Bà bầu cẩn trọng khi mắc sốt xuất huyết
Trong số bệnh nhân nhập viện do sốt xuất huyết (SXH), có 25% số ca mắc là phụ nữ mang thai.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, SXH khi mang thai có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ bầu và thai nhi nên khi thai phụ mắc SXH cần phải nhập viện điều trị kịp thời và được theo dõi sát sao.
Thống kê của Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện (BV) Bạch Mai cho thấy, bệnh nhân SXH phải nhập viện điều trị nội trú trong tháng 8/2019 tăng cao, với 66 bệnh nhân nặng, hàng chục trường hợp đến khám mỗi ngày và nhiều trường hợp phải điều trị ngoại trú, theo dõi tại nhà.
Mới đây, thai phụ V.T.L (25 tuổi, trú tại phường Đại Kim, quận Hoàng Mai) đang mang thai ở tuần thứ 27, thấy cơ thể có triệu chứng sốt, mệt mỏi. Lo ngại ảnh hưởng thai nhi nên thai phụ L. nhập viện ngay trong đêm. Tại BV Bạch Mai, bệnh nhân được chẩn đoán SXH, đã cho bù đủ nước, điện giải, theo dõi sát chỉ số trong máu và tình trạng thai.
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường – Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, khi có bầu, sức đề kháng của phụ nữ giảm xuống nên dễ mắc bệnh, trong đó có SXH. Đặc biệt, biểu hiện SXH trên phụ nữ có thai rất khó lường, ảnh hưởng đến thai. Sốt cao làm tăng nhịp tim của mẹ dẫn tới tăng nhịp tim của con, sẽ có nguy cơ suy thai.
Phụ nữ mang thai những tháng đầu bị SXH có thể dẫn đến sảy thai, thai chết lưu. Đặc biệt, tình trạng tiểu cầu hạ có thể dẫn đến đẻ non và gây ra các biến chứng nặng như: Ra máu khó cầm, rau bong non, tiền sản giật… dễ gây tử vong cho cả mẹ và thai nhi. Những bé sinh ra từ bà mẹ tiểu cầu hạ có thể bị thiếu hụt tiểu cầu trong những ngày đầu, thậm chí vài tuần sau sinh.
Trong quá trình điều trị cũng cần thận trọng khi dùng thuốc (truyền dịch, truyền máu, thuốc hạ sốt, kháng sinh…) vì những ảnh hưởng của nó đối với thai. Một số thai phụ ở giai đoạn cuối có dấu hiệu chuyển dạ, bệnh SXH dễ khiến bệnh nhân ra máu, cộng với việc ra máu trong lúc sinh nở sẽ có thể dẫn đến bệnh nhân bị rối loạn đông máu, sốc mất máu, nguy hiểm tính mạng cho mẹ và thai nhi.
Video đang HOT
TS Đỗ Duy Cường khuyến cáo, nếu nhận thấy các triệu chứng: Ra máu chân răng, sốt cao, kèm theo run rẩy, mất nước, ăn không ngon miệng, đau đầu dữ dội, khó thở, cảm giác tê nhức khắp cơ thể… thai phụ cần phải nhập viện để được theo dõi và điều trị kịp thời. Tại đây, bệnh nhân được theo dõi công thức máu, đông máu, chức năng gan, thận, tình trạng của thai nhi hàng ngày. Qua đó, bác sĩ đánh giá xem người bệnh có dấu hiệu dọa sảy hay sảy thai, đẻ non (đặc biệt trong những tháng cuối của thai kỳ) hoặc rong kinh, rong huyết hay không.
Cũng theo TS Đỗ Duy Cường, thông thường, bác sĩ không có chỉ định bỏ thai khi mắc SXH. Trên thực tế, các em bé sinh ra từ bà mẹ bị SXH không bị ảnh hưởng gì. Do đó, khi mắc bệnh, thai phụ cần bình tĩnh, không nên quá thấp thỏm lo lắng sẽ làm ảnh hưởng đến em bé. Điều quan trọng nhất là mẹ và thai nhi được theo dõi chặt chẽ, bản thân mẹ không được dùng bất kỳ thuốc gì khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
“Đối với bà bầu mắc SXH ở những ngày đầu và chưa có dấu hiệu cảnh báo chỉ cần theo dõi, bù nước đường uống, tăng cường nước ép trái cây. Nếu chưa sốt quá 38oC, chỉ cần chườm mát, lau người, vùng trán, bẹn, nách, thái dương để hạ nhiệt” – TS Đỗ Duy Cường lưu ý.
Theo kinhtedothi
Người phụ nữ Hà Nội nguy kịch vì muỗi đốt
Thấy sốt cao liên tục trên 39 độ, chị Minh tự mua thuốc hạ sốt về uống 8-10 viên/ngày. Hậu quả, bệnh nhân nguy kịch phải nhập viện cấp cứu.
Số trường hợp mắc sốt xuất huyết trên cả nước đã bắt đầu tăng mạnh, nửa năm đã có gần 80.000 c mắc. Đặc biệt tại 20 tỉnh phía nam, đã ghi nhận hơn 50.000 ca (gấp gấn 3 lần so với cùng kỳ 2018), trong đó đã có 6 trường hợp tử vong.
Riêng TP.HCM, từ đầu năm đến nay có gần 25.000 ca mắc sốt xuất huyết, 5 ca tử vong (3 người lớn, 2 thiếu niên).
