Bà Hillary Clinton và bài toán TPP
Bà Hillary Clinton sẽ phải đưa ra lập trường rõ ràng về thỏa thuận tự do thương mại xuyên Thái Bình Dương mà chính quyền Tổng thống Barack Obama đang theo đuổi. Đó sẽ là bài toán dành cho cựu Ngoại trưởng Mỹ trong hành trình chạy đua vào Nhà Trắng của mình.
Những quan điểm trái chiều
Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương được chính quyền Tổng thống Barack Obama thúc đẩy suốt thời gian qua – Ảnh: Reuters
Vấn đề về các thỏa thuận thương mại luôn là mối quan tâm chính trong các cuộc tranh luận về kinh tế toàn cầu tại Washington. Trong đó, hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) thời gian qua đã trở thành tâm điểm khi chính quyền Tổng thống Barack Obama mong muốn thúc đẩy quá trình đàm phán để sớm tham gia vào hiệp định thương mại này.
Mặc dù vậy, nội bộ nước Mỹ vẫn còn những ý kiến trái chiều về hiệp định có thể gắn kết thương mại giữa Mỹ với 11 quốc gia trong vành đai Thái Bình Dương.
Môt trong những vấn đề khiến Nhà Trắng đau đầu chính là dự luật trao quyền đàm phán nhanh hay quyền xúc tiến thương mai (TPA) cho Tổng thống Barack Obama. Nếu Quốc hội Mỹ thông qua dự luật này, Nhà Trắng sẽ có toàn quyền đàm phán và thỏa thuận các điều khoản của hiệp định TPP với 11 quốc gia đối tác để hoàn tất văn bản của hiệp định. Quốc hội Mỹ chỉ có thẩm quyền phê chuẩn hoặc không phê chuẩn hiệp định TPP mà không có quyền sửa chữa, điều chỉnh các điều khoản đó.
Trong khi đó, nếu không có TPA, Chính quyền Obama sẽ rất khó để hoàn tất việc mở rộng thỏa thuận thương mại với các đối tác TPP, theo Reuters.
Trên thưc tế, đây vẫn còn là vấn đề nan giải đối với Nhà Trắng, bởi lẽ những người ủng hộ TPP lại chủ yếu là các nghị sĩ đảng Cộng hòa, trong khi đó nội bộ đảng Dân chủ của ông Obama lại có nhiều người phản đối.
Những người ủng hộ thì cho rằng TPP sẽ giúp giảm những rào cản thương mại và thúc đẩy hợp tác kinh tế với các đối tác châu Á – Thái Bình Dương. Mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter mới đây cũng khẳng định TPP là một trong những phần quan trọng của chiến lược tái cân bằng của Mỹ tại châu Á – Thái Bình Dương, giúp thúc đẩy trật tự toàn cầu mà ở đó phản ánh cả lợi ích cũng như giá trị của nước Mỹ, đồng thời TPP sẽ mang lại nhiều lợi ích và cơ hội cho người Mỹ.
Trong khi đó, những người phản đối lại lập luận rằng, TPP sẽ gây bất lợi cho người lao động, ngoài ra còn có những tác động về môi trường. Bên cạnh đó, TPA nếu được thông qua sẽ khiến quốc hội đứng bên ngoài vấn đề quan trọng của đất nước.
Lựa chọn
Video đang HOT
Bà Hillary Clinton sẽ phải có lập trường rõ ràng về thỏa thuận thương mại này – Ảnh: Reuters
Dĩ nhiên, một ứng cử viên cho chiếc ghế tổng thống không thể đứng ngoài câu chuyện này. Các nhà phân tích cho rằng dù bà Hillary Clinton có quan điểm thế nào, bà cũng sẽ lâm vào thế khó.
