Armored Core V – Chiến binh thép
Sau nhiều năm vắng bóng trên các chiến trường, các cỗ máy Armored Core lại mang đến cho game thủ những trận chiến đầy hứng khởi.
Cỗ máy Armored Core được tạo dựng nên từ rất nhiều thành phần khác nhau được lắp ráp thành một thể duy nhất. Chúng chính là “quả đấm thép” tối thượng – không gì có thể cản được chúng, chỉ trừ những cỗ máy Armored Core khác của đối thủ.
Lắp ráp robot
Đặc điểm nổi bật nhất ở Armored Core V (ACV) chính là khả năng tùy biến vô cùng đa dạng. Bạn có thể lựa chọn giữa hàng trăm loại thiết bị khác nhau để lắp đặt vào AC của mình, và mỗi lựa chọn sẽ ảnh hưởng rõ rệt đến khả năng chiến đấu của AC trong trận đánh. Một ví dụ đơn giản: những AC sử dụng hai chân sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc ngắm và bắn những vũ khí hạng nặng hoặc cần độ chính xác cao, nhưng nếu thay bằng một dàn xích hoặc tăng số lượng chân lên bốn, lập tức AC của bạn sẽ trở thành một sát thủ tầm xa, bất kể bạn đang sử dụng súng bắn tỉa hay pháo laser đi chăng nữa. Kết hợp cùng rất nhiều loại thiết bị khác nhau, mỗi loại lại có nhiều phiên bản với tính năng khác biệt, game thủ ACV sẽ có cơ hội tạo cho mình một cỗ máy “không đụng hàng” và ghi lại dấu ấn của mình trong các trận chiến của game.
Khi nhắc đến vũ khí, không giống như các phiên bản trước chỉ chia các loại vũ khí thành hai loại là đạn (solid) và năng lượng (energy), ACV phân loại vũ khí thành vũ khí động năng (kinetic, tức các loại đạn dược thông thường), vũ khí hóa học (chemical) và vũ khí nhiệt (thermal). Mỗi AC có thể trang bị nhiều loại thiết bị khác nhau để chống lại các loại vũ khí này, nhưng không gì là hoàn hảo: bạn có thể tạo nên một cỗ máy hoàn toàn “trơ lì” với vũ khí nhiệt, nhưng sẽ phải chịu sát thương rất lớn từ vũ khí động năng hay hóa học.
Mặc dù game mang lại một bài hướng dẫn (tutorial) nho nhỏ cho người chơi trước khi chính thức bước vào cuộc chiến, nhưng ACV là một trò chơi rất phức tạp và rắc rối, đòi hỏi game thủ phải trải qua một quá trình thử và sai trước khi có thể hoàn toàn hiểu rõ về con quái vật bằng thép của mình.
Sẵn sàng chiến đấu
Một khi đã hiểu rõ về AC và có được một chiến binh vừa ý, đó là lúc để bạn thực sự tham gia vào các chiến trường của game. Phần chơi chiến dịch chỉ bao gồm 10 nhiệm vụ khác nhau có phần lặp lại và nhàm chán, nhưng chúng lại có độ khó cao và là một thước đo lý tưởng để đánh giá trình độ của bạn. Bên cạnh đó, khoảng 80 nhiệm vụ Order Mission sẽ là nơi để game thủ “đánh bóng” kĩ năng và kiếm tiền cũng như unlock các thiết bị mới cho AC của mình. Bạn có thể tham gia vào các nhiệm vụ này một mình, hoặc tìm kiếm những game thủ khác hỗ trợ nhờ vào khả năng “online” mạnh mẽ của game. Những trận chiến sẽ trở nên vui (và dễ dàng) hơn rất nhiều khi có được hỏa lực trợ giúp từ những game thủ khác. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại, việc khóa region và “dân số” không cao của ACV đang khiến cho việc tìm được một người đồng hành trong những trận chiến này tỏ ra khá khó khăn và thử thách.
