Australia phong tỏa gần một nửa dân số
Chính quyền bang Queensland của Australia vừa ban bố lệnh phong tỏa kéo dài 3 ngày đối với khu vực Đông Nam bang này và một số khu vực lân cận từ 18h ngày 29/6, sau khi địa phương này ghi nhận 2 ca mắc mới bệnh COVID-19 trong cộng đồng trong 24 giờ qua.
Người dân xếp hàng bên ngoài một điểm tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Sydney, Australia, ngày 24/6/2021. Ảnh: AFP/ TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, với lệnh phong tỏa trên, khoảng 12 triệu người Australia, tương đương gần một nửa dân số quốc gia lớn nhất châu Đại Dương này, sẽ phải ở nhà theo lệnh phong tỏa của chính quyền các địa phương nhằm đối phó với sự bùng phát của các ca nhiễm mới do biến thể Delta có khả năng lây lan mạnh gây ra.
Cụ thể, ngoài 4 triệu dân ở bang Queensland, hiện khoảng 5,7 triệu người ở khu vực Sydney của bang New South Wales, 2 triệu người ở khu vực Perth và Peel của bang Western Australia, và hàng trăm nghìn người ở khu vực thành phố Darwin của Lãnh thổ phía Bắc đang phải sống trong các điều kiện phong tỏa nghiêm ngặt.
Video đang HOT
Cư dân ở các khu vực bị phong tỏa chỉ có thể ra khỏi nhà vì 4 lý do thiết yếu, bao gồm đi mua thực phẩm hoặc các đồ dùng và dịch vụ thiết yếu khác, khám chữa bệnh (trong đó có đi tiêm vaccine ngừa COVID-19), tập thể dục ngoài trời theo nhóm không quá 10 người, đi làm hay đi học nếu không thể làm tại nhà.
Trong 24 giờ qua, Australia đã ghi nhận thêm 25 ca nhiễm mới trong cộng đồng, bao gồm 19 ca ở bang New South Wales, 2 ca ở bang Queensland, và 4 ca ở Lãnh thổ phía Bắc. Bang Western Australia không ghi nhận thêm ca nhiễm nào sau khi áp dụng lệnh phong tỏa khu vực Perth và Peel trong 4 ngày, kể từ đêm 28/6 do phát hiện 3 ca nhiễm trong cộng đồng. Các bang và vùng lãnh thổ khác ở Australia là Victoria, South Australia, Tasmania, vùng lãnh thổ thủ đô (ACT), không ghi nhận ca nhiễm nào trong cộng đồng nhưng tuyên bố cấm người dân đến từ các địa phương bị ảnh hưởng bởi đại dịch và ban hành các hạn chế xã hội để phòng, chống dịch.
* Giới chức y tế và chuyên gia Ấn Độ ngày 29/6 cho biết bang Maharashtra, miền Tây Ấn Độ, đang tập huấn cho hàng nghìn nhân viên y tế cách chăm sóc trẻ em trong bối cảnh dịch COVID-19 nhằm phòng ngừa sự gia tăng các ca bệnh trẻ em do các biến thể mới gây ra.
Theo một quan chức y tế bang Maharashtra, bang này đang tập huấn cho hàng nghìn nhân viên y tế, những người thường là đầu mối liên hệ đầu tiên của các hộ gia đình về cách chăm sóc trẻ em trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Bang Maharashtra triển khai biện pháp trên sau khi giới chuyên gia cảnh báo một số lượng lớn trẻ em có nguy cơ mắc bệnh trong làn sóng dịch bệnh thứ 3, trong khi Ấn Độ hiện chưa phê duyệt bất kỳ loại vaccine ngừa COVID-19 nào cho trẻ em.
Bang Maharashtra, một trong những bang đông dân nhất Ấn Độ, chịu tác động nặng nề nhất trong làn sóng dịch bệnh thứ 2 xảy ra trong tháng 4-5 vừa qua khiến hàng trăm nghìn người tử vong và hiện vẫn đang chiếm 1/4 số ca nhiễm mới trên cả nước. Đến nay, bang này đã ghi nhận 50 ca nhiễm biến thể Delta Plus mà Ấn Độ đánh giá là đáng quan ngại.
Hiện Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 30,31 ca nhiễm, trong đó 397.637 ca tử vong do COVID-19.
Sáng kiến tặng gạo để khuyến khích tiêm vaccine ngừa COVID-19 ở Philippines
Nhằm giúp người dân vượt qua nỗi lo ngại hay tâm lý kén chọn vaccine ngừa COVID-19, Philippines đang áp dụng nhiều sáng kiến, trong đó có treo thưởng những món quà thiết thực.
Một khu vực ở ngoại ô thủ đô Manila đã đưa ra ý tưởng tặng các bao tải gạo lớn nhằm khuyến khích người dân tiêm chủng.
Tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Navotas, Philippines, ngày 8/6/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Cứ mỗi tuần, vùng Sucat lại treo thưởng 25kg gạo cho 20 người đã tiêm vaccine may mắn bốc thăm được phần thưởng. Quan chức địa phương Jeramel Mendoza cho biết sáng kiến này chủ yếu hướng tới những cư dân thuộc nhóm nghèo hơn vốn không quá quan tâm đến việc tiêm chủng. Theo ông, khi chiến dịch tiêm chủng được tiến hành, có rất ít người đăng ký, chủ yếu là những người giàu hoặc có điều kiện.
Giới chức Sucat cho biết kể từ khi sáng kiến tặng gạo để khuyến khích tiêm chủng được triển khai vào cuối tháng 5 vừa qua, số liều vaccine được sử dụng hàng ngày đã lên tới 2.000 liều, trong khi trước đó họ chỉ tiêm được khoảng 400 liều/ngày. Anh Almond Gregorio, một lính cứu hỏa và cũng là chủ nhân tấm vé trúng thưởng, cho biết: "Đó là một sáng kiến hay và tôi cảm thấy an toàn hơn sau khi đã tiêm phòng. Tôi rất vui vì đã tiêm phòng đồng thời có được được một ít gạo".
Hồi đầu tháng này, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã lên tiếng kêu gọi công chúng đi tiêm phòng, sau khi dữ liệu cho thấy nước này đã tụt lại phía sau trong chiến dịch tiêm chủng. Trong bối cảnh Philippines đang vật lộn với một trong những đợt bùng phát dịch bệnh nghiêm trọng nhất tại châu Á với hơn 1,3 triệu ca mắc và hơn 23.000 ca tử vong, Tổng thống Duterte ngày 21/6 đã cảnh báo phạt tù những người từ chối tiêm vaccine phòng COVID-19.
Tính đến ngày 20/6, Philippines đã tiêm đủ liều vaccine cho 2,1 triệu người dân, quá ít so với mục tiêu của chính phủ là tiêm chủng cho 70 triệu trong tổng số 110 triệu dân trong năm nay. Philippines đã đặt mua 113 triệu liều vaccine từ 5 nhà sản xuất.
Australia: Thành phố Sydney trải qua đợt lạnh kỷ lục trong 37 năm qua Người dân ở thành phố Sydney của Australia đang phải sống trong đợt thời tiết giá rét. Nhiệt độ cao nhất ghi nhận tại đây trong ngày 10/6 chỉ là 10,3 độ C - mức nhiệt thấp nhất tại thành phố này trong 37 năm qua. Thành phố Sydney trải qua đợt lạnh kỷ lục trong 37 năm qua. Ảnh: Getty Images Nền...