Nếu cựu Ngoại trưởng Mỹ phản đối TPP, đồng nghĩa với việc phản đối hướng đi của Nhà Trắng hiện, bà Hillary Clinton có thể sẽ vấp phải sự phản đối của đảng Công hòa cũng như các tập đoàn lớn. Nhưng nhiều nghị sĩ đảng Dân chủ sẽ đứng về phía bà và rất có thể bà sẽ ghi điểm tại bang Ohio, Nevada và một số bang có nhiều tổ chức lao động khác.
Trong khi đó, nếu bà Hillary Clinton ủng hộ TPP và TPA, bà sẽ lại đối mặt với sự không đồng tình của những nhà lập pháp tự do, giới công đoàn và người theo chủ nghĩa dân túy. Bà sẽ lại đứng trước khó khăn cho những thông điệp liên quan đến quyền của người lao động cũng như sự phát triển kinh tế bền vững mà những người phản đối TPP đưa ra.
Nói thế nào bà cũng sẽ gặp những bất lợi nhưng nếu không đưa ra chính kiến của mình, cựu Ngoại trưởng Mỹ sẽ còn mất điểm từ cả hai phía và cũng sẽ bị chỉ trích vì phớt lờ một vấn đề quan trọng của nước Mỹ, theo Time.
Hiện tại, bà Hillary vẫn chưa đưa ra lập trường rõ ràng về TPP. Tuy nhiên, ông Nick Merrill, người phát ngôn của bà Hillary ngày 17.4 cho biết: “Bà Hillary Clinton tin rằng bất cứ biện pháp thương mại mới nào cũng cần phải trải qua 2 thử thách, đầu tiên là phải đứng trên lập trường bảo vệ người lao động Mỹ, tăng lương và tạo ra nhiều việc làm tốt ở trong nước; tiếp đó là phải đẩy mạnh an ninh quốc gia. Chúng ta sẵn sàng từ bỏ cái nào không đáp ứng được những thử thách đó”, theo Washington Post.
Ngọc Mai
Theo Thanhnien
Dấu ấn Hillary Clinton ở châu Á
Chính sách xoay trục sang châu Á là thành tựu ngoại giao tiêu biểu của Hillary Clinton thời bà làm ngoại trưởng và chính sách này được kỳ vọng sẽ phát triển hơn nữa nếu bà đắc cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton. Ảnh: nationofchange.com
Ngày 12/4, bà Hillary Clinton chính thức tuyên bố tranh cử tổng thống dự kiến diễn ra vào năm 2016. Theo thông lệ, chính sách ngoại giao không phải là chủ đề quan trọng nhất mà cử tri Mỹ quan tâm trong các kỳ bầu cử tổng thống. Tuy nhiên, theo kết quả điều tra của Trung tâm nghiên cứu Pew trước khi Tổng thống Barack Obama phát biểu Thông điệp Liên bang hồi tháng 1, số người cho rằng tổng thống nên nhấn mạnh chính sách đối ngoại hơn chính sách đối nội tăng gấp đôi so với năm 2014.
Giới chuyên gia nhận định rằng, với cương vị ngoại trưởng trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Obama, bà Hillary đã đóng vai trò tích cực trong việc khôi phục địa vị toàn cầu của Mỹ, vốn bị tổn hại trong hai cuộc chiến tại Afganistan và Iraq.
"Thành tích của bà ấy khác với người khác. Bà Clinton nhận ra rằng tương lai của chúng ta nằm nhiều hơn ở châu Á, chứ không phải châu Âu, từ đó nỗ lực thúc đẩy việc tái cân bằng trong quan hệ ngoại giao", bình luận viên nổi tiếng Nicholas Kristof viết trên New York Times.
Cùng chung nhận định trên, ông Michael Fullilove, giám đốc Viện nghiên cứu Lowy, Australia, cho rằng qua một nhiệm kỳ ngoại trưởng, bà Hillary là ứng viên có nhiều kinh nghiệm nhất trên lĩnh vực ngoại giao, nhất là về châu Á. "Chiến lược tái cân bằng chính là thành tựu ngoại giao tiêu biểu của Hillary trên cương vị ngoại trưởng", chuyên gia này bình luận.