Video đang HOT
Mục chơi mạng của ACV là nơi được nhà phát triển đầu tư nhiều công sức nhất, và quả thật đã tỏ ra rất hấp dẫn với game thủ. Khi bắt đầu trò chơi, game thủ có thể gia nhập vào một binh đoàn có sẵn, hoặc tự tạo nên binh đoàn của riêng mình. Các binh đoàn này là cơ sở cho các chế độ chơi mạng của game, trong đó Conquest là “ngôi sao” sáng nhất. Trong chế độ này, 10 AC sẽ được chia làm hai đội để đánh chiếm hoặc bảo vệ một cứ điểm nào đó, mang lại những giờ phút chiến đấu hết sức thú vị. Việc phân công vai trò rõ ràng, cân bằng thế mạnh và điểm yếu của các AC trong đội là một điều rất quan trọng trong những trận chiến như thế này. Mặc dù vậy, như đã nói trên, việc phân vùng cho game thủ và lượng người chơi ít ỏi cũng đang gây nhiều khó khăn cho những game thủ muốn tận hưởng toàn bộ niềm vui mà ACV mang lại trong những trận chiến online của mình.
Họa ổn- Âm hay
Phần hình ảnh của game tỏ ra rất xuất sắc khi thể hiện được các mô hình AC với đầy đủ sự hầm hố và đe dọa đáng có, nhưng lại khá mờ nhạt ở các hiệu ứng môi trường cũng như ngoại cảnh. Các pha đọ súng với tên lửa và laser giăng khắp nơi, những vụ cháy nổ hoành tráng xuất hiện thường xuyên trong game cũng là một điểm mạnh của trò chơi. Tuy nhiên, việc tất cả đều được đặt trong một thế giới có tông màu nâu u ám đã làm giảm bớt phần nào ấn tượng đẹp của nền đồ họa với người chơi. Phần nhạc nền, hiệu ứng âm thanh và những giọng lồng tiếng danh giá của game cũng là một điểm mạnh khác, góp phần giúp người chơi hòa nhập vào những trận chiến trong game. Riêng cốt truyện của ACV lại là một điểm trừ, bởi nó tỏ ra rất mờ nhạt và chỉ có vai trò làm nền cho những nhiệm vụ trong phần chơi chiến dịch hơn là góp phần tạo ra một thế giới chân thực cho game thủ. Tuy nhiên, đây cũng là điều dễ hiểu bởi dòng game AC luôn tập trung vào những pha hành động với tốc độ cao hơn là các khoảnh khắc cảm xúc hay những câu chuyện đầy kịch tính.
Tóm lại, ACV là cột mốc đánh dấu sự trở lại rất thành công của thể loại game điều khiển chiến binh mech sau một thời gian dài vắng bóng trên tất cả các hệ máy. Bất kể việc đòi hỏi một khoảng thời gian kha khá để làm quen và lối chơi thử thách thì một khi đã làm chủ được các tính năng của game, ACV sẽ giữ bạn luôn bận rộn trước chiếc console của mình trong một khoảng thời gian dài.
Ưu điểm:
- Đồ họa đẹp mắt
- Âm thanh tốt
- Lối chơi đầy phấn khích
- Khả năng tùy biến cao
Nhược điểm
- Khó làm quen
- Cốt truyện vô nghĩa
- Lượng game thủ tham gia multiplayer ít
Phát hành: Namco Bandai
Phát triển: From Software
Ngày phát hành: 20/3/2012
Thể loại: Hành động
Theo Game Thủ
Armored Core V - Đại chiến robot
Thử tưởng tượng cảnh hai cỗ máy được trang bị súng ống tới tận răng đối đầu với nhau xem, kết quả hẳn sẽ rất thú vị! Một bên nhảy bật qua lại giữa các tòa , một bên bay là là dưới mặt đất. Hai bên tận dụng tối đa các thiết bị trinh sát và radar để định vị vị trí đối phương, trước khi sử dụng những khẩu cannon nòng dài và súng năng lượng để kết liễu. Cảm giác được biến kẻ thù thành một đống sắt vụn cực kì hứng thú, nhưng với Armored Core V, buồn thay, cảm giác hứng thú này lại khá hiếm hoi.
Để nắm được mọi kĩ năng và chiến thuật trên chiến trường, bạn phải tốn khá nhiều thời gian thực hiện những nhiệm vụ buồn tẻ, nhàm chán. Có thể một số fan lâu đời của dòng AC không cần đến điều đó, nhưng để unlock những chi tiết cần cho việc tạo nên một chàng người máy "khủng", bạn phải trải qua hàng loạt các nhiệm vụ dễ như ăn cháo. Phải khá lâu sau, khi những thách thức thực sự xuất hiện, hay khi bạn bước chân vào thế giới multiplayer, thì bạn mới bắt đầu cảm nhận được sự hào hứng của những trận chiến robot hoành tráng.
