Australia phê chuẩn liệu pháp đột phá trong điều trị ung thư máu
Liệu pháp này có ưu điểm là chỉ dùng 1 liều duy nhất mà không phải điều trị nhiều lần như hóa trị và xạ trị.
Cơ quan chức năng của Australia vừa phê duyệt để sử dụng phương pháp điều trị ung thư máu mới nhằm đưa nước này trở thành một trong những quốc gia đi đầu trong điều trị căn bệnh nguy hiểm này.
Ảnh minh họa: ZKnight.
Tiếp sau Mỹ và một số nước châu Âu, Cơ quan quản lý hàng hóa trị liệu của Australia vừa phê duyệt cho phép sử dụng liệu pháp miễn dịch, còn được gọi là CAR-T để giúp trẻ em chiến đấu với bệnh bạch cầu và người lớn chiến đấu với một loại ung thư hạch ác tính. Liệu pháp này có tên thương mại là Kymriah do công ty dược phẩm Novartis sáng chế ra.
Đây được đánh giá là liệu pháp mang tính đột phá khi nó sử dụng các tế bào miễn dịch của chính bệnh nhân để chống lại các tế bào ung thư chỉ trong một liều điều trị duy nhất bằng cách tiêm vào cơ thể người bệnh.
Liệu pháp này có ưu điểm là chỉ dùng 1 liều duy nhất mà không phải điều trị nhiều lần như hóa trị và xạ trị. Hơn thế nữa, kết quả thử nghiệm lâm sàng mà hãng Novartis tiến hành cho đến nay đối với cả trẻ em và người lớn đều có kết quả tích cực. Theo đó, 80% trẻ em không có dấu hiệu ung thư sau 3 tháng điều trị trong khi 45% người trưởng thành có kết quả tương tự.
Không chỉ là lời quảng cáo của hãng Novartis, các bác sỹ chuyên chữa ung thư cũng phải ngạc nhiên về kết quả của liệu pháp này. Bác sỹ Michael Dickinson thuộc Trung tâm điều trị ung thư Peter MacCallum khẳng định, liệu pháp này mang tính “đột phá” khi nó đã tạo ra sự “tiến triển” trong quá trình điều trị. Đồng thời, mức độ tác động và thời gian sử dụng liệu pháp cũng là “điều tuyệt vời”.
Mặc dù có nhiều ưu thế về hiệu quả chữa bệnh song liệu pháp này cũng đang có những khó khăn. Thứ nhất đó là về giá cả. Theo ước tính, để điều trị liệu pháp này, bệnh nhân có thể phải chi tới 600.000 đô la Australia (AUD). Thứ hai đó là địa điểm điều trị. Hiện nay trên thế giới chỉ có một số cơ sở có thể điều trị ung thư theo liệu pháp này, trong đó có các trung tâm tại Mỹ, một số nước Châu Âu và 3 trung tâm tại Australia, đó là Bệnh viện Hoàng tử Alfred tại Sydney, Trung tâm điều trị ung thư Peter MacCallum và Bệnh viện nhi Hoàng gia Melbourne tại Melbourne.
Video đang HOT
Hãng Novartis cho biết họ đang nỗ lực để làm giảm giá thành của liệu pháp này đồng thời hy vọng, sau khi Australia phê duyệt thì sẽ có thêm nhiều quốc gia cho phép sử dụng phương pháp này để ngày càng giúp được nhiều người bệnh có thêm cơ hội điều trị và kéo dài cuộc sống./.
Theo vov
Bác sĩ Trung Quốc khỏi ung thư nhờ liệu pháp miễn dịch
Sau nửa năm điều trị bằng liệu pháp miễn dịch, bác sĩ Zou Yuliang không còn dấu vết ung thư dù trước đó tiên lượng rất xấu.
Tháng 12/2017, bác sĩ Zou Yuliang được thông báo ông chỉ còn vài tuần để sống. Ung thư đã tàn phá cơ thể ông, di căn từ gan lên phổi. Các biện pháp điều trị thông thường đều thất bại, ông phải vật lộn để thở. "Chúng tôi chẳng có cơ hội nào, kể cả ghép gan", vợ bác sĩ Zou là bác sĩ tim mạch Zou Fanling chia sẻ.
Giờ đây, bác sĩ Zou không chỉ phục hồi mà còn làm việc và đi vòng quanh Trung Quốc để tham gia các hội nghị y khoa. Điều kỳ diệu này có được là nhờ liệu pháp miễn dịch mới mang tên liệu pháp kháng thể bắt chước TCR (TCR Mimics).
