ASEAN cần hành động trong vấn đề Biển Đông
ASEAN vẫn còn “thờ ơ” với những diễn biến mới trong tranh chấp trên Biển Đông, khối này cần hành động quyết đoán hơn, như G7, để duy trì hòa bình và an ninh cho khu vực.
Trung Quốc xây dựng phi pháp trên các bãi đá thuộc chủ quyền của Việt Nam – Ảnh: Reuters
Đó là nhận định của tờ The Bangkok Post của Thái Lan trước hành động gây hấn của Trung Quốc và sự can thiệp mạnh mẽ của Mỹ, đồng minh và G7.
Trong bài bình luận đăng tải hôm nay 14.6, The Bangkok Post nhận định rằng một số nhà lãnh đạo ASEAN có vẻ hài lòng với lập trường hiện tại của khối, nhưng thực tế nó chưa đóng góp nhiều cho việc đảm bảo các tranh chấp Biển Đông sẽ được giải quyết thông qua con đường ngoại giao.
Những sự cố xảy ra gần đây cho thấy đảm bảo hòa bình ở Biển Đông có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh không chỉ cho những nước tranh chấp mà cho cả khu vực. Biển Đông không chỉ giàu về nguồn tài nguyên thiên nhiên mà còn là cửa ngõ chính cho giao thông hàng hải quốc tế.
Tuy nhiên, The Bangkok Post nhận định rằng một số nhà lãnh đạo ASEAN quá tự mãn với lập trường của mình đến mức thờ ơ, chưa có hành động quyết đoán mà lẽ ra khối này phải có. Tờ báo nhắc đến việc Mỹ và các nước trong khối G7 đã phản ứng mạnh mẽ trước hành động của Bắc Kinh, trong đó có việc bồi đắp đảo nhân tạo phi pháp, xây dựng đường băng trên bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Ngoài ra, hiện chưa thấy khối này có phản ứng chung về những động thái quân sự hóa mới nhất của Trung Quốc cũng như sự xuất hiện của Mỹ và đồng minh ở Biển Đông, có chăng chỉ là những phản ứng ngoại giao hoặc đơn lẻ từ các nước thành viên có tranh chấp trực tiếp với Bắc Kinh như Việt Nam, Philippines.
Trong vấn đề Biển Đông, Trung Quốc rất quyết liệt và chưa bao giờ tỏ ra nhường bước trước nước nào bất kể Bắc Kinh đúng hay sai. Trung Quốc còn tuyên bố khi đưa ra “Sách Trắng” – chiến lược quốc phòng, sẵn sàng dùng vũ lực nếu bị tấn công ở Biển Đông bất kể nước tấn công là Mỹ hay đồng minh của Mỹ.
Đề cập đến sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Biển Đông, The Bangkok Post nhận định Washington đang thách thức những đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh một cách công khai. Người Mỹ muốn Biển Đông trở thành vùng biển quốc tế với chủ quyền được xác lập theo Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển (UNCLOS) thay vì để Trung Quốc tung hoành, biến nó thành ao nhà.
Cần tiếng nói mạnh hơn từ ASEAN
Video đang HOT
Phản ứng trước tuyên bố chung của G7 đối với vấn đề Biển Đông, tờ The Bangkok Post cho rằng ASEAN “vô cảm” trong khi Bắc Kinh tức giận và gọi đó là “nhận xét thiếu trách nhiệm”. Giải thích sự “vô cảm” của ASEAN, tờ báo cho rằng vì những quốc gia Đông Nam Á này “trói buộc” mình vào Bắc Kinh bằng Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC), để tránh làm ảnh hưởng quan hệ hợp tác trên mọi phương diện của hai bên. Thế nhưng, bộ quy tắc ứng xử này vẫn đang còn “thai nghén”.
Cuộc họp thưởng đỉnh của ASEAN ở Campuchia – Ảnh: Minh Quang
Theo nhận định của Bangkok Post, với những hiệp định khác trước đây ASEAN ngồi chung bàn đàm phán với đối tác bên ngoài, nhưng với COC có vẻ như khác với thông lệ này. COC được áp dụng trong tương lai không phải tạo ra một diễn đàn để cả ASEAN và Trung Quốc ngồi vào bàn đàm phán, thay vào đó chỉ có các nước có tranh chấp đàm phán với Trung Quốc để giải quyết bất đồng giữa họ ở Biển Đông.
