Bà mế người Dao nấu cơm cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Trong buổi gặp gỡ ông Võ Hồng Nam – con trai Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cụ Bàn Thị Chủ – người từng nấu cơm cho Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân năm xưa xúc động trao tận tay ông chai mật ong rừng để về thắp hương trên bàn thờ Đại tướng.
Ông Võ Hồng Nam cũng không quên gửi tặng cụ Bàn Thị Chủ tấm chăn ấm như một lời tri ân.
***
Tấm lòng người Dao tiền
Đầu năm 2014, đoàn PV chúng tôi có dịp lên thăm Tam Kim (huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) cùng với gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào đúng những ngày khánh thành ngôi trường tiểu học khang trang trên mảnh đất anh hùng cách mạng. Ngôi trường mới là tâm nguyện, là món quà cuối cùng mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp dành tặng người dân Tam Kim trước khi qua đời.
Trong sâu thẳm tâm hồn những người dân Tam Kim, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trở thành một người con của quê hương. Mảnh đất anh hùng vẫn còn lưu giữ biết bao hồi ức lịch sử. Nơi đây, Đại tướng được người dân nuôi giấu hoạt động cách mạng và là nơi Đại tướng hoàn thành nhiệm vụ mà Bác Hồ giao, thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân năm – tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay vào ngày 22/12/1944.
Ông Võ Hồng Nam gửi tặng cụ Bàn Thị Chủ tấm chăn ấm trong
ngày đầu xuân 2014 về thăm Tam Kim.
Khi đoàn chúng tôi vừa lên tới nơi, người dân và các em học sinh đã ùa ra đón. Ở tuổi 90, mắt mờ, chân yếu, phải chống gậy nhưng cụ Bàn Thị Chủ – một lão thành cách mạng người Dao tiền ở xóm Pù Mìn, xã Hoa Thám vẫn hào hứng khi được con cháu đưa đến tham dự buổi lễ. Bà chính là một trong số những người từng nấu cơm cho Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân.
Trong buổi gặp gỡ thân mật, cụ bà người Dao tiền đã gửi tận tay ông Võ Hồng Nam chai mật ong rừng để thắp hương trên bàn thờ Đại tướng. Nhân dịp này, ông Võ Hồng Nam – con trai Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng không quên gửi tặng cụ tấm chăn ấm như một lời tri ân với tấm lòng mà cụ Chủ và những người dân nơi đây đã dành cho Đại tướng.
“Nhiều vùng đất, ba tôi đã rời xa mấy chục năm nhưng khi trở lại, đồng bào vẫn nhớ, vẫn coi như người thân trong gia đình. Cách đây mấy năm, tôi và gia đình lên Cao Bằng, ghé nhà bà Bàn Thị Chủ. Tôi giới thiệu là con ông Giáp đây, bà mừng lắm, ôm tôi khóc như mưa. Bà bảo: “Bà là Bàn Thị Chủ, nhưng bác Giáp đặt bí danh cho bà là Kim Sơn”, ông Võ Hồng Nam kể lại.
Video đang HOT
Nấu cơm, đưa đường cho cán bộ
Cụ Bàn Thị Chủ vẫn nhớ năm 1942, khi bà mới là cô gái 16 tuổi. Ngày đó, dưới ách thống trị của thực dân Pháp và bọn tay sai, cuộc sống người dân vô cùng khó khăn vất vả. “Lúa mình chín trên ruộng, thực dân Pháp cho quân gặt hết. Chúng dồn dân vào một chỗ, đốt nhà dân. Không còn cơm gạo để ăn, nhà tôi phải đào khoai ăn”, cụ Chử kể lại.
Từ khi có anh Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) và các cán bộ về tuyên truyền giác ngộ cách mạng, người dân đã vùng lên đấu tranh, cùng nhau làm cách mạng. Cụ Chủ khi đó xung phong tham gia với nhiệm vụ nấu cơm, đưa đường cho cán bộ. Cụ chỉ biết có anh cán bộ tên là Văn được bà con dân bản hết sức quý mến, bà đã nhiều lần đưa cơm, dẫn đường cho anh Văn, nhưng mãi về sau mới biết anh Văn chính là Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Cụ Bàn Thị Chủ bồi hồi xúc động trò chuyện
với con trai của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
“Ngày ấy khi nấu cơm cho Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân chúng tôi làm thành từng nắm, bên trong có rau rừng, mỗi đồng chí một nắm cơm và một túi lương khô. Lương khô ngày đó chỉ là ngô rang rồi xay ra. Chúng tôi phải đun dưới hầm, phải tranh thủ làm ban đêm để tránh quân địch quan sát thấy khói bếp. Lúc làm, chúng tôi phân công 1, 2 chị em phụ nữ canh gác ở ngoài, dưới hầm 2, 3 chị em xào nấu”, cụ Chủ kể.
