Australia ban hành quy định mới về tiêm chủng
Người dân Australia và người cư trú tại nước này sẽ cần phải tiêm các mũi vaccine ngừa COVID-19 tăng cường mới được xem là tham gia đầy đủ chương trình tiêm chủng, trong khi người nước ngoài muốn nhập cảnh nước này chỉ cần tiêm đủ 2 mũi.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Sydney, Australia. Ảnh: AFP/TTXVN
Đây là nội dung quy định hướng dẫn tiêm chủng điều chỉnh mới nhất được Nội các Australia công bố tối 10/2 căn cứ trên khuyến nghị của cơ quan giám sát tiêm chủng của nước này.
Trong thông báo nội dung quy định mới, Thủ tướng Scott Morrison cho biết chứng nhận tiêm chủng người dân và người cư trú tại Australia sẽ được xem là hết hạn nếu họ không tiêm mũi tăng cường trong vòng 6 tháng kể từ ngày ngày tiêm mũi 2.
Video đang HOT
Hiện giới chức Australia chỉ bắt buộc tiêm chủng vaccine đối với một số lực lượng tuyến đầu phòng dịch, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp tư nhân, trong đó có các tập đoàn lớn, nhà hàng và các nhà bán lẻ đã yêu cầu khách hàng khi đến làm việc, giao dịch hoặc sử dụng dịch vụ cần trình chứng nhận tiêm chủng.
Australia là một trong những nước có tỷ lệ người tiêm chủng cao trên thế giới, với 94% người 16 tuổi đã tiêm 2 mũi. Đến nay, nước này đã tiêm gần 10 triệu liều tăng cường cho người dân và người cư trú tại nước này.
Theo quy định mới điều chỉnh, Australia vẫn giữ nguyên quy định yêu cầu người nước ngoài nhập cảnh đã tiêm đủ 2 mũi khi giới chức nước này chuẩn bị mở cửa hoàn toàn biên giới sau khoảng 2 năm đóng cửa.
Cũng giống nhiều nước khác, Australia đang phải ứng phó với sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron. Các quan chức cho biết đến giữa ngày 11/2, nước này ghi nhận gần 26.000 ca nhiễm mới, so với con số 30.000 ca của ngày trước đó. Hiện số bệnh nhân COVID-19 nhập viện tại nước này tiếp tục xu hướng giảm, với tổng cộng gần 3.300 trường hợp – mức thấp nhất trong hơn 1 tháng qua.
Kể từ đầu dịch đến nay, Australia ghi nhận tổng cộng 2,7 triệu ca nhiễm và phần lớn số ca nhiễm trong số đó được ghi nhận kể từ khi biến thể Omicron bắt đầu lây lan tại nước này từ cuối tháng 11/2021.
Giới chuyên gia Nhật Bản đề xuất nhóm giải pháp mới thích ứng với biến thể Omicron
Phát biểu trước báo giới sau phiên họp với đội ngũ chuyên gia y tế, ông Shigeru Omi, Trưởng nhóm chuyên gia cố vấn cho Chính phủ Nhật Bản về ứng phó với đại dịch COVID-19, cho biết cần phải có những hướng đi mới để ứng phó hiệu quả với diễn biến phức tạp của biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 tại nước này.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh:THX/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, hội nghị của nhóm chuyên gia cố vấn của Chính phủ Nhật Bản đã thống nhất quan điểm tiếp tục gia hạn các biện pháp hạn chế để phòng đại dịch COVID-19 ở thủ đô Tokyo và 12 tỉnh khác thêm 3 tuần, tức là kéo dài đến ngày 6/3, thay vì kết thúc vào 13/2 như dự kiến ban đầu. Ngoài ra, tỉnh Kochi sẽ được bổ sung vào danh sách và trở thành địa phương thứ 36 trên cả nước áp dụng biện pháp phòng dịch trọng điểm.
