Ba mẹ con lây bệnh thuỷ đậu cho nhau, bác sĩ chỉ cách phòng bệnh cần biết
Một bệnh nhi 7 tháng tuổi ở Phú Thọ nhập viện do bị thủy đậu lây từ mẹ. Trước đó anh trai của bé bị thủy đậu đã khỏi lây sang mẹ bé, mẹ bé trong quá trình điều trị đã vô tình lây bệnh sang bé.
Theo các bác sĩ, đây là trường hợp bệnh nhi nhỏ tuổi, chưa đủ độ tuổi tiêm phòng vắc xin thủy đậu, hệ miễn dịch còn non yếu lây bệnh từ mẹ đang mang virus gây bệnh. Virus gây bệnh thủy đậu lây chủ yếu qua đường hô hấp (hoặc không khí), người lành dễ bị nhiễm bệnh nếu hít phải những giọt nước bọt bắn ra khi bệnh nhân thủy đậu ho, hắt hơi hoặc nhảy mũi.
Ngoài ra khi tiếp xúc với bệnh nhân thủy đậu, bệnh có thể lây từ bóng nước khi bị vỡ ra, lây từ vùng da bị tổn thương hoặc lở loét từ người mắc bệnh.
Bác sĩ Nhi khoa Trần Thị Cườm cảnh báo, các mẹ trước khi mang thai nên tiêm phòng thủy đậu trước ít nhất 3 tháng, khi các bé đủ 12 tháng tuổi cần tiêm phòng thủy đậu mũi đầu tiên.
“Thông thường, thủy đậu là bệnh lành tính. Nhưng bệnh cũng có thể gây biến chứng nguy hiểm như: viêm màng não, xuất huyết, nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng nốt rạ, viêm mô tế bào, viêm gan… Một số trường hợp có thể gây tử vong nếu người bệnh không được điều trị kịp thời” – bác sĩ lưu ý.
Do đó, khi trẻ có những biểu hiện bất thường như: sốt, đau đầu, đau cơ, xuất hiện các nốt mụn nước, bóng nước cần đưa trẻ đến bệnh viện để thăm khám và điều trị kịp thời.
Thời kỳ lây truyền của bệnh là 1 – 2 ngày trước khi phát ban và trong vòng 5 ngày sau khi xuất hiện nốt bọng nước đầu tiên. Bệnh thường kéo dài từ 7 – 10 ngày.
Phụ nữ mang thai mắc bệnh thủy đậu sẽ rất nguy hiểm cho thai nhi, có thể gây sảy thai hoặc để lại dị tật cho thai nhi.
Video đang HOT
Hình ảnh thuỷ đậu ở bệnh nhi 7 tháng tuổi.
Vắc xin – cách phòng bệnh thuỷ đậu hiệu quả lâu dài
Bệnh thuỷ đậu xảy ra ở mọi lứa tuổi, để chủ động phòng tránh bệnh thủy đậu, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện một số biện pháp sau:
1. Hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh để phòng tránh lây lan.
2. Những trường hợp mắc bệnh thuỷ đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7 đến 10 ngày từ khi bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây lan cho những người xung quanh.
3. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý.
4. Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, trường học, vật dụng sinh hoạt bằng các chất sát khuẩn thông thường.
5. Tiêm vắc xin phòng bệnh thủy đậu cho trẻ em từ 12 tháng tuổi.
Bộ Y tế nhấn mạnh, tiêm chủng ngừa vắc xin thủy đậu là biện pháp phòng tránh thủy đậu hiệu quả và lâu dài nhất. Với trẻ em việc tiêm ngừa vắc xin thủy đậu càng quan trọng. Nếu gia đình có trẻ nhỏ hãy đưa trẻ tới cơ sở y tế để tiêm theo đúng liều lượng quy định.
- Trẻ 1-12 tuổi cần được tiêm một liều vắc xin để ngừa thủy đậu.
- Từ 13 tuổi trở lên, mỗi người cần được tiêm hai liều, cách nhau ít nhất 6 tuần để hiệu quả phòng bệnh tốt nhất.
