Ba nguy cơ xung đột tại châu Á năm 2015
Tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông, căng thẳng Trung – Nhật và vấn đề hạt nhân Triều Tiên được giới chuyên gia cho là ba ngọn nguồn của các nguy cơ xung đột tại châu Á trong năm 2015.
Năm 2014, một loạt điểm nóng truyền thống tại châu Á tăng nhiệt trở lại, chủ yếu xoay quanh các tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông, Hoa Đông và bán đảo Triều Tiên. Xu hướng này một mặt phản ánh mâu thuẫn nội tại giũa các bên liên quan, mặt khác cho thấy những bước dịch chuyển chiến lược trong cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc.
Châu Á năm 2015 được giới chuyên gia dự đoán là sẽ không có nhiều biến chuyển tích cực hơn, tiếp tục các nguy cơ xung đột từ năm cũ. “Việc tái cơ cấu cấu trúc an ninh châu Á vẫn sẽ tiếp tục, để thích ứng với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Không khó để dự đoán trước sự hỗn loạn mới trong năm 2015, chuyên gia quan hệ quốc tế Thomas Carothers bình luận. “Nhưng nhân tố không xác định là hình thức và địa điểm diễn ra”.
Nguy cơ xung đột trên Biển Đông
Căng thẳng trên Biển Đông có thể sẽ tiếp tục gia tăng trong năm 2015. Trong ảnh là giàn khoan Hải Dương 981 mà Trung Quốc hạ đặt trái phép trong vùng biển Việt Nam tháng 5/2014
Trong năm 2015, Tòa án Trọng tài quốc tế về Luật biển sẽ ra phán quyết quan trọng về vụ kiện của Philippines với Trung Quốc. Bắc Kinh hồi tháng 12/2014 ra văn kiện tái khẳng định yêu sách của họ ở Biển Đông, đồng thời bác bỏ thẩm quyền của tòa.
“Đây có lẽ sẽ là phán quyết quan trọng nhất của tòa kể từ khi Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) ra đời, đánh dấu một bước ngoặt trong tranh chấp chủ quyền Biển Đông”, ông Murray Hiebert, nghiên cứu viên cao cấp thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS), bình luận.
Chuyên gia này nhận định rằng, nếu tòa án nhận thấy mình có thẩm quyền ra phán quyết, thì gần như chắc chắn rằng cái gọi là “đường chín đoạn” của Trung Quốc sẽ bị tuyên bố là không có giá trị trong lĩnh vực hàng hải.
Video đang HOT
Cùng chung quan điểm trên, phóng viên Bill Hayton thuộc BBC, tác giả của cuốn sách “Biển Đông – cuộc đọ sức tại châu Á” (The South China Sea: The Struggle for Power in Asia), cho rằng Manila chắc chắn sẽ thắng kiện và hành động cấm các nước liên quan đánh bắt cá hay thăm dò dầu khí của Bắc Kinh là vô căn cứ.
Phán quyết của tòa và thái độ phản đối của Trung Quốc sẽ khiến Bắc Kinh bị coi là quốc gia vô trách nhiệm trong hệ thống quốc tế. Điều này cũng sẽ tạo điều kiện để Mỹ tăng cường hơn nữa quan hệ với đồng minh và các nước tranh chấp khác, nhằm hiện thực hóa hơn nữa chiến lược xoay trục về châu Á.
Để đối phó với cục diện trên, Trung Quốc một mặt tiếp tục sách lược “tấn công quyến rũ” nhằm ràng buộc và phân hóa ASEAN thông qua các lợi ích kinh tế, mặt khác củng cố sự hiện diện tại quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, thông qua việc cải tạo và xây dựng trái phép các cơ sở hạ tầng quân sự.
Trao đổi với Vnexpress, chuyên gia hàng đầu về Đông Nam Á Carl Thayer dự báo rằng Bắc Kinh có thể đưa giàn khoan Hải Dương 981 tới vùng nước sâu để thăm dò dầu và khí trong năm 2015, và triển khai giàn khoan Hải Dương 982 một năm sau đó.
Đây được cho là các nhân tố quyết định khiến căng thẳng tại Biển Đông sẽ tiếp tục gia tăng trong năm 2015, đặc biệt khi càng đến gần ngày tòa ra phán quyết. “Nếu như các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Đông Nam Á thất bại trong việc tìm ra giải pháp cho tranh chấp Biển Đông thông qua biện pháp ngoại giao hoặc luật pháp quốc tế, điều này sẽ khuyến khích cuộc chạy đua vũ trang gây bất ổn trong khu vực”, dự báo tình hình thế giới năm 2015 của CSIS nhận định.
Căng thẳng Nhật – Trung chưa đến hồi kết
Vấn đề lịch sử và tranh chấp chủ quyền vẫn là hai trở ngại chính trong quan hệ Nhật – Trung năm 2015. Trong ảnh là Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Tháng 11/2014, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe lần đầu gặp mặt sau gần hai năm quan hệ song phương đóng băng bởi tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư ở Hoa Đông.
Giới phân tích từng nhận định đây là dấu hiệu ban đầu cho thấy nền kinh tế đầu tàu châu Á sẵn sàng giải quyết bất đồng vì lợi ích quốc gia. Tuy nhiên, chỉ một tháng sau, hai tàu quân sự và ba tàu hải cảnh của Trung Quốc tiến vào vùng biển cách Senkaku/ Điếu Ngư 70 km. Cuối tháng 12/2014, Bắc Kinh cho ra mắt website tái khẳng định chủ quyền của mình với quần đảo trên.