Tuy nhiên, về định hướng thời gian tới, ông Shigeru nhấn mạnh sự cần thiết của việc điều chỉnh hướng tiếp cận về chính sách để có thể ngăn chặn sự lây lan nghiêm trọng của biến thể Omicron tại Nhật Bản. Theo đó, qua theo dõi quá trình xâm nhập và lây lan của biến thể Omicron tại Nhật Bản, các chuyên gia thấy nổi lên một số đặc điểm đáng chú ý. Đó là khác với giai đoạn đầu của làn sóng lây nhiễm thứ 6 với đối tượng nhiễm bệnh chủ yếu là người trẻ độ tuổi 20-30, hiện nay xu hướng chuyển dịch sang nhóm đối tượng là người già, người mắc bệnh nền và trẻ em dưới 10 tuổi. Bên cạnh đó, việc lây nhiễm biến thể Omicron không còn giới hạn chủ yếu tại các khu vực tập trung đông người như nhà hàng, trung tâm mua sắm mà xuất hiện nhiều hơn trong phạm vi gia đình, trường học.
Do đó, các chuyên gia cố vấn của Chính phủ Nhật Bản đã đề xuất nhóm giải pháp mới thích ứng với diễn biến của biến thể Omicron, trong đó đề cập việc khẩn trương chuyển trạng thái của hệ thống y tế sang tập trung ưu tiên chăm sóc cho người cao tuổi có nguy cơ bị nặng, người mắc bệnh nền và đảm bảo an toàn cho trẻ em tại trường học. Đặc biệt là trách nhiệm của người lớn trong việc hỗ trợ trẻ em thực hiện triệt để các biện pháp phòng dịch cơ bản như rửa tay, sát khuẩn, giữ khoảng cách, đeo khẩu trang.
Liên quan đến những quan điểm khác nhau về việc khôi phục hoàn toàn các hoạt động kinh tế-xã hội khi dịch bệnh có dấu hiệu tạm lắng, ông Shigeru cho rằng điều này cần phải được xem xét kỹ lưỡng trên cơ sở khoa học, bao gồm đánh giá chi tiết điểm giống và khác nhau giữa các triệu chứng nhiễm biến thể Omicron với bệnh cúm thông thường. Ngoài ra, cần đánh giá kỹ năng lực xét nghiệm, tiếp nhận, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 của các cơ sở y tế khi các hoạt động kinh tế-xã hội trở lại trạng thái bình thường.
Trong một diễn biến khác, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ Nhật Bản, trung tâm tiêm chủng quy mô lớn do Bộ Quốc phòng nước này điều hành ở thủ đô Tokyo, thông báo từ ngày 10/2, trung tâm sẽ mở rộng năng lực tiêm lên tới 5.040 lượt người/ngày, tăng đáng kể so với năng lực 720 người/ngày trong tuần đầu triển khai. Trong khi đó, theo dự kiến, một trung tâm tiêm chủng quy mô lớn khác đặt tại tỉnh Osaka cũng sẽ chính thức vận hành từ ngày 14/2 với năng lực khoảng 2.500 lượt/ngày.
Theo Bộ trưởng phụ trách vấn đề tiêm chủng của Nhật Bản Noriko Horiuchi, chính phủ nước này đang nỗ lực hết sức hướng tới mục tiêu tiêm được 1 triệu lượt/ngày để đẩy nhanh tiến trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 mũi thứ ba cho người dân. Đây được xem là biện pháp cơ bản nhất để bảo vệ sức khỏe của người dân và ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 đã diễn biến phức tạp hơn tại Nhật Bản.
Mỹ xem xét kéo dài khoảng cách giữa hai mũi vaccine ngừa COVID-19 cơ bản Giới chức y tế Mỹ đang xem xét việc kéo dài khoảng thời gian được khuyến nghị giữa hai mũi vaccine ngừa COVID-19 cơ bản lên 8 tuần nhằm mục đích giảm nguy cơ viêm cơ tim và nâng cao hiệu quả của vaccine. Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Los Angeles, California, Mỹ. Ảnh: AFP/ TTXVN...