Bà Lê Hoàng Diệp Thảo “tố” tòa sơ thẩm làm sai lệch hồ sơ, đề nghị hủy án sơ thẩm
Phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án ly hôn giữa “vua” cà phê Đặng Lê Nguyên Vũ và vợ là bà Lê Hoàng Diệp Thảo chưa được mở lại, bà Thảo là nguyên đơn kháng cáo bản án tiếp tục đưa ra các lý do yêu cầu cấp phúc thẩm hủy án sơ thẩm vì nhiều vi phạm nghiêm trọng.
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo
Theo bà Lê Hoàng Diệp Thảo, tòa án cấp sơ thẩm có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ vụ án khi tách phần giải quyết tranh chấp liên quan đến Công ty Trung Nguyen International.
Vụ kiện ly hôn với ông Đặng Lê Nguyên Vũ được bà nộp từ năm 2015. Năm 2017, TAND TP Hồ Chí Minh đã tạm đình chỉ giải quyết vụ án với lý do phải đợi kết quả giải quyết vụ tranh chấp cổ đông Công ty Trung Nguyên International của Tòa án Singapore.
Tuy nhiên, chỉ 17 ngày sau khi có quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án, TAND TP Hồ Chí Minh đã có quyết định tách vụ án, phần giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản tại Công ty Trung Nguyen International sẽ được tách ra để giải quyết sau.
Song, ngay sau đó, chính TAND TP Hồ Chí Minh đã ra quyết định hủy bỏ quyết định tách vụ án vì cho rằng quyết định tách vụ án không có căn cứ. Hơn nữa, tài sản tại Công ty Trung Nguyen International cũng là tài sản chung của vợ chồng ông Vũ và bà Thảo.
Không được bao lâu, những người có quyền lợi liên quan đến vụ án đã khiếu nại yêu cầu giữ nguyên quyết định tách vụ án. Vì vậy, TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đã chấp nhận đơn khiếu nại và hủy bỏ quyết định “sửa sai” của TAND TP Hồ Chí Minh, giữ nguyên quyết định tách vụ án ban hành trước đó.
Như vậy, với quyết định này, khoản đầu tư ra nước ngoài có tranh chấp tàin sản chung của vợ chồng ông Vũ và bà Thảo đã bị tách để giải quyết thành vụ án khác.
Video đang HOT
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo khẳng định, tòa án Singapore đã có quyết định về việc này, với nội dung đình chỉ giải quyết vụ kiện đòi tài sản. Như vậy, việc giải quyết vụ án liên quan đến Trung Nguyen International đã kết thúc và tranh chấp tài sản này cũng phải được đưa vào giải quyết cùng một vụ án mới đảm bảo đúng pháp luật.
Song, quá trình giải quyết vụ án tại cấp sơ thẩm, TAND TP Hồ Chí Minh đã không giải quyết phần tranh chấp liên quan đến khoản đầu tư vào Công ty Trung Nguyen International tại Singapore.
Đặc biệt, bà Lê Hoàng Diệp Thảo cho rằng “tòa ban hành một loạt các quyết định liên quan đến quyền lợi của tôi nhưng tôi lại không nhận được các văn bản tố tụng của tòa án cấp sơ thẩm. Việc này đã xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp của tôi. Đây là việc cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án của thẩm phán xét xử sơ thẩm”.
Theo Luật sư Ngô Trung Kiên, ĐLS tỉnh Hà Giang, việc tách vụ án trong trường hợp này rõ ràng là không hợp lý. Tài sản có tranh chấp tài sản chung vợ chồng bà Thảo và ông Vũ tồn tại dưới nhiều loại hình khác nhau, trong đó có cả các khoản đầu tư ra nước ngoài. Do đó, khi giải quyết vụ án ly hôn và tranh chấp tài sản, việc tách riêng một số tài sản ra để giải quyết trong vụ án khác là không toàn diện.
