Australia thử UAV yểm trợ phi công tiêm kích
Nguyên mẫu Hệ thống Hỏa lực Bay Đồng hành (ATS) không người lái được chạy thử tốc độ cao trên mặt đất tại một thao trường của Australia.
Không quân Australia hôm 21/12 thông báo hoàn thành cuộc thử nghiệm chạy tốc độ cao đầu tiên của máy bay không người lái ATS, còn có biệt danh là “Người bạn Trung thành”. Nguyên mẫu ATS đang trải qua đợt thử nghiệm chạy trên mặt đất tại một thao trường ở Australia, nhằm đánh giá tính năng kỹ thuật và thiết bị trên phi cơ.
Nguyên mẫu ATS chạy thử trên đường băng hôm 21/12. Video: Boeing .
“Chương trình thử nghiệm đang tiến triển tốt. Chúng tôi đang phối hợp với Trung tâm Tác chiến Đường không để hoàn thành các phép thử cuối cùng nhằm tiến hành bay thử vào năm sau”, Paul Ryder, người đứng đầu bộ phận thử nghiệm bay của Boeing, cho hay.
ATS là thiết kế nguyên bản đầu tiên được phát triển bởi chi nhánh Boeing ngoài nước Mỹ, cũng là thiết kế phi cơ nguyên bản đầu tiên cho không quân Australia trong hơn 50 năm.
Nó có hình dáng và khả năng hoạt động gần tương tự tiêm kích thông thường. Đây là hệ thống đa nhiệm bán tự động có khả năng mang vũ khí, được điều khiển từ trạm mặt đất hoặc tiêm kích có người lái mà nó bay kèm. Đại diện Boeing cho biết các tiêm kích của Australia có thể điều khiển được ATS mà không cần chỉnh sửa.
Nguyên mẫu ATS có chiều dài khoảng 11,5 m, được trang bị cảm biến để thực hiện nhiệm vụ do thám, trinh sát và tác chiến điện tử. Một trong những tính năng chủ đạo của ATS là khoang mũi dài 2,6 m với thiết kế module, cho phép lắp đặt nhiều khí tài khác nhau tùy thuộc nhiệm vụ.
Ngoài Boeing, một số nước khác đang hiện thực hóa ý tưởng chế tạo máy bay không người lái hộ tống tiêm kích có người lái. Nga đang phát triển mẫu Okhotnik có khả năng tàng hình, được điều khiển từ tiêm kích Su-57 để phối hợp tác chiến.
Tiêm kích Australia lao khỏi đường băng
Tiêm kích F/A-18F Australia gặp sự cố khi cất cánh buộc tổ lái phóng ghế thoát hiểm, phi cơ sau đó lao tự do ra ngoài đường băng.
Sự cố xảy ra chiều 8/12 khi một tiêm kích đa năng F/A-18F Super Hornet của không quân Australia chuẩn bị xuất phát từ căn cứ Amberley, miền đông nước này. Phi cơ dường như có số hiệu A44-223, là chiếc thứ ba cất cánh trong phi đội 7 tiêm kích F/A-18F tham gia diễn tập.
Chiếc F/A-18F lao khỏi đường băng trong sự cố hôm 8/12. Video: 7 News .
Nhân chứng cho biết chiếc Super Hornet có thể gặp sự cố động cơ khi đang tăng tốc và chuẩn bị rời mặt đất. Video tại hiện trường cho thấy tổ lái hai người phóng ghế thoát hiểm và tiếp đất gần đó, trong khi chiếc F/A-18F tiếp tục trôi tự do và lao khỏi đường băng. Phi cơ dừng hẳn trong trạng thái chúi mũi do càng trước bị sập hoặc lún sâu xuống đất.
Máy bay mang theo hai tên lửa đối không tầm trung AIM-120 AMRAAM, cùng một tên lửa đối không tầm ngắn AIM-9X và một cụm thiết bị định vị dùng trong huấn luyện không chiến (ACMI), cùng hai thùng dầu phụ. Hiện chưa rõ các tên lửa trên máy bay gặp nạn là phiên bản huấn luyện hay chiến đấu.
Bộ Quốc phòng Australia cho biết hai phi công không gặp nguy hiểm tính mạng. Nguyên nhân sự cố và mức độ thiệt hại chưa được xác định. Không quân Australia đang tiến hành điều tra, đồng thời ra lệnh cấm bay với toàn bộ chiến đấu cơ F/A-18F và tiêm kích tác chiến điện tử EA-18G Growler.
Australia đang vận hành phi đội 24 tiêm kích F/A-18F với giá 75 triệu USD mỗi chiếc. Toàn bộ đều đóng tại căn cứ Amberly và đạt khả năng sẵn sàng chiến đấu đầy đủ từ cuối năm 2012. Tiêm kích Super Hornet của nước này từng tham gia nhiệm vụ chiến đấu tại Iraq và Syria trong lực lượng liên quân do Mỹ dẫn đầu.
Mỹ và Australia hợp tác sản xuất tên lửa hành trình siêu thanh Australia sẽ bắt tay với Mỹ phát triển tên lửa hành trình siêu thanh để cạnh tranh với Nga và Trung Quốc vốn đang sản xuất loại vũ khí tương tự. Phù hiệu của lực lượng Không quân Australia. Ảnh: CNN Kênh CNN (Mỹ) dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Australia Linda Reynolds xác nhận thông tin này vào ngày 1/12. Bà Linda...