Ba mục tiêu khác nhau của cuộc đấu tranh vì người da màu Mỹ
Chấm dứt bạo lực cảnh sát là mục tiêu của tất cả cuộc biểu tình ở Mỹ những ngày qua, nhưng con đường mà họ lựa chọn không giống nhau.
Sau cái chết của George Floyd, người đàn ông da màu 46 tuổi ở thành phố Minneapolis hôm 25/5, nhiều nhà hoạt động vì người da màu ở Mỹ đã xuống đường biểu tình. Tất cả đều nhất trí rằng người da màu đang chịu sự bất công và mong muốn chấm dứt tình trạng phân biệt chủng tộc, bạo lực cảnh sát trên khắp nước Mỹ.
Nhưng kể từ khi “Mạng người da màu cũng quan trọng” (Black Lives Matter) lần đầu trở thành phong trào vì người da màu trên phạm vi quốc gia, nhiều bất đồng đã xuất hiện giữa các nhóm hoạt động khác nhau.
Một số nhà hoạt động ủng hộ các biện pháp mang tính cải cách, như đấu tranh yêu cầu cảnh sát phải gắn camera trên người, tham gia đào tạo về thay đổi định kiến với người da màu, cũng như khuyến khích cải thiện mối quan hệ giữa cảnh sát với cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, một số người khác không tin những biện pháp này hiệu quả. Họ thúc đẩy các chiến lược quyết liệt hơn nhằm làm suy yếu hoặc loại bỏ lực lượng cảnh sát.
Những bất đồng này đã dẫn tới việc hình thành ba nhóm đấu tranh khác nhau trong mạng lưới đấu tranh chống phân biệt chủng tộc ở Mỹ. Nhóm thứ nhất ủng hộ hàng loại cải cách nhằm tăng thêm trách nhiệm cho sở cảnh sát và siết chặt quy định sử dụng vũ lực. Nhóm thứ hai đòi cắt giảm ngân sách dành cho cảnh sát, chuyển tiền thuế của người dân sang dịch vụ xã hội mang lại lợi ích cho cộng đồng da màu. Nhóm thứ ba cũng hướng tới việc cắt ngân sách, nhưng mục tiêu cuối cùng là loại bỏ hoàn toàn lực lượng cảnh sát.
Người biểu tình sau cái chết của George Floyd ở Manhattan, hôm 30/5. Ảnh: Time.
Sau làn sóng biểu tình ở thành phố Ferguson, liên quan tới vụ cảnh sát bắn chết thiếu niên 18 tuổi Michael Brown năm 2014, một số lãnh đạo của nhóm cải cách liên kết với nhau để hình thành các tổ chức như Campaign Zero.
“Năm 2014, chúng tôi mới trong giai đoạn đầu tìm hiểu về giải pháp đấu tranh. Chúng tôi biết biểu tình, nhưng không biết làm như thế nào mới hiệu quả. Chúng tôi biết mỗi cách thức có hiệu quả về mặt này, mặt kia nhưng chưa tìm ra giải pháp toàn diện là gì”, Deray Mckesson, nhà hoạt động dân quyền và đồng sáng lập tổ chức Campaign Zero, cho hay.
McKesson chia sẻ sau 6 năm hoạt động, Campaign Zero đã nhận ra nhiều giải pháp không hiệu quả. Các sở cảnh sát ở Mỹ đã nỗ lực thực hiện nhiều cải cách như gắn camera, nâng cao nhận thức về định kiến với người da màu cho cảnh sát, tuyển thêm nhiều cảnh sát da màu, cải thiện mối quan hệ giữa cảnh sát và cộng đồng dân cư. Nhưng McKesson cho hay chúng không khiến số người da màu chết vì cảnh sát giảm đi.
Video đang HOT
“Tôi nghĩ có giai đoạn mọi người đều nghĩ việc nâng cao nhận thức hay cải thiện mối quan hệ giữa cảnh sát và dân có thể hữu ích. Nhưng hiện giờ, mọi người đều hiểu chúng không có tác dụng”, ông nói.
Thay vào đó, Campaign Zero chuyển sang các chiến lược nhằm làm “giảm sức mạnh” và “thu hẹp vai trò” của sở cảnh sát hiện nay. Một trong số đó là loại bỏ các hợp đồng với nhiều điều khoản giúp cảnh sát khó bị buộc tội dù thực hiện hành vi sai trái. Nghiên cứu năm 2018 của Đại học Chicago cho thấy sau khi liên đoàn cảnh sát Florida được hình thành, hành vi bạo lực của cảnh sát đã tăng 40% so với mức rất thấp trước đó.
