Bà giáo già bị trò cũ lừa 3,6 tỷ đồng
Bà Cao Thị Thái Tần, 83 tuổi khóc tại phiên toà, nói mong cô học trò cũ trả lại số tiền đã lừa nhưng đáp lại bị cáo Nguyễn Vân Giang đứng trước mặt chỉ lặng thinh.
“Mẹ đừng có thương người nhầm chỗ nữa”, con trai bà Tần ngồi cuối phòng xử án của TAND Hà Nội vò đầu khẽ nói khi nghe thấy bà xin HĐXX không bỏ tù bị cáo, ngày 20/8. Bà giáo già vuốt lại nếp tóc bạc trắng đầu, quay sang con trai phân trần: “Em nó còn 3 đứa con nhỏ, mẹ không đành”.
Bị cáo Giang tại phiên xét xử ngày 20/8. Ảnh: Tư Viễn
Sáng 21/8, Giang, 39 tuổi, cựu giám đốc Công ty TNHH MTV chứng khoán ngân hàng Đông Á (DAS) bị TAND Hà Nội tuyên phạt 20 năm tù về hai tội Thao túng giá chứng khoán và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trong hai ngày xét xử, khi đi qua cô giáo cũ sau hai năm tránh mặt, trốn nợ rồi bị bắt, Giang không chút biểu cảm. Trước đó, họ từng nhiều năm coi nhau như người nhà.
50 năm trước, bà Tần tốt nghiệp ngành sư phạm Văn. Trong khoá học sinh đầu tiên bà làm chủ nhiệm suốt 4 năm có mẹ của Giang. Bà Tần cưng cô trò thông minh này, ngày thường đến chơi, ngày cưới đến dự. Năm 1981, ngày Giang ra đời, bà Tần không có xe đạp, vẫn đi bộ mang ít gạo, ít rau đến ấn vào tay cho mẹ Giang, bà kể. Bắt đầu vào bậc trung học phổ thông, Giang được mẹ dắt đến tận nhà ông bà gửi gắm, nhờ dạy dỗ.
Vợ chồng bà sống cùng ba con trai trên tầng hai của căn nhà ở phố Cầu Gỗ. Năm 2015, bà Tần mắc bệnh nên phải hạn chế leo cầu thang. Gia đình bà bán nhà được 3,5 tỷ đồng và đang tìm mua nơi ở mới. Giang và mẹ gặp bà vào thời điểm này.
“Giang khoe giờ làm giám đốc ở ngân hàng, trả lãi gửi tiết kiệm cao nhất nước”, bà Tần nói trước toà và kể Giang trong các lần gặp mặt thường khuyên bà gửi hết tiền vào vào chỗ của cô ta, hứa trả lãi 12% mỗi năm, tiền nhận theo tháng. “Mỗi tháng có gần 40 triệu đồng tiền lãi, bà làm gì ra”, Giang từng nói.
Tin tưởng, bà Tần đem hết tiền bán nhà và sổ tiết kiệm 100 triệu đồng tích cóp cả đời giáo viên của hai ông bà giao cả cho Giang, rồi về ở với gia đình con trai út. Ba con trai bà chiều theo, coi đó là tiền của bố mẹ nên không can thiệp.
Video đang HOT
Từ tháng 4/2015 đến tháng 7/2016, bà Tần ký 5 “Hợp đồng hỗ trợ đầu tư” với Công ty Chứng khoán ngân hàng Đông Á (DAS) với tổng trị giá 3,6 tỷ đồng. Tất cả đều ký tại nhà riêng của bà Tần, không phải ở trụ sở công ty. Đại diện DAS ký tên, đóng dấu là Giám đốc Giang.
5 hợp đồng bà Tần ký với bị cáo Giang trong năm 2015-2016. Ảnh: Lam Vân
Sau vài tháng trả lãi đúng hẹn, Giang cắt liên lạc, chiếm đoạt toàn bộ số tiền. Vợ chồng bà Tần lên công ty tìm nhưng vị đại diện nói không có khoản tiền gửi nào đứng tên bà.
Lúc này bà mới hay, Giang không phải là giám đốc ngân hàng như bà từng nghe mà chỉ là giám đốc chi nhánh của mảng kinh doanh chứng khoán. Hơn nữa, DAS không có chức năng kêu gọi vốn và trả lãi suất. Toàn bộ tiền của bà đã đổ vào tài khoản cá nhân của Giang chứ không về công ty.