Có một điều tốt là, các nhiệm vụ này thường khá ngắn. Những nhiệm vụ của tổ chức Order thường kéo dài không quá một phút. Bạn load địa hình, chờ cho các hệ thống định vị khởi động và cứ đi theo chỉ dẫn cho tới khi đụng độ đối phương. Khi khung hình vuông màu cam xuất hiện trên màn hình, cho biết đã lock được mục tiêu, bạn chỉ việc kéo cần khai hỏa và nhìn đối phương nổ tung. Sau đó bạn sẽ được trả tiền công (trừ đi chi phí đạn dược và sửa chữa) và được đưa quay trở về với world map để chọn nhiệm vụ tiếp theo.
Nếu những nhiệm vụ của Order chỉ giúp bạn kiếm tí bạc lẻ hay thử súng ống, thì những nhiệm vụ Story lại khá khẩm hơn một tí. Một phần là vì những đoạn cinematic kể lại một câu chuyện gần như không thể hiểu nổi, liên quan đến những xung đột của một công ty độc quyền, một đội quân phiến loạn, và một nhân vật độc tài có bí danh "Father". Việc cố gắng phân tích để hiểu được cốt truyện rối rắm cũng là một thử thách khá lớn đối với sự kiên nhẫn của bạn. Cũng may, những nhiệm vụ Story cũng cho người chơi đối mặt với những thử thách khác trên chiến trường.
Không chỉ có những chiếc tank hay trực thăng tí hon như trước, bạn còn phải đối mặt với một đội quân máy móc dữ dằn, bao gồm những cỗ máy bắn tỉa cơ động, những chiếc máy bay nhanh nhẹn, những cấu trúc giáp nặng dai nhằn và những hệ thống phóng tên lửa nguy hiểm. Chiến đấu với bọn chúng sẽ làm bạn đổ một ít mồ hôi, nhưng rốt cục, mọi chuyện vẫn là một vấn đề chờ đợi khung màu cam xuất hiện và kéo cần. Đây vẫn không phải là những tên địch khiến bạn phải thực sự căng thẳng và sử dụng hết mọi ngón nghề của mình.
Sự thách thức lớn nhất đến từ AI là những con boss và những tên robot của địch (Hay là Armored Core, theo cách gọi của series). Boss của game hầu hết đều được tạo hình theo triết lý "càng to càng tốt", và sự hiện diện của chúng tạo một hiệu ứng tích cực lên khung cảnh môi trường. Hầu hết trong các nhiệm vụ, bạn phải di chuyển qua những thành phố xám xịt hay những khu công nghiệp ảm đạm. Tông màu chung của game khá buồn chán, và chỉ khi được truy đuổi một chiếc tàu hỏa bọc thép hay len lỏi dưới chân một cỗ máy chiến đấu bốn chân khổng lồ, bạn mới có được một chút hương vị của cái gì đó hấp dẫn hơn.
Những tên người máy địch nhìn cũng rất "cool", nhưng bạn chỉ có thể nhìn rõ chúng vào lúc trận đấu mới bắt đầu.Trong suốt thời gian còn lại, chúng di chuyển nhanh hơn những tên AI khác nhiều, và bạn phải di chuyển và lựa chọn vũ khí một cách sáng suốt mới mong hạ được chúng. Đây mới là thời điểm bạn cảm nhận được "mùi vị" thật sự của những trận chiến trong Armored Core V, những trận chiến với chiến thuật, khả năng thích ứng và sự chính xác đóng vai trò quan trọng trong việc phân định thắng thua. Và đây cũng là thời điểm game làm bạn phải suy nghĩ nghiêm túc về việc trang bị đồ chơi, đạn dược cho cỗ máy của bạn.
Lần đầu tiên bắt tay vào việc lắp ráp và lựa chọn thiết bị, có thể sẽ hơi khó khăn với bạn. Có hàng đống những con số, chữ viết tắt và thuộc tính bạn phải theo dõi, nhưng một khi đã dành kha khá thời gian để làm quen, mọi thứ sẽ trở nên dễ dàng hơn. Bạn bắt đầu biết cách đa dạng hóa vũ khí để gây ra những loại damage khác nhau một cách hiệu quả.
