Bà Hứa Thị Phấn nhận thêm 20 năm tù vì gây thiệt hại 1.338 tỷ đồng cho Ngân hàng Đại Tín
Chiều 22-11, TAND TPHCM tuyên án vụ Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Ngân hàng Đại Tín ( Trustbank). Bà Hứa Thị Phấn bị tuyên 20 năm tù; 5 đồng phạm bị tuyên phạt từ 2 năm tù treo đến 7 năm tù giam.
Các bị cáo nghe tuyên án. Ảnh: MAI HOA
Trong vụ án này, bà Phấn bị cáo buộc chỉ đạo cấp dưới và con cháu làm các thủ tục để Trustbank đầu tư trực tiếp hơn 901 tỷ đồng vào các dự án bất động sản do các công ty của Phấn làm chủ đầu tư và rút tiền tiêu xài cá nhân, đến nay chưa có khả năng hoàn trả.
Kết quả xác định các dự án trên mới chỉ được chấp thuận địa điểm, chưa được chấp thuận đầu tư. (dự án Khu đô thị Phú Mỹ, Dự án Khu nhà ở Phước Lộc – Nhà Bè…).
Ngoài ra, bà Phấn còn dùng thủ đoạn dùng pháp nhân do mình thành lập để mua bất động sản rồi chỉ đạo Trustbank mua lại với giá cao hơn thực tế (giá trị thực chỉ hơn 220 tỷ đồng, trong khi Trustbank đã mua lại với giá hơn 661 tỷ đồng). Tổng thiệt hại của Trustbank trong vụ này được xác định là 1.338 tỷ đồng.
HĐXX xác định bà Phấn là chủ mưu, chỉ đạo người thân và nhân viên dưới quyền thực hiện thủ tục đầu tư khống, nâng khống trị giá bất động sản, chiếm đoạt 1.338 tỷ đồng của Trustbank.
Các bị cáo khác có vai trò đồng phạm giúp sức không đáng kể. Bị cáo Bùi Thị Kim Loan (kế toán Công ty TNHH Phú Mỹ, Phó Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư địa ốc Phúc Nguyễn), là cấp dưới làm theo chỉ đạo, còn các bị cáo khác cũng là con cháu họ hàng nên có sự phụ thuộc nhất định, nên khi bà Phấn yêu cầu thì các bị cáo phải ký các tài liệu liên quan đứng tên giùm.
HĐXX còn nhận định, qua các giai đoạn điều tra tại Trustbank, có thể thấy rõ, ngay cả các cá nhân có trình độ, có vai trò trong HĐQT của Trustbank cũng phải chịu sự chỉ đạo không đúng của Phấn, nên các bị cáo trong vụ án này chịu sự chỉ đạo của bà Phấn cũng là khó tránh khỏi.
Về trách nhiệm dân sự, HĐXX nhận định mặc dù bà Phấn phải chịu trách nhiệm hình sự liên quan đến hành vi chỉ đạo Ngân hàng Đại Tín đầu tư trái phép nhưng trách nhiệm dân sự đã được chuyển giao cho ông Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh. Do đó, nhóm này phải nhận trách nhiệm thay cho bà Phấn về khoản thiệt hại 901 tỷ đồng.
Từ đó, HĐXX tuyên buộc ông Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh phải chịu toàn bộ trách nhiệm dân sự của Hứa Thị Phấn đối với Ngân hàng Đại Tín (nay là Ngân hàng Xây dựng – CB) là 901 tỷ đồng.
Video đang HOT
Tòa cũng tuyên buộc bà Phấn bồi thường 437 tỷ đồng cho CB, buộc ông Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh liên đới hoàn trả cho CB 756 tỷ đồng tiền lãi các khoản vay.
HĐXX tuyên phạt
- Hứa Thị Phấn: 20 năm tù, tổng hợp hình phạt với các bản án khác là 30 năm tù.
- Bùi Thị Kim Loan (Kế toán Công ty TNHH Phú Mỹ) từ 7 năm tù, tổng hợp hình phạt là 30 năm tù.
- Huỳnh Thị Xuân Dung (nguyên Giám đốc Công ty Địa ốc Phúc Nguyễn) 5 năm tù.
- Lâm Kim Dũng (nguyên Giám đốc Công ty TNHH Địa ốc Lam Giang) từ 4 năm tù, tổng hợp hình phạt là 10 năm.
- Lâm Hứa Quỳnh Trinh (nguyên thủ quỹ kiêm thủ kho Ngân hàng Xây Dựng Việt Nam, nguyên Phó phụ trách Phòng ngân quỹ Ngân hàng Đại Tín) từ 18 tháng tù.
- Phạm Hồng Hảo (nguyên nhân viên Ngân hàng Đại Tín) từ 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo.
MAI HOA
Theo vtc.vn
Vụ Ngân hàng Đại Tín: Hàng trăm bất động sản sẽ về tay ai?
Cựu Chủ tịch VNCB Phạm Công Danh đề nghị được nhận lại 114 bất động sản mà bà Hứa Thị Phấn đã thế chấp cho TrustBank khi ông mua ngân hàng này.
Tuy nhiên, phía bà Phấn không đồng ý và cho rằng, ông Danh chưa thanh toán hết các khoản vay nên đề nghị HĐXX tách ra thành vụ án dân sự.
Các luật sư bảo vệ cho Phạm Công Danh đề nghị để bị cáo nhận lại 114 bất động sản.