Theo SCMP, liệu pháp miễn dịch sử dụng các kháng thể đặc biệt, giúp tế bào miễn dịch của cơ thể phân biệt đâu là tế bào ung thư rắn và đâu là tế bào mô rắn bình thường, để chúng chỉ xâm nhập và tiêu diệt các tế bào gây hại. Các liệu pháp miễn dịch hiện hành đã mang lại nhiều hy vọng trong cuộc chiến chống ung thư máu như bé Emily Whitehead 7 tuổi, mắc bệnh bạch cầu cấp thể lympho người Mỹ được điều trị bằng liệu pháp miễn dịch CAR-T.
Nhược điểm của liệu pháp miễn dịch CAR-T là nhận diện các tế bào ung thư dựa vào một chất nằm trên bề mặt của chúng, trong khi nhiều tế bào ung thư lại khéo ẩn mình dưới những vỏ bọc bình thường, khiến các tế bào T không thể nhận diện.
Ảnh: SCMP.
Nhằm khắc phục nhược điểm trên, tiến sĩ Cheng Liu, người sáng lập và CEO của công ty Eureka Therapeutics (Mỹ) và David Scheinberg, chuyên gia về bệnh bạch cầu tại Trung tâm Ung bướu MSKCC đã phát triển ý tưởng tìm kiếm các dấu hiệu nhận dạng nằm bên trong tế bào ung thư: gene sinh ung (oncogen) đột biến.
Oncogen là một gene kiểm soát sự phát triển tế bào, khi bị đột biến nó sẽ biến các tế bào bình thường thành tế bào ung thư. "Nếu điều đó xảy ra bên trong tế bào, sẽ có một mảnh nhỏ của gene sinh ung thoát ra và hiện diện trên bề mặt tế bào", tiến sĩ Liu giải thích.
Những người hoài nghi cho rằng hiện tại không công nghệ nào có thể phát hiện những mảnh gene sinh ung nhỏ như vậy. Tuy nhiên, tiến sĩ Liu và Scheinberg đã tìm ra một kháng thể đặc biệt làm được đúng điều này. Họ gọi chúng là "kháng thể bắt chước thụ thể tế bào T (TCR mimics)".
Năm 2013, Eureka và MSKCC công bố thông tin này trên tạp chí Science Translational Medicine. Hai năm sau, bài báo trên tạp chí Nature Biotechnology do họ xuất bản cho thấy kháng thể TCR mimics có thể được đưa vào tế bào T của hệ thống miễn dịch, điều chỉnh liệu pháp tế bào T để nhắm tới các khối u rắn theo cách hiệu quả hơn.
Tiến sĩ Liu tập trung nghiên cứu liệu pháp mới này trên bệnh nhân ung thư gan. "Thời gian đó chẳng ai quan tâm tới ung thư gan" ông nói. Tỷ lệ tử vong cao và những khó khăn trong điều trị đã ngăn cản các nhà khoa học tiến sâu vào lĩnh vực này.
Thử nghiệm trên động vật, liệu pháp của tiến sĩ Liu đã chữa các con chuột khỏi ung thư gan. Thế nhưng, thử nghiệm trên con người là một thách thức bởi "không ai muốn trở thành chuột bạch thí nghiệm". Hậu quả cũng hết sức nghiêm trọng: nếu xảy ra sai sót, ví dụ như bệnh nhân tử vong trong quá trình này, sự nghiệp và công ty của ông sẽ sụp đổ.
Cuối cùng, tiến sĩ Liu tìm thấy một đồng minh ở Trung Quốc. Đó là tiến sĩ Chang Liu, Giám đốc đơn vị Hồi sức Cấp cứu ngoại tại Bệnh viện Liên kết số Một thuộc Đại học Giao thông Tây An. Tiến sĩ Chang Liu nghĩ rằng liệu pháp cải tiến của tiến sĩ Liu đáng để khám phá. Chủ tịch bệnh viện, Shi Bingyin, cũng chấp thuận nghiên cứu lâm sàng.
Năm nay, liệu pháp miễn dịch được thử nghiệm trên 6 bệnh nhân ung thư gan nặng không đáp ứng liệu pháp điều trị truyền thống. Suốt 9 ngày, nhóm nghiên cứu trích xuất các tế bào T của bệnh nhân, tiến hành biến đổi gen để tạo các kháng thể TCR, nhân bản chúng rồi đưa trở lại cơ thể bệnh nhân.
