Bà lão 85 tuổi nuôi ba con tâm thần
Hơn nửa thế kỷ, bà Trần Thị Nhật (huyện Thạch Thành, Thanh Hóa) chưa được một ngày nghỉ ngơi vì phải chăm sóc ba đứa con bị tâm thần. Ở tuổi gần đất xa trời, bà vẫn sợ ngày nào đó qua đời, các con ngây dại sẽ bơ vơ.
Bữa cơm của gia đình bà Nhật. Ảnh: Hoàng Phương.
Căn nhà tuềnh toàng cuối thôn 1 (xã Thành Kim) là nơi ở của bà Nhật và ba con tâm thần. Mâm cơm bà Nhật dọn vội trên manh chiếu rách chỉ vỏn vẹn bát canh và đĩa cá kho mặn. Người mẹ già ngồi gắp thức ăn cho hai cô con gái, nếu không thì cả hai chỉ ăn cơm trắng. Người con gái lớn khó nhọc đưa cơm lên miệng, cánh tay teo tóp, co quắp không giữ nổi chiếc thìa làm cơm vung vãi ra chiếu. Người mẹ già dừng đũa, tự tay bón cho con ăn. Thấy thế, cô chị quay sang nhìn cô em rồi cả hai cười hềnh hệch.
Chốc chốc, bà lại chạy ra gắp thêm miếng cá vào bát cơm cho anh con trai đứng ngoẹo cổ ở góc thềm. Bà Nhật cho biết, từ bé tới giờ đứa con ấy chỉ toàn đứng ăn một mình. Ở tuổi 85, lẽ ra bà Nhật đã lên chức cụ và an hưởng tuổi già nhưng hơn nửa thế kỷ qua, bà chưa một ngày được nghỉ ngơi chỉ vì chăm “đàn con mọn”.
Năm 1957, bà kết hôn cùng ông Trần Văn Tá rồi 7 người con (2 trai, 5 gái) lần lượt ra đời. Ông Tá từng là thanh niên xung phong phục vụ ở chiến trường Điện Biên Phủ, Bình Trị Thiên. Người con trai đầu là Trần Văn Chung đã mất, 3 người còn lại bị tâm thần là Trần Thị Hiền (51 tuổi), Trần Văn Hùng (48 tuổi), Trần Thị Vinh (40 tuổi), còn 3 cô con gái sinh sau may mắn không bị tật nguyền như các anh chị. Ba cô đều đi lấy chồng xa, cả năm mới về thăm mẹ được vài lần. Hoàn cảnh các con khó khăn, không giúp được gì nên một mình bà gánh vác tất cả.
Lúc mới sinh, Hiền, Hùng, Vinh đều là những đứa trẻ bình thường, kháu khỉnh. Nhưng lớn lên, chẳng ai nói được câu gì mà chỉ ú ớ. Vợ chồng bà Nhật đưa các con chạy chữa khắp trong Nam, ngoài Bắc gần chục năm nhưng không có kết quả. Bệnh tình của cả 3 người dần nặng hơn. Anh Hùng đầu ngoẹo sang một bên, bước đi tập tễnh, cả ngày lang thang khắp làng trên xóm dưới, làm bạn với trẻ chăn trâu. Hai cô con gái chân tay co quắp, ngày càng teo nhỏ lại.
Nhắc đến người con trai đầu, bà lặng người rồi thở dài. Năm 15 tuổi, anh Chung bị ngã xuống suối khi đi chăn trâu. Bà bảo, nếu còn sống “thằng bé” đã hơn 50 tuổi, có lẽ đã lên chức ông. Dù bị câm nhưng Chung lanh lợi nhất nhà, biết chăn trâu, cắt cỏ, trông em cho bố mẹ đi làm. Đau buồn khi thấy những đứa con bị tâm thần, cộng thêm cuộc sống lao lực, ông Tá lâm bệnh nặng rồi mất 2 năm trước.