Thay đổi phần dưới của người máy từ hai chân sang bốn chân sẽ làm trọng lượng tăng một cách đáng kể, và chọn một bộ tăng tốc với sức gia tốc lớn sẽ khiến cỗ máy của bạn cơ động hơn rất nhiều. Hệ thống kiểm soát cháy, lõi, và bộ phát điện,.. tất cả đều ảnh hưởng không ít thì nhiều đến những trận đấu của bạn, và bạn sẽ unlock được vô số chi tiết khác nhau ở mỗi loại khi hoàn thành các nhiệm vụ. Cảm giác thay một bộ phận mới và nhìn những hiệu quả của nó trong combat cũng khá thú vị. Ngoài ra bạn còn có thể vào paint shop để "độ" lại vẻ ngoài cho cỗ máy của bạn theo ý thích.
Tốt nhất bạn nên có một vài bộ trang bị khác nhau khi bước ra chiến trường, đặc biệt là khi chơi những trận với team. Những người chơi Armored Core V được khuyến khích thành lập một online team và tham gia vào một cuộc đấu tranh liên tục cho việc thống trị bản đồ thế giới. Bạn có thể chơi chế độ Story hay những nhiệm vụ Order với một người chơi khác (một đồng đội hay một lính đánh thuê), còn những nhiệm vụ Invasion cho phép bạn lập team với bốn người chơi, một trong số đó sẽ đóng vai trò Operator, phân tích địa hình và chỉ huy, đưa ra những mệnh lệnh cho các người chơi khác.
Chế độ Invasion có bốn biến thể khác nhau, nhưng hầu hết chủ yếu là có mục tiêu tiêu diệt cơ sở vật chất đối phương và đối đầu với sự kháng cự từ AI. Đây cũng như một dạng nhiệm vụ Order với tầm vóc rộng lớn hơn, chỉ cần vài robot ngon lành một tí và một Operator nhạy bén, sáng suốt là bạn có thể vượt qua mọi nhiệm vụ một cách dễ dàng.
Nếu bạn muốn tranh giành lãnh thổ và điền tên team bạn vào bản đồ thế giới, bạn cần phải bắt tay vào làm những nhiệm vụ Conquest, với điều kiện phải có đủ một lượng team point nhất định mà team bạn có thể đạt được khi bất kì một thành viên nào của team hoàn thành một nhiệm vụ. Bước vào chế độ Conquest, team bạn sẽ bắt đầu bắt tay vào cuộc chiến tranh giành lãnh thổ và bảo vệ những lãnh thổ đã chiếm được.
Việc được cùng team chinh phục thế giới có thể rất hào hứng, nhưng những nhiệm vụ lặp đi lặp lại, môi trường buồn tẻ và sự yêu cầu team point kết hợp lại tạo cho bạn một cảm giác lê thê khó chịu. Sau này, những cuộc combat team cũng trở nên đa dạng hơn với các trận đấu boss (unlock khi team bạn đạt level cao) và đấu multiplayer, nhưng những mảng này cũng có những vấn đề riêng. Các trận đấu boss thường bị gián đoạn bởi những vật thể không rõ ràng, trong khi ở các trận deathmatch 8vs8 hay 5vs5, chỉ những đội thắng mới được điểm thưởng, làm cho những nỗ lực của nhiều người chơi trở nên vô nghĩa.
Bước vào những trận đấu team như thế, được sử dụng cỗ máy được trang bị ngon lành của bạn để giúp team chiến thắng trận đấu sẽ cho bạn cảm giác rất thỏa mãn. Không may, phần còn lại củaArmored Core V không hoàn hảo được như vậy. Để đạt được những cảm giác thử thách thú vị, bạn phải trải qua hàng giờ thực hiện những nhiệm vụ dễ dàng đến mức ngô nghê. Thật đáng tiếc, vì nếu tập trung vào những trận chiến online hơn một chút, Armored Core V có thể sẽ để lại một dấu ấn lớn hơn trong series dài hơi này.
Theo Game Thủ
Những cỗ máy khổng lồ càn quét trong Armored Core V Đây là một trong số ít những trò chơi nhập vai hấp dẫn cho phép game thủ điều khiển những robot hiện đại chứa đầy sức mạnh. Armored Core V là phiên bản thứ 14 của series Armored Core do hãng From Software phát triển và được Namco Bandai phát hành. Mặc dù mang danh nghĩa là phần tiếp theo, nội dung của...