Dù đối thoại của ASEAN đề cập tất cả các vấn đề, trong đó có hợp tác hàng hải và an ninh khu vực nhưng khối chưa bao giờ có thể tạo ra một lập trường chung khi nói đến Biển Đông. Tờ The Bangkok Post đương cử quan điểm “ngược dòng” của thành viên Campuchia khi Thủ tướng nước này Hun Sen tuyên bố ASEAN không thể giải quyết tranh chấp theo quan điểm khối bởi vì chỉ có vài nước trong ASEAN có tranh chấp với Trung Quốc. Phát biểu này của người đứng đầu chính phủ Campuchia bị nhiều nước ASEAN cả thành viên có và không có tranh chấp phản đối.
ASEAN thường bị chỉ trích là kém hiệu quả trong vấn đề Biển Đông dù tất cả đều có lợi ích hàng hải ở khu vực này. Biển Đông có giá trị chiến lược vì vậy tranh chấp chủ quyền ở đây lôi kéo sự chú ý của cả thế giới.
“Đã đến lúc ASEAN cần khẳng định là một khối liên kết có lập trường mạnh mẽ, thống nhất và có vai trò quyết định trong việc gìn giữ hòa bình và an ninh trong khu vực”, The Bangkok Post nhận định. Tất nhiên, sự quyết đoán của ASEAN vẫn phải đảm bảo tranh chấp Biển Đông không gây cản trở hay hủy hoại những nỗ lực hợp tác rộng lớn hơn của ASEAN với bên ngoài, tờ báo kết luận.
Minh Quang
Theo Thanhnien
Ba nguy cơ dẫn tới chiến tranh Trung - Mỹ trên Biển Đông
Cuộc chiến tranh giữa Trung Quốc và Mỹ trên Biển Đông có thể bắt nguồn từ các vấn đề xung quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng phi pháp, một cuộc đụng độ máy bay hoặc từ một sự cố tàu ngầm, theo chuyên san The National Interest (Mỹ).
Ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy Trung Quốc xây dựng trái phép một đường băng tại Đá Chữ Thập thuộc Quần đảo Trường Sa của Việt Nam - Ảnh: Reuters
Cả Mỹ và Trung Quốc đều lên tiếng mạnh mẽ về Biển Đông. Trung Quốc liên tục đẩy mạnh hoạt động xây dựng đảo nhân tạo phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, thậm chí nhiều thông tin cho thấy Trung Quốc đang có mưu đồ quân sự hóa các đảo này.
Trong khi đó, dù không có tranh chấp về chủ quyền trên Biển Đông, nhưng Mỹ chú trọng lợi ích hàng hải ở khu vực này, cũng như vị thế của mình qua chiến lược tái cân bằng ở châu Á - Thái Bình Dương. Vì vậy, Mỹ đã không chọn cách đứng ngoài tình hình Biển Đông.
Trước tình hình khẩu chiến liên tục gần đây giữa Mỹ và Trung Quốc, bài viết đăng trên chuyên san The National Interest (Mỹ) ngày 6.6 đã chỉ ra 3 nguy cơ có thể dẫn tới cuộc chiến tranh trên Biển Đông giữa hai bên.
Từ các đảo nhân tạo ở Biển Đông
Trung Quốc đang tiến hành hoạt động xây dựng và bồi đắp phi pháp các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam với quy mô và tiến độ khó lường. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn hung hăng tuyên bố chủ quyền ở các đảo nhân tạo đó và ngăn cản hoạt động của máy bay trinh sát Mỹ.
Trong khi đó, Mỹ khẳng định sẽ vẫn tiếp tục các hành động nhằm bảo vệ tự do hàng hải trên Biển Đông. Chính vì thế, máy bay và tàu hải quân của Mỹ rất có thể sẽ có những hoạt động tuần tra trên Biển Đông như nhiều chuyên gia đã nhận định.
Một khi máy bay hay tàu chiến Mỹ vào khu vực các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng, chỉ cần một động thái quân sự từ phía binh lính Trung Quốc cũng có thể kích ngòi cho căng thẳng leo thang. Và nếu lực lượng Mỹ có bất cứ thiệt hại đáng kể nào, một cuộc chiến tranh trên Biển Đông rất có thể sẽ xảy ra, theo The National Interest.