Vì vậy, căng thẳng giữa Tokyo và Bắc Kinh được dự báo là vẫn không thể được giải quyết trong năm 2015, đặc biệt đây là dịp kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến thứ hai, chủ để nhạy cảm trong quan hệ song phương cũng như nội bộ chính trị mỗi nước.
“Năm 2015 có lẽ sẽ giống như các năm trước đó, vẫn bị phủ bóng bởi các vấn đề lịch sử và tranh chấp chủ quyền, sẽ không có một tiến triển ngoại giao thực chất nào giữa Nhật Bản và Trung Quốc”, bình luận viên Ankit Panda của Diplomat nhận định. “Những ký ức về Thế chiến thứ hai chưa bao giờ sống động như trong năm nay”.
Với chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử sớm hồi cuối năm 2014, Thủ tướng Abe đang có cơ hội thay đổi Hiến pháp Hòa bình và tăng cường phát huy lực lượng quân sự, nhằm đưa Nhật Bản chuyển từ cường quốc kinh tế sang cường quốc chính trị – quân sự.
“Cũng giống như ông ngoại, ông ấy hy vọng gột sạch vết nhơ chiến tranh, thay đổi bản hiến pháp mà Mỹ áp đặt cho Nhật Bản”, bình luận viên Andrew Browne của Wall Street Journal cho biết. Ông Abe là cháu ngoại của cố thủ tướng Nobusuke Kishi, người từng bị coi là tội phạm chiến tranh.
Tuy nhiên, tính toán trên của Tokyo được cho là sẽ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Bắc Kinh và dấy lên phong trào chống Nhật vốn luôn âm ỉ tại Trung Quốc từ trước đó.
Trong buổi lễ kỷ niệm cuộc thảm sát Nam Kinh hôm 17/12/2014, Chủ tịch Tập Cận Bình từng công khai cảnh cáo Nhật Bản rằng, bất kỳ nỗ lực nào nhằm che đậy một cuộc xâm lược đều nguy hại đến nền hòa bình và chính nghĩa của nhân loại.
“Sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc và sự thiếu tin tưởng giữa hai nước sẽ nâng cao nguy cơ xung đột và hạn chế khả năng giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Các nhà lãnh đạo cấp cao muốn hạn chế không sử dụng vũ lực, nhưng chỉ một hành động ngoài ý muốn của các chỉ huy quân sự ngoài thực địa có thể sẽ dẫn đến xung đột vũ trang leo thang”, ông Browne kết luận.
Khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên thường trực
Khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên được cho là nguy cơ thường trực trong năm 2015. Trong ảnh là tháp làm mát trong tổ hợp hạt nhân Yongbyon của Triều Tiên được phá bỏ trong một thỏa thuận đổi giải giáp lấy những nhượng bộ từ Mỹ năm 2008.
Khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên vẫn được cho là nguy cơ thường trực trong năm 2015, bởi các nỗ lực không ngừng của Bình Nhưỡng trong việc phát triển tên lửa và vũ khí hạt nhân, cũng như sự bất lực của các cơ chế quốc tế hiện nay.
“Hiện nay không có cơ chế nào hạn chế chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, và có vẻ như điều này cũng là không thể trong năm 2015, ông James Acton, giám đốc chương trình Chính sách hạt nhân của Tổ chức nghiên cứu vì hòa bình quốc tế Carnegie, nhận định.
Mặc dù, phạm vi chương trình làm giàu uranium của Triều Tiên chưa được xác định hoàn toàn, giới tình báo Mỹ vẫn ước tính rằng Bình Nhưỡng có đủ khả năng sản xuất 5-6 đầu đạn hạt nhân.
Cuối năm 2014, Triều Tiên từng đe dọa sẽ tiến hành vụ thử hạt nhân thứ tư, sau khi Liên Hợp Quốc ra nghị quyết lên án các hoạt động vi phạm nhân quyền của quốc gia này.
Hôm qua, Bình Nhưỡng lên tiếng phản đối quyết định trừng phạt của Mỹ, đồng thời cũng cho biết chính sách của Washington sẽ chỉ càng khiến nước này “củng cố hơn quyết tâm mở rộng quân bị, bao gồm phát triển vũ khí hạt nhân”.
Trong khi đó, hiện nay chưa có một cơ chế nào đủ hiệu quả trong việc thuyết phục Triều Tiên hạn chế chương trình hạt nhân. Mâu thuẫn chiến lược gay gắt giữa các cường quốc như Trung Quốc, Mỹ, Nga và Nhật Bản khiến việc khôi phục cơ chế đàm phán 6 bên trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Ngay cả Trung Quốc, đồng minh duy nhất của Bình Nhưỡng, cũng được cho là đang dần mất kiên nhẫn với nước láng giềng. Tháng 7/2014, Chủ tịch Tập Cận Bình đã phá bỏ tiền lệ trong lịch sử quan hệ Trung – Triều, với việc thăm chính thức Hàn Quốc khi chưa thăm Triều Tiên. Trước đó, ông cũng từng công khai khiển trách vụ thử hạt nhân thứ ba của Bình Nhưỡng hồi tháng 2/2013.
Giới học giả Trung Quốc cho rằng dư địa chính sách của Bắc Kinh trên vấn đề hạt nhân Triều Tiên đang bị thu hẹp. “Nếu như Trung Quốc gây sức ép quá lớn, Triều Tiên có thể sẽ sụp đổ. Nhưng nếu như sức ép không đủ lớn, quốc gia này sẽ rơi vào tình trạng mất kiểm soát”, Giáo sư Trịnh Kế Vĩnh thuộc Đại học Phúc Đán bình luận. “Họ có thể sẽ tiến hành nhiều hơn nữa các vụ thử nghiệm hạt nhân”.
Theo Vnexpress