- Phụ nữ có kế hoạch sinh con nên tiêm vắc xin ngừa thủy đậu trước khi mang thai 3 tháng.
Tiêm vắc-xin trước khi mang thai vào thời điểm nào?
Việc tiêm ngừa các bệnh như sởi, cúm, quai bị, Rubella, thủy đậu trước khi mang thai thực sự cần thiết để tránh cho người mẹ bị nhiễm bệnh này trong thai kỳ, có thể gây ra những biến chứng, dị tật cho em bé.
Tôi 30 tuổi và mong muốn sinh con thứ 2, vì thế mấy tháng nay tôi không dùng biện pháp tránh thai. Nhưng tôi được khuyên nên tiêm vắc-xin phòng sởi, cúm, Rubella, thủy đậu trước khi mang thai. Xin hỏi nếu tôi đã có thai mà tiêm phòng thì có ảnh hưởng tới em bé không? Thời điểm tiêm phòng trước khi mang thai bao lâu là tốt nhất?
Trần Thị Thủy (Đà Nẵng)
Việc tiêm ngừa các bệnh như sởi, cúm, quai bị, Rubella, thủy đậu trước khi mang thai thực sự cần thiết để tránh cho người mẹ bị nhiễm bệnh này trong thai kỳ, có thể gây ra những biến chứng, dị tật cho em bé.
Về thời điểm, theo khuyến cáo, nên tiêm các mũi vắc-xin trước khi mang thai như sau: Tiêm phòng vắc-xin thủy đậu trước khi mang thai ít nhất 1 tháng; tiêm phòng vắc-xin sởi - quai bị - Rubella trước khi mang thai ít nhất 3 tháng và tiêm ngừa vắc-xin cúm trước khi mang thai ít nhất 1 tháng.
Do các loại vắc-xin được sản xuất từ virus giảm độc lực nên có thể ảnh hưởng đến thai nhi nếu mẹ mang thai trước và trong thời gian khuyến cáo.
Tuy nhiên, tỷ lệ nguy cơ cũng chưa có nghiên cứu đầy đủ. Do đó, khi có kế hoạch mang thai, tốt nhất cần dùng biện pháp tránh thai trong thời điểm tiêm vắc-xin như khuyến cáo. Nhưng nếu bạn đang mang thai mà lỡ tiêm vắc-xin vẫn có thể tiếp tục thai kỳ, khám thai định kỳ, kiểm tra sức khỏe thai nhi và bé sau sinh.
Trong trường hợp bạn chưa tiêm vắc-xin, cũng chưa biết liệu mình đã có thai hay chưa, thì bạn chưa vội tiêm vắc-xin mà đợi đến khi xác minh được mình đã có thai hay chưa.
Nếu bạn đã có thai, bạn không tiêm các loại vắc-xin trên nữa mà cần chú ý giữ gìn sức khỏe, bổ sung dinh dưỡng cân bằng, vitamin đầy đủ để có một thai kỳ khỏe mạnh, giúp em bé phát triển tốt.
Nếu chưa có thai thì nên đợi cho đến khi chu kỳ kinh nguyệt quay trở lại bình thường. Sau đó, có thể tiêm các loại vắc-xin trước khi mang thai, đợi đủ tháng giãn cách theo khuyến cáo đồng thời chuẩn bị tốt về tâm lý, sức khỏe (ăn uống, nghỉ ngơi, uống vitamin với axit folic và sắt) để sẵn sàng mang thai khi có thể.
Thủy đậu ở phụ nữ mang thai: Biểu hiện lâm sàng, nguy cơ, cách điều trị và phòng ngừa Thủy đậu ở trẻ em thường khá đơn giản và không quá lo lắng, thế nhưng thủy đậu ở phụ nữ mang thai được xem là vấn đề lớn trong thai kỳ. Trong trường hợp xấu nhất, biến chứng của bệnh thủy đậu ở phụ nữ mang thai có thể dẫn đến một số tình trạng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm gan,...