Bà cụ 70 tuổi giúp hàng trăm cuộc đời đau khổ
Không cam lòng nhìn cảnh hàng trăm thanh niên trong khu vực lao vào con đường nghiện ngập, bà Phương đã âm thầm lặn lội đến từng ngõ ngách để khuyên bảo và giúp họ cai thuốc.
Bà Nguyễn Thị Phương cư ngụ tại khu phố 4, phường 10, quận 3, TP HCM (gần ga Sài Gòn), địa bàn có thành phần dân cư phức tạp, đa số là người nhập cư đến sinh sống bằng đủ mọi nghề. Một cán bộ công an phường cho biết, khu vực này trước đây là điểm nóng về tệ nạn xã hội, nổi cộm nhất là tệ hút chích ma túy.
“Hồi đó trẻ con, người lớn hút chích xì ke công khai, rồi sinh ra trộm cướp giữa ban ngày, người dân cứ hở ra cái gì là mất cái đó. Như ở đoạn đường này đi đến đâu cũng thấy kim tiêm dính máu vứt la liệt, tôi cứ nhặt hết, cất cẩn thận vào bọc rồi nộp cho cán bộ phường tiêu hủy”, tay chỉ con hẻm nhỏ dẫn vào khu phố, bà Nguyễn Thị Phương kể.
Nhờ kinh nghiệm nhiều năm làm công tác dân vận, bà Phương hiểu được rằng, để chấm dứt tệ nạn trên thì trước tiên cần quét sạch mầm mống ma túy. Vì thế năm 1998 bà cụ một mình đi đến từng con hẻm, vào từng gia đình, thậm chí cả sào huyệt của trẻ bụi đời để khuyên bảo, vận động những con nghiện bỏ “nàng tiên nâu” mà quay về cuộc sống lương thiện.
Vốn cùng cảnh mồ côi mẹ từ bé nên bà Phương rất thương và hiểu tâm lý của những đứa trẻ cơ nhỡ, bụi đời. Bà bảo: “Chúng nó vậy đó nhưng cũng cần tình thương và ưa ngọt lắm. Đứa thì thích chè, đứa thích kem, mình không tiếc với bọn trẻ những gì chúng cần thì mới khuyên bảo được chúng”.
Hành trang đến với từng mảnh đời lầm lỡ của bà cụ 70 tuổi là tình thương chân thành và ước mong giúp cho xã hội tốt đẹp hơn. Ngày cũng như đêm, sau khi hoàn thành công việc của mình tại gia đình, bà cụ lại đi phát thuốc cho người nghiện, với trường hợp nghiện lâu năm thì bà giúp đưa họ đi cai ở trung tâm điều trị Bình Triệu (cách đó khoảng 8 cây số).
“Ban đầu khuyên bảo họ cũng phản ứng dữ dội lắm, nhưng tôi nghĩ bụng cứ kiên trì thế nào cũng làm được, và biết đâu công việc này thành công sẽ có nhiều người ủng hộ cùng làm thì hiệu quả lớn lắm”, bà bồi hồi nhớ lại.
Bếp ăn từ thiện của bà Phương hàng ngày cung cấp gần 80 suất cơm cho người có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Thi Ngoan.
Nhiều lần bà Phương còn bị “sứt đầu mẻ trán” vì con nghiện lên cơn phá phách. Như năm 2002 khi đang giúp cho một cậu thanh niên cắt cơn, đến ngày thứ hai (giai đoạn khó khăn nhất của quy trình cai nghiện) thì anh này giẫy đạp báo hại bà té xuống gãy hai chiếc răng cửa, máu me giàn giụa phải đưa đi cấp cứu. Rồi lần khác bà lại bị một thanh niên xô xuống hố gãy tay…
Đến nay sau hơn 14 năm kiên trì tận tụy, bà cụ đã giúp đỡ cho hơn 100 người trong thành phố và hàng chục thanh niên ở các địa phương khác thoát cảnh nghiện ngập. Trong số đó nhiều người hoàn lương tìm được công việc ổn định, lập gia đình và chí thú làm ăn, đặc biệt hơn, một số em trở thành cán bộ công an xuất sắc, diễn viên điện ảnh, thợ may, thợ điện chuyên nghiệp.
Ở tuổi “thất thập cổ lai hy” trông bà Phương vẫn rắn rỏi, khỏe mạnh, với trí nhớ minh mẫn, bà nắm rõ lý lịch từng người và thường xuyên hỏi thăm, động viên những trường hợp mà bà đã giúp đỡ. Có nhiều em lầm lỡ được bà giúp đỡ, sau khi gây dựng sự nghiệp ổn định đã quay trở về cộng tác với bà tiếp tục chăm lo cho những mảnh đời đáng thương khác.
