Bà giáo già góp lương xây cầu
Về xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp)chúng tôi chợt nghe được mấy cô bác kể về bà giáo già Tám Ngoạt (tên thật là Huỳnh Thị Hoa ở ấp 2, xã Mỹ Hòa) đã cần mẫn gom góp từng đồng tiền hưu nhỏ nhoi của mình để bắc một cây cầu bê tông qua sông.
Thông tin ấy thôi thúc tôi tìm gặp cho được người phụ nữ kỳ lạ, “không bình thường” như lời bà con nói để được rõ chuyện thật thật hư hư ấy.
9 năm góp tiền xây cầu
Mới gặp người phụ nữ ấy, tôi quá ngỡ ngàng khi trước mặt tôi là một người đàn bà đen đúa, gầy gò, khắc khổ và có phần lam lũ. Còn ngỡ ngàng hơn khi chứng kiến căn nhà bà ở vô cùng tạm bợ.
Video đang HOT
Cây cầu Thầy Ba Cừ bằng bê tông rộng rãi, kiên cố. Ảnh: P.T.T
Ngôi nhà của bà gọi là túp lều thì đúng hơn, bởi chỉ gồm một gian lợp mái tôn, rộng hơn 10m2, nằm cách đường chừng 5-7m, xung quanh nhà ghép lá trống huơ trống hoác. Mái nhà cũng bị lủng lỗ chỗ, tôi nhìn thấy cả nhiều tia nắng dọc ngang chiếu đan xen xuống nền đất.
ưTrong nhà cũng chẳng có đồ dùng gì đáng giá. Thấy tôi vẫn còn mải “ngắm” nhà, bà Hoa trầm giọng kể: “Tôi mồ côi cả cha và mẹ khi vừa lên 2 tuổi. Cuộc đời tôi toàn nước mắt chan cơm. Cuộc sống luôn thiếu trước, hụt sau nên từ nhỏ tới bây giờ, tôi luôn thương cảm những người nghèo khổ”.
“Với 3,1 triệu đồng tiền lương ít ỏi, tôi bắt đầu để dành bỏ ống từ khi về hưu (năm 2004). Tới cuối năm 2013, sau hơn 9 năm mới tiết kiệm được hơn 200 triệu đồng để thực hiện ước mơ xây cầu”.
Bà Huỳnh Thị Hoa
Theo lời bà kể, trong nhiều lần dẫn học sinh đi mót hột tràm, mót lúa… ủng hộ cho bộ đội vùng biên giới, hải đảo hồi những năm 2000, phải đi qua những cây cầu tre lắt lẻo chỉ có một cây tràm tròn lủi bắc ngang, dù có tay vịn, mọi người vẫn thường xuyên bị trượt té xuống sông, ướt như chuột. Nếu không muốn té xuống nước, cô trò phải đợi cả mấy tiếng đồng hồ, khi có xuồng dân bơi qua mới xin quá giang được. “Lúc ấy tôi tự nhủ: Giá có tiền, tôi sẽ bắc cây cầu qua đoạn sông này, dù chỉ là làm cầu ván thôi, để cho các em và nhân dân qua lại thoải mái…” – bà Hoa kể.
Là giáo viên tiểu học, khi về hưu bà Hoa hưởng 3,1 triệu đồng/tháng. Ăn còn không đủ, lại không chồng con, tiền đâu mà bà gom được nhiều vậy đủ xây cầu? Thấy tôi ngạc nhiên, bà trả lời: “Tôi không cần nhiều tiền cho nhu cầu bản thân. Với 3,1 triệu đồng tiền lương ít ỏi, tôi để dành bỏ ống từ khi về hưu (năm 2004). Tới cuối năm 2013, sau 9 năm mới được hơn 200 triệu đồng để thực hiện ước mơ xây cầu. Còn ăn uống, chi phí đi đám tiệc, ma chay… tôi hái rau trai, rau lang, rau muống, trồng gấc, trồng dừa… bán hàng ngày, thu nhập chỉ từ 15.000-20.000 đồng nhưng chi xài vẫn còn dư. Còn gạo, tôi ăn có nửa lon/ngày. Tới mùa lúa, chịu khó đi mót vài ngày là đủ gạo cho tôi ăn cả năm”.
Cây cầu mang tên Thầy Ba Cừ
Bà Hoa bên ngôi nhà đơn sơ của mình. Ảnh:P.T.T
Kể về việc làm cầu, bà Hoa cho biết mặc dù có tiền, nhưng hết cái khó này lại đẻ ra cái khó kia. Trước khi làm cầu, bà đã đi đo vẽ nhiều mẫu cầu, giá tiền cứ tăng lên hoài do dự kiến ban đầu chỉ là làm cầu ván. Bà dự định sẽ khởi công từ năm 2008. Về sau khi xin phép chính quyền, quy hoạch của xã tương lai sẽ xây dựng nông thôn mới nên không làm cầu ván, thay vào đó phải là cầu bê tông. Nhưng đợi Nhà nước làm cầu bê tông thì chưa biết lúc nào mới tới lượt ấp 2 vì vùng Tháp Mười sông rạch như “mắc cửi” này.
Vậy là năm đó, bà Hoa không đủ tiền làm cầu. Bà lại tiếp tục hành trình gom góp từng đồng lương ít ỏi của mình vào ống tiết kiệm. Tới cuối năm 2013, thấy tiền “hòm hòm”, nhưng còn thiếu khoảng 30 triệu đồng, bà nhờ chị ruột đứng vay thêm tiền ngân hàng. Cầm 200 triệu đồng trên tay, mừng run, bà tự đi mướn thiết kế vẽ cầu, bề ngang quy định phải từ 2m trở lên. Bà suy tính, để chắc ăn cầu rộng đảm bảo an toàn cho bà con qua lại dễ dàng, bà dự kiến bề ngang cầu sẽ tăng lên 2,6m, chiều dài 32m.
Vậy là cuối năm 2013, công trình cầu bà Hoa bắc ngang con kinh 1000 được khởi công. Sau 2 tháng thi công, cây cầu mang tên Thầy Ba Cừ chính thức được khánh thành trong niềm vui vỡ òa của các em học sinh và bà con trong vùng. Bà Hoa cho biết, sở dĩ bà đặt tên cho cây cầu như vậy bởi bà nhớ đến công ơn người sinh thành – thầy Ba Cừ. Trước đây thầy Ba Cừ làm thuốc Nam đã cứu sống rất nhiều người dân nghèo ở vùng sâu Tháp Mười này.
Dừng chân trên cây cầu rộng rãi, thoáng mát, tôi được các em học sinh và bà con nơi đây cho biết, từ ngày có cây cầu này, học sinh có thể đến trường bằng xe đạp dễ dàng, người dân đi lại buôn bán, làm ăn cũng thuận tiện hơn rất nhiều. Tất cả là nhờ công của cô giáo già Huỳnh Thị Hoa.
Theo Danviet