Bà nội trợ chia sẻ bí quyết đơn giản chỉ mất 20-30 phút buổi sáng nấu cho chồng loạt hộp cơm ngon, đẹp xách đi làm
Thời gian chế biến thành món ăn chỉ mất 20-30 phút nhờ chị Bùi Thị Trang (sống ở Tp.HCM) có những kinh nghiệm đơn giản nhưng hiệu quả.
Trước khi có dịch Covid-19, chồng chị Bùi Thị Trang (sống ở Tp.HCM) chủ yếu ăn cơm văn phòng được ship đến chỗ làm hoặc ăn ở các cửa hàng tiện lợi. Hằng ngày, chị Trang thỉnh thoảng có làm đồ ăn cho chồng mang đi, nhưng không thường xuyên. “Từ khi có dịch Covid-19, tôi bắt đầu nấu cơm cho ông xã mang đi làm. Đến nay, việc nấu đồ ăn mang đi làm đã được 2 tháng”, chị Trang chia sẻ.
Chị Bùi Thị Trang cho rằng, mặc dù không còn cách ly xã hội nhưng chị vẫn nấu cơm cho chồng mang đi làm.
Sở dĩ, trước đây chị Trang không làm cơm cho chồng mang đi thường xuyên được là do gia đình có con nhỏ nên không có nhiều thời gian. Bên cạnh đó, việc đặt cơm giao đến tận nhà cũng khá tiện lợi. Tuy nhiên, khoảng 2 tháng gần đây, do dịch bệnh kèm thời tiết nắng nóng với nhiệt độ cao nên chị Trang chịu khó dậy sớm, nấu đồ ăn cho chồng mang đi.
“Đồ ăn ở nhà do bản thân tự nấu chắc chắn sẽ an tâm hơn, nguyên liệu các món ăn được mua có nguồn gốc ở siêu thị. Ngoài các món chính thì mình còn nấu nhiều rau, củ, hạn chế dầu mỡ… tốt cho sức khỏe”, chị Trang chia sẻ.
Các món ăn mà chị Trang chuẩn bị không chỉ đẹp mà còn đủ chất.
Sự cố gắng của chị Trang càng có thêm động lực khi chồng rất vui và ủng hộ. Tới buổi trưa, chồng không còn nỗi lo phải đặt cơm để shipper mang đến và cũng không phải ra ngoài nắng để đi ăn trưa, đổi lại sẽ có những bữa cơm ngon, sạch sẽ do vợ nấu.
Việc nấu bữa cơm cho chồng mang đi tưởng sẽ mất nhiều thời gian nhưng không hẳn như vậy. Vào buổi tối, chị Trang thường nhặt rau, sơ chế rau, củ rồi rửa sạch để ngăn mát tủ lạnh. Sáng sớm hôm sau đã có sẵn nguyên liệu để chế biến món ăn mà không mất thêm thời gian.
“Rau, củ thì rửa sạch, còn thịt, cá nếu cần tẩm ướp sẵn gia vị thì tôi làm luôn. Cho nên, buổi sáng sẽ nấu nhanh hơn, chỉ khoảng 20-30 phút sẽ xong tất cả”, chị Trang bật mí.
Video đang HOT
Theo chị Trang, ban đầu việc dậy sớm khá lười. Tuy nhiên, nấu ăn là niềm vui của bản thân nên cảm thấy quen dần và hứng thú. Thay vì ngủ muộn ban đêm thì chị Trang thu xếp thời gian ngủ sớm hơn để có thể thức dậy sớm hơn. Sau khi ông xã đi làm, chị Trang sẽ ăn sáng, tập yoga hay tập thể dục thay vì ngủ nướng.
Với nhiều bà nội trợ chuyện dậy sớm là điều không dễ. Nhưng chị Trang cho rằng: “Nếu muốn thì bạn sẽ tìm được cách. Nếu như nấu ăn là công việc yêu thích thì sẽ làm với sự vui vẻ và hứng thú”.
Chị Trang không phải ngày nào cũng đi chợ. Thông thường vào cuối tuần, chị Trang sẽ đi siêu thị mua đồ ăn cho cả tuần. “Mình sẽ mua thịt, cá, trứng, rau,… Khi mua về sẽ chia từng phần ăn rồi cấp đông thịt, cá. Rau củ thì phân loại theo tiêu chí, rau ăn lá thì ăn trước còn củ quả để lâu hơn thì ăn sau”, chị Trang chia sẻ kinh nghiệm. Ngoài ra, bà nội trợ này cũng có thể đặt hàng online nếu muốn mua thêm hoặc mua ở siêu thị mini gần nhà.