Campaign Zero đã nêu 8 chính sách sử dụng vũ lực mà theo họ nếu được áp dụng đồng thời có thể giúp giảm hơn 70% tình trạng bạo lực cảnh sát. Bộ chính sách này gồm cấm các hành vi siết cổ, không làm leo thang căng thẳng, phải có cảnh báo trước khi bắn, chỉ nổ súng khi đã sử dụng hết mọi cách khác, yêu cầu cảnh sát can thiệp nếu phát hiện đồng nghiệp sử dụng vũ lực quá mức, cấm bắn phương tiện đang di chuyển, xây dựng bộ quy định về việc sử dụng vũ lực và yêu cầu cảnh sát phải tường trình về mọi hành vi sử dụng vũ lực.
Hashtag #8CantWait đã được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, khi các nhà hoạt động kêu gọi lãnh đạo địa phương thực hiện 8 cải cách trên. Nhiều người nổi tiếng như Opah Winfrey và Jack Dorsey, cùng quan chức chính phủ ở San Antonio, Houston và Los Angeles đã lên tiếng ủng hộ.
Campaign Zero cho rằng thay vì cuộc chiến dai dẳng để cắt giảm ngân sách, nhiều chính sách trong số này có thể thực hiện ngay lập tức. “Cảnh sát vẫn tồn tại, nhưng quyền lực của họ bị giới hạn hơn”, McKesson nói.
Nhưng nhiều nhà hoạt động khác không cho rằng cải cách này đủ để ngăn bạo lực cảnh sát. Một số chỉ ra rằng có những biện pháp trong số này đã được thực hiện ở nhiều thành phố ở Mỹ nhưng không hiệu quả. Ngày càng nhiều nhà hoạt động vì người da màu cho rằng cảnh sát vốn đã bạo lực và phân biệt, nên không có cải cách nào giải quyết được vấn đề này.
Thay vào đó, họ cho rằng nên cắt giảm ngân sách của sở cảnh sát hoặc loại bỏ hoàn toàn lực lượng này. Tiền thuế nên được dành cho các chương trình xã hội, nhằm giúp phát triển các cộng đồng da màu hoặc ngăn tình trạng bạo lực trước khi nó nhen nhóm.
Người biểu tình giơ bảng tên và ảnh người da màu từng chết vì cảnh sát trước tòa thị chính ở San Francisco, hôm 1/6. Ảnh: NYTimes.
Alicia Garza, người sáng lập Black Futures Lab và đồng sáng lập Black Lives Matter, cho biết sau khi 26 điều luật cải cách về tư pháp hình sự được thông qua ở 40 bang năm 2013, “không có nhiều thay đổi được tạo ra”. Khoảng 1.000 người chết vì cảnh sát mỗi năm và phần lớn là người da màu, theo trang MappingPoliceViolence.org. Đây là lý do khiến Garza tin rằng thay đổi thực sự phải nằm ở nguồn ngân sách dành cho cảnh sát.
“Thật bất ngờ khi tỷ lệ ngân sách lớn nhất của hầu hết thành phố và bang đều liên quan tới cảnh sát và quân đội. Hàng trăm nghìn đôla đó nên được đầu tư cho nhà ở giá rẻ, xét nghiệm nCoV và hỗ trợ người dân khôi phục cuộc sống”, Garza nói.
Sự hiện diện của lực lượng an ninh trong các cuộc biểu tình trên khắp nước Mỹ đã cho thấy họ được đầu tư rất nhiều, trong khi đội ngũ y bác sĩ chiến đấu với Covid-19 không có đủ thiết bị và vật tư y tế. Do đó, các nhà hoạt động và nhiều tổ chức lớn đã kêu gọi cắt giảm ngân sách cho cảnh sát. Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ (ACLU) mới đây cũng kêu gọi cắt giảm ngân sách các cơ quan thực thi pháp luật để đầu tư cho cộng đồng người da màu.
Ngày 3/6, thị trưởng Eric Garcetti của Los Angeles thông báo thành phố lớn thứ hai của nước Mỹ này sẽ cắt giảm ngân sách dành cho cảnh sát. Tại New York, các nhà hoạt động cũng kêu gọi thị trưởng Bill de Blasio cắt giảm khoản ngân sách 6 tỷ USD của sở cảnh sát.
Nhiều nhà hoạt động xem lời kêu gọi cắt giảm ngân sách của cảnh sát là bước tiến quan trọng cho mục tiêu cuối cùng là loại bỏ lực lượng này. “Không nên có bất kỳ ai, thậm chí một người của đảng Dân chủ ôn hòa, cho rằng chúng ta không nên lấy ngân sách từ sở cảnh sát để chuyển sang đầu tư cho tương lai của người da màu”, Jessica Byrd, người sáng lập ThreePoint Strategies hoạt động vì quyền lợi của người da màu, cho hay.
Byrd cho rằng để chấm dứt bạo lực cảnh sát cần có sự thay đổi thực sự về việc duy trì luật pháp và trật tự bằng lực lượng cảnh sát. Cô khẳng định nó không phải là cải cách từng chút, gắn camera hay nâng cao nhận thức, mà là “thay đổi triệt để suy nghĩ của chúng ta về việc bảo vệ cộng đồng và an toàn xã hội”.