Hơn nữa, “các quyết định tố tụng của tòa án phải được tống đạt kịp thời cho đương sự để đương sự thực hiện quyền và nghĩa vụ hợp pháp của mình. Nếu có bằng chứng cho thấy, tòa án không tống đạt các quyết định tố tụng như quyết định tách vụ án, quyết định giải quyết khiếu nại liên quan đến tách vụ án” thì đương sự sẽ không thực hiện đủ các quyền của mình, có thể làm ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả giải quyết vụ án”, Luật sư Ngô Trung Kiên khẳng định.
Trước đó, trong đơn kháng cáo, bà Lê Hoàng Diệp Thảo cũng đã liệt kê một loạt nội dung bị cho là vi phạm của TAND TP Hồ Chí Minh như việc không tổ chức công khai tiếp cận chứng cứ; không đình chỉ giải quyết vụ án khi đương sự rút yêu cầu; chia tài sản theo tỷ lệ 6/4 không có căn cứ.
Ngoài ra, VKS TP Hồ Chí Minh cũng có quyết định kháng nghị bản án sơ thẩm với 11 căn cứ cho rằng TAND TP Hồ Chí Minh đã vi phạm trong xét xử sơ thẩm.
Trong kháng nghị của VKS TP Hồ Chí Minh cho rằng, TAND TP Hồ Chí Minh không chấp hành quy định của Bộ luật tố tụng dân sự về công khai chứng cứ và kiểm tra việc giao nộp chứng cứ khi ông Đặng Lê Nguyên Vũ có yêu cầu phản tố, yêu cầu chia tiền, vàng và ngoại tệ mà ông Vũ cho rằng bà Thảo đang gửi ngân hàng.
Một nội dung nữa đáng nói, được VKS TP HCM nêu trong quyết định kháng nghị bản án sơ thẩm là việc Tòa không đình chỉ giải quyết yêu cầu khởi kiện bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã có đơn rút đơn yêu cầu khởi kiện.
Luật sư Lê Văn Kiên, ĐLS Hà Nội cho biết, theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự thì Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó. Việc tòa án tiếp tục giải quyết vụ án mà đương sự đã rút đơn là không đúng.
Với những nội dung mà bà Lê Hoàng Diệp Thảo phản ánh và những vi phạm bị VKS nêu rõ, vụ ly hôn giữa vợ chồng ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo cần phải được giải quyết bằng một bản án khách quan và đúng pháp luật.
Bình Minh
Theo baophapluat.vn
Trung Nguyên phản đòn, tố chính bà Diệp Thảo cung cấp "hồ sơ giả"
Sau khi bị bà Lê Hoàng Diệp Thảo tố làm giả tài liệu, Trung Nguyên đã phản đòn mạnh mẽ, tố ngược lại.
Vụ kiện tranh chấp về quyền điều hành Tập đoàn Trung Nguyên giữa bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ vẫn còn diễn biến phức tạp.
Tập đoàn Trung Nguyễn khẳng định những tài liệu mà bà Lê Hoàng Diệp Thảo tố Trung Nguyên làm giả là do chính bà Thảo cung cấp cho cơ quan chức năng.
Cụ thể, trong thông báo phát đi ngày 11/7, bà Võ Thị Hà Giang, Giám đốc truyền thông Tập đoàn Trung Nguyên cho biết, ngày 30/6 Công ty Trung Nguyên nhận được đơn khiếu nại của bà Lê Hoàng Diệp Thảo khiếu nại công văn số 56/TA-KT ngày 28/06/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương về việc trả lời đơn kiến nghị chuyển hồ sơ sang Cơ quan điều tra - Công an tỉnh Bình Dương về hành vi Công ty Trung Nguyên làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức (ký hiệu A3-2).
Trước đó sáng 2/7, bà Lê Hoàng Diệp Thảo (vợ ông Đặng Lê Nguyên Vũ, chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên) cho biết, Viện khoa học hình sự (Bộ Công An) vừa ra quyết định giám định ngày 24/5/2019 liên quan đến các hồ sơ tài liệu của Tập đoàn Trung Nguyên. Kết luận giám định này nêu rõ trong hồ sơ các chữ "Công ty CP Cà phê Trung Nguyên" tại dòng chữ in thứ 10 tính từ trên xuống trên trang 2 trên mẫu Biên bản họp Đại hội đồng cổ đông ngày 26/12/2011 bị cắt ghép.
