Bà Lê Thị Nga nêu các vụ án “khủng” để nói xử lý không có ngoại lệ
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, trong Báo cáo kinh tế – xã hội của Chính phủ cần nhấn mạnh hơn công tác phòng, chống tham nhũng. Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư, các cơ quan Tư pháp, Chính phủ đã đẩy mạnh công tác này.
Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp (ảnh Quochoi.vn).
Sáng nay (15.10), Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 28, cho ý kiến về Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội năm 2018 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2019; Giữa kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm 2016-2020.
Sau khi điểm qua những vấn đề tích cực được nêu trong Báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng, điểm nổi bật là khi có vấn đề bức xúc thì Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng, trưởng ngành đã có phản ứng kịp thời, đưa quan điểm ý kiến của mình. “Ví dụ như khi đại biểu Quốc hội phản ứng về công tác xây dựng luật, thể chế, Chính phủ đã tiếp thu, rất kịp thời chấn chỉnh”, bà Nga nói.
Vẫn theo bà Nga, công tác cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy cũng được đẩy mạnh. “Bộ Công an đã đi đầu trong cải cách hành chính, thu gọn bộ máy và kết quả đã giảm 6 Tổng Cục và 65 đầu mối cấp vụ và các bộ ngành khác như Công Thương, Tài chính…”, bà Nga nói.
Theo bà Lê Thị Nga đây là giai đoạn công tác phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh với phương châm nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, ở vị trí công tác nào, kể cả cán bộ đã nghỉ hưu.
Đối với Chính phủ mảng công tác phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh thể hiện ở hai lĩnh vực. Thứ nhất là công tác thanh tra đã đẩy nhanh kết luận thanh tra đối với những vụ được dư luận xã hội quan tâm như vụ Mobifone mua 95% của AVG, vụ bán cổ phần của Hãng phim truyện Việt Nam, đất đai ở Đà Nẵng, vụ Thủ Thiêm, những vụ việc này ngoài kết luận kịp thời còn được đôn đốc quyết liệt sau thanh tra.
Video đang HOT
Cũng theo bà Lê Thị Nga, thời gian qua cơ quan chức năng đã khởi tố, điều tra các vụ án phức tạp như vụ đường dây đánh nghìn tỷ trên mạng (liên quan đến cựu tướng Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa -PV), sai phạm của một số ngân hàng, vụ Đinh Ngọc Hệ (tức Út “trọc”), vụ liên quan tới Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”)… “Qua những vụ việc, vụ án nêu trên việc xử lý không có vùng cấm, ngoại lệ, đặc biệt chúng tôi đánh giá cao công tác điều tra”, bà Lê Thị Nga nói.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, việc phòng, chống tham nhũng vừa qua đã có tác động tích cực đến việc chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả chấp hành pháp luật, nâng cao kỷ luật chung trong công tác quản lý điều hành đất nước cho nên báo cáo của Chính phủ cần nhấn mạnh thêm.
“Những năm vừa rồi chúng ta lắng nghe nhân dân, lắng nghe doanh nghiệp, gắn với việc giải quyết những khiếu nại, bức xúc trong đời sống xã hội, cho nên giảm đi bức xúc trong đời sống xã hội”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nói và cho biết thêm, mặc dù trong xã hội vẫn còn những bức xúc cần tập trung giải quyết nhưng chỉ mang tính riêng lẻ ở phạm vi địa phương.
Trình bày Báo cáo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, nền kinh tế đã từng bước vượt qua khó khăn, thách thức, duy trì đà chuyển biến tích cực. Năm 2018 hoàn thành toàn diện 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao.
Thẩm tra các báo cáo của Chính phủ, UB Kinh tế đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá kỹ hơn một số vấn đề của năm 2018.
Cơ quan thẩm tra cho rằng, tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) dự báo đạt ở mức cao, ước đạt 6,7% nên cần phân tích rõ động lực của tăng trưởng này để bảo đảm duy trì mức tăng trưởng một cách ổn định.
Diễn biến mức tăng trưởng GDP của ba quý vừa qua có sự khác biệt so với kịch bản tăng trưởng kinh tế đã dự báo đầu năm do đó cần đánh giá đầy đủ tác động đến tăng GDP để có thể tiếp tục duy trì cho tăng trưởng GDP năm 2019 và năm cuối kế hoạch 5 năm 2016-2020.
Theo Danivet
Dân kiện chính quyền: Vì sao Chủ tịch tỉnh, thành phố "ngại" ra tòa?
Theo báo cáo của ngành chức năng, trong ba năm (2015-2017), 100% trường hợp Chủ tịch UBND và UBND không chấp hành án nhưng cơ quan Thi hành án đều không có văn bản kiến nghị xử lý trách nhiệm những người này.
Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (ảnh Quochoi.vn).
Ngày 22.8, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 10, cho ý kiến về dự thảo báo cáo của Đoàn giám sát của Ủy ban về việc chấp hành pháp luật về tố tụng hành chính trong giải quyết các vụ án hành chính và thi hành các bản án, quyết định hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch UBND, UBND.
