Australia kêu gọi trao thêm quyền cho WHO để điều tra về các dịch bệnh truyền nhiễm
Australia ngày 13/5 kêu gọi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phải được trao quyền hạn lớn hơn trong quá trình điều tra về các dịch bệnh truyền nhiễm sau khi ủy ban độc lập của WHO phát hiện sự thiếu phối hợp giữa các nước khi dịch bệnh COVID-19 xuất hiện tại Trung Quốc hồi tháng 12/2019.
Nhân viên y tế làm việc tại bệnh viện điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19 ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, ngày 20/3/2020. Ảnh: THX/TXVN
Ngoại trưởng Australia Marise Payne bày tỏ quan điểm ủng hộ các khuyến nghị mà ủy ban độc lập của WHO công bố hôm 12/5 về việc tăng cường tính độc lập và thẩm quyền của WHO để cơ quan này có quyền rõ ràng trong quá trình tiến hành điều tra các yếu tố có khả gây dịch bệnh và công bố thông tin liên quan, từ đó có hành động ứng phó ngay lập tức mà không cần sự phê chuẩn của chính phủ các nước.
Trước đó, Ủy ban độc lập của WHO do cựu Tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf và cựu Thủ tướng New Zealand Helen Clark đứng đầu, đã đưa ra đánh giá rằng cách thức ứng phó giai đoạn đầu khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát tại Vũ Hán, Trung Quốc hồi tháng 12/2019 là thiếu “sự khẩn cấp”, đồng thời khẳng định đại dịch COVID-19 sau hơn 1 năm hoành hành đã cướp sinh mạng của ít nhất 3,3 triệu người, trên thực tế hoàn toàn có thể được ngăn chặn.
Ngoại trưởng Payne đưa ra tuyên bố trên khi đang ở thủ đô Washington trong chuyến thăm Mỹ. Tại đây, bà có buổi làm việc với người đồng cấp Mỹ Antony Blinken.
WHO xác nhận Triều Tiên không có ca COVID-19 nào
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 11-5 cho biết đến nay Triều Tiên đã tiến hành xét nghiệm COVID-19 gần 26.000 người và không phát hiện ca dương tính nào.
Công nhân ở Bình Nhưỡng sản xuất khẩu trang - Ảnh: AFP
Báo cáo của WHO về COVID-19 công bố ngày 11-5 cho thấy có 751 người Triều Tiên đã được xét nghiệm COVID-19 từ ngày 23 tới 29-4, nâng tổng số công dân được xét nghiệm COVID-19 ở nước này tới nay lên 25.986, theo Hãng tin Yonhap.
Nước này không ghi nhận trường hợp nào trong số trên mắc COVID-19. Với 751 người vừa được xét nghiệm, có 139 người cho thấy các triệu chứng giống bệnh cúm hoặc các bệnh hô hấp khác.
Triều Tiên tuyên bố không có ca mắc COVID-19. Nước này đã thực hiện nhiều biện pháp khắt khe và nhanh chóng để chống dịch, chẳng hạn kiểm soát chặt biên giới từ đầu năm 2020.
Theo Hãng tin AP, giới chuyên gia bày tỏ hoài nghi về số ca nhiễm ở Triều Tiên. Trong khi đó, Triều Tiên mô tả những nỗ lực chống dịch COVID-19 của nước này là "vấn đề sống còn của quốc gia".
Nước này đã ngừng cung cấp thông tin về số người được cách ly năm nay. Trước đây Triều Tiên cho biết đã cách ly hàng chục ngàn người có các triệu chứng.
Nước này dự kiến tiếp nhận khoảng 2 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19 thông qua một chương trình phân phối vắc xin toàn cầu. Đến nay, số vắc xin này vẫn chưa được chuyển tới Triều Tiên.
WHO chỉ trích ngoại giao vaccine trong chống Covid-19 Tổng giám đốc WHO lên án "ngoại giao vaccine", chỉ trích các nước sử dụng vaccine để đạt lợi thế cạnh tranh thay vì hợp tác chấm dứt đại dịch. "Ngoại giao vaccine không phải là hợp tác", Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nói với phóng viên tại trụ sở ở Geneva, Thụy Sĩ hôm...