Năm 1994, khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm, đã lâu lắm mà vẫn nhớ hết mọi người. Bà con chỉ có quả quýt, chục trứng, chai mật ong rừng làm quà mà Đại tướng cứ cảm ơn. Con cháu cụ Bàn Thị Chủ kể lại, ngày được tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất, cụ Chử ủ rũ không chịu ăn gì, cứ đòi con cháu phải đưa về Hà Nội để thắp nén nhang kính viếng Đại tướng.
Bao nhiêu năm tháng đã qua đi, giờ đây kí ức lúc nhớ, lúc quên nhưng những ngày tháng nấu cơm cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn luôn là những năm tháng tự hào nhất của cụ Bàn Thị Chủ. Với sự bao bọc, chở che của những bà con dân tộc thiểu số như cụ Bàn Thị Chủ, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã làm nên chiến thắng Phai Khắt, Nà Ngần, khởi đầu truyền thống “đánh thắng trận đầu” và “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.
Theo Dantri
Trở về nơi thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân
70 năm trôi qua, những dấu tích thuở đầu thành lập vẫn còn đó. Khu rừng Trần Hưng Đạo bao bọc đỉnh Slam Cao nay đã trở thành di tích quốc gia đặc biệt. Cánh rừng nguyên sinh rậm rì che chở con người, gìn giữ lịch sử luôn linh thiêng và là niềm tự hào của nhân dân Cao Bằng.
Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam truyên truyền Giải phóng quân chính thức được thành lập tại núi Slam Cao, khu rừng Trần Hưng Đạo (xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, Cao Bằng). Chỉ 3 ngày sau, Đội đã lập công bằng trận đánh đầu tiên chiếm đồn Phai Khắt.
34 đội viên Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân chính là tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Trận đánh đồn Phai Khắt là một khởi đầu gian khó, nhưng là điểm đầu cho những chiến thắng lớn lao sau này trong công cuộc giành tự do độc lập thống nhất đất nước của Quân đội Nhân dân Việt nam.
70 năm trôi qua, những dấu tích thuở đầu thành lập vẫn còn đó. Khu rừng Trần Hưng Đạo bao bọc đỉnh Slam Cao nay đã trở thành di tích quốc gia đặc biệt. Cánh rừng nguyên sinh rậm rì che chở con người, gìn giữ lịch sử luôn linh thiêng và là niềm tự hào của nhân dân Cao Bằng.
Cánh rừng nguyên sinh Trần Hưng Đạo được phân bổ trên 2 xã Tam Kim và Hưng Đạo huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) có diện tích 201,7ha. Nơi đây lưu trữ những địa danh, hiện vật gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Tại núi Slam Cao trong rừng Trần Hưng Đạo, lúc 17 giờ ngày 22/12/1944 lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân (tiền thân của QĐND Việt Nam) được thành lập với ban đầu chỉ có 34 đội viên.
Một CCB đang đứng trước tấm phù điêu mang hình ảnh 34 đội viên trong buổi đầu thành lập. Các đội viên được chọn lọc từ các đội du kích Cao - Bắc - Lạng là những chiến sĩ kiên trung hăng hái nhất.
Người gác rừng thắp nhang bên ban thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tại buổi lễ thành lập, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã quán triệt chỉ thị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, các nguyên tắc tổ chức và nhiệm vụ của đội.
Người gác rừng Đặng Hồng Cao đang đứng tại vị trí, nơi cách đây 70 năm Đội VNTTGPQ đã đứng tuyên thệ dưới lá cờ đỏ sao vàng. Sau buổi lễ, các đội viên đã cùng nhau ăn bữa cơm nhạt không rau không muối biểu thị tinh thần chịu đựng gian khổ quyết tâm chiến thắng quân thù
Đài quan sát trên đỉnh Slam Cao. Từ đây có thể quan sát rõ đồn Phai Khắt, đồn Nà Ngần, trong đó trận đánh đồn Phai Khắt là trận đầu tiên của Đội VNTTGPQ sau 3 ngày thành lập.
Một tầm quan sát từ đỉnh Slam Cao. Bản Phai Khắt là một bản nhỏ chỉ khoảng 10 nóc nhà, quân Pháp đã chiếm ngôi nhà to nhất bản của ông Nông Văn Lạc và đóng một trung đội tại đây.
Gia đình bà Đặng Thị Hầu ở bản Um, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình là vợ của ông Đặng Tuần Quý là một trong 34 đội viên Đội VNTTGPQ hiện vẫn còn sống.
Bức ảnh người đội viên Đội VNTTGPQ Đặng Tuần Quý vẫn được gia đình gìn giữ nâng niu.
Năm 1994, gia đình ông Nông Văn Lạc đã tự nguyện hiến tặng ngôi nhà (trước là đồn Phai Khắt) làm nhà trưng bày chiến thắng đồn Phai Khắt.
Hữu Nghị
Theo dantri
Sa Pa trong cái rét 7 độ C Đây là mức nhiệt độ xuống thấp nhất kể từ đầu mùa đông đến nay ở Sa Pa (Lào Cai). Mưa nhỏ kèm theo sương mù khiến sinh hoạt, sản xuất và việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn. Theo kỹ sư Lưu Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn tỉnh Lào Cai, do ảnh...