Dù việc loại bỏ lực lượng cảnh sát hiện tại là bất khả thi, nhiều chuyên gia tin rằng phong trào này đang đặt nền móng cho thay đổi lâu dài về cách bảo vệ an toàn tốt nhất cho người dân.
“Không ai vào lúc này có thể nói thay đổi được thực hiện trong ngày mai và cảnh sát sẽ biến mất”, Alex Vitale, giáo sư về xã hội học tại Đại học Brooklyn, nói. Nhưng ông chỉ ra rằng ngày càng có nhiều cộng đồng cho rằng cảnh sát không phải là giải pháp để bảo vệ xã hội. Vitale dẫn chứng trong nhiều cộng đồng người da trắng giàu có, khi một thiếu niên bị phát hiện dùng ma túy, họ sẽ đưa cậu tới trại cai nghiện thay vì nhà tù.
“Mọi người đã nghĩ về một xã hội không cần có cảnh sát và nhà tù, cũng như bắt đầu thảo luận xem thế giới đó sẽ như thế nào”, Vitale nói.
Các tuyến phố xung quanh Nhà Trắng bị phong tỏa
Cơ quan Mật vụ Mỹ đóng một số tuyến phố xung quanh Nhà Trắng nhằm tăng cường an ninh giữa lúc làn sóng biểu tình bạo lực chưa dừng lại.
Mọi phương tiện giao thông đều bị cấm đi vào các tuyến phố này hôm 2/6. Rào chắn an ninh cao hơn hai mét cũng được thiết lập xung quanh công viên Lafayette, gần Nhà Trắng, vào đêm 1/6. Chúng trông như những hàng rào không thể vượt qua thường được sử dụng trong các sự kiện chính trị cấp cao như lễ tuyên thệ nhậm chức tổng thống.
Đây là động thái mới cho thấy an ninh tiếp tục được tăng cường ở khu vực Nhà Trắng giữa lúc biểu tình và bạo loạn tiếp diễn khắp nước Mỹ, sau cái chết của George Floyd, một người đàn ông da màu 46 tuổi. Floyd bị Derek Chauvin, cảnh sát thành phố Minneapolis, bang Minnesota, ghì gáy trong gần 9 phút, dẫn tới tử vong hôm 25/5.
Cái chết của Floyd đã thổi bùng làn sóng phẫn nộ của người da màu ở Minneapolis và toàn nước Mỹ, khiến 4 sĩ quan cảnh sát liên quan tới sự việc bị sa thải. Chauvin bị bắt giữ và truy tố tội giết người cấp độ ba.
Nhà Trắng được bảo vệ sau hàng rào an ninh của Cơ quan Mật vụ Mỹ hôm 2/6. Ảnh: AP.
Các cuộc biểu tình đã lan rộng tại ít nhất 140 thành phố Mỹ, khiến hàng chục địa phương đã áp đặt lệnh giới nghiêm, trong đó có thủ đô Washington. Tổng thống Donald Trump tuyên bố đã huy động quân đội trang bị vũ khí hạng nặng để đảm bảo an ninh ở thủ đô. Ông cũng cảnh báo sẽ kích hoạt Đạo luật Chống nổi loạn năm 1807, trong đó quy định Tổng thống Mỹ có quyền sử dụng quân đội để dẹp các cuộc nổi loạn, bạo động trên lãnh thổ.
Hơn 20.000 lính Vệ binh Quốc gia đã được triển khai tại ít nhất 28 bang và Washington. Ít nhất 4.400 người bị bắt vì phá lệnh giới nghiêm, gây rối và cướp bóc, hôi của.
Tối 1/6, các cuộc biểu tình ôn hòa ngoài Nhà Trắng trước giờ giới nghiêm đã bị giải tán bằng hơi cay và đạn cao su. Các trực thăng quân sự được nhìn thấy bay qua các con phố.
Trong bài đăng đầu tiên sáng nay, Trump cho biết "không có vấn đề gì" xảy ra ở Washington hay Minneapolis tối qua và ca ngợi lực lượng an ninh "đã làm rất tốt".
Theo gia đình của George Floyd, lễ tưởng niệm anh sẽ được tổ chức vào ngày 8 và 9/6 ở thành phố Houston, bang Texas.
Trump rút xuống hầm ngầm né biểu tình Trump được đưa xuống hầm tổng thống trong khoảng thời gian ngắn khi người biểu tình tụ tập bên ngoài Nhà Trắng đêm 29/5, theo một quan chức chính quyền. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ở dưới hầm ngầm dành cho tổng thống bên dưới Nhà Trắng khoảng một giờ khi hàng trăm người tụ tập bên ngoài biểu tình sau cái...