Nhiều người ở khắp nơi còn gọi điện đến nhờ “bà Phương ma túy” (tên mà người dân địa phương ưu ái đặt cho bà) giúp đỡ con cháu họ thoát cảnh nghiện ngập. Mặc dù tuổi đã cao, song bà vẫn không quản ngại đến tận nơi khuyên bảo hoặc tư vấn cho người thân giúp bệnh nhân tự cai.
Video đang HOT
Mỗi buổi trưa, nhiều cụ già neo đơn trong khu vực đến nhận cơm từ thiện. Ảnh: Thi Ngoan.
Đến nay khu phố 4, nơi bà Phương ở không chỉ được ghi nhận không còn bóng ma túy nữa mà còn được nhận danh hiệu “khu khố văn hóa”.. Thời gian còn lại bà tiếp tục giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn, trẻ em bị lạm dụng tình dục, bệnh nhân tâm thần, sinh viên nghèo…
Năm 2008, với sự giúp đỡ của hội cựu thương binh và các mạnh thường quân, bà Phương đã xây được một bếp ăn tình thương mỗi ngày cung cấp gần 80 suất cơm cho người nghèo, với chi phí thực phẩm khoảng 15 triệu đồng mỗi tháng. Thêm vào đó, bà cụ còn vận động những người hảo tâm xây dựng được 14 căn nhà tình thương cho người tàn tật, neo đơn.
Chị Huỳnh Thị Nở, người mẹ góa nuôi 2 đứa con, thuở cơ hàn khốn khó được bà Phương giúp đỡ nên bây giờ quay lại giúp bà cụ nấu cơm, chăm sóc, động viên những người đồng cảnh ngộ. Chị tâm sự: “Nhìn thấy gương cô cả đời chỉ biết lo cho người khác, mình và mọi người rất cảm kích. Cô đã giúp đỡ mình thì bây giờ mình cũng quay lại phụ với cô chăm lo cho những người cùng cảnh ngộ mình ngày trước”.
Đánh giá cao những hy sinh thầm lặng của bà cụ Nguyễn Thị Phương, UBND phường, quận đã trao tặng danh hiệu “Người tốt việc tốt” cho bà. Và mới đây bà cụ còn nhận bằng khen và huy chương vì sự nghiệp nhân đạo do Thủ tướng Chính phủ phong tặng.
Theo VNExpress
Bỏ rơi con để về quê ăn Tết!
Một bé vừa bị bỏ rơi đang được nuôi dưỡng tại trung tâm nhân đạo Quê Hương
Vừa sinh ra đã bị bỏ rơi, chúng là những đứa con "lầm lỡ" của nhiều công nhân các khu công nghiệp ở Bình Dương. Nạn bỏ rơi con đang trở nên nhức nhối tại các khu công nghiệp nơi đây.
Gần 10 đứa bé nối nhau khóc "oe oe". Cô bảo mẫu tại Trung tâm nhân đạo Quê Hương nói: "Bọn trẻ cùng bị bỏ rơi nên khóc thì cùng khóc một lượt như "hát đồng dao" vậy đó". Nghe mà đắng lòng, tự hỏi liệu trên đời này có còn "khúc đồng dao" nào bất hạnh hơn thế?
Phúc, Cổng, Hảo, những cái tên số phận
Chúng tôi đến Trung tâm nhân đạo Quê Hương (xã Tân Đông Hiệp, huyện Dĩ An, Bình Dương) vào những ngày đầu năm 2011. Trung tâm vừa tiếp nhận đứa bé thứ 325 bị bỏ rơi. Trong phòng, 4 em bé chưa đầy 3 tháng tuổi nằm kế nhau trong một chiếc nôi lớn. Có bé mắt chưa thể mở to.
"Thế mà cha mẹ nó đành đoạn bỏ được" - một giáo vụ ẵm bé vừa lượm được thốt lên nghẹn lời. Mấy ngày trước, bé bị vàng da, yếu ớt, suy kiệt... Giờ bé bắt đầu bú mạnh, ngủ ngon giấc, cũng ít khóc hơn. Tên trong hộ khẩu của bé là Huỳnh Tiểu Bắc.
Ông Phan Văn Bảy, Phó Giám đốc trung tâm nhân đạo Quê Hương đưa cho tôi xem những cái tên khác trong sổ hộ khẩu của "gia đình". Và kể câu chuyện buồn của những cái tên mà ông còn nhớ.