Qua báo cáo của Chính phủ, các cơ quan tư pháp Trung ương và kết quả trực tiếp giám sát tại 10 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đoàn giám sát nhận thấy, Chủ tịch UBND, UBND nhiều địa phương chưa chấp hành nghiêm túc quy định của Luật tố tụng hành chính.
Có những địa phương, sau khi Luật tố tụng hình chính năm 2015 có hiệu lực thi hành, Chủ tịch UBND làm văn bản ủy quyền thường xuyên cho Phó chủ tịch UBND tham gia tố tụng, tuy nhiên sau đó Phó chủ tịch cũng chưa tham gia bất kỳ phiên đối thoại hoặc phiên tòa nào.
Dự thảo báo cáo giám sát cho biết, trong 3 năm, TAND TP. Hà Nội xét xử 189 vụ án nhưng chưa có vụ án nào Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội tham gia tố tụng. Trong khi đó, tại TP.HCM, năm 2017 có 260/260 vụ (chiếm 100%) không tổ chức đối thoại được do Chủ tịch UBND và đại diện UBND vắng mặt tại TAND TP.HCM.
Nói về vấn đề này, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình, ngoài đánh giá cao sự thẳng thắn của đoàn giám sát cũng có chia sẻ với các đồng chí Chủ tịch. Người đứng đầu ngành tòa án cho rằng, nếu thế các vị Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phải ra tòa liên tục, như ở TP.Hà Nội và TP.HCM có cả nghìn vụ án hành chính, mỗi ngày xử ba vụ thì phải có ba vị là chủ tịch hoặc phó chủ tịch ra tòa.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình thông tin thêm, tổng số các quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch UBND và UBND được thụ lý, giải quyết sơ thẩm, phúc thẩm là hơn 13.400 vụ, trong đó số bản án, quyết định bị sửa, hủy là 1.096 vụ; tỷ lệ hủy, sửa là 8,17% (cao nhất trong các loại án).
Về việc chấp hành pháp luật của cơ quan Thi hành án, theo dự thảo báo cáo, hạn chế lớn nhất trong công tác thi hành án hành chính là tình trạng cơ quan Thi hành án Dân sự và Chấp hành viên ngại va chạm với chính quyền địa phương.
Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, trong ba năm (2015-2017), 100% trường hợp Chủ tịch UBND và UBND không chấp hành án nhưng cơ quan Thi hành án đều không có văn bản kiến nghị xử lý trách nhiệm những người này. 100% trường hợp Chủ tịch UBND và UBND không chấp hành án nhưng cơ quan Thi hánh án Dân sự cũng không đề nghị Tổng cục Thi hành án Dân sự kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo, xử lý trách nhiệm người không chấp hành án.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh vấn đề giám sát là chủ đề nóng bỏng, được dư luận và nhân dân rất quan tâm.
Đây là loại án người dân kiện chính quyền và người đứng đầu chính quyền, bản thân quan hệ này đã hàm chứa sự bất bình đẳng. Qua giám sát cho thấy kết quả đạt được cũng nhiều và những tồn tại hạn chế cũng không ít, bà Nga nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng, cần phải làm rõ tại sao nhiều năm nay, từ khi có án này, chúng ta có một đánh giá thường trực là thẩm phán, kiểm sát viên, chấp hành viên ngại va chạm, nể nang trong xét xử, kiểm sát và thi hành loại án này.
Nguyên nhân là ở đâu, tại sao ngại va chạm, tại sao nể nang? Ở đây tính lệ thuộc của hệ thống tư pháp vào hành pháp ở chỗ nào? Tưởng là ở huyện nể nang nên khó làm, nhưng lên tỉnh cũng nể nang, vậy bản chất của nể nang lý do là gì? Có phải chăng là tính lệ thuộc giữa những chức danh tư pháp này đối với Chủ tịch UBND và UBND, và nếu lệ thuộc thì lệ thuộc ở chỗ nào?, bà Nga nêu ra hàng loạt vấn đề.
Theo dự thảo báo, số bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án mà Chủ tịch UBND, UBND phải thi hành là 744 bản án, quyết định; đã thi hành được 694 bản án, quyết định (đạt tỷ lệ 93,28%), còn 50 bản án, quyết định chưa thi hành. Đến ngày 30.4.2018, tiếp tục có 14/50 bản án, quyết định được thi hành xong. Đến nay, theo báo cáo của Chính phủ, còn 36 bản án, quyết định chưa được Chủ tịch UBND, UBND thi hành. Thậm chí có bản án có hiệu lực từ 2011 đến nay nhưng vẫn chưa được thi hành...
Theo Danviet
Án hành chính: 'Quan' không ra tòa!? Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nêu hàng loạt câu hỏi khó: Vì sao chủ tịch, phó chủ tịch cấp tỉnh không ra tòa, không đối thoại trước khi xét xử... Ngày 22-8, Ủy ban Tư pháp họp phiên toàn thể, cho ý kiến về dự thảo báo cáo của đoàn giám sát của ủy ban về việc chấp hành...