ASEAN ra tuyên bố chung, quan ngại sâu sắc về tình hình Biển Đông
Trong tuyên bố chung của Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 48 được thông qua chiều tối 6/8, các Ngoại trưởng đã bày tỏ quan ngại sâu sắc đối với các diễn biến gần đây ở Biển Đông. Động thái này diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường cải tạo đất, xây đảo nhân tạo ở vùng biển chiến lược.
Ngoại trưởng các nước chụp ảnh chung tại Kuala Lumpur (Ảnh: AP)
Vào chiều tối nay giờ địa phương, lễ bế mạc Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 48 và các hội nghị liên quan với các đối tác đã diễn ra tại thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia. Hội nghị cũng đã thông qua Tuyên bố chung Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN (AMM) 48.
Tuyên bố chung cho hay, các Ngoại trưởng ASEAN đã thảo luận sâu rộng các vấn đề về Biển Đông và tiếp tục bày tỏ quan ngại sâu sắc đối với các diễn biến gần đây và đang diễn ra ở khu vực này.
“Chúng tôi ghi nhận quan ngại sâu sắc của một số Bộ trưởng đối với việc tôn tạo, bồi đắp ở Biển Đông, làm xói mòn lòng tin và sự tin cậy, gia tăng căng thẳng và có thể gây phương hại tới hoà bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông”, tài liệu viết.
Các Ngoại trưởng đã khẳng định lại tầm quan trọng của việc duy trì hoà bình, an ninh, ổn định, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Họ nhấn mạnh sự cần thiết đối với tất cả các bên trong việc bảo đảm thực hiện đầy đủ và hiệu quả toàn bộ các điều khoản của Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC): xây dựng, duy trì và tăng cường lòng tin và sự tin cậy lẫn nhau; thực hiện kiềm chế đối với các hành động làm phức tạp và gia tăng các tranh chấp; không đe doạ hoặc sử dụng vũ lực; các bên liên quan giải quyết các bất đồng và tranh chấp bằng biện pháp hoà bình, phù hợp với các nguyên tắc được thừa nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982.
Cần nhanh chóng thiết lập COC
Ghi nhận tiến triển đạt được trong tiến trình tham vấn xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), tuyên bố chung tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nhanh chóng thiết lập một bộ Quy tắc COC hiệu quả.
Video đang HOT
Các Ngoại trưởng ASEAN hoan nghênh kết quả gần đây của Hội nghị các Quan chức Cao cấp (SOM) ASEAN-Trung Quốc lần thứ 9 về thực hiện DOC, theo đó, hai bên nhất trí tiến tới giai đoạn tham vấn tiếp theo và thương lượng về bộ khung, cấu trúc, các thành tố cũng như giải quyết các vấn đề cốt yếu, khó và phức tạp liên quan đến Bộ Quy tắc COC đang được đề xuất. Do đó, các Ngoại trưởng giao các quan chức cao cấp tiếp tục triển khai và làm việc chặt chẽ với Trung Quốc trong vấn đề này.
Trong khi tiếp tục thực hiện toàn bộ và hiệu quả các điều khoản của DOC và làm việc hướng tới nhanh chóng thiết lập COC, tuyên bố chung nhất trí về việc cần triển khai các biện pháp phòng ngừa để ứng phó với các diễn biến trên Biển Đông, cũng nhằm mục tiêu tăng cường lòng tin và tin cậy giữa các bên.
Tuyên bố ghi nhận đề xuất của Indonesia về việc thiết lập đường dây nóng liên lạc ở cấp cao giữa chính phủ các nước ASEAN và Trung Quốc nhằm xử lý những tình huống khẩn cấp trên thực địa đòi hỏi sự can thiệp tức thời nhằm giảm ngay các căng thẳng trên thực địa.
Tại AMM 48, Philippines cũng đã thông tin cho Hội nghị về những diễn biến mới, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982, theo tuyên bố chung.
Tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông trở thành chủ đề được quan tâm tại các hội nghị cấp cao của ASEAN và các đối tác ở Malaysia lần này. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh căng thẳng ở Biển Đông đang gia tăng do Trung Quốc cải tạo đất, xây hàng loạt đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa trên Biển Đông.
Các Ngoại trưởng tham dự hội nghị đã có các tuyên bố cứng rắn về Biển Đông.
Phát biểu tại một hội nghị ở Kuala Lumpur ngày 6/8, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã cáo buộc Trung Quốc hạn chế đi lại và các chuyến bay ở Biển Đông, dù luôn miệng cam kết rằng các hành động như vậy không nên bị cản trở. Ông Kerry cũng tuyên bố Washington không chấp nhận các hạn chế đi lại ở Biển Đông.