Một cuộc đụng độ máy bay
Máy bay tuần tra săn ngầm hiện đại nhất của Mỹ, P-8A Poseidon - Ảnh: AFP
Nguy cơ thứ hai có thể dẫn đến chiến tranh là một cuộc đụng độ máy bay. Nếu một trong hai phía nổ súng nhằm vào máy bay của đối phương, tình thế sẽ nhanh chóng xấu đi và một cuộc chiến có thể xảy ra.
Đặc biệt, nếu Trung Quốc tiến tới việc tuyên bố vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông thì tình huống này lại càng dễ xảy ra. Bởi lẽ Mỹ không dễ dàng từ bỏ lợi ích hàng hải. Khi Trung Quốc lập ADIZ trên biển Hoa Đông, Mỹ đã khẳng định phớt lờ vùng nhận dạng đó. Do vậy, theo The National Interest, Mỹ cũng sẽ có phản ứng tương tự nếu Trung Quốc lập ADIZ ở Biển Đông. Những bất đồng xung quanh ADIZ sẽ rất dễ khiến máy bay Mỹ và Trung Quốc chạm trán nhau và dẫn tới kịch bản bùng nổ chiến tranh.
Sự cố tàu ngầm
Tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc - Ảnh: Reuters
Ở kịch bản này, nhiều nhà phân tích cho rằng, Hải quân Trung Quốc cần đưa tàu ngầm của mình qua chuỗi đảo đầu tiên nhằm đe dọa việc Mỹ tiếp cận vào vùng ven biển của Trung Quốc. Để có được tình huống này, Trung Quốc phải chủ động gia tăng hoạt động tàu ngầm và mạo hiểm hơn, đặc biệt là áp sát các tàu ngầm của Nhật Bản và Mỹ.
Theo các nhà phân tích, lúc đó tàu ngầm của Trung Quốc có thể khiến tàu thuyền của Mỹ mất nhiều thời gian để thoát ra khỏi vòng vây, và một sự cố tàu ngầm lớn giữa hai nước có thể xảy ra, có thể đe dọa về sinh mạng nhiều hơn cả một cuộc đụng độ máy bay như ở kịch bản thứ hai.
Chuyên san The National Interest nhận định cả Trung Quốc và Mỹ đều chưa muốn có một cuộc xung đột quân sự, ít nhất là trong tương lai gần. Tuy vậy, gần đây những cuộc khẩu chiến liên quan đến vấn đề Biển Đông diễn ra ngày càng liên tục, tình thế này khiến mối quan hệ Trung - Mỹ trở nên căng thẳng, không tránh khỏi những mối lo ngại về một cuộc chiến tranh.
Theo chuyên san này, một cuộc chiến tranh bất ngờ tuy hiếm nhưng không phải là không thể. Một cuộc chiến như vậy nhiều khả năng được châm ngòi từ phía Trung Quốc hơn là từ phía Mỹ, phụ thuộc vào chính những nhà hoạch định chính sách. Theo đó, mọi thứ có thể diễn ra nhanh chóng tới mức không thể tiên đoán.
Trong khi đó ông Denny Roy, học giả chuyên nghiên cứu về châu Á - Thái Bình Dương (đặc biệt về những vấn đề liên quan tới Trung Quốc), cho rằng Trung Quốc hiện đang ở thế tấn công trên Biển Đông, rất có thể sẽ "kiếm cớ" bằng cách tạo ra tình huống khiến Mỹ bị xem là bên có hành vi can thiệp gây mất ổn định tại Biển Đông. Mặc dù vậy, học giả Mỹ cho rằng Trung Quốc hiểu rõ chiến lược tạo cớ này có nhiều rủi ro, bởi lẽ điều này sẽ đụng chạm tới lợi ích tự do hàng hải mà Mỹ theo đuổi lâu nay.
Ngọc Mai
Theo Thanhnien
Hệ lụy nguy hiểm và tai hại Với việc lên tiếng chính thức phê phán Trung Quốc triển khai pháo trên đảo nhân tạo mới xây dựng phi pháp ở Biển Đông, rõ ràng giới chức Mỹ đã phải có thông tin và bằng chứng xác thực về hành động này. Nếu đúng như vậy thì diễn biến mới sẽ gây hệ lụy rất nguy hiểm và tai hại đối...