Bà Tần không tin, nghĩ có nhầm lẫn gì đó vì “hai mẹ con đều là học trò mình, đời nào lại lừa mình”. Hai ông bà đến nhà mẹ con Giang để hỏi chuyện nhưng 7 lần đều chỉ thấy cảnh cổng khoá im ỉm.
Tới lần thứ 8 trong cuộc gặp có cả mẹ, Giang chỉ viết cam kết, hứa tiếp tục trả lãi tháng; tiền gốc trả 6 tháng mỗi lần, mỗi lần 500 triệu đồng. Bà Tần xuôi lòng ra về, không nghĩ rằng đó là lần gặp cuối cùng, cho tới phiên toà mở ngày 20/8 vừa qua.
Bà Tần không phải người duy nhất bị “giám đốc Giang” lừa tiền. Với thủ đoạn sử dụng hợp đồng hợp tác, hỗ trợ đầu tư chứng khoán không có thật, cùng khoảng thời gian đó, Giang lừa trót lọt của 2 người khác, trong đó có bạn học quen biết 16 năm.
Hai bị hại đều được Giang chào mời về các hợp đồng ký với DAS và được trả lãi theo tháng 1%-1,25%. Do Giang là bạn bè thân thiết, họ tin tưởng. Sau vài tháng trả lãi đúng hẹn, cuối năm 2016, Giang khất lần, cắt liên lạc. Tổng tiền chiếm đoạt của hai người này lên tới 21 tỷ đồng.
Tại phiên xét xử, Giang nhận toàn bộ tội lỗi, khai nội dung 18 hợp đồng đều do mình “lên mạng tìm rồi copy về, in ra”. 24 tỷ đồng nhận của ba nạn nhân, cô ta đều đổ về tài khoản cá nhân, không “dính dáng tới công ty”. Khoản này Giang dùng đầu tư chứng khoán và thua lỗ, khánh kiệt.
Giang còn bị buộc tội Thao túng giá chứng khoán bằng thủ đoạn mở cùng lúc 70 tài khoản chứng khoán, tạo giao dịch chéo. Giá cổ phiếu bị Giang thao túng có theo xu hướng liên tục tăng trong năm 2015-2016, sau đó đột ngột bị bán tháo với giá sàn kể từ ngày tháng 12/2016.
Trong 26 phiên giao dịch liên tiếp sau đó, cổ phiếu này gần như không có lệnh mua, mất 82% giá trị. Hậu quả, 572 nhà đầu tư bị thiệt hại 11,2 tỷ đồng. 33 người trong số này yêu cầu bồi thường thiệt hại 1,8 tỷ đồng.
Toà án nhận định, Giang có nhận thức sâu về luật pháp nhưng cố tình lừa đảo. Theo khung hình phạt của tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị cáo có thể phải lĩnh án chung thân, nhưng được bà Tần có đơn xin giảm nhẹ hình phạt. Mức án là 17 năm tù.
Song bước khỏi phòng xử án, thái độ của Giang với bà Tần không thay đổi so với lúc gặp đầu phiên toà. Nhìn cô “học trò cưng” dửng dưng đi qua mình, bà Tần lau nước mắt, khẽ lắc đầu nói: “Mất tiền buồn lắm, nhưng đau đớn nhất là bị phản bội, vô ơn bởi chính người mình đã dạy dỗ, yêu thương”.
Hai lần bị lừa tiền tỷ 'chạy trường' cho con
Ông Phạm Văn Luyện ôm đầu ngồi sụp xuống ghế cuối phòng xử án, bật khóc khi nghe tin phiên xét xử kẻ lừa tiền của ông và 43 người lần thứ hai lại hoãn.
Sáng 7/7, phòng xử án số 5 của TAND Hà Nội chật kín người khi gần 30 nạn nhân có mặt theo triệu tập của HĐXX. Đa số họ là người trung niên, đã bị Nguyễn Văn Bằng lừa từ vài chục triệu đến hàng tỷ đồng với chiêu giúp "chạy việc", "chạy trường". Trong số này có ông Phạm Văn Luyện, 52 tuổi, đến từ tỉnh Cao Bằng.
"Tôi tuyệt vọng quá, không thể chờ thêm nữa", ông than và kể về biến cố sập bẫy lừa. Ông là thợ sửa xe máy, vợ mở tiệm bán dép. Mong các con "thoát cảnh bần hàn", từ năm 2013, vợ chồng ông mang 350 triệu đồng nhờ người quen ở Hà Nội tìm mối "xin" cho cậu con thứ hai vào một trường công an. Sau hơn một năm, việc "chạy trường" không có kết quả, ông đòi tiền về song mới được trả 270 triệu.