Ông Kerry cho hay, việc Trung Quốc xây dựng các cơ sở cho mục đích quân sự trên các đảo nhân tạo đang gây căng thẳng và có nguy cơ khiến các quốc gia khác có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông cũng tìm cách “quân sự sự hóa”.
An Bình
Theo Dantri
ASEAN ra Tuyên bố chung, quan ngại sâu sắc vấn đề Biển Đông
Ngoại trưởng các nước ASEAN bày tỏ quan ngại sâu sắc về những biến động gần đây và có chiều hướng tiếp tục ở Biển Đông, làm ảnh hưởng an ninh và sự ổn định của khu vực này.
Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 48 kết thúc ở Malaysia - Ảnh: Reuters
Đó là nội dung của bản Tuyên bố chung được các ngoại trưởng ASEAN đưa ra ngày 6.8 để kết thúc cuộc họp kéo dài 2 ngày ở Malaysia. Tuyên bố chung dài 28 trang được đăng tải trên trang web của ASEAN, đề cập nhiều lĩnh lực hợp tác của các nước thành viên và với các quốc gia đối tác.
Vấn đề Biển Đông, theo Tuyên bố, được nhiều ngoại trưởng quan ngại với việc cải tạo đất ở nhiều đảo, bãi đá, gây ra tranh cãi giữa các bên tranh chấp. Điều này đang làm xói mòn lòng tin, sự tin tưởng giữa các bên, làm tăng căng thẳng và có thể đe dọa hòa bình, an ninh và cả sự ổn định của Biển Đông.
Các ngoại trưởng của ASEAN không đề cập trực tiếp tên Trung Quốc trong Tuyên bố chung, nhưng giới quan sát đều hiểu ASEAN đang nói đến Trung Quốc, nước thực hiện các hoạt động khai hoang, xây đắp phi pháp trên 7 đảo chiếm của Việt Nam. Chính Bắc Kinh làm cho hội nghị của ASEAN và Đông Á nóng lên vì Biển Đông.
Bản Tuyên bố kêu gọi các bên tuân thủ những cam kết trong Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), kiềm chế các hoạt động, tránh làm phức tạp tình hình, leo thang căng thẳng và tránh đe dọa, sử dụng vũ lực. Bản Tuyên bố kêu gọi thực hiện theo UNCLOS.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong cuộc gặp ở Malaysia - Ảnh: Reuters
Các ngoại trưởng thúc giục hoàn tất Bộ qui tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) bằng cách tăng cường tham vấn giữa các bên. Các ngoại trưởng nhất trí với đề xuất của Indonesia thành lập đường dây nóng ở cấp chính phủ giữa ASEAN và Trung Quốc để giải quyết những vấn đề cấp bách bằng cách can thiệp kịp thời để tránh đối đầu, xung đột ở Biển Đông.
Tuyên bố chung được các thành viên tranh cãi gay gắt trước khi đạt được sự thống nhất vào thời điểm cuối cùng của ngày 6.8. Tranh cãi xoay quanh việc ASEAN nên có phản ứng mạnh với mức độ như thế nào trước hành động gây hấn của Bắc Kinh: mở rộng đảo, xây dựng căn cứ quân sự ở vùng biển đang tranh chấp, theo AFP.
Tuy nhiên, điều này lại không được đề cập trong bản Tuyên bố chung như kỳ vọng, dù đó là nội dung chiếm trọn các cuộc họp của ngoại trưởng ASEAN cũng như của ASEAN với các đối tác. Trước những hành động gây hấn của Trung Quốc, AFP cho hay ASEAN gần như &'cạn kiệt' sự kiên nhẫn từ mấy năm qua, yêu cầu Bắc Kinh chấm dứt cải tạo đất, xây dựng ở Biển Đông.
Dù Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố trong cuộc gặp với các ngoại trưởng ASEAN rằng Bắc Kinh đã ngưng cải tạo đất, xây dựng, nhưng không có nhiều nước thành viên trong ASEAN cũng như Mỹ cho rằng những tuyên bố của Bắc Kinh thông qua ông Ngoại trưởng là đáng tin cậy.
Ngoài những vấn đề của khu vực và Biển Đông, Tuyên bố chung của các ngoại trưởng ASEAN cũng đề cập đến tình hình ở Trung Đông, bán đảo Triều Tiên và vấn đề hạt nhân Iran.
Minh Quang
Theo Thanhnien
Trước ASEAN, Mỹ tố cáo hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông Ngoại trưởng Mỹ cáo buộc Bắc Kinh hạn chế tự do hàng hải, hàng không tại vùng tranh chấp ở Biển Đông và khẳng định Washington sẽ không chấp nhận điều này. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong cuộc họp báo tại Malaysia hôm 6/8. Ảnh: Reuters Việc xây dựng các cơ sở của Trung Quốc cho "mục đích quân sự" tại các...