Ba kịch bản của tỷ giá nhân dân tệ
Diễn biến tỷ giá nhân dân tệ (NDT) trong thời gian tới sẽ phụ thuộc vào hướng đi của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Nếu cuộc chiến này bùng nổ toàn diện, tỷ giá NDT so với đồng đô la Mỹ có thể giảm đến 10%, kéo theo sự giảm giá khác của các đồng tiền khác trong khu vực châu Á, theo nhận định của giới phân tích.
Cuộc đối đầu thương mại Mỹ-Trung đã kéo dài hơn một năm và bắt đầu có dấu hiệu chuyển thành một cuộc chiến tiền tệ sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc ( PBoC) ấn định tỷ giá tham chiếu nhân dân tệ so với đô la Mỹ yếu hơn mức 7 NDT ăn 1 đô la vào cuối tuần trước, khiến Bộ Tài chính Mỹ dán nhãn “thao túng tiền tệ” đối với Trung Quốc.
Trong một báo cáo mới đây, các nhà phân tích ở bộ phận nghiên cứu toàn cầu của Ngân hàng Bank of America Merrill Lynch (BAML) dự báo tỷ giá NDT sẽ diễn biến theo ba kịch bản sau.
Kịch bản 1: Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung bùng nổ, NDT có thể giảm giá đến 10%.
Trung Quốc chỉ nhập khẩu hàng hóa của Mỹ với trị giá chỉ tương đương 1/3 trị giá hàng hóa Trung Quốc xuất sang Mỹ. Điều này có nghĩa là Trung Quốc không thể áp thuế trả đũa hàng hóa Mỹ ở mức ngang bằng về mặt định lượng. Tuy nhiên, Bắc Kinh có thể giảm giá NDT ở mức 10% để vô hiệu hóa tác động của vòng áp thuế 10% của Mỹ lên hàng hóa Trung Quốc vào ngày 1-9 tới.
Kịch bản 2: Nếu thế bế tắc của chiến tranh thương mại kéo dài, tỷ giá NDT sẽ “không thay đổi” nhiều so với mức hiện nay.
Báo cáo của BAML nhận định: “Nếu tình trạng bế tắc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung kéo dài, NDT có thể dao động giằng co vì Bắc Kinh sẽ thận trọng, không muốn chọc giận Mỹ bằng cách cho phép NDT suy yếu nhiều hơn và cũng không muốn gây thêm khó khăn cho các nhà xuất khẩu Trung Quốc bằng cách làm cho NDT mạnh lên”.
Diễn biến tỷ giá của NDT trong thời gian tới phụ thuộc vào hướng đi của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Ảnh: Reuters
Kịch bản 3: Mỹ-Trung tiến gần đến thỏa thuận thương mại, NDT tăng giá nhẹ
Nếu hai nền kinh tế lớn nhất thế giới nhích gần đến một thỏa thuận thương mại, NDT sẽ tăng giá nhưng chỉ ở mức hạn chế. Điều này là vì bất kỳ thỏa thuận nào giữa hai nước cũng có thể bao gồm điều khoản hạn chế dư địa giảm giá của NDT trong tương lai.
“Nếu cảm thấy NDT bị hạn chế khả năng giảm giá, Bắc Kinh có thể muốn hạn chế khả năng tăng giá của NDT, đặc biệt nếu Bắc Kinh cho rằng một khi đã tăng giá, NDT khó đảo ngược”, các nhà phân tích của BAML viết.
Video đang HOT
Sự suy yếu của NDT sẽ tác động đến các đồng tiền khác trong khu vực bao gồm rupee (Ấn Độ), đô la Singapore, won (Hàn Quốc), ringgit (Malaysia) và rupiah (Indonesia), theo nhận định của Jameel Ahmad, Giám đốc nghiên cứu thị trường và chiến lược tiền tệ toàn cầu ở công ty nghiên cứu thị trường FXTM.
Các nhà phân tích của BAML cho rằng đồng won có khả năng giảm giá mạnh nhất khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung leo thang. Đó là do thương mại Hàn Quốc phụ thuộc lớn vào Trung Quốc và Mỹ và nước này cũng liên kết chặt chẽ với các chuỗi cung ứng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Ngoài ra đồng won cũng đang bị tác động bởi tranh chấp thương mại giữa Hàn Quốc và Nhật Bản.
Kết thúc phiên giao dịch hôm 16-8, tỷ giá đồng won chốt ở mức 1.210,8 won ăn 1 đô la Mỹ. Mức tỷ giá này của đồng won giảm gần 5% so với hồi đầu tháng 7.