Các món được chuẩn bị nhanh và được đổi món thường xuyên.
Hằng ngày, ngoài việc nấu các món thì chị Trang cũng chú ý đến thực đơn cho đỡ ngấy. Vào buổi tối, bà nội trợ này dành thời gian xem tủ lạnh còn đồ ăn gì thì bắt đầu lên thực đơn cho ngày mai. Thực đơn không quá cầu kỳ bao gồm một món rau và một món mặn. Tuy nhiên, tiêu chí của chị Trang là đảm bảo chất lượng, sạch sẽ, an toàn và đủ chất.
“Một tiêu chí mà tôi đặt ra là hạn chế đồ ăn có mùi vì ăn trong văn phòng. Ưu tiên nhiều rau xanh vì chồng mình cũng hơi mập”, chị Trang chia sẻ.
Bữa ăn của chị Trang chuẩn bị đơn giản, thông thường là rau sạch kèm thêm cà chua, dưa chuột, các loại hạt rồi thêm trứng, tôm là có món ngon bổ dưỡng.
Chị Trang chia sẻ thêm: “Với mình, món ăn trước hết cần nhìn gọn gàng, đẹp mắt, nhìn món ăn được bày biện đẹp thì ăn cũng ngon hơn. Cho nên, mình cũng sắp xếp cho nó gọn gàng, tươm tất. Bữa nào có thời gian thì tỉa hoa cà rốt hay gì đó trang trí cho nó xinh xắn”.
Hiện tại, Việt Nam đã kết thúc cách ly xã hội, cuộc sống “bình thường mới” trở lại song chị Trang vẫn chuẩn bị đồ ăn cho chồng mang đi làm. Bởi vì, giờ đây, việc này như thói quen và nấu ăn là niềm vui, sự yêu thích nên cảm thấy không có gì đáng ngại.
Khoe mâm cơm chỉ với thịt và rau luộc nhưng cô gái khẳng định là "bữa cơm ngon nhất tôi từng ăn" vì câu chuyện bất ngờ cất giấu bao năm
"Bữa cơm này nhìn rất đơn giản đúng không ạ. Nhưng đây là bữa cơm ngon nhất tôi đã ăn. Vì đây là cơm chồng nấu. Trước giờ chưa bao giờ chồng mình nấu ăn cả...", người vợ tâm sự.
Chuyện chồng giúp đỡ, chia sẻ việc nhà với vợ hay thậm chí tự mình vào bếp để cho gia đình những bữa cơm ngon lâu nay đã không phải là chuyện hiếm. Thế nhưng, đó là với những anh chồng đã mang sẵn trong mình "dòng máu yêu bếp" cộng thêm chút đảm đang, khéo léo thì chuyện vào bếp chỉ là chuyện nhỏ.
Bên cạnh đó vẫn có những anh chồng, dù thương vợ là vậy nhưng vẫn còn vụng về, chẳng thể chỉn chu, nấu nướng ngon miệng đẹp mắt như người ta. Nhưng trên tất cả, khi đã tự mình vào bếp là khi họ gửi gắm tình yêu, sự quan tâm đến "nửa kia" của mình, dù "vuông tròn" hay có 1 chút gì còn "méo mó".
Mới đây, dòng tâm sự của một người vợ trẻ về mâm cơm chồng tự tay vào bếp đã thu hút sự chú ý của đông đảo người dùng mạng. Bởi lẽ, đó không chỉ là mâm cơm bình thường, đằng sau đó là cả 1 câu chuyện, 1 hành trình dài của đôi vợ chồng đi... "tìm con".
Bài đăng đã thu hút sự quan tâm rất lớn của người dùng mạng chỉ sau ít giờ chia sẻ. Ảnh chụp màn hình
Người vợ tâm sự:
"Bữa cơm này nhìn rất đơn giản đúng không ạ. Nhưng đây là bữa cơm ngon nhất tôi đã ăn. Vì đây là cơm chồng nấu. Trước giờ chưa bao giờ chồng mình nấu ăn cả. Nhưng mấy ngày nay ngày nào cũng xuống bếp nấu cơm cho vợ ăn. Mới biết nấu nên chỉ biết luộc và nấu canh.