Như vậy, từ kết quả giám định cho thấy: các giấy tờ mà đại diện theo ủy quyền của Công ty cổ phần Cà phê hòa tan Trung Nguyên (Trung Nguyên IC) - luật sư Nguyễn Duy Phước (cũng là phó phòng pháp lý của Trung Nguyên) và Sở KH-ĐT tỉnh Bình Dương cung cấp cho Tòa án Bình Dương đã có dấu hiệu cắt ghép, sửa chữa so với bản gốc. "Các thành viên trong nhóm thao túng đã cung cấp bộ hồ sơ giả mạo này để lập ra Giấy đăng ký kinh doanh lần 8 trái pháp luật, cướp tài sản của tôi tại Trung Nguyên IC", bà Thảo nêu.
Phía Trung Nguyên cho rằng, căn cứ nội dung tại các kết luận giám định của Viện khoa học hình sự (Bộ Công an) thì tài liệu có dấu hiệu cắt ghép là do Sở KH-ĐT tỉnh Bình Dương cung cấp cho tòa án. Mà các tài liệu này là do chính bà Lê Hoàng Diệp Thảo cung cấp cho Phòng đăng ký kinh doanh của Sở KH-ĐT tỉnh Bình Dương.
Cụ thể, căn cứ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp của Công ty cổ phần cà phê hòa tan Trung Nguyên được lưu giữ tại Sở KH-ĐT tỉnh Bình Dương qua 8 lần thay đổi đều do bà Lê Hoàng Diệp Thảo - người đại diện trước đây của Công ty cổ phần cà phê hòa tan Trung Nguyên ủy quyền cho ông Nguyễn Văn Toản đi nộp hồ sơ. Trung Nguyên cho rằng, việc bà Thảo yêu cầu giám định các hồ sơ do chính bà Thảo nộp cho Sở KH-ĐT tỉnh Bình Dương là nhằm kéo dài thời gian giải quyết vụ án để chiếm giữ trái phép Chi nhánh công ty cổ phần cà phê hòa tan Trung Nguyên tại Bắc Giang.
Đại diện Trung Nguyên còn nhắc lại vụ việc bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã từng giả mạo chữ ký của ông Đăng Lê Nguyên Vũ để chuyển nhượng bất hợp pháp toàn bộ tài sản (7,5 triệu cổ phần) của Công ty Trung Nguyên Singapore PTE.LTD sang cho cá nhân mình làm chủ sở hữu với chỉ 1 SGD (một đô la Singapore). Vụ án đã được Tòa án tối cao Singapore thụ lý giải quyết trên cơ sở kết luận giám định chữ ký giả mạo ngày 7/4/2016.
Đại diện Tập đoàn Trung Nguyên một lần nữa đưa ra các dẫn chứng để chứng minh ông Đặng Lê Nguyên Vũ chính là người sáng lập và xây dựng Tập đoàn Trung Nguyên từ ngày khởi nghiệp năm 1996 đến nay.
Trước đó ngày 27/3, Tòa án nhân dân TP HCM đã tuyên án vụ kiện ly hôn giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo bằng bản án sơ thẩm, kết thúc 5 năm cuộc tranh chấp giữa hai nhân vật nổi tiếng này.
Tuy nhiên, chỉ một ngày sau, Tòa án nhân dân TP.HCM lại áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với ông Đặng Lê Nguyên Vũ bằng một vụ kiện khác do chính bà Lê Hoàng Diệp Thảo khởi kiện. Đó là vụ kiện thứ 19 mà bà Thảo khởi kiện ông Vũ, và tòa án đã 12 lần áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời với ông Vũ.
Theo baogiaothong
Tranh chấp con dấu công ty Trung Nguyên: Có thể xin cấp lại không cần cưỡng chế "Nếu xác minh đúng được là con dấu của công ty Trung Nguyên bị thất lạc, thì công ty Trung Nguyên có thể báo cáo đến cơ quan công an ở địa phương và sau đó làm thủ tục cấp lại con dấu mới" - luật sư Trương Anh Tú chia sẻ. Trong diễn biến mới nhất liên quan đến vụ ly hôn...