Trong khi đó, trong số thị trường mới nổi ở châu Á, đồng baht của Thái Lan có khả năng chống chọi chiến tranh thương mại tốt nhất. Dù Ngân hàng trung ương Thái Lan đã nỗ lực làm suy yếu đồng baht nhưng nó vẫn tăng giá ổn định nhờ mức thặng dư thương mại lớn của Thái Lan và nhiều yếu tố khác. Tính từ đầu năm đến nay, đồng baht đã tăng giá 5,5% so với đồng đô la Mỹ.
Jameel Ahmad cảnh báo tác động của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung kết hợp với đà tăng trưởng suy yếu trên toàn cầu đang khuyến khích các nước khác nhắm đến các nỗ lực làm suy yếu đồng nội tệ của họ.
“Nhìn từ nhiều khía cạnh, việc các nước muốn giảm giá đồng nội tệ của họ trong các giai đoạn bất ổn thương mại là điều hợp lý. Tăng trưởng toàn cầu đang suy yếu, nhu cầu hàng hóa và dịch vụ cũng có nguy cơ suy yếu do niềm tin giảm sút. Điều này khuyến khích các nước giảm giá nội tệ để thúc đẩy tính cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của họ”, Jameel Ahmad nói.
Theo TBKTSG
Đâu là giá trị thật của đồng Nhân dân tệ?
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) khẳng định không hề thao túng tỷ giá như một số cáo buộc sau khi để đồng nhân dân tệ (CNY) xuyên thủng mốc tâm lý 7 CNY đổi 1 USD. Tuy nhiên, nhìn vào cách quản lý đồng CNY, khó có thể bỏ qua mối nghi ngờ rằng Trung Quốc sử dụng nội tệ làm vũ khí cho cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ. Mặc dù, vẫn còn đó những lý do khác...
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Đâu là giá trị thật của CNY?
Kể từ thời điểm Mỹ khơi mào cho cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc (tháng 4/2018), đồng CNY đã sụt giảm tới 11% giá trị và đỉnh điểm là việc để CNY xuyên thủng mốc "lằn ranh đỏ" ( 7 CNY đổi 1 USD) vào ngày 5/8/2019 vừa qua. Đây cũng là mức thấp nhất của đồng CNY trong 11 năm trở lại đây. Ngay sau đó, Trung Quốc đã phải đối mặt với cáo buộc thao túng tỷ giá từ phía Mỹ.
Nhìn lại quá khứ, đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc bị nghi ngờ thao túng tỷ giá, đối mặt với những cáo buộc tương tự. Sau đó, quốc gia này cũng đã có một số động thái nhượng bộ nhất định.
Năm 2005, dưới sức ép của Mỹ, EU và Nhật Bản, Trung Quốc đã thực hiện chính sách cải cách tiền tệ nhằm mục đích tăng giá trị đồng tiền. Ở thời điểm đó, Trung Quốc cũng bị cáo buộc gây ra các vấn đề về thâm hụt thương mại và tỷ lệ thất nghiệp tại các quốc gia lớn đặc biệt là Mỹ. Quốc hội Mỹ khi ấy đề nghị Trung Quốc định giá lại đồng CNY nếu không sẽ áp hàng loạt thế với các hàng hóa xuất khẩu qua thị trường Mỹ.
Không rõ Trung Quốc đã thực sự can thiệp và định giá lại đồng CNY, hay vì nguyên nhân nào khác mà kể từ năm 2005 cho đến nay, đồng CNY lại tăng đến 17%.
Đến 2015, đồng CNY lại có dấu hiệu xuống giá, lúc này Trung Quốc được cho là đã tung ra thị trường 1.000 tỷ USD để "giữ" ổn định giá trị đồng nội tệ của mình.
Theo Reuters, ở thời điểm hiện tại, chỉ số REER (chỉ số được sử dụng xác định giá trị đồng tiền nội địa với các đồng tiền khác, sau khi điều chỉnh lạm phát) cho thấy đồng NDT đang mạnh hơn một chút so với giá trị trung bình trong những năm qua.
Dữ liệu vào cuối tháng 6/2019 cho thấy, chỉ số REER đối với đồng CNY đã cao hơn 4,9% so với trung bình 10 năm và 13,4% so với trung bình 15 năm. Trong khi đó, chỉ số REER đối với đồng USD cao hơn 11,2% so với trung bình 10 năm và 10,3% so với trung bình 15 năm qua.
Diễn biến tỷ giá CNY/USD trong thời gian qua (Ảnh: VT)
Tuy nhiên, những khác biệt trong chính sách tiền tệ, điều tiết tỷ giá của Trung Quốc đặc biệt là những chính sách hạn chế đối với đầu tư nước ngoài, kèm theo việc kiểm soát dòng nội tệ nghiêm ngặt đã khiến câu hỏi về việc: đâu là giá trị thật của đồng CNY vẫn là chủ đề gây nhiều tranh cãi.
