Ba Lan tuyên bố cứng rắn về giải quyết khủng hoảng biên giới với Belarus
Ba Lan đang có bước đi khiến Belarus hết sức lo ngại. Warsaw dự định áp dụng biện pháp kiểm soát chặt chẽ tại cửa khẩu đường sắt lớn nhất giữa Belarus và Ba Lan.
Người di cư tập trung tại cửa khẩu Kuznica (Ba Lan), giáp với Belarus, ngày 15/11/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo hãng thông tấn UNIAN (Ukraine) ngày 10/7, Ba Lan cho biết sẽ làm mọi cách có thể để giải quyết cuộc khủng hoảng di cư ở biên giới với Belarus.
Điều này đã được Thứ trưởng Quốc phòng Ba Lan Cezariy Tomczyk tuyên bố khi Warsaw đang cân nhắc các lựa chọn, có thể bao gồm việc đóng cửa biên giới còn lại.
Biên giới giữa Ba Lan và Belarus đã trở thành điểm nóng khi các quan chức phương Tây cáo buộc Chính phủ Belarus đưa người di cư từ bên ngoài châu Âu đến Ba Lan, gọi đây một hình thức “chiến tranh hỗn hợp”.
Video đang HOT
Thứ trưởng Quốc phòng Tomczyk nêu rõ: “Chúng tôi sẵn sàng cho mọi quyết định trong vấn đề này, bởi vì chúng tôi sẽ không cho phép cuộc khủng hoảng di cư do Belarus gây ra kéo dài vô thời hạn”.
Theo ông Tomczyk, nỗ lực giải quyết khủng hoảng của Ba Lan bao gồm cải thiện công sự, hàng rào và tăng cường an ninh biên giới, nhưng Warsaw cũng đang gửi đi một tín hiệu chính trị mạnh mẽ rằng tình hình hiện tại “không thể kéo dài mãi”.
Khi được hỏi liệu Bắc Kinh có thể giúp Ba Lan chấm dứt khủng hoảng hay không, Thứ trưởng Quốc phòng Tomczyk cho biết ông tin rằng Trung Quốc không muốn có tình huống xấu ở biên giới: “Trung Quốc là một bên tham gia toàn cầu. Trung Quốc có lợi ích toàn cầu ở châu Âu. Và họ sẽ tiếp cận châu Âu bằng cách nào đó phù hợp”.
Điều đáng chú ý là Ba Lan đã đóng cửa hoàn toàn 4/6 cửa khẩu biên giới với Belarus do căng thẳng trong quan hệ với nước này.
Cùng ngày, truyền thông Belarus đưa tin Ba Lan đã cấm xe ô tô đăng ký biển số Belarus vào Ba Lan mà không có chủ sở hữu. Lệnh cấm được giải thích là do những thay đổi trong quy định của Hội đồng châu Âu về lệnh trừng phạt đối với Belarus.
Các phương tiện thông tin đại chúng cũng đưa tin Ba Lan đã đóng cửa cửa khẩu biên giới duy nhất trên biên giới Ba Lan – Belarus dành cho vận chuyển hàng hóa đường bộ nhập cảnh từ Belarus. Vì thế, từ ngày 10/7, Ba Lan sẽ không tiếp nhận xe chở hàng đi từ Belarus qua trạm kiểm soát Kozlovichi.
Trước đó, UNIAN đưa tin rằng căng thẳng đang gia tăng ở biên giới giữa Belarus và Ba Lan do số lượng người di cư tìm cách vào lãnh thổ EU ngày càng tăng. Ba Lan và EU cáo buộc Belarus và Nga tìm cách gây hỗn loạn ở biên giới từ năm 2021.
Belarus cáo buộc NATO triển khai hàng nghìn quân ở biên giới
Tổng tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Belarus Pavel Muraveiko cho biết 10 tiểu đoàn chiến thuật của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vẫn đóng quân gần biên giới nước này với các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU).
Binh sĩ Ba Lan dựng rào chắn thép gai tại khu vực biên giới với Belarus tháng 8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
"Hiện nay, có 10 nhóm chiến thuật cấp tiểu đoàn của NATO với tổng số trên 20.000 binh sĩ đang hiện diện gần biên giới của chúng tôi. Trong số đó, 6 tiểu đoàn là binh sĩ Mỹ. Tại sao họ triển khai quân đội ở đây? Họ nói rằng đó chỉ là tạm thời", đài Sputnik dẫn tuyên bố của Thiếu tướng Muraveiko, người cũng đang giữ chức Thứ trưởng Quốc phòng thứ nhất của Belarus hôm 30/6.
Ông Muraveiko nhắc lại câu ngạn ngữ "không có gì lâu dài hơn một thứ tạm thời", đồng thời nhấn mạnh động thái trên của NATO là "phiền phức và căng thẳng".
Quan chức quân sự này nói thêm tình hình này thúc đẩy Minsk phải đánh giá cẩn trọng mọi hành động của NATO. Ông tuyên bố Belarus đang nghiên cứu các kỹ thuật và phương pháp mà phía NATO đang sử dụng và đã vạch ra các phương án để đáp trả "tất cả những hành động khiêu khích có thể xảy ra".
Trước đó, hôm 29/6, chỉ huy lực lượng Không quân Belarus Andrei Severinchik cho biết không phận nước này ở khu vực biên giới vẫn trong tình trạng khá căng thẳng.
Trên trang Telegram của Bộ Quốc phòng Belarus, ông Severinchik nêu rõ: "Chúng tôi sẵn sàng kiên định sử dụng mọi lực lượng và công cụ khả thi để bảo vệ lãnh thổ quốc gia cũng như nhân dân Belarus khỏi nguy cơ khiêu khích tiềm tàng trên không phận".
Trước đó cùng ngày, Bộ Quốc phòng Belarus tuyên bố sở hữu thông tin chứng minh Ukraine đã chuyển dịch binh sĩ, vũ khí và thiết bị quân sự đến khu vực Zhytomyr giáp với Belarus.
Ukraine chưa phản hồi về thông tin này.
Kể từ khi Moskva triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022, các quốc gia thành viên NATO và EU đã áp nhiều lệnh trừng phạt với Belarus, nước đồng minh thân cận của Nga. Minsk đã liên minh chặt chẽ với Moskva trong hoạt động quân sự ở Donbass, với sự ủng hộ chính trị mạnh mẽ của Tổng thống Alexander Lukashenko.
Mỹ - Hàn họp Nhóm tư vấn hạt nhân song phương lần thứ ba Mỹ và Hàn Quốc ngày 10/6 đã khai mạc phiên họp thứ 3 của Nhóm tư vấn hạt nhân song phương (NCG) tại Seoul trong bối cảnh căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên gia tăng. Cuộc họp cấp thứ trưởng Quốc phòng với sự tham gia của các quan chức chính sách an ninh, quốc phòng và đối ngoại của hai nước....