Bà Merkel có nguy cơ mất chức vì khủng hoảng nhập cư
Chiếc ghế Thủ tướng Đức của Merkel bị đe dọa khi liên minh cầm quyền đứng trước nguy cơ sụp đổ vì mâu thuẫn trong vấn đề nhập cư.
Thủ tướng Đức Angela Merkel (phải) và Bộ trưởng Nội vụ Horst Seehofer trong cuộc họp báo ở Berlin hồi tháng 10/2017. Ảnh: AFP.
“Chúng tôi đang trong tình thế nghiêm trọng bởi vấn đề khủng hoảng nhập cư đã biến thành vấn đề quyền lực”, nghị sĩ Đức Kai Whittaker hôm qua nói với BBC. “Rất có thể cuối tuần tới tình hình sẽ thay đổi, nhiều khả năng là một thủ tướng mới”.
Thủ tướng Đức Angela Merkel đang duy trì liên minh cầm quyền với sự liên kết giữa đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của bà với đảng Liên minh Xã hội Kitô giáo (CSU) do Bộ trưởng Nội vụ Horst Seehofer đứng đầu. Tuy nhiên, liên minh này đang mâu thuẫn nghiêm trọng về vấn đề nhập cư, đe dọa vị thế của bà Merkel.
Cuộc khủng hoảng nhập cư bắt đầu từ chính sách “mở cửa” do bà Merkel đề ra vào năm 2015 để hỗ trợ người tị nạn Syria. Tuy nhiên, nó đã mở đầu cho làn sóng 1,6 triệu người nhập cư từ châu Phi, châu Á và Trung Đông tràn vào Đức cùng các nước láng giềng thuộc Liên minh châu Âu, tạo ra cuộc khủng hoảng về nhà ở, việc làm, tội phạm và các vấn đề xã hội khác.
Chính sách mở cửa biên giới của bà Merkel vấp phải sự phản đối của Bộ trưởng Nội vụ Seehofer. Ông này hồi đầu tuần đưa ra kế hoạch yêu cầu lực lượng biên phòng Đức không cho người tị nạn đã đăng ký ở các nước châu Âu khác nhập cảnh vào quốc gia này.
Video đang HOT
Tuy nhiên, Merkel phản đối và đã tổ chức nhiều cuộc họp khẩn với các thành viên trong đảng để tìm kiếm ủng hộ. Dù cam kết ủng hộ Thủ tướng Đức, các nghị sĩ đảng CDU cũng yêu cầu bà Merkel phải thay đổi chính sách “mở cửa” với người nhập cư, trong lúc các nghị sĩ CSU tuyên bố ủng hộ lãnh đạo Seehofer.
Rạn nứt giữa liên minh hai đảng đặt Merkel vào tình huống khó xử, khiến bà đối mặt với thách thức quyền lực nghiêm trọng có thể hạn chế khả năng đàm phán với những thành viên khác của EU.
Chiếc ghế Thủ tướng Đức của Merkel cũng bị đe dọa vì mâu thuẫn với Seehofer có thể làm tan vỡ liên minh chính trị khó khăn lắm mới đạt được giữa hai bên, đồng nghĩa với việc Merkel một lần nữa không được đa số nghị sĩ quốc hội ủng hộ và có thể phải tổ chức một cuộc bầu cử quốc gia mới.
Một cuộc thăm dò dư luận công bố hôm thứ năm cho thấy 86% người Đức ủng hộ biện pháp thắt chặt kiểm soát tại biên giới với người nhập cư xin tị nạn. Làn sóng phản đối người nhập cư ở Đức tăng cao sau khi một thanh niên tị nạn 20 tuổi gốc Iraq bị cáo buộc cưỡng hiếp và sát hại thiếu nữ 14 tuổi Susanna Feldman hôm 22/5.
Hồng Hạnh
Theo VNE
Đức: Khủng hoảng chính trị, bà Merkel chưa chắc ghế thủ tướng
Nỗ lực lập chính phủ liên hiệp của Thủ tướng Đức Angela Merkel đang gặp trở ngại lớn sau khi một đối tác tiềm tàng rút khỏi đàm phán, đẩy đất nước rơi vào khủng hoảng chính trị.
Bà Angela Merkel đến dự đàm phán về lập chính phủ mới hôm 19-11. Ảnh: Reuters
Bà Merkel hôm 20-11 cho biết sẽ thông báo với tổng thống rằng mình không thể lập chính phủ liên hiệp sau khi đảng Dân chủ Tự do (FDP) có động thái nói trên.
"Là thủ tướng, tôi sẽ làm mọi thứ để bảo đảm đất nước được điều hành tốt trong những tuần lễ khó khăn sắp tới" - bà Merkel trấn an người dân sau khi đàm phán đổ vỡ.
Thủ lĩnh FDP Christian Lindner cho biết lý do đảng này rút khỏi đàm phán cuối ngày 19-11 là họ không tìm được tiếng nói chung với đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của bà Merkel và đảng Xanh về những vấn đề chủ chốt, như nhập cư, khí hậu và chi tiêu sau hơn 4 tuần thương thảo.
FDP muốn khống chế số lượng người xin tị nạn được Đức chấp nhận mỗi năm - một biện pháp bị đảng Xanh phản đối.
Ngoài ra, theo ông Lindner, 3 đảng trên không thể xây dựng đủ lòng tin lẫn nhau để bảo đảm chính phủ sắp tới hoạt động ổn định trong 4 năm.
Diễn biến trên khiến nước Đức đối mặt 2 lựa chọn chưa từng có thời hậu Thế chiến II: Bà Merkel lập chính phủ thiểu số với đảng Xanh hoặc tổng thống Đức kêu gọi bầu cử mới sau khi các đảng không lập được chính phủ.
Đảng của bà Merkel trở nên suy yếu sau khi số ghế tại hạ viện sụt giảm trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 9, một phần vì quyết định mở cửa biên giới đón hơn 1 triệu người xin tị nạn năm 2015.
Ngay trước bầu cử, đảng trung tả Dân chủ Xã hội (SPD) đã từ chối bắt tay với đảng của bà Merkel để lập chính phủ đại liên hiệp như từng làm trước đó. SPD hiện là đảng lớn thứ 2 tại quốc hội. Trong khi đó, bà Merkel không chịu liên minh với đảng cực hữu Sự lựa chọn khác cho nước Đức (AfD), đảng lớn thứ 3 tại quốc hội, khiến lựa chọn của bà ngay từ đầu đã khoanh vùng với đảng FDP và đảng Xanh.
Việc nền kinh tế lớn nhất châu Âu không thể lập chính phủ mới có thể tác động tiêu cực đến một loạt vấn đề, từ cải cách khu vực đồng euro, chính sách của Liên minh châu Âu đối với Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong nước, đã xuất hiện cảnh báo tình trạng không chắc chắn kéo dài sẽ có hại cho nền kinh tế.
Theo P.Võ
Người Lao Động
Bà Merkel trước cơn địa chấn của phe cực hữu Một cơn địa chấn chính trị đã làm rúng động không chỉ nước Đức mà cả châu Âu. Không phải Angela Merkel hay chiến thắng hiển nhiên của bà cho nhiệm kỳ thủ tướng lần thứ tư, chính sự bứt phá mạnh mẽ của phe cực hữu đang làm lục địa già lo ngại. Với 33,5% phiếu bầu đảng Liên minh Dân chủ...