không ai nghĩ mình đến gần được với nhau như thế. Ngẫm lại, hầu hết cái gì tôi thiếu đều có thể tìm thấy nơi em. Tình yêu lớn dần theo năm tháng, rồi chúng tôi làm đám cưới, sau đó lại tạm chia tay để đi du học ở các nước khác nhau. Bốn năm qua, chẳng phải nhiều nhưng đủ cho tôi cảm nhận được tình yêu của em, nó giản đơn, bền bỉ không điều kiện. Tôi biết mình cũng yêu em nhiều không kém.
Ngày phụ nữ Việt Nam đến rồi, bài tâm sự từ đáy lòng này có lẽ là món quà lớn nhất mà tôi có thể dành tặng cho ba người phụ nữ trong cuộc đời mình. Cũng nhân đây, kính chúc các bà, các mẹ, các chị em, những người phụ nữ Việt Nam luôn ấm êm trong cuộc sống. Mong những người trai đất Việt hãy yêu và dành tình yêu nhiều nhất có thể cho một nửa thế giới quanh mình.
Theo VNE
Tô đậu nành rang cháy
Bố có còn nhớ không, về những tháng ngày hạnh phúc của gia đình chúng ta? Trong căn nhà xi măng chưa kịp quét sơn, mỗi tối mẹ và chúng con cùng ngồi nghe bố kể chuyện...
Bố gọi các chú công nhân là "đồng nghiệp của bố", gọi tô đậu nành rang cháy của mẹ là mồi nhắm và gọi con bé con lật đật của bố là "công chúa". Mẹ toàn bảo: "Bố mày nói cái gì nghe cũng sang mồm lắm!".
Mấy hôm nay Hà Nội có nắng đầu đông vàng đượm, hơn hẳn tô đậu nành rang của mẹ. Bố mà trông thấy, thể nào cũng ví nắng Hà Nội như nắng Sài Gòn trong mắt kẻ say.
Bố để mẹ vào Nam ra Bắc theo bố như "tha chuột". Đến một ngày mẹ mệt mỏi, chúng con cũng kịp lớn thêm, mẹ mang theo chúng con ra Bắc tiện học hành. Từ ngày đó, bố một thân một mình nơi đất khách. Mảnh đất Tây Nguyên nhiều nắng gió làm da bố đen sạm đi, đôi mắt chui vào hốc sâu, còn cái mũi thì sưng ụ vì toàn mụn trứng cá. Ngày bé con nhìn ảnh bố gửi về, cười nắc nẻ thấy bố là lạ, như biến thành ông hàng xóm. Bây giờ lớn, vẫn nhìn ảnh ấy sao mắt con lại rưng rưng?
Kí ức tươi đẹp nhất trong đời con là những ngày gia đình mình điểm danh đủ năm ngón một bàn tay. Có ông nội này, có mẹ này, có con này, có em này, và tất nhiên là có bố. Nhưng những ngày đó cũng chỉ đậu đủ trên những ngón tay con, có ít ỏi quá đối với một gia đình không bố nhỉ? Những gì ngắn ngủi thường rất đẹp.
Trong những ngày tháng ấy, thêm sắc màu cho kí ức của con là tô đậu nành rang cháy của mẹ. Mà mẹ cũng tài. Bao nhiêu món ăn mẹ nấu rất ngon, rang rất khéo, mà lại chỉ có đậu nành là rang cháy được thôi. Mười lần như một, cứ cháy đều. Mỗi lần mẹ chuẩn bị mang "mồi" ra cho ba bố con, chỉ ngửi mùi thôi ba bố con đã nhìn nhau cười sằng sặc. Bố cười thì hay lắm, miệng rộng lại nhiều răng. Mẹ hay đùa: "Bố mày mấy nữa cho đi làm người mẫu quảng cáo kem đánh răng!".
Bố thường xuyên phải xa nhà, nhưng lại rất thường hay gọi về cho cả nhà, đặc biệt là riêng con. Bố còn lo con lớn lên xấu quá không ai yêu, lúc nào cũng dặn con phải ăn uống điều độ cho cơ thể cân đối.
Còn nhớ dịp bố ra Bắc mà ở được lâu nhất là nửa tháng. Khoảng đó đúng vào những ngày rét cao độ. Mẹ lại càng được thể trổ tài rang đậu nành. Bố bảo ký đậu nành bố mang từ Tây Nguyên vào sắp bị mẹ hành hạ hết rồi, bố lại phải "bay" ngay vào Sài Gòn mang ra cho cả nhà thôi.
Bình thường mỗi lần bố ra Bắc đều không điện trước , để tạo bất ngờ. Bố về đến ngõ là "hú" lên một tiếng rất to. Ba mẹ con trong nhà vờ không nghe tiếng, mỗi người trốn một góc rồi ra hù bố làm bố giật mình. Thế mà có một lần ấy, một lần duy nhất bố điện trước cho chúng con trên chuyến xe ra Bắc. Bố khoe năm nay bố trồng thêm được nhiều đậu nành lắm, mang về thoải mái cho mẹ rang. Nghĩ đến cảnh gặp lại ông và mấy mẹ con, bố vui quá phải gọi điện. Có ai ngờ, đó là cuộc điện thoại cuối cùng của bố. Chuyến xe ấy đã cướp mất bố của con, kinh hoàng hơn một cơn ác mộng. Đó là lần cuối cùng con được nghe thứ âm thanh quen thuộc nhất đời mình - giọng nói của bố.
Hà Nội bây giờ đã lần khần sang Đông. Con rất sợ đến những bến xe, sợ cả những điểm chờ xe bus. Con vẫn nghe đâu đó giọng nói quen thuộc của bố, rằng bố sẽ mang đậu nành về. Cả nhà mình sẽ lại cùng được cười vì món đậu nành rang cháy.
Theo VNE
Thương cái nhẹ dạ của đàn bà Nàng đẹp lắm, có mà đi thi ít cũng hoa hậu cấp quận chứ chẳng chơi. Thế nhưng nàng lại quá nhẹ dạ. Nhan sắc là vũ khí, nhưng nhan sắc đôi khi cũng là chỗ yếu của đàn bà. Nàng đẹp, nên nhiều người tấn công ngay từ thời còn rất trẻ. Cái người tấn công nàng đầu tiên chẳng đáng bén...