Chuyện là vợ chồng mình lấy nhau được 5 năm vẫn chưa có con. Nhưng mà không vì thế chúng mình bớt thương nhau mà lại yêu nhau nhiều hơn, cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, mọi điều tiếng.
Sau nhiều năm chạy chữa, năm nay thì Covid-19 ghé thăm, vợ chồng mình gác lại việc tìm con thì con đã đến với vợ chồng mình một cách tự nhiên nhất.
Mọi người không biết khi vợ chồng mình nhìn thấy que thử 2 vạch đâu. Thế là mình nghén, không nấu ăn được vì ngửi mùi đồ ăn là ọe. Anh chồng mình đảm nhiệm việc nấu ăn luôn. Đây là bữa cơm đầu tiên chồng mình nấu, tuy chưa ngon nhưng nó chứa đựng rất nhiều tình cảm...".
Mâm cơm đơn giản anh chồng nấu cho vợ bầu
Nhìn thì toàn món đơn giản nhưng cũng đủ chất đấy chứ?
Đính kèm bài đăng là hình ảnh 2 mâm cơm được anh chồng chuẩn bị cho vợ đang mang bầu. Nhìn mâm cơm có phần đơn giản, vì ít khi vào bếp, muốn nấu cho vợ lắm nhưng cũng chỉ biết đến có thế. Nhưng với người vợ, đó là cả một niềm hạnh phúc vô bờ vì được yêu thương, được quan tâm và đón nhận được niềm vui lớn nhất trong cuộc đời mình.
Có lẽ, với bất cứ ai, có con là niềm mong mỏi, niềm hạnh phúc khó gọi được thành tên, thì với riêng những cặp vợ chồng hiếm muộn, con cái đối với họ như một giấc mơ. Hành trình tìm con chẳng thể gọi tên bởi bao khó khăn, vất vả, đánh đổi bằng cả máu và nước mắt nhưng họ vẫn yêu thương nhau, cùng nhau vượt qua mọi giông bão, để rồi, "trái ngọt" đến thật bất ngờ.
Dưới phần bình luận, rất nhiều người dùng mạng đã để lại những lời chúc tốt đẹp đến đôi vợ chồng ấy:
- "Em chúc mừng chị nhé. Mong cho em bé luôn khoẻ mạnh trong bụng mẹ nha!".
- "2 vợ chồng chị đã vì nhau, yêu thương nhau 5 năm trời dù con cái khó khăn, bây giờ niềm vui đã thực sự trọn vẹn rồi nha. Chúc mừng anh chị nhé".
- "Mâm cơm giản dị nhưng ấm lòng vì tình cảm của người nấu trong đó, đúng là phụ nữ, chỉ cần hết mực thương yêu thì món quà gì cũng quý, đơn giản cũng thấy trân quý cả đời rồi".
- "Hạnh phúc quá, đọc mà vui lây. Chúc mẹ bầu và bé luôn khỏe mạnh nha. Chúc gia đình bạn luôn luôn hạnh phúc. Cũng qua lần vợ mang bầu này, mong anh chồng sẽ vào bếp nhiều hơn để giúp đỡ và nấu những món ăn ngon cho vợ con mình nha".
Mâm cơm giản dị chồng nấu cho vợ và hành trình tìm con của cặp vợ chồng này nhanh chóng tạo thành một "cơn bão" like và chia sẻ. Ai cũng vui mừng cho niềm vui hiện tại của cặp vợ chồng ấy, nhiều người cùng cảnh ngộ cũng lấy câu chuyện của cặp đôi trên làm động lực để tiếp tục tìm con, chỉ mong may mắn được như vợ chồng trong câu chuyện.
BUN NGUYỄN
Cách ly xã hội: Dở khóc dở cười khi người trẻ vào bếp Từ nấu đồ ăn cho đến làm thức uống, nhiều chuyện 'dở khóc dở cười' khi người trẻ vào bếp trong những ngày cách ly xã hội vì dịch Covid-19. Dở khóc dở cười với nhiều "phiên bản lỗi" khi người trẻ vào bếp trong mùa dịch Covid-19 - Tấn Đạt Bọt biển đâu không thấy... Mấy ngày cách ly xã hội thấy...