Đầu năm 2009, bà Hillary chọn châu Á là điểm đến trong chuyến công du đầu tiên trên cương vị ngoại trưởng. Trong cuộc hội đàm với tổng thư ký ASEAN khi đó là ông Surin Pitsuwan, bà thừa nhận mối quan ngại của các nước Đông Nam Á về những cam kết của Mỹ với khu vực. Ông Pitsuwan cho rằng, chuyến thăm lần đó "thể hiện sự nghiêm túc của Mỹ trong việc kết thúc sự vắng mặt về ngoại giao của nước này tại khu vực".
Tại Diễn đàn An ninh Khu vực ASEAN lần thứ 17 tổ chức tại Hà Nội hồi tháng 7/2010, bà Hillary lần đầu tiên khẳng định việc Mỹ có lợi ích quốc gia đối với tự do hàng hải, tiếp cận mở đến những vùng biển chung ở châu Á và sự tôn trọng của các quốc gia ven biển đối với luật biển quốc tế ở Biển Đông.
Đây được cho là nhằm phản ứng với tuyên bố của Trung Quốc về việc đưa Biển Đông vào danh sách các nhóm lợi ích cốt lõi của mình trước đó. Tuyên bố Hà Nội cũng là bước khởi động cho chính sách tái cân bằng về châu Á - Thái Bình Dương của Washington.
Tháng 10/2011, bà Hillary đăng bài bình luận trên tạp chí Foreign Policy với tựa đề "Thế kỷ Thái Bình Dương của Mỹ". Bài viết nêu rõ ba yếu tố trong chiến lược tái cân bằng của Mỹ, là tăng cường quan hệ với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, xây dựng lòng tin Mỹ - Trung và cam kết mở rộng hợp tác kinh tế, chính trị, an ninh.
Theo đó, Washington cần thực hiện chiến lược với 6 phương châm then chốt là: tăng cường liên minh an ninh song phương, làm sâu sắc hơn quan hệ với các cường quốc mới trỗi dậy, tham gia vào thể chế đa phương của khu vực, mở rộng thương mại và đầu tư, hiện diện quân sự rộng khắp, thúc đẩy các giá trị phương Tây.
Chính sách trên của bà Hillary cũng nhận được sự ủng hộ của các thành viên chủ chốt khác trong chính phủ Obama nhiệm kỳ đó. Khi Bộ Ngoại giao Mỹ đề nghị gửi 2500 binh sĩ thủy quân lục chiến đến Australia, để nhấn mạnh sự coi trọng của Washington với khu vực Đông Nam Á, Lầu Năm Góc đã nhanh chóng hưởng ứng đề xuất trên. "Điều này phù hợp với chiến lược quốc phòng mới mà chúng tôi đang tiến hành khi đó", cựu bộ trưởng quốc phòng Mỹ Leon Panetta cho biết.
Ông Kim Beazley, đại sứ Australia tại Mỹ, cho rằng những nỗ lực của bà Hillary đã xoay ngược lại thái độ thả nổi của Washington với khu vực Thái Bình Dương kể từ thời Tổng thống Richard Nixon.
Tuy nhiên, chính sách tái cân bằng và phong cách ngoại giao cương quyết của bà Hillary vấp phải sự phản ứng từ phía Trung Quốc. Trong một bài bình luận ngay trước thềm chuyến công du Bắc Kinh của cựu ngoại trưởng Mỹ năm 2012, Xinhua chỉ trích chính sách xoay trục của Washington do bà Hillary chủ đạo là một trong những nguyên nhân chính gây bất ổn trên Biển Đông và Hoa Đông.
Giáo sư Thời Ân Hoằng thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc cho rằng, tuyên bố của bà Hillary tại Hà Nội năm 2010 là nhằm mục đích dùng luật pháp quốc tế để thách thức tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh. "Hillary xoay mũi nhọn vào Trung Quốc khi bảo vệ lợi ích của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương", chuyên gia này nói.
