Ba lớp giám sát trên thị trường chứng khoán
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 29/4, ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết: Những vụ việc vi phạm pháp luật xảy ra trên thị trường chứng khoán trong thời gian gần đây, các cơ quan quản lý, cơ quan bảo vệ pháp luật đang xem xét, xử lý, điều tra để có kết luận cuối cùng, thỏa đáng trong thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi trả lời báo chí tại cuộc họp báo.
Về trách nhiệm và tổ chức giám sát hoạt động thị trường chứng khoán, pháp luật quy định rõ trước năm 2019 theo Luật Chứng khoán cũ, thị trường tổ chức theo hai lớp là Sở Giao dịch Chứng khoán và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Từ năm 2019 Luật chứng khoán sửa đổi tăng cường thêm giám sát trực tiếp với công ty chứng khoán khi bắt đầu tham gia hoạt động trên thị trường.
Với việc thao túng giá trên thị trường, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho hay đã có giám sát và thực hiện cảnh báo xử lý vụ việc vi phạm theo thẩm quyền.
Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã chủ động yêu cầu giám sát, tăng cường giám sát những doanh nghiệp thua lỗ nhưng giá cổ phiếu tăng mạnh, giám sát các giao dịch lớn bất thường. Trên cơ sở đó, cơ quan quản lý thị trường chứng khoán đã kiểm tra xử lý và chuyển tới các cơ quan công an có thẩm quyền, như trường hợp FLC, Tân Hoàng Minh, nhóm Louis….
Video đang HOT
Về giải pháp để thị trường phát triển minh bạch, bền vững, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết: Mới đây Thủ tướng đã chủ trì cuộc họp về phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch nhằm đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn. Theo đó, Thủ tướng đã giao các cơ quan liên quan để quản lý thị trường lành mạnh, không để ảnh hưởng niềm tin của nhà đầu tư, trường hợp cố tình vi phạm cương quyết xử lý, không hình sự hóa quan hệ dân sự và kinh tế.
Về phía Bộ Tài chính, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, sẽ hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tổ chức điều hành thị trường lành mạnh, hiệu quả. Với thị trường cổ phiếu nâng cao chất lượng hàng hóa, tăng cường tính tuân thủ của doanh nghiệp trên thị trường. Với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, phát triển theo hướng bền vững, xây dựng chuẩn mực thị trường, tách bạch rõ trái phiếu phát hành công chúng và trái phiếu riêng lẻ, báo cáo Chính phủ sửa đổi Nghị định 153 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, đảm bảo quy định pháp luật với thị trường phù hợp yêu cầu thực tiễn, tránh việc nhóm nhà đầu tư có lợi dụng và vi phạm.
Tái cấu trúc thị trường theo 4 trụ cột, cơ cấu lại tổ chức thị trường. Với tổ chức trung gian thì nâng cao chất lượng nghề nghiệp, tăng cường đào tạo và phát triển nhà đầu tư cá nhân, cung cấp thông tin chính thống giúp nhận thức hiểu biết và kỹ năng của nhà đầu tư…
Nâng cao hiệu quả công tác giám sát, tăng năng lực cơ quan quản lý giám sát, mở rộng và tăng tần suất giám sát thanh kiểm tra, kịp thời phát hiện và hạn chế rủi ro tiềm ẩn, thanh kiểm tra hoạt động công ty đại chúng, không đại chúng khi huy động vốn, tăng cường giám sát theo hướng công khai, an toàn và minh bạch…
Yêu cầu công ty chứng khoán tuân thủ quy định phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ
Ngày 29/4, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có Công văn số 2488/UBCK-QLKD yêu cầu các công ty chứng khoán tuân thủ các quy định liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Khách hàng theo dõi thị trường chứng khoán. Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN
Theo đó, đối với hồ sơ chào bán trái phiếu, các công ty chứng khoán tiếp tục thực hiện rà soát chặt chẽ, đảm bảo doanh nghiệp phát hành đáp ứng đầy đủ các điều kiện chào bán và hồ sơ chào bán trái phiếu theo quy định tại Nghị định số 153/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế (Nghị định 153) và pháp luật chứng khoán, chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc rà soát của mình.
Đối với các hợp đồng tư vấn đang triển khai, công ty chứng khoán phải rà soát lại toàn bộ hồ sơ của doanh nghiệp, chất lượng các thành phần hồ sơ cung cấp, đặc biệt là báo cáo tài chính, tài liệu chứng minh mục đích sử dụng vốn từ đợt phát hành trái phiếu, hồ sơ về tài sản đảm bảo để yêu cầu doanh nghiệp công bố lại thông tin cho Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) trước khi phát hành.
Hoạt động cung cấp dịch vụ tư vấn hồ sơ chào bán trái phiếu của công ty chứng khoán chịu sự quản lý, giám sát của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tổ chức tư vấn phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ báo cáo định kỳ cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Trường hợp vi phạm quy định của pháp luật khi cung cấp dịch vụ sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.
Đối với việc tổ chức đấu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành trái phiếu, công ty chứng khoán phải tuân thủ các quy định tại Nghị định 153 và hợp đồng cung cấp dịch vụ ký với doanh nghiệp phát hành. Công ty chứng khoán công bố đầy đủ, chính xác thông tin của doanh nghiệp phát hành, trái phiếu phát hành cho nhà đầu tư theo phương án phát hành, bản công bố thông tin chào bán trái phiếu đã được phê duyệt và chỉ chào bán trái phiếu cho nhà đầu tư đủ điều kiện mua trái phiếu theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định 153.
Hành vi cung cấp không chính xác, không đầy đủ thông tin và chào mời cho sai đối tượng nhà đầu tư sẽ bị xử phạt vi phạm theo quy định của pháp luật.
Đối với việc đăng ký, lưu ký trái phiếu, công ty chứng khoán rà soát toàn bộ các trái phiếu doanh nghiệp đang được đăng ký, lưu ký về khối lượng trái phiếu đăng ký, lưu ký, tình hình thanh toán gốc, lãi, số lượng và loại hình nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu tính đến thời điểm 15/4/2022, báo cáo về Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội trước ngày 5/5/2022.
Công ty chứng khoán cần tuân thủ quy định về việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp khi thực hiện chuyển nhượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, rà soát, lưu trữ hồ sơ về xác nhận tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp đảm bảo đầy đủ, trung thực, chính xác theo quy định tại Điều 11 Luật Chứng khoán, Điều 4, 5 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP của Chính phủ, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán.
Trường hợp công ty chứng khoán vi phạm quy định của pháp luật khi cung cấp dịch vụ sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.
Trong quá trình thực hiện, nếu phát hiện các hiện tượng, dấu hiệu bất thường, công ty chứng khoán phải chủ động báo cáo, phản ánh về Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các Sở Giao dịch Chứng khoán để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.
Trước đó, ngày 10/9/2021, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có Công văn số 5225/UBCK-QLKD về việc nhắc nhở các công ty chứng khoán tuân thủ Nghị định 153 và Thông tư số 122/2020/TT-BTC ngày 31/12/2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ công bố thông tin và chế độ báo cáo theo quy định của Nghị định 153.
Bộ Tài chính lên tiếng về tăng cường giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp Chiều 8/4, đại diện Bộ Tài chính cho biết: Tốc độ phát triển nhanh của thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã và đang phát sinh những rủi ro ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường cần được quản lý, giám sát chặt chẽ và có biện pháp xử lý. Doanh nghiệp phát hành phải công bố thông tin trung thực...