Những nét riêng trong chính sách tỷ giá của Trung Quốc
Cuối năm 2015, Trung Quốc đã công bố chỉ số chỉ số tỷ giá hối đoái đồng nhân dân tệ (CFETS Index), định giá đồng CNY theo một rổ tiền tệ nhằm phản ánh đúng hơn tình trạng giao thương và đầu tư với các đối tác thương mại lớn của nước này. Kể từ năm 2017, có 24 loại tiền tệ được tính trong rổ chỉ số này, trong đó đồng USD chiếm tỷ trọng 22,4%.
Cũng trong năm 2017, Trung Quốc đã cho ra đời một công cụ tính toán tỷ giá ngoại hối dựa trên "yếu tố phản chu kỳ" (counter-cyclical factor) nhằm giảm thiểu sự biến động của đồng CNY.
Một số nhà phân tích cho rằng động thái này giúp Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) tăng cường khả năng kiểm soát tỷ giá, chống lại sự biến động do tâm lý bầy đàn của thị trường. Tuy nhiên, cơ chế này cũng làm suy yếu các nỗ lực giúp đồng CNY dễ tiếp cận và theo định hướng thị trường hơn.
Mặt khác, hàng ngày, PBoC sẽ công bố tỷ giá tham chiếu vào 9:15 phút sáng, với biên độ dao động trong khoảng /- 2%. Theo đó, PBoC sẽ quyết định tỷ giá theo các yếu tố như giá đóng cửa của phiên trước, biến động về tỷ giá của các đối tác thương mại chính của Trung Quốc kèm theo đó là những yếu tố không xác định đôi khi mang phần cảm tính.
Một đặc điểm khác trong chính sách tỷ giá của Trung Quốc là việc PBoC hiếm khi trực tiếp can thiệp vào thị trường ngoại hối, mà gián tiếp tác động tới thị trường thông qua các ngân hàng quốc doanh (có 100% vốn của ngân hàng nhà nước).
Bên cạnh đó các ngân hàng Trung ương của quốc gia này cũng được xem làm có thể tác động đến tỷ giá bằng lượng dự trữ ngoại hối khồng lồ. Bản thân Trung Quốc cũng rất nỗ lực thu hút đồng USD bằng cách kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài mua lại trái phiếu và cổ phiếu Trung Quốc. Hiện Trung Quốc đang dự trữ đến hơn 3.000 tỷ USD.
Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc gia tăng nhanh chóng (Nguồn: tradingeconomics.com)
Ở chiều hướng ngược lại, Trung Quốc cũng có những chính sách ngăn chặn việc các quốc gia khác nắm giữ nội tệ của mình thông qua những chính sách nghiêm ngặt, kiểm soát chặt chẽ nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài.
PBoC hạ giá CNY để chống lại cuộc tấn công tiền tệ?
Phân tích trên tờ Nhà quản lý, TS. Phạm Sỹ Thành cho biết thương chiến là một yếu tố nhạy cảm và tác động mạnh lên biến động tỷ giá đồng CNY, song, PBoC không sử dụng tỷ giá để đối đầu với nước Mỹ.
Theo ông Thành, PBoC thực chất đang chống lại việc tấn công tiền tệ (currency attack) từ các nhà đầu cơ tài chính - những người đang đánh cược rằng đồng CNY sẽ không thể chống chọi được trong cơn bão thương chiến.
Việc hạ giá đồng CNY vượt qua ngưỡng 7,0 là động thái hành động trước của PBoC nhằm tránh phạm phải những sai lầm trong năm 2015. PBoC kỳ vọng sẽ không phải hy sinh quá nhiều dự trữ ngoại hối để ổn định tỷ giá, tránh việc tâm lý bầy đàn "cuốn phăng thị trường hối đoái và lan lửa sang cả thị trường chứng khoán".
Tuy nhiên, PBoC cũng đnag trong một tình thế lưỡng nan chính sách điển hình. Đó là việc duy trì đồng CNY mạnh sẽ giữ chân được các nhà đầu tư nước ngoài, nhưng nhiều khả năng phải đánh đổi bằng giảm dự trữ ngoại tệ. Trong khi đó, môi trường bất ổn của thương chiến và đồng CNY yếu sẽ dẫn đến sự tháo chạy của dòng vốn ra khỏi Trung Quốc./.
Theo viettimes.vn
Phố Wall chấm dứt chuỗi ngày dài sụt điểm Hầu hết các chỉ số chứng khoán Mỹ đã tăng hơn 1% sau khi Trung Quốc có động thái tìm cách bình ổn đồng nội tệ, chấm dứt chuỗi ngày dài sụt điểm của các chỉ số Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq. Thị trường chứng khoán thế giới diễn biến trái chiều trong phiên giao dịch ngày 6/8, trong bối cảnh chuỗi...