Mặc dù vậy, những phát ngôn và hành động của bà Hillary được đánh giá là đã đặt nền tảng mới cho quan hệ hai nước, đặc biệt trên vấn đề châu Á - Thái Bình Dương. Việc bà kiên quyết yêu cầu Bắc Kinh tuân thủ luật pháp quốc tế, đồng thời tăng cường quan hệ đồng minh giữa Mỹ với Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines, đã thay đổi phương thức lấy Trung Quốc làm trung tâm trong chính sách đối ngoại khu vực của các đời tổng thống Mỹ trước đó.
"Ngoại trưởng Clinton đã thúc đẩy mạnh đối thoại thế kỷ 21 với Trung Quốc, chống lại kiểu ngoại giao bí mật thế kỷ 19 mà Trung Quốc thỉnh thoảng muốn áp dụng", cựu trợ lý ngoại trưởng Mỹ Kurt Campbell bình luận.
Giới phân tích cho rằng, bà Hillary rời khỏi vị trí ngoại trưởng năm 2013 và tiếp theo đó là việc từ chức của trợ lý ngoại trưởng phụ trách khu vực Campbell, khiến chiến lược tái cân bằng châu Á - Thái Bình Dương không còn là vấn đề được ưu tiên hàng đầu với các nhà hoạch định chính sách đối ngoại tại Washington.
"Hệ quả là khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhận được ít sự chú ý hơn của Mỹ trong những năm gần đây", chuyên gia phân tích Natalie Sambhi thuộc Viện nghiên cứu Chính sách Chiến lược Australia bình luận. "Chúng ta có thể mong đợi bà Clinton sẽ nhanh chóng tham dự vào những thách thức mà khu vực đang phải đối diện, nhằm khôi phục chính sách xoay trục mà bà từng lãnh đạo".
Tháng 2/2014, Trung tâm vì sự tiến bộ Mỹ của đảng Dân chủ xuất bản báo cáo với tựa đề "Quan hệ Mỹ - Trung: Hướng đến mô hình mới trong các quan hệ giữa các nước lớn", do một nhóm các học giả nổi tiếng của hai nước đồng khởi thảo.
Theo bình luận viên Zachary Keck của Diplomat, báo cáo trên phần nào hé lộ chính sách với Trung Quốc và châu Á - Thái Bình Dương của bà Hillary nếu đắc cử tổng thống, bởi những người khởi thảo chính là Sandy Berger và Neera Tanden từng là các cố vấn của cả cựu tổng thống Bill Clinton và bà Hillary.
Báo cáo trên cho rằng, Mỹ và Trung Quốc cần hợp tác sâu sắc trên các vấn đề mà lợi ích của hai bên có thể được xác định dễ dàng và thực hiện, đồng thời cũng chỉ ra rằng Bắc Kinh cần chấp nhận một tương lai mà vẫn tiếp tục bị ràng buộc bởi các quy tắc và cộng đồng quốc tế đóng vai trò giám sát cả hai cường quốc.
"Bản báo cáo trên được cho là khác với thái độ của bà Hillary Clinton khi còn là ngoại trưởng, bởi Bắc Kinh cho rằng bà quá chỉ trích Trung Quốc trên các vấn đề như Biển Đông. Tuy nhiên, nội dung cốt lõi trong chính sách của bà vẫn sẽ đặt Trung Quốc và châu Á lên vị trí ưu tiên hàng đầu", chuyên gia Keck kết luận.
Đức Long
Theo VNE
Hillary Clinton đắc cử tổng thống Mỹ sẽ ảnh hưởng gì đến châu Á? Tạp chí chuyên về châu A - Thái Bình Dương The Diplomat, có trụ sở tại Tokyo (Nhật), vừa đăng tải bài xã luận phân tích đường lối ngoại giao đối với khu vực châu A của bà Hillary Clinton, ứng viên hàng đầu của đảng Dân chủ ra tranh cử chức tông thông Mỹ trong năm 2016. Cựu ngoại trưởng Mỹ Hillary...