Tại Hà Nội, vài tuần trở lại đây, số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết có xu hướng tăng nhanh, chỉ tính riêng tuần cuối tháng 6, đã có hơn 160 ca, nâng tổng số ca mắc toàn thành phố từ đầu năm đến nay lên hơn 820 ca. Hiện tại, vẫn còn gần 100 bệnh nhân đang phải điều trị tại các bệnh viện.
Một bệnh nhân sốt xuất huyết đang điều trị tại BV Bạch Mai
Tại BV Bạch Mai, PGS.TS Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm cho biết, số bệnh nhân nhập viện có dậu tăng lên, trong đó có nhiều ca nặng.
Đơn cử như trường hợp bệnh nhân Đặng Thị Minh, 40 tuổi ở Hà Nội, được chuyển vào viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, sốt cao, men gan cao gấp 20 lần bình thường do sử dụng thuốc hạ sốt quá liều, dương tính với sốt xuất huyết.
Trước khi được chẩn đoán mắc sốt xuất huyết, chị Minh sốt cao liên tục 39-40 độ C, nghĩ sốt virus nên chị tự ý mua thuốc hạ sốt về uống, liên tục 8-10 viên/ngày khiến gan bị nhiễm độc.
Sau khi điều trị tích cực hơn 1 tuần, bệnh nhân đã hồi phục dần, qua cơn nguy kịch và vừa được xuất viện. Được biết, mùa hè 2018, chị Minh cũng phải vào viện điều trị vì sốt xuất huyết.
Một trường hợp khác khá nặng là bệnh nhân Tuấn Anh, 22 tuổi, sinh viên trường ĐH Giao thông Vận tải, nhập viện ngày 2/7 trong tình trạng sốt cao liên tục trên 39 độ, ban nổi khắp người.
Kết quả xét nghiệm cho thấy tiểu cầu bệnh nhân giảm mạnh, gan to, ra máu chân răng. Bệnh nhân đang được hồi sức tích cực, truyền dịch.
Cẩn trọng với thuốc hạ sốt
Theo Cục trưởng Y tế dự phòng Trần Đắc Phu, ở giai đoạn đầu của sốt xuất huyết, người bệnh chỉ có biểu hiện sốt nên dễ nhầm với sốt virus. Do đó người dân khi có biểu hiện sốt, nghi ngờ sốt xuất huyết thì phải đến BV để khám, làm test nhanh.
Trong phác đồ điều trị sốt xuất huyết, người dân chỉ nên dùng paracetamol để hạ sốt. Tổng liều không quá 60mg/kg cân nặng/24h (trẻ em dùng liều 10-15mg/kg), cứ 4 - 6 tiếng uống một lần khi sốt từ 38,5 độ trở lên, tuy nhiên khuyến cáo không nên uống quá 4-6 viên/ngày.
Tuy nhiên nhiều bệnh nhân và phụ huynh sốt ruột khi paracetamol hạ sốt không sâu, tái sốt nhanh nên đã cuống cuồng tìm thuốc chứa aspirin hoặc ibuprofen thay thế.
Thực tế, lượng tiểu cầu trên những bệnh nhân mắc sốt xuất huyết sẽ giảm nhanh, trong khi aspirin và ibuprofen cùng có tác dụng ngăn sự tập kết tiểu cầu, chống đông máu khiến bệnh nhân tăng nguy cơ xuất huyết. Aspirin còn có tác dụng phụ gây loét dạ dày tá tràng và có thể gây xuất huyết dạ dày, ói ra máu.
Khi uống 2 thuốc này, ở thể nhẹ có thể chỉ xuất huyết dưới da, thể nặng sẽ làm tăng nguy cơ ra máu răng, ra máu cam thậm chi nôn ói ra máu, xuất huyết ồ ạt.
Với paracetamol, do là thuốc không kê đơn nên tình trạng lạm dụng và ngộ độc loại thuốc này ngày càng gia tăng.
Theo PGS Phạm Duệ, nguyên Giám đốc Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai, paracetamol vốn lành tính, được chuyển hóa tại gan. Tuy nhiên khi uống quá liều, paracetamol sẽ tạo ra các chất độc, phá hủy tế bào gan dẫn đến nhiễm độc gan mà hậu quả nặng nề là suy gan cấp tính, rối loạn đông máu, xuất huyết nhiều nơi, hôn mê gan và có thể tử vong.
Đặc biệt, trên các bệnh nhân có sẵn bệnh lý ở gan như viêm gan, xơ gan... nguy cơ nhiễm độc gan càng cao và tình trạng càng nặng.
Các bệnh nhân sốt xuất huyết thường sốt 2-7 ngày, 3 ngày đầu không nguy hiểm tính mạng dù có sốt cao trừ những trường hợp mắc bệnh mãn tính kèm theo hay phụ nữ có thai, trẻ em.
Với trường hợp khoẻ mạnh, khi dương tính với sốt xuất huyết chỉ cần về nhà yên tâm điều trị theo đơn bác sĩ và từ ngày thứ 4 tái khám theo chỉ định. Những trường hợp có nền bệnh và có dấu hiệu cảnh báo cần được nằm viện theo dõi.
Thúy Hạnh
Theo vietnamnet
Bà bầu mắc sốt xuất huyết nguy hiểm ra sao? 25% bệnh nhân sốt xuất huyết tại Bệnh viện Bạch Mai là phụ nữ mang thai. Nhiều bà bầu lo lắng về sự ảnh hưởng của bệnh với thai nhi. Sản phụ Hải Loan (25 tuổi, quê Nam Định) mang thai ở tuần thứ 22. Đây là lần mang thai đầu tiên của chị. Đêm 6/9, thấy có biểu hiện sốt, mệt mỏi,...