Ông Phan Văn bảy và những cuốn sổ hộ khẩu của con rơi
Một ngày nọ khi vừa mở cổng, phát hiện một em bé đỏ hỏn nằm chơ vơ, ông Bảy nhặt vào và đặt tên là Cổng. Người ta nói tên Cổng nghe kỳ quá nên ông đổi thành Công...
Một em bé khác được tìm thấy khi kiến đã bu đỏ người. Em may mắn sống sót. Và ông Bảy đặt nó tên là Phúc.
"Có đứa tôi phát hiện bị người ta bỏ trong thùng mì Hảo Hảo rồi vứt ngoài ngã ba đường. Tôi mang về và đặt tên cho nó là Hảo. Hảo, cái tên nghe cũng đẹp" - ông Bảy tự trào vậy. Nhưng giọng ông nghe thật buồn.
Hơn 7 năm làm việc tại trung tâm, ông Bảy không nhớ mình đã "sáng tác" bao nhiêu cái tên như vậy. Đứa ở góc chợ, đứa trên vỉa hè, thậm chí có đứa được tìm thấy tại bãi rác...
Rồi chúng sẽ lớn lên, chúng sẽ hỏi rằng, ai sinh ra chúng? Ai có thể trả lời.
Người ta chỉ biết, Trung tâm Nhân đạo Quê Hương nằm gần nhiều KCN như Sóng Thần 1, Sóng Thần 2, Đồng An, Tân Đông Hiệp...
Người ta chỉ biết, câu chuyện bé Bắc, bé Hảo, bé Phúc chỉ nối thêm vào những ám ảnh xót xa của vấn nạn vứt con quanh các khu công nghiệp, không chỉ riêng tại Bình Duơng.
Về quê Tết, bỏ con thơ khóc giữa đường đời
Ông Bảy đưa tôi xem hình ảnh 2 thai nhi do một người đàn ông tâm thần lôi ra từ sọt rác vào dịp gần Tết năm 2010.
"Những đứa trẻ với hình hài không bình thường là một thứ "của nợ" đối với nhiều công nhân. Có lần, chúng tôi phát hiện một đứa bé bị vứt ngoài đường, một bên đầu bị móp. Để cứu sống bé, chúng tôi phải đưa đi cấp cứu, điều trị hơn 80 triệu đồng" - ông Bảy nói.
Ngoài những thiên thần mang khuôn mặt sáng trong, tôi còn gặp nhiều đứa bé mù, bại não, tay chân dị dạng...
Nào ta cùng vào tắm thôi
Ông Bảy giải thích, lo sợ gia đình, cha mẹ biết chuyện nên có công nhân sau khi biết mình có thai tìm mọi cách che giấu. Khi có thai, có người tìm cách bó bụng để giấu bào thai. Đến khi sinh ra, đứa bé không có thể trạng bình thường được nữa.
Thậm chí, cách đây chừng một năm, nữ công nhân tên Q.T.N, làm việc tại một công ty trong KCN Việt Nam-Singapore, Bình Dương đã trốn ra bãi đất hoang tự sinh con và chôn luôn con của mình.
"Tại thân phận họ đáng thương" - ông Bảy chua xót. Do điều kiện khó khăn, 4-5 công nhân rủ nhau thuê một phòng trọ, có khu trọ nhiều nam nữ sống chung. "Lửa gần rơm" lâu ngày nảy sinh tình cảm, không kiềm chế bản thân để xảy ra chuyện mang thai ngoài ý muốn.
Nhờ được chăm sóc chu đáo tại trung tâm, nay các bé bị bỏ rơi đã lớn
Theo ông Bảy, gần Tết, công nhân bỏ con nhiều. Vì họ gặp khó khăn hay cố tình muốn giấu cha mẹ chuyện có con.
"Năm nào cũng vậy, vào khoảng thời gian này, Trung tâm nhân đạo Quê Hương đều nhận 5-7 đứa trẻ bị vứt bỏ".
Bệnh viện Đa khoa huyện Thuận An, Bình Dương lại vừa có một nữ công nhân vượt cạn xong rồi trốn đi, bỏ lại một bé trai kháu khỉnh còn đỏ hơn. Cô mới 23 tuổi, tạm trú tại xã Bình Hòa, huyện Thuận An. Câu chuyện không lạ với những bác sĩ ở bệnh viện này.
Theo Bee
Gái bao học thức cao Rồi dần dần quen "nghề", Hà bắt đầu từ bỏ các quán bar, đi với bất cứ gã đàn ông nào có nhu cầu gọi cô. Bất lực vì không xin được việc Ra trường đã rất lâu nhưng Hà vẫn không tìm được một chỗ trú chân nào ổn định. Từ ngày ra trường tính đến bây giờ cũng ngót nửa năm,...