Đối tượng thử nghiệm đầu tiên là một nông dân 65 tuổi nằm liệt giường vì ung thư di căn đến xương sống. Ông phải uống thuốc giảm đau hàng ngày. Trải qua ba tuần điều trị bằng liệu pháp mới, người nông dân có thể đi lại được và ngừng dùng thuốc giảm đau. Chụp cắt lớp trục cho thấy năm khối u xung quanh cột sống của ông đã biến mất.
Bệnh nhân tự mình ra khỏi bệnh viện và trở về quê để ăn Tết. Vài ngày sau, ông qua đời vì ăn thức ăn cứng gây chảy máu đường ruột. Nguyên nhân tử vong được coi là không liên quan đến ung thư gan.
Là bác sĩ ung bướu, Zou Yuling đã nghe đến kết quả điều trị của người nông dân và yêu cầu được tham gia vào nghiên cứu. Tháng 1/2018, bác sĩ 52 tuổi trải qua một đợt điều trị bằng liệu pháp này. Tháng 3, Zou thở tốt hơn và có thể ăn thịt, chứng tỏ chức năng gan và phổi đã được cải thiện.
Kết quả xét nghiệm của bác sĩ Zou cho thấy 4 khối u ở một bên phổi của ông tiếp tục lớn lên. Đó là ngày đen tối nhất trong cuộc đời của tiến sĩ Cheng Liu. "Tôi không biết người nông dân đầu tiên của tôi có phải chỉ là trường hợp may mắn ngẫu nhiên hay không", tiến sĩ Liu bộc bạch.
Sang tháng 4, các dấu ấn sinh học của bác sĩ Zou dần cải thiện. Xét nghiệm máu chỉ ra hàm lượng AFP (protein tiết ra từ các khối u gan) giảm một nửa sau khi tăng gấp đôi so với tháng trước đó. Vào tháng 7, lượng AFP hạ xuống tới mức bình thường. Chụp cắt lớp trục cho thấy khối u phổi của Zou đã thu nhỏ lại. Đến tháng thứ sáu, các khối u này biến mất.
Vì không thấy bất kỳ tác dụng phụ nào ở tất cả bệnh nhân, tiến sĩ Liu nhận định liệu pháp miễn dịch cải tiến không làm hại các tế bào khỏe mạnh như tế bào B. Ngày 5/9 vừa qua, ông đã trình bày dữ liệu nghiên cứu lâm sàng của Trung Quốc tại Hội nghị cấp cao CAR-TCR ở Boston.
Tiến sĩ Liu thừa nhận vẫn còn một vài ẩn số ở kỹ thuật này, bao gồm khả năng tái phát ở những bệnh nhân đang được theo dõi: "Tôi không nói rằng tôi đã tìm thấy câu trả lời cho mọi vấn đề... điều hứa hẹn lớn là chúng tôi có thể mở đường tiến vào lĩnh vực các khối u rắn".
Công ty Eureka có kế hoạch bắt đầu thử nghiệm lâm sàng ở Mỹ vào năm tới. Đó là bước tiếp theo trong quy trình của Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) để đưa phương pháp điều trị này ra thị trường. Bước đột phá này có thể kéo dài cuộc sống của những người hiện phải đối mặt với tiên lượng xấu. Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, khi ung thư khu trú tại gan, tỷ lệ sống thêm năm năm là 31%. Khi bệnh đã lan đến các cơ quan hoặc mô ở xa, con số giảm xuống chỉ còn khoảng 11%.
Bác sĩ Zou Fanling tự tin rằng chồng mình đã được chữa khỏi. Ông bà ăn mừng bằng cách đưa gia đình đến Thành Đô, điểm đến du lịch yêu thích của họ. Lần này, kỳ nghỉ càng trở nên đặc biệt. "Tất cả mọi thứ giờ đều trở nên khác lạ với chúng tôi, mọi thứ đều mới lạ và quý giá", bà Fanling nói. "Bây giờ chúng tôi hạnh phúc hơn khi ở bên nhau".
Thu Thủy
Theo Vnexpress
Liệu pháp miễn dịch điều trị ung thư có chữa được tất cả các loại bệnh ung thư? Liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư của hai nhà khoa học vừa đoạt giải Nobel Y học và Sinh lý học 2018 làm nhiều người thắc mắc về việc phương pháp này có tốt cho tất cả các loại ung thư? Trao đổi với Gia Đình Mới ngày 8/10, TS.Nguyễn Hồng Vũ, Viện nghiên cứu City of Hope, California, USA,...