Gia đình ông lại tiếp tục tìm cách xin cho con trai lớn được vào biên chế trong lực lượng vũ trang. "Trên Cao Bằng họ đòi giá 800 triệu đồng, dưới Hà Nội thì rẻ hơn nên tôi lại về đây tìm người giúp", ông Luyện với đôi mắt đỏ ngầu vì mất ngủ, uể oải nói.
Qua người quen, ông được dẫn đến gặp Bằng trong căn nhà ba tầng có bảo vệ đứng canh trước cổng trên phố Đại La. Ông choáng ngợp với nội thất gỗ sang trọng, tường phòng khách và cầu thang treo kín bằng khen của bộ ban ngành, sau này, ông mới biết là văn bằng giả.
Bằng khi đó chừng 50 tuổi, trắng trẻo, nhỏ người tiếp ông đon đả rồi giới thiệu là giảng viên Học viện An ninh, quen biết rất nhiều "ông lớn" tại các cơ quan nhà nước. Bằng cam kết "chạy việc" cho con trai ông, giá tổng cộng 700 triệu đồng.
Bị thuyết phục, ông Luyện về nhà, bắt đầu vay mượn, thế chấp bằng nhiều hình thức để gom đủ tiền. Ông giấu vợ chuyện này. Hai con trai thấy số tiền quá lớn, khuyên dừng lại nhưng ông quyết không thể lỡ cơ hội.
Lần mang 700 triệu đồng xuống đưa cho Bằng, suốt đêm ông Luyện ôm khư khư túi đựng tiền, không dám ngủ trên xe khách. Sau khi đưa tiền, ông được Bằng giao một phong bì chứa giấy báo trúng tuyển đóng dấu đỏ ghi tên con ông. "Tôi đòi chụp ảnh lại nhưng Bằng ngay lập tức cất đi, chỉ đưa cho một bản photocopy, hẹn tuần sau đưa con lên bệnh viện khám sức khoẻ", ông kể.
Chờ nhiều tháng không được gọi nhập học, ông liên lạc nhưng Bằng khất lần rồi cắt liên lạc. Ngày 2/12/2016, ông đến tận nhà Bằng đòi tiền vì "đã quá mệt mỏi". Bằng trả 70 triệu đồng và viết giấy nợ 630 triệu, hẹn 5 ngày sau thanh toán hết nhưng rồi không thực hiện.
Ông Luyện đưa ra giấy biên nhận tiền với Bằng vào năm 2017. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Suốt một năm sau đó, ông Luyện tuần một lần lại bắt xe khách Cao Bằng - Hà Nội xuống đập cổng nhà Bằng, song chỉ đòi được 400 triệu đồng. Tại đây, ông gặp hàng chục phụ huynh khác cũng chung cảnh ngộ. Biết bị lừa, nhưng không ai muốn tố giác vì nuôi hy vọng dần dần Bằng sẽ trả hết tiền cho mình.
Ngày 9/2/2018, từ đơn tố giác của hai nạn nhân, Bằng bị bắt. Nhà chức trách cáo buộc, từ 2011 đến 2017, Bằng đã nhận 23 tỷ đồng của 44 người. Người bị lừa nhiều nhất tới gần 4 tỷ đồng, ít nhất là 72 triệu đồng.
Ngày 7/7, phiên toà sơ thẩm xét xử Bằng về tội Chiếm đoạt tài sản tại TAND Hà Nội đã phải hoãn do vắng 21 người bị hại và nhiều người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Phiên tòa sẽ mở lại vào 6/8.
Buồn bã rời cổng TAND Hà Nội giữa trưa nắng chang chang, ông Luyện than 5 năm qua, nỗ lực "đổi đời" cho hai con khiến ông chưa một ngày ngủ ngon, sút 12 kg. Cửa hàng sửa xe máy cũng đã dẹp, đồ nghề chất han gỉ trong góc nhà. Rút trong túi ra khoe tấm ảnh gia đình chụp năm 2013, bật khóc nói: "Đây là bài học để đời, tôi phải kể lại cho con cháu để tránh lại vấp ngã như mình".
Khởi tố vụ án mất 22 sổ đỏ Ngày 28/8, Công an Đà Nẵng khởi tố vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, sau khi 22 sổ đỏ biến mất. Quyết định khởi tố là bước đầu trong quá trình tố tụng liên quan đến việc bà Dương Thị Ngọc Anh (41 tuổi), chuyên viên Chi nhánh...