Mùa đông vùng núi lạnh thấu da thịt, nhưng ba người con của bà Nhật quanh năm chỉ mặc độc manh áo cánh mỏng, chân không bao giờ đi dép. Ảnh: Hoàng Phương.
Mỗi khi nói chuyện với các con, bà Nhật phải ra dấu hiệu. Ngoài bà, người trong làng chẳng ai hiểu Hiền, Hùng, Vinh muốn nói gì. Nhiều lúc, chính người mẹ cũng không biết những đứa con ú ớ, khua chân múa tay đang muốn truyền đạt điều gì.
Video đang HOT
Cả ngày bà không dám đi đâu xa, đi chợ cũng chỉ mua mớ rau, con tép rồi nhanh chóng trở về nhà trông con. Có hôm về thấy cậu con trai đang xông vào đánh chị, bà phải tri hô xóm làng đến can ngăn. Chị Hiền đầu chảy máu ngồi khóc vạ ở góc nhà, còn anh Hùng ngửa mặt lên trời cười khoái chí. Tức mình, bà mắng con trai mấy câu.
Đến tối mịt không thấy con về, bà lật đật đi tìm thì thấy anh ngồi co ro trên đồi, đói rét đến thâm tím mặt mày. Từ đó, bà không dám nặng lời, sợ anh bỏ đi lại không biết đường về nhà. “Thằng Hùng nhìn vậy mà cục tính lắm. Nó không nói được, còn người khác nói nó vẫn hiểu. Tôi dỗ nó còn khó hơn dỗ trẻ con lên ba”, bà lão tâm sự.
Cô con út Trần Thị Vinh dáng người nhỏ thó, thỉnh thoảng đang đi lại bị ngã nhào ra đất, có người đỡ mới đứng dậy được. Chị Vinh được xóm giềng khen là ngoan nhất trong số ba anh chị em vì biết thổi cơm, đuổi gà, không hay gây chuyện như các anh chị.
Mùa đông vùng núi lạnh thấu da thịt, nhưng ba người con của bà Nhật quanh năm chỉ mặc manh áo cánh mỏng, chân không bao giờ đi dép. Bà cho hay, cứ đưa quần áo là cả ba lại vứt hoặc xé rách, không bao giờ chịu mặc. Hôm nào trời ấm, bà gom cả ba lại rồi tắm gội cho con. “Qua mùa đông này, chắc tôi phải cắt hết tóc của chúng đi. Chải đầu xong cho cả ba đứa là tay mỏi nhừ”, bà Nhật cho hay.
Nhìn các con đùa nghịch nhau ở bể nước như những đứa trẻ mới lên ba, bà lão 85 tuổi buồn bã tư lự, chỉ sợ sau này khuất núi, ba con sẽ bơ vơ. Hiện, cả gia đình bốn người sống nhờ vào đồng trợ cấp tàn tật ít ỏi của các con và tiền hỗ trợ người cao tuổi của mẹ. Năm 2010, UBND xã Thành Kim hỗ trợ 8 triệu để gia đình bà Nhật sửa sang lại căn nhà, lấy chỗ che mưa nắng.
Ông Trần Ngọc Phong, Trưởng thôn 1 cho biết, cả thôn có 3 hộ nghèo thì gia đình bà Nhật có hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh nhất. Mỗi dịp Tết đến, thôn xóm cũng có tặng quà và hỗ trợ gạo ăn nhưng chỉ giúp được một phần.
Theo VNE
Bà mẹ gần nửa thế kỷ chăm 3 con tâm thần
Từ khi chồng qua đời vì bệnh tật, một mình bà Đinh Thị Định ở huyện Kim Bảng, Hà Nam, chăm 3 người con tâm thần. Có lần lên cơn điên, đàn con đuổi đánh rồi cười hềnh hệch khi thấy mẹ ngã lăn ra đất.
Bà Định bên ba đứa con tâm thần. Ảnh: Văn Định.