Chiều 21/11, TAND TPHCM tiếp tục phiên tòa xét xử bị cáo Hứa Thị Phấn (SN 1947, nguyên cố vấn cao cấp HĐQT Đại Tín, nguyên chủ tịch HĐQT công ty cổ phần đầu tư phát triển Phú Mỹ) cùng đồng phạm về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Trước đó, trong phần tranh luận, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị HĐXX tiếp tục kê biên 114 bất động sản nhằm đảm bảo nghĩa vụ thi hành án của ông Phạm Công Danh đối với ngân hàng theo các bản án đã xét xử.
Theo hồ sơ vụ án, trong thời gian điều hành Trustbank, Hứa Thị Phấn đã vay 29 khoản và thế chấp bằng 114 bất động sản. Năm 2012, ông Danh và nhóm cổ đông thuộc Tập đoàn Thiên Thanh mua lại toàn bộ cổ phần của nhóm bà Phấn tại ngân hàng này (gần 85% cổ phần) với giá 3.600 tỉ đồng. Theo thỏa thuận, ông Danh mua lại khoản nợ của bà Phấn tại ngân hàng và nhận lại 114 bất động sản, song do vướng mắc về pháp lý, ông không thể lấy các bất động sản ra.
Hiện các bất động sản này bị kê biên để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ của ông Danh trong các vụ án liên quan đến VNCB. Ngân hàng TNHH một thành viên Xây dựng Việt Nam (CB - tiền thân là Trustbank) đã được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng.
Hành vi của bà Phấn và đồng phạm trong quá trình thâu tóm TrustBank là nguyên nhân dẫn đến thực trạng yếu kém của ngân hàng này. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến sự đổ vỡ của Ngân hàng Xây dựng (VNCB) sau khi ông Danh mua lại và tham gia tái cơ cấu, buộc Ngân hàng Nhà nước phải mua lại giá 0 đồng, gánh toàn bộ hậu quả.
Luật sư của bị cáo Phấn và luật sư của bị án Phạm Công Danh đưa ra nhiều lập luận liên quan đến quyền sở hữu 114 bất động sản đang trong diện kê biên trong đại án.
Theo đó, luật sư của ông Danh cho là cơ quan tố tụng xác định số bất động sản trên là tài sản đảm bảo cho 29 khoản vay mà nhóm Phú Mỹ và bà Phấn vay TrustBank trước đây.
Luật sư lập luận: "Với tư cách là người trả 29 khoản vay, ông Danh đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng giao lại số tài sản trên để ông khắc phục hậu quả trong vụ án ông có trách nhiệm thi hành".
Bên cạnh đó, phía ông Danh còn đưa ra chứng cứ chứng minh việc chuyển tiền tất toán 29 khoản vay có tài sản đảm bảo là 114 bất động sản. Cụ thể, ông Danh 8 lần chuyển tiền vào tài khoản bà Phấn với tổng số tiền 3.658 tỉ đồng với mục đích thanh toán cho 29 khoản vay ở TrustBank.
Có tài liệu thể hiện ngân hàng sử dụng số tiền trên để tất toán 29 khoản vay. Trong thỏa thuận giữa các bên nêu rõ, công ty TNHH cổ phần tập đoàn Thiên Thanh (ông Danh làm chủ tịch HĐQT) nhận toàn bộ tài sản đảm bảo sau khi tất toán nợ.
Ngoài ra, luật sư bào chữa cho ông Danh còn đề nghị tòa trả lại thân chủ 6 bất động sản khác đang đứng tên bị cáo Lâm Kim Dũng (cháu rể bà Phấn) cũng như tuyên ông Danh không có nghĩa vụ thanh toán những khoản đầu tư liên quan trong vụ án.
Luật sư bào chữa cho Hứa Thị Phấn không đồng ý trả lại 114 bất động sản.
Ngược lại, luật sư bào chữa cho bị cáo Hứa Thị Phấn (vắng mặt tại toà) cho rằng, phía ông Danh chưa thanh toán hết 29 khoản vay trên. Dẫn chứng là những chứng từ cũng như nội dung hợp đồng, phụ lục hợp đồng chứng minh ông Danh chưa thực hiện hết cam kết nếu muốn sở hữu tài sản đảm bảo của 29 khoản vay.
Luật sư còn cho rằng, một phần khoản tiền, ông Danh dùng vào việc thanh toán nợ là tiền do phạm tội mà có. "Việc phát sinh tranh chấp tài sản giữa hai phía cần được tách riêng bằng vụ kiện dân sự, nếu các bên có yêu cầu" - luật sư nêu quan điểm.
Từ đó, luật sư này đề nghị HĐXX giải tỏa lệnh kê biên đối với 114 tài sản giao cho CB, phát mãi 97/114 bất động sản với mục đích thu hồi số tiền bị cáo Phấn có trách nhiệm khắc phục hậu quả.
Đối với 17 bất động sản còn lại, luật sư mong HĐXX tuyên hoàn trả công ty TNHH Phú Mỹ (nay là công ty TNHH Tân Đông Hiệp B) bởi đây là tài sản bị cáo Phấn mượn công ty TNHH Tân Đông Hiệp B, rồi mang bảo lãnh một số khoản vay. Các tài sản này không có trong danh mục bàn giao giữa phía bị cáo Phấn với phía ông Danh.
Ngày 22/11, phiên tòa tiếp tục tranh luận.
Theo Dân trí
Xét xử vụ án tại Ngân hàng TMCP Đại Tín Ngày 15-11, TAND TP Hồ Chí Minh mở phiên tòa xét xử bị cáo Hứa Thị Phấn (sinh năm 1947), nguyên cố vấn cao cấp Ngân hàng TMCP Đại Tín (Trustbank), nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư phát triển Phú Mỹ cùng đồng phạm về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản". Cùng hầu tòa với bị...