Hàng ngày bà Định (73 tuổi) ở xóm 6, xã Thị Sơn (Kim Bảng) lại tất bật dậy sớm để lo cơm nước, giặt giũ cho 3 đứa con điên dại. Nhẹ nhàng lau mặt, chải chuốt cho từng đứa, xong xuôi bà mới rửa mặt cho mình. Ở tuổi thất thập nhưng bao năm qua bà vẫn sống cảnh "chăm con mọn".
Với lấy chiếc lược, bà khẽ chải mái tóc cho Mai. Thấy vậy cô út tên Mài không chịu thua kém liền làm nũng rồi giả vờ ngã ra giường đòi mẹ làm giống chị. Còn đứa con trai tên Bình thì ngồi cười. Trong lúc mẹ chuyện trò với khách, ba đứa con ngây dại ngồi thành hàng trên chiếc phản gỗ.
Ngày còn trẻ, bà Định nức tiếng trong vùng là người nết na, thùy mị. Ông Nguyễn Văn Truyền, người cùng làng, hết lòng theo đuổi và không lâu sau họ nên duyên vợ chồng. Khi bà đang mang thai người con đầu là Nguyễn Văn Thùy, ông nhà lên đường nhập ngũ.
Chồng đi bộ đội, một mình bà Định vừa chăm con vừa chạy chợ. Đầu năm 1968 khi đang chiến đấu ở mặt trận Nam Lào, ông Truyền bị trọng thương, đạn găm vào mạng sườn nên phải rời quân ngũ về quê điều trị. Cuối năm ấy, vợ chồng bà Định vui mừng sinh thêm cô con gái và đặt tên là Nguyễn Thị Hòa.
Sinh ra chân, tay Hòa teo tóp khác thường. Lên 5 tuổi, cô bé vẫn không biết nói, biết đi và chỉ nằm một chỗ. 3 người con tiếp theo là Nguyễn Văn Bình (sinh năm 1970), Nguyễn Thị Mai (sinh năm 1973) và Nguyễn Thị Mài (sinh năm 1981) sinh ra đều có biểu hiện không bình thường.
Hơn 40 năm qua, bà chưa một ngày được nghỉ ngơi tuổi già. Ảnh: Văn Định.
Thấy bệnh tình các con ngày càng nặng, nhiều lần vợ chồng bà bồng bế đưa 4 đứa lên viện khám. Các bác sĩ thông báo tất cả đều bị nhiễm dioxin mức cao nhất. Lúc bấy giờ, bà Định mới nhớ ông Truyền bị nhiễm chất độc hóa học Mỹ rải xuống lúc ở chiến trường.
4 đứa con tâm thần la hét suốt ngày khiến bà Định suy sụp. Những lúc ông Truyền đi làm đồng, bà ở nhà lo tắm rửa, vệ sinh, ăn uống cho các con. Nhiều khi bà tranh thủ đi chợ bán mớ rau lấy tiền chi tiêu hàng ngày. Hoàn cảnh nghèo túng nên anh Thùy, người con duy nhất lành lặn từ nhỏ được họ hàng ở Hải Dương đưa về nuôi. Hiện anh đã lập gia đình nhưng vì nghèo nên thi thoảng mới về thăm gia đình.
Suốt 36 năm nằm liệt giường, năm 2004 chị Hòa, đứa con gái thứ hai của ông bà qua đời. Được xem là "thông minh" hơn cả, anh Bình luôn là cánh tay phải đắc lực giúp bà Định quét nhà, nấu ấm nước. Tuy nhiên, bà phải luôn phải để mắt dè chừng lúc Bình "ham chơi quên nhiệm vụ".
Càng lớn, chị Mai càng nổi nhiều nốt đỏ khắp người. Thấy ánh sáng là chị lại chui vào gầm giường để trốn. Suốt ngày Mai ở trong buồng tối om, thấy mặt trời là la hét inh ỏi. Mỗi lần như vậy bà lại vuốt ve để Mai qua cơn ngứa rát. "Nó la hét, khắp người phồng rộp nên cả đêm tôi phải ngồi xoa. Nhiều khi ngứa quá, con bé lấy tay tát bùm bụp vào mặt mẹ. Đem đi khám thì nhất định không chịu đi, có lần còn đánh cả bác sĩ", bà Định kể.
Còn chị Mài mỗi lần lên cơn điên vớ được cái gì ném cái đó. Hễ nhìn thấy lửa, Mài lại lao đầu vào như "con thiêu thân". Bởi vậy, tóc mọc dài được một thời gian lại trụi lủi. Bà Định thường phải cất bật lửa, nếu không Mài lại châm lửa đốt hết tóc.
Có lần, bà Định lôi Mài ra tắm liền bị con nhấn đầu xuống nước tát tới tấp vào mặt rồi ngửa mặt lên cười hềnh hệch. "Cũng may lần đó chị hàng xóm ghé qua chơi không thì tôi bị nó nhấn chết ngạt dưới chậu nước. Từ sau lần ấy, hễ tắm là tôi phải nhờ bà con lối xóm qua giúp", bà tâm sự.
Bà Định chỉ những vết thương do đàn con lúc lên cơn điên gây ra. Ảnh: Văn Định.
Nhiều lần lên cơn điên, các con cầm gậy đuổi đánh mẹ. Lúc đó bà chỉ biết chạy. Thấy mẹ ngã chúi dưới đất, ba đứa con "cười hả hê". Đến bữa cơm, bà phải đợi cho các con ăn xong rồi mới và vài miếng cho qua bữa. Hôm nào có thức ăn, Mài mới chịu ăn. Nếu bữa cơm không có thịt, cá lọt bụng, bà lão lại bị con đánh.
Hơn 40 năm qua đến một tiếng gọi mẹ bà Định cũng chưa một lần được nghe từ các con. Vậy nhưng bà vẫn tâm niệm: "Cũng may vợ chồng tôi vẫn còn được làm cha mẹ chứ nhiều chiến sĩ phải bỏ lại xương máu nơi chiến trường, một đi không bao giờ trở về nữa".
Trước còn khỏe, hàng ngày bà vẫn đi chợ bán rau lo chi tiêu cả gia đình nhưng 2 năm trở lại đây sức khỏe yếu nên thi thoảng bà mới đi. Tháng 5/2012, ông Truyền qua đời vì bệnh cũ tái phát. Giờ đây số tiền trợ cấp mỗi người con được 1,1 triệu đồng/tháng là nguồn chi tiêu duy nhất của người mẹ già và 3 đứa con điên dại.
Nhắc đến ba người con tâm thần, bà Định trăn trở: "Tôi lo lúc mình chết đi không biết ba đứa sẽ sống ra sao. Anh cả của chúng nó nghèo lắm, sợ gánh vác không nổi".
Ông Đinh Văn Dậu, trưởng xóm 6 cho biết, các con bà Định bị nhiễm chất độc hóa học nặng. Chính quyền các cấp cũng thường xuyên thăm hỏi và hỗ trợ để động viên gia đình. Năm 2005, Hội cựu chiến binh huyện Kim Bảng và nhân dân xã Thi Sơn đã giúp đỡ dựng cho gia đình bà Định căn nhà tình thương.
"Bà Định có tới 3 người con bị nhiễm chất độc da cam. Tuy đã tuổi cao, sức yếu nhưng bao năm qua bà vẫn tự tay chăm sóc các con. Chính quyền đã nhiều lần động viên, giúp đỡ nhưng chỉ được phần nào", ông Dậu chia sẻ.
Theo VNE
Phát lộ ngôi mộ táng của người tiền sử Khai quật hang Con Moong (Thanh Hóa), các nhà khảo cổ phát hiện hàng tấn vỏ ốc, rất nhiều công cụ lao động. Giá trị nhất là tìm thấy di cốt của người tiền sử được chôn cất trong ngôi mộ táng niên đại cả chục nghìn năm. Nằm trong vùng đệm rừng quốc gia Cúc Phương, hang